Logo loading

‘QUẢ TÁO TRONG MẮT TÔI’ — CEZANNE ĐỐI VỚI NHỮNG NGHỆ SĨ KHÁC

[“Quả táo trong mắt tôi”: câu thành ngữ tiếng Anh mang nghĩa thân yêu nhất, yêu thích nhất, quí nhất của ai đó.] “Với một quả táo, tôi sẽ khiến Paris kinh ngạc”, Paul Cezanne từng tuyên bố. Rời quê hương Aix-en-Provence đến thủ đô nước Pháp ở tuổi hai mươi, đây chính xác là […]
|Viet Art View

[“Quả táo trong mắt tôi”: câu thành ngữ tiếng Anh mang nghĩa thân yêu nhất, yêu thích nhất, quí nhất của ai đó.]

“Với một quả táo, tôi sẽ khiến Paris kinh ngạc”, Paul Cezanne từng tuyên bố. Rời quê hương Aix-en-Provence đến thủ đô nước Pháp ở tuổi hai mươi, đây chính xác là những gì ông đã làm. Tại đây, chúng tôi tập hợp một loạt các nghệ sĩ từ thời Cezanne và từ chính chúng tôi để kể câu chuyện về di sản phi thường của ông.

Paul Cezanne. Tĩnh vật với đĩa hoa quả. 1879–80. Sơn dầu trên toan. 46.4 × 54.6 cm. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York. Hình ảnh số © 2022, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại/Scala, Florence.

Mỗi thế hệ mới kế thừa thế giới của những người đi trước, quyết định điều gì nên giữ và điều gì nên từ bỏ. Giá trị, thị hiếu, câu chuyện và nghệ thuật có thể bị gạt sang một bên, hoặc tiếp tục tạo ra tiếng vang, duy trì hoặc thậm chí bền vững qua nhiều năm tháng.

Paul Cezanne sinh ra ở Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp vào năm 1839. Cha của ông, một doanh nhân và chủ ngân hàng đáng kính, mong muốn cậu con trai duy nhất của mình theo học trường luật danh tiếng của địa phương. Cezanne có những ý tưởng khác. Ông muốn trở thành một nghệ sĩ — một người phá vỡ quy tắc hơn là tuân theo quy tắc. Năm 1861, ông đến với người bạn học của mình, tác giả nổi tiếng Émile Zola, ở Paris cùng với giới sáng tác của nó. Tại đây, ông đã bác bỏ những gì ông thấy là các phương pháp cũ được dạy trong các trường nghệ thuật hàng đầu, và những bức tranh nền nã được ca ngợi tại triển lãm Salon do nhà nước tổ chức hàng năm. Cezanne thích giao lưu với các nghệ sĩ ít được biết đến hơn và bị chế giễu nhiều hơn: Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir và Camille Pissarro. Đó là lúc Cezanne bắt đầu loại bỏ các quy tắc nghệ thuật cũ và xây dựng lại — “Với một quả táo, tôi sẽ khiến Paris kinh ngạc”.

Ban đầu xuất hiện với tư cách là một thành viên bên lề của nhóm họa sĩ Ấn tượng, sự công nhận chỉ dần dần xuất hiện trong những năm cuối đời Cezanne khi một thế hệ nghệ sĩ trẻ ca ngợi ông là người hùng của họ. “Người thầy, có một và duy nhất của tôi”, Pablo Picasso nói về Cezanne; “thân yêu nhất của tôi”, Paul Gauguin nói về bức ‘Tĩnh vật với đĩa hoa quả’ 1879–80 của Cezanne, tài sản quý giá của ông, “Tôi chỉ chia tay với nó sau chiếc áo cuối cùng của mình.”

Sự ngưỡng mộ ngày càng tăng từ các nghệ sĩ vẫn không chuyển thành sự công nhận rộng rãi. Năm 1896, nhà nước Pháp từ chối ba bức tranh của Cezanne, và năm 1921, sau khi ông qua đời, Tate từ chối đề nghị mượn và trưng bày ‘Đập François Zola’ 1877–8, một tác phẩm sau này được nhà phê bình Roger Fry mô tả là “một trong những tuyệt tác bậc nhất trong tất cả các cảnh quan của Cezanne”.

Paul Cezanne. Đập François Zola. 1877–8. Sơn dầu trên toan. 54.2 × 74.2 cm. Được thừa kế bởi Gwendoline Davies, 1951. Mượn từ Amgueddfa Cymru – Bảo tàng Quốc gia Wales.

Tuy nhiên, thủy triều là không thể ngăn lại được. Tate đã thay đổi quan điểm của mình để trở thành bảo tàng quốc gia đầu tiên của Vương quốc Anh trưng bày Cezanne năm sau đó; là bảo tàng đầu tiên có được tác phẩm của ông vào năm 1925. Tại triển lãm hồi tưởng quan trọng năm 1996 của Tate, Cezanne đã thu hút được con số kỷ lục là 408.608 lượt khách. Một loạt các siêu sao những năm 1990 đã đến xem triển lãm, trong số đó có Công nương Diana và Meat Loaf.

Giờ đây chúng ta nhìn Cezanne qua lăng kính mới, với những câu hỏi mới. Ông đã phản ứng như thế nào trước những chuyển biến chính trị và xã hội hỗn loạn trong thời đại ấy? Làm thế nào ông cân bằng ảnh hưởng của thủ đô Paris với ảnh hưởng từ quê hương nông thôn thân yêu của mình? Chúng ta có nên tiếp tục tôn kính người phá lệ một thời này, nay là nhân vật cốt lõi của nghệ thuật hiện đại không? Như chính Cezanne đã nói: “Chúng ta không nên bằng lòng với việc nắm giữ những công thức tuyệt đẹp của những người tiền nhiệm lừng lẫy của chúng ta.”

Những đóng góp sau đây chứng tỏ rằng Cezanne vẫn là sự kinh ngạc và nguồn cảm hứng tối thượng với các nghệ sĩ ngày nay. Triển lãm lần này mang đến cơ hội chỉ có một lần trong cả thế hệ để chúng ta khám phá, hoặc khám phá lại Cezanne cho chính mình.

‘Triển lãm EY: Cezanne’ được giới thiệu tại Phòng trưng bày Eyal Ofer, Tate Modern, ngày 5 tháng 10 năm 2022 – 12 tháng 3 năm 2023. Được giám tuyển bởi Natalia Sidlina, Curator, Nghệ thuật Quốc tế, Tate Modern; Gloria Groom, Chair và David và Mary Winton Green, Curator, Tranh và Điêu khắc châu Âu; Caitlin Haskell, Gary C. và Frances Comer, Curator, Hiện đại và Đương đại, Viện Nghệ thuật Chicago và Michael Raymond, Trợ lý Curator, Nghệ thuật Quốc tế, Tate Modern. Triển lãm là một phần của The EY Tate Arts Partnership. Được hỗ trợ bởi Tổ chức Gia đình Huo, với sự hỗ trợ thêm từ Hội những người ủng hộ Triển lãm Cezanne, Hội đồng Quốc tế Tate, những người bảo trợ Tate và các thành viên của Tate. Được tổ chức bởi Tate Modern và Viện Nghệ thuật Chicago.

Nguồn: Tate

Lược dịch bởi Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top