VŨ CAO ĐÀM (1908-2000). Chân dung thiếu nữ với chiếc khăn xanh. Khoảng thập niên 1950. Mix trên lụa bồi trên gỗ. 33×24 cm
Nhà văn đại tài người Pháp Voltaire (1694-1778) từng nói: “Sắc đẹp làm vui mắt, nhưng khí chất duyên dáng làm mê hoặc tâm hồn”.
Nghệ thuật bắt nguồn từ cảm xúc
Tục ngữ Việt Nam có câu “con mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”, hàm ý chỉ tướng hình của cô gái có số phú quý giàu sang. “Mắt lá răm” với một mí lớn, hơi giống mắt phượng; vừa mang vẻ man mác buồn sâu lắng, lại thêm chút sắc sảo, khiến người đối diện đem lòng mê say, muốn khám phá tận cùng cội nguồn của sự quyến rũ đó.
Các nghệ sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ưa chuộng vẻ đẹp này, thậm chí nó đã trở thành một kiểu thức tạo hình được yêu thích.
Tác phẩm “Chân dung thiếu nữ với chiếc khăn xanh”, chất liệu lụa, sáng tác khoảng đầu thập niên 1950, là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất thể loại tranh chân dung nữ của Vũ Cao Đàm.
Dưới nhãn quan nghệ thuật sâu sắc của ông, chân dung thiếu nữ Việt Nam được mô tả tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ đoan trang, thanh lịch. Từ mái tóc dày đen nhánh quấn khăn mấn đến vầng trán cao, rộng, thông minh. Cuốn hút hơn cả là đôi mắt đuôi dài với nét mày thanh nhỏ; thêm chiếc cằm đầy đặn để hoàn thiện ngũ quan… hội tụ đầy đủ vẻ đẹp theo quy chuẩn nhân tướng học dân gian xưa.
Chiếc khăn xanh với chất liệu voan mỏng khá phổ biển trong tranh lụa của Vũ Cao Đàm. Nó như một “tương tác quan trọng” đóng vai trò là khối hình “trong suốt” duy nhất, phủ lên các hình “đặc” như cơ thể, khuôn mặt… với dụng ý tôn vẻ mềm mại, dịu dàng bên ngoài và khí chất bên trong.
Điểm đặc biệt nhất được tác giả tập trung diễn đạt là phần ý niệm dùng để miêu tả sâu sắc tâm thái của trí huệ. Nó toả ra từ ngũ quan, phủ đầy lên sắc diện xinh đẹp vẻ tự tin, thanh nhã; là đỉnh cao “thần thái” một nữ nhân có thể đạt tới, cho dù họ đang ở bất cứ trạng thái cảm xúc nào.
Vậy, thiếu nữ ấy là ai, ở đâu, tính cách như thế nào, tại sao cô ấy lại mang một nỗi buồn dịu dàng, sâu lắng, làm mềm lòng tất cả ánh nhìn đối diện như thế? Người xem không biết, người xem muốn tìm hiểu. Hay phải chăng tâm trạng ấy là của tác giả? Bởi khi họa sĩ vẽ là lúc họ ghi lại dấu ấn cảm xúc từ chính tâm hồn mình. Những điều này được khởi nguồn từ nhiều lý do. Có thể từ xã hội, từ gia đình; hoặc từ cả những suy nghĩ lớn lao hơn về quan điểm cuộc sống đến ánh nhìn về dân tộc, về quê hương.
Khởi nguồn từ ký ức đẹp
Năm 1931, sau khi cha mẹ kính yêu qua đời, Vũ Cao Đàm sang Paris học tập và chọn Pháp là nơi sinh sống lập nghiệp của mình. Kể từ thời điểm đó cho đến tận cuối đời, ông chưa một lần có dịp quay về thăm quê hương cho thỏa nỗi nhớ mong.
Chân dung họa sĩ Vũ Cao Đàm (1908-2000)
Trong 23 năm ở Việt Nam, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, tâm trí của Vũ Cao Đàm đầy ắp hình ảnh tươi đẹp với gia đình, bạn bè. Những ký ức đẹp đẽ diệu kỳ ấy luôn hiện diện trong trái tim ông. Khi lập nghiệp ở phương xa, sâu thẳm tận đáy lòng, quê hương Việt Nam với văn hóa, cảnh sắc, con người, đặc biệt là bóng hình mẹ cha luôn đong đầy thương nhớ trong tâm trí…
Những thương mến ấy được chuyển hóa rất tự nhiên từ tâm hồn ông đi vào tác phẩm. Ông khắc họa lại những ký ức tươi đẹp đã từng sống trong quá khứ. Đồng thời cũng là tâm tưởng của một truyền thống văn hóa đẹp được chuyển hóa vào nhân vật nữ điển hình.
Giá trị của cảm xúc – giá trị của tác phẩm
Có một số quan điểm trong việc đánh giá “giá trị của tác phẩm nghệ thuật”. Một tác phẩm nghệ thuật cần phải “hiểu” sâu sắc nó mới trở nên có giá trị. Hay chính sự đa dạng trong cách tiếp nhận của mỗi người sẽ làm nên giá trị của nghệ thuật?
Khi ngắm nhìn “Thiếu nữ và chiếc khăn xanh”, người xem đặt cảm xúc của mình trong cảm xúc của tác giả sẽ thấy “tâm ý của ông sâu xa hơn rất nhiều trong việc khắc họa một bức chân dung”.
Chỉ một hình ảnh người thiếu nữ xinh đẹp với nỗi buồn dịu dàng, ẩn chứa khí chất thanh lịch cùng vẻ kiên nghị, Vũ Cao Đàm đã “vẽ lên” tâm trạng của chính mình và “vẽ lên” tâm trạng của những người con sống xa quê hương, ngày đêm thương nhớ về đất mẹ…
Bài Viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View