Logo loading

SẮC XUÂN TRÊN TRANH LƯƠNG XUÂN NHỊ

Như một ngẫu nhiên kỳ lạ tôi nhận viết bài này vào cận Tết âm lịch. Giao mùa giữa ngày đông ảm đạm lạnh giá người Hà Nội sắp sửa đón Tết xuân ấm áp. Ngoài kia trời đã bắt đầu ấm lên. Hạnh phúc nào hơn được ngắm tranh Đi chợ Tết, sắc xuân […]
|Viet Art View

Như một ngẫu nhiên kỳ lạ tôi nhận viết bài này vào cận Tết âm lịch. Giao mùa giữa ngày đông ảm đạm lạnh giá người Hà Nội sắp sửa đón Tết xuân ấm áp. Ngoài kia trời đã bắt đầu ấm lên. Hạnh phúc nào hơn được ngắm tranh Đi chợ Tết, sắc xuân được Lương Xuân Nhị gửi gắm từ tuổi hoa niên.

Lương Xuân Nhị (1914-2006). Chợ hoa ngày Tết. Thập niên 1970-1980. Bột màu. 53×110cm

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII (1932-1937) với điểm cao nhất, những năm sau đó ông luôn nhận giải bạc, giải vàng ngoại hạng về hội họa. Ông đến với nghệ thuật cũng thật giản dị vì gia đình ông có cửa hàng bột màu nên đã học vẽ từ năm 16 tuổi, cũng như gia đình họa sĩ Trần Văn Cẩn có nghề nặn tò he, Nguyễn Gia Trí có nghề thêu phẩm phục, trướng liễn.

Chân dung họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914-2006)

Ông là một nghệ sĩ tài hoa kỹ càng trong sáng tác với bảng màu xanh cốm pha với chút hoe vàng hòa sắc êm dịu nhẹ nhàng. Chính màu sắc là ngôn ngữ riêng của mỗi họa sĩ đã định hình. Ông quan niệm như vậy. Bởi thế ngày nay người xem dễ dàng nhận ra tranh của ông trong suốt chiều dài sáng tác: Từ mùa hạ (lụa 1943), Đi chợ Tết (lụa 1938), Gia đình thuyền chài (lụa 1937) đến những tranh sơn dầu: Bờ giếng (sơn dầu 1960), Nương sắn (1960), Thuyền trên sông Hương (1980)… những gam màu xanh cốm quyến rũ làm nên một Lương Xuân Nhị tài hoa, quý phái, mẫu mực. Cũng như Tô Ngọc Vân ông là họa sĩ của phái đẹp tranh thiếu nữ của Lương Xuân Nhị nhẹ nhàng, uyển chuyển, không rực rỡ, dào dạt cảm xúc mà dịu dàng đoan chính. Dáng điệu đứng, ngồi cử chỉ khoan thai từ tốn. Ông vẽ theo mẫu mực là những người có khuôn mặt trái xoan, dáng thon thả, tính nết hiền hòa bởi khuôn mặt thiếu nữ dễ gây cảm xúc cho người nghệ sĩ thời cận đại Việt Nam.

Lương Xuân Nhị (1914-2006). Chợ hoa ngày Tết. Thập niên 1970-1980. Bột màu. 53×110cm

Lương Xuân Nhị luôn tâm niệm: Không chỉ riêng trong hội họa mà hầu hết các ngành nghệ thuật khác tính dân tộc là cảm xúc thực tế của người nghệ sĩ trước xã hội, trước sự việc quanh mình. “Tôi cảm thấy thế nào thì tôi diễn tả cảm xúc đó thế ấy, bởi vì tôi là người Việt Nam mang dòng máu Việt Nam, nên cảm xúc càng chân thành thì tác phẩm càng gần bản sắc dân tộc”.

Đi chợ Tết tác phẩm vẽ lụa của Lương Xuân Nhị gắn liền hình ảnh quen thuộc xưa – nay mỗi độ xuân về. Những cành đào tươi non được người quê chăm chút nở đúng mùa xuân ấm áp. Năm cô gái Hà Nội trong tà áo dài thấp thoáng trong phiên chợ hoa. Bảng màu xanh cốm hoe vàng trên tà áo thiếu nữ tác giả tạm cất đi, ngày xuân cô gái mặc áo hoa trên nền xanh, vàng cam, hồng rực rỡ. Hòa sắc hoa đào làm không gian trên tác phẩm tươi vui chuyển động từ đường nét uyển chuyển thiếu nữ. Cô gái cúi sát ngắm hoa, nhóm ba cô túm tụm trước những cảnh hoa trong tay người quê chất phác.

Không cô gái nào cầm cành hoa ngụ ý lựa chọn săm soi, Lương Xuân Nhị muốn năm cô gái như điểm xuyến cho chợ hoa ngày Tết thêm rực rỡ, mang nét quý phái yêu kiều của đất Thăng Long.

Lương Xuân Nhị (1914-2006). Chợ hoa ngày Tết. Thập niên 1970-1980. Bột màu. 53×110cm

Trân trọng từng nét vẽ bố cục trên tranh của mình phong cánh hội họa Lương Xuân Nhị vừa mang tiếng nói từ tâm hồn lãng mạn nghệ sĩ nhưng vẫn thoảng đâu đây ý nghĩa sáng tạo của một phẩm giá trí thức, quý phái dòng dõi trâm anh.

Ngắm tranh “chợ hoa ngày Tết”, mùa xuân trong mỗi gia đình tìm lại chính mình ký ức một thời Hà Nội yên bình tĩnh lặng của đêm giao thừa, của những ngày xuân ấm áp bên hoa đào rực rỡ đón nắng xuân.

Bài viết bởi Nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top