Logo loading

RA MẮT KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY MỸ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI TẠI BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

Từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986, Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Diện mạo mới của đất nước đã góp phần tạo thêm sức sống mới và nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các họa sĩ, nhà điêu khắc. Rất nhiều khuynh hướng tư duy sáng […]
|Viet Art View

Từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986, Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Diện mạo mới của đất nước đã góp phần tạo thêm sức sống mới và nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các họa sĩ, nhà điêu khắc. Rất nhiều khuynh hướng tư duy sáng tác mới từ bên ngoài được nghệ sĩ tiếp cận một cách nhanh chóng có chọn lọc, từng bước tô đậm thêm diện mạo cho nền Mỹ thuật Việt Nam- một nền Mỹ thuật giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trước sự chuyển mình mạnh mẽ của nền Mỹ thuật Việt Nam đương đại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã kịp thời song hành tuyển chọn, sưu tầm và lưu giữ các tác phẩm làm giàu thêm cho kho tàng Mỹ thuật Đương đại Việt Nam.

Không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại tại bảo tàng 

Cuối tháng Hai vừa qua Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mở cửa ra mắt không gian trưng bày Mỹ thuật Đương đại tại tầng 2& 3, nhà B (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Không gian trưng bày Mỹ thuật Đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được điều chỉnh và mở rộng trên cơ sở nội dung Mỹ thuật Đương đại nằm trong hệ thống trưng bày thường xuyên trước đây của bảo tàng, được trưng bày dưới hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật.

Có thể thấy, ở các nước trên thế giới, không gian trưng bày mỹ thuật đương đại được hình thành từ rất sớm. Tại Bảo tàng Metrpolitan không gian giành cho việc nghiên cứu, sưu tầm, triển lãm nghệ thuật hiện đại và đương đại được thành lập từ năm 1890; Viện Nghệ thuật Đương đại ở London được thành lập vào năm 1947, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại mới ở New York thành lập năm 1977; vào những năm 1980, Bảo tàng Tate đã lên kế hoạch thành lập Bảo tàng Nghệ thuật đương đại,… So với thế giới không gian Mỹ thuật Đương đại Việt Nam được thành lập muộn hơn, thế nhưng đó là một dấu mốc quan trọng để hình thành sự phát triển bền vững trong tương lai cho nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Trước đây, các tác phẩm mỹ thuật đương đại chỉ trưng bày đan xen tại các triển lãm, bảo tàng mà chưa có không gian riêng. Lần này, việc dành không gian riêng biệt cho mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho thấy sự đổi mới của Mỹ thuật. Đây có thể được coi là sự ghi nhận, bước đột phá đầy khích lệ cho người làm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại”.

Đến với không gian trưng bày mỹ thuật đương đại người xem sẽ được thưởng thức trọn vẹn 65 tác phẩm mỹ thuật thuộc nhiều thể loại: hội họa, đồ họa, điêu khắc thể hiện trên nhiều chất liệu, các tác phẩm được sáng tác từ năm 1980 đến nay đem đến cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về nền Mỹ thuật Đương đại Việt Nam.

Các tác giả bao gồm nhiều thế hệ, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1925 và trẻ tuổi nhất sinh năm 1985. Có thể kể đến một số tên tuổi như: Ngọc Thọ (1925), Trịnh Cung (1939), Nguyễn Trung (1940), Thành Chương (1949), Lê Anh Vân(1952), Phạm Luận (1954), Nguyễn Quốc Hội (1960), Lê Quảng Hà (1963), Nguyễn Hải Nguyễn (1965), Diệp Quý Hải (1971), Bùi Tiến Tuấn (1971), Trần Hoàng Sơn (1972), Nguyễn Ngọc Dân (1972), Phạm Bình Chương (1973), Vũ Đình Tuấn (1973),…

Ngọc Thọ (1925- 2016). Hổ. 2011. Sơn dầu. 110×115 cm

 

Nguyễn Trung (1940).Vách tường.1998. Sơn dầu. 100×100 cm

Thành Chương (1949). Chiều mùa hè. sơn mài

Điểm đặc biệt của phòng trưng bày đương đại chính là “hơi thở thời đại được nghệ sĩ thổi hồn vào trong các tác phẩm hội họa, điêu khắc”. Các sáng tác dù được tạo hình theo lối trừu tượng hay hiện thực thì mỗi một tác phẩm đều là một góc nhìn rất riêng về cuộc sống, rất đời thường nhưng không hề mất đi sự lãng mạn nhất định của nghệ thuật. Các tác phẩm trong phòng trưng bày đã thoát khỏi đề tài “công, nông, binh” của các thế hệ trước để mang đến cho người xem sự chiêm nghiệm về con người, xã hội của thời đại mình đang sống. Đó còn là tiếng nói chung của thời đại, cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Thông qua các tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng môi trường sống tích cực và lành mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Lê Anh Vân (1952). Giai điệu miền núi. 1994. Sơn dầu. 79×109 cm

Trần Hoàng Sơn (1972). Người ở làng. 2011. Màu nước. 210×210 cm

Không gian trưng bày Mỹ thuật Đương đại có thể phần nào mang đến cho công chúng sự hình dung dễ dàng hơn về mỹ thuật đổi mới của Việt Nam, các khuynh hướng sáng tác, các chất liệu, sự thay đổi của mỹ thuật,… Đây sẽ là một trải nghiệm nghệ thuật rất đỗi thú vị với người xem.

Nguyễn Hải Nguyễn (1965). Đầu ngựa. 1991. Đồng. 52x23x20 cm

Lim Kim Katy (1978). Đời đẹp. 2011. Sơn dầu. 120×150 cm

Phạm Luận (1954). Ấn tượng phố số 5. 1997. Bột màu. 75×84 cm

Vũ Đình Tuấn (1973). Mùa thu vàng. 2017. Lụa. 120×78 cm

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top