Logo loading

QUÁ TRÌNH TÌM TƯ LIỆU ĐỂ SÁNG TÁC TRANH  “CHÂN DUNG BÀ TRIỆU”

Sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ giang sơn của nhân dân ta, thời nào cũng xuất hiện những anh hùng hào kiệt vĩ đại, họ đã viết nên những trang sử  chói lọi, hào hùng cho dân tộc, trong số đó có nữ tướng Triệu Thị Trinh, mà chúng ta vẫn gọi với cái […]
|Viet Art View

Sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ giang sơn của nhân dân ta, thời nào cũng xuất hiện những anh hùng hào kiệt vĩ đại, họ đã viết nên những trang sử  chói lọi, hào hùng cho dân tộc, trong số đó có nữ tướng Triệu Thị Trinh, mà chúng ta vẫn gọi với cái tên “Bà Triệu”.

Người đời trong tâm thức sâu thẳm còn nhớ câu nói nổi tiếng của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp cơn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Khí phách ấy của Bà Triệu đã làm rạng rỡ tô thắm ngọn cờ độc lập dân tộc Việt từ ngàn xưa và ngày nay vẫn mãi mãi sáng ngời.

Bà Triệu sinh ngày 02/10 năm Bính Ngọ năm 226 tại Yên Định, Thanh Hoá. Trong một cuộc chiến đấu ác liệt với quân Ngô, bà đã hy sinh lúc mới 23 tuổi xuân. Để tưởng nhớ bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ở núi Gai huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá và nhiều nơi trong nước. Hằng năm, vào ngày 19-24 tháng 2, nhân dân lại mở lễ hội tưởng niệm, tôn vinh công đức của bà đối với dân tộc một nghi thức truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Nhiều sách, báo, in ấn ca ngợi khí phách oanh liệt thông qua những truyền thuyết dân gian, thơ ca về Triệu Thị Trinh, một nữ tướng tài ba và được phát hành rộng rãi trong nhân dân từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên để khắc hoạ một chân dung có thể nói là có thần có hồn, sát với tính cách như sử sách đã ghi chép bằng ngôn ngữ tạo hình một cách chân thực thì chưa thấy, có chăng cũng chỉ xuất hiện bằng hình tượng ước lệ, tranh dân gian mà thôi.

Tranh dân gian Đông Hồ “Bà Triệu Cưỡi voi” 

Là một hoạ sĩ, chuyên sâu vẽ chân dung những anh hùng, nhà văn hoá lớn trong lịch sử dân tộc, trong đó có Bà Triệu, tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, đọc sách lịch sử, truyện dân gian và tham khảo ý kiến của nhiều người làm sử, hoạ sĩ ở trung ương và địa phương để tìm tư liệu, cách thức tiếp cận sát thực nhất cho việc sáng tác chân dung Bà Triệu. Từ năm 1966, lúc đó còn công tác ở phòng văn hoá thông tin huyện, tôi đã có nhiều phác thảo về chân dung Bà Triệu, nhưng cũng không đâu vào đâu, chẳng qua là những bức vẽ theo cảm tính mà chưa có một căn cứ khoa học nào. Thời gian cứ trôi đi, sự nung nấu ý tưởng đó vẫn theo đuổi cho việc sáng tác bức tranh chân dung bà. Đầu năm 1980, tôi có công bố hai bức tranh Bà Triệu và Lê Lợi do Nhà xuất bản Thanh Hoá ấn hành (theo cách vẽ tranh dân gian) phát hành rộng rãi trong dịp Tết Nguyên Đán, xét cho cùng cách vẽ này cũng mang tính ước lệ tôn vinh mà thôi. Để có một bức tranh chân dung bà Triệu như mong muốn, mãi đến những năm đầu của thế kỷ 21, như vậy hơn 50 năm tôi mới tập trung tâm trí để nghiên cứu và xây dựng hình tượng bà Triệu với một tư liệu có thể.

Trong sử sách như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tục Biên hay Tiền Biên cũng, nói chung các vị Hoàng đế, anh hùng, nhà văn hoá mà cách đây hằng vài ba thế kỷ sử liệu rất ít ỏi huống chi sử sách nói về hình hài Bà Triệu càng hiếm hoi hơn nhiều. Gần hai thiên niên kỷ đã qua, những truyền thuyết dân gian nói về dáng vóc, dung nhan, tính cách của bà có thể nói vừa huyền thoại, vừa thực, khó phán đoán, miêu tả một cách sát đúng. Ngay cả ứng dụng cho việc tâm linh để may thay trong ảo giác của người sáng tác, tôi cũng chưa thấy gì hình dáng bà thông qua linh cảm. Tôi cũng đã tìm hiểu ở một số người ngoại cảm về vấn đề này, họ cho rằng những người đã mất lâu năm, hàng chục thế kỷ thì năng lượng của linh hồn không còn mạnh, tính thẩm thấu của điện từ vào tâm thức của con người cũng yếu đi, đã thế tần số giao cảm của con người đối với linh hồn người đã mất cũng không ai giống ai. Nhiều nhà nghiên cứu tiềm năng về con người cũng như một số hoạ sĩ chuyên vẽ chân dung của người đã khuất lâu đời, người ta cũng phải kết hợp nhiều yếu tố để tìm một độ tin cậy cho việc nhận dạng dung quang của một con người đã có chủ định từ trước. Sau khi hoàn thành một số tranh chân dung như Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Hồ Quý Ly, có nhiều người nhắc nhở, động viên tôi tiếp tục sáng tác tranh về hoàng đế Lê Đại Hành, Bà Triệu,… trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo Thanh Hoá và trước mắt tôi tập trung nghiên cứu chân dung Bà Triệu, một danh nhân đất Việt, người con vĩ đại sinh ra và lập nghiệp ở Thanh Hoá.

Bà Triệu – Sơn dầu Hoàng Hoa Mai

Trong lần chắp nối các tư liệu hiện có nói về Bà Triệu mà trong tâm tưởng tôi mường tượng trong tư duy ẩn hiện một nữ tướng với gương mặt khác thường vừa đôn hậu, mắt to sáng, dáng vóc cao lớn, có khuôn mặt xinh đẹp như truyền thuyết đã miêu tả, song đó cũng chỉ là tưởng tượng trong đầu, chưa có cơ sở khoa học cho việc dựng hình chân dung bà một cách sát thực.

Vì thấy khó quá, tôi đã nhiều lần phải bỏ cuộc, vẽ chân dung bà không phải là trong đầu không để tâm sáng tác mà trong tay không có một cứ liệu nào đảm bảo độ tin cậy cao, trong tâm thức, tôi cố gắng hết sức ngay khi có linh cảm diện mạo của bà cũng chưa có sức thuyết phục. Do vậy, còn một cách vẽ theo phương pháp cảm nhận suy lý thông qua sử sách nói về tính cách tài năng đặc biệt là câu nói bất hủ của bà để tôn vinh. Phương pháp này, nhiều nghệ sĩ tạo hình trên thế giới người ta cũng đã áp dụng, theo cách thức quy nạp và loại trừ. Quy nạp những tư liệu có cơ sở khoa học (giải phẫu, nhân chủng học) mà người ta thường gọi là dáng vóc, tướng mạo nhân cách, phong thái trong sử sách có nêu, còn việc loại trừ là ở những tư liệu nhân cách hoá, truyền thuyết dân gian không có thật theo lối huyền ảo như “ngực” bà to vắt vai,…

Triệu Thị Trinh là nhân vật của lịch sử, là một con người được cấu trúc theo quy luật tự nhiên vì vậy việc miêu tả chân thực dung quang của bà là phải thực sát đúng với cơ thể thật của con người thanh nữ. Ở đây phương pháp biểu hiện là phải loại trừ cách miêu tả trừu tượng, siêu thực,…để người xem có thể hình dung ra được đó là con người có thật bằng da, bằng thịt với một khí phách oai hùng của nữ tướng vĩ đại Bà Triệu ở đầu thế kỷ thứ ba sau công nguyên.

Nói là người cổ đại nhưng nữ tướng Triệu Thị Trinh đối với sự phát triển tiến hoá của nhân loại hằng triệu năm thì hình thể, vóc dáng của bà thời đó so với ngày nay hầu như không có gì thay đổi khác lạ. Do đó, việc miêu tả dung nhan Bà Triệu là điều khó không những trong sáng tác chân dung nói chung, huống chi biểu đạt một khuôn mặt của bà như sử sách, truyền thuyết dân gian đã ca ngợi là một thiếu nữ rất xinh đẹp cả về dung quang cho đến phong cách, dáng thể, quả thật là không dễ dàng. Diễn tả cho được thiếu nữ có một khuôn mặt cấu trúc đẹp, duyên dáng, đôn hậu, đoan trang đã là khó, còn phải kết hợp hai yếu tố vừa đẹp vừa khẳng khái, dũng khí, mạnh mẽ của một vị tướng thật là không dễ chút nào. Phàm những người giới nữ có tố chất võ nghệ, dũng khí mạnh mẽ thường là người có vai rộng, cơ bắp rắn chắc, tay phải dài, chân cao, phong thái nhanh nhẹn, oai phong, chắc chắn Bà Triệu phải là người như vậy mới có thể quyết đoán cưỡi voi ra trận chiến đấu với quân thù hung ác, tàn bạo nhất trong lịch sử; song ở bà còn là thiếu nữ nhan sắc mà kẻ địch vừa tức giận vừa run sợ lại vừa muốn quyến rũ để làm tì thiếp, một vấn đề rất phức tạp cho việc biểu đạt hai yếu tố trên.

Theo sử sách và những lời truyền miệng dân gian thì Bà Triệu, một nữ tướng có đôi mắt sáng tinh anh, mũi cao, có đôi môi huyền bí, hấp dẫn, giọng nói sang sảng, khuôn mặt của bà không hoàn toàn trái xoan và cũng không phải là chữ điền mà trung hoà giữa chữ điền và trái xoan. Thông thường nếu thanh nữ có khuôn mặt trái xoan, là người có nữ tính mềm mại, dịu dàng khác với khuôn mặt chữ điền thường là những thiếu nữ mạnh mẽ, cứng rắn hơn. Khái quát lại, những tư liệu sử sách và các truyền thuyết dân gian về Triệu Thị Trinh là một thiếu nữ xinh đẹp, đôn hậu, khoẻ mạnh có dáng vóc cao lớn với khí phách anh hùng có lòng yêu nước, thương dân, quyết chiến chống ngoại xâm đến cùng để giành lại độc lập dân tộc, quyết không làm nô lệ cho ngoại bang.

Miêu tả chân dung đã khó, việc biểu đạt phục trang còn khó khăn hơn nhiều. Trong nhiều tài liệu có ghi, mỗi khi ra trận Bà Triệu mặc áo giáp đồng, đầu đội nón ngà, chân đi guốc bằng ngà, lại có sách ghi bà đội nón ngà, đi guốc, thắt khăn hồng,… Như vậy về phục trang theo truyền thuyết dân gian và sử sách ghi chép là có cơ sở vì ở thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, việc chế tác đồ đồng đã phát triển, như trang sức bằng đồng làm mũ chiến, áo chiến, vũ khí, mỹ nghệ thống dụng, thờ cúng bằng đồng khá phổ biến, hơn nữa đồ đồng Đông Sơn ở thời điểm này cũng khá phát triển. Do đó có thể mũ và áo giáp bằng đồng là phù hợp với trang phục nhà binh thời bấy giờ. Song bức tranh tôi miêu tả là thời điểm Bà Triệu không mặc áo giáp ra trận mà là thời điểm chỉ huy luyện binh. Cách vẽ này là ý đồ của tác giả xây dựng nhân vật nhằm tôn vinh nữ anh hùng dân tộc mà nhân dân thường gọi là “Vua Bà” còn giặc Ngô phải thốt lên:

“Hoành qua đương hổ dị,

Đối diện Bà Vương nan”

Nghĩa là:

“Vung giáo chống hổ dễ

Giáp mặt Vua Bà khó”

(Lịch sử Việt Nam, nhà xuất bản Thông Tin 2005)

Cách biểu đạt Bà Triệu ở đây ở thế điều binh khiển tướng, luyện quân, tay nắm chắc gươm, khoác áo bào đỏ, áo màu vàng, mũ đồng có biểu tượng mặt trời và ba tia sáng, theo triết lý vững bền, chiến thắng, được khai thác từ chất liệu ở hoạ tiết trống đồng, đồ đồng Đông Sơn và kiếm đồng thời đó.

Trong tranh gương mặt anh minh hùng dũng, khí phách, oai phong, dung nhan rạng rỡ xinh đẹp của bà vẫn toả sáng như đang thúc giục đoàn quân dưới rừng cờ, người và voi đang xông pha chiến trận, được bố cục một cách chặt chẽ với khí thế hào hùng trong tranh. Bà Triệu trong tư thế của thủ lĩnh nghĩa quân ung dung nhìn thẳng về phía trước, luyện quân võ nghệ tinh thông để chuẩn bị giáp mặt với quân thù, dưới cơn gió mạnh như cổ vũ sức chiến đấu của nghĩa quân thừa thắng xông lên.

Vẽ nhiều tranh về chân dung lịch sử như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Văn Hưu,…càng vẽ càng thấy khó, khi vẽ đến Bà Triệu lại càng khó hơn nhiều. Đã hơn 50 năm trăn trở và có hằng nhiều chục phác thảo, in xuất bản, công bố báo chí để tiếp nhận dư luận góp ý song đến nay mới có thể chỉnh sửa cơ bản hoàn thành.

Đối với chân dung một con người đã sống cách đây 1700 năm, gần hai thiên niên kỷ, việc tìm tư liệu có liên quan đến một con người nữ tướng kể cả về dung quang, hình thể, phục trang, binh khí chuyên dụng để biểu đạt tạo hình là hết sức khó khăn vì thế chỉ có cách áp dụng những tư liệu có thể suy lý ở những khía cạnh lịch sử và đặc trưng của giải phẫu nhân chủng học để xây dựng tác phẩm. Yếu tố còn lại kiểm nghiệm của tác giả là phương pháp tâm linh theo linh cảm của giác quan thứ sáu, cách làm này là không thể thiếu được, áp dụng mang tính phổ biến cho hoạ sĩ xây dựng chân dung người đã khuất.

Để tri ân đối với vị nữ tướng tài ba Triệu Thị Trinh, tôi đã dày công nghiên cứu, tìm tòi cách biểu đạt để hôm nay cảm thấy mãn nguyện được miêu tả lại chân dung bà, một nhân cách vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt.

 

                    Bài viết bởi tác giả Hoàng Hoa Mai

Chia sẻ:
Back to top