Logo loading

SÁCH HAY CÙNG BẠN YÊU NGHỆ THUẬT

Để tiếp nối chuyên mục “Sách hay cùng bạn yêu nghệ thuật” Viet Art View xin chia sẻ đến quý bạn câu chuyện thứ năm trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú và Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn hóa 1979, là một tập hợp những bài viết liên […]
|Viet Art View
Để tiếp nối chuyên mục “Sách hay cùng bạn yêu nghệ thuật” Viet Art View xin chia sẻ đến quý bạn câu chuyện thứ năm trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú và Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn hóa 1979, là một tập hợp những bài viết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Câu chuyện thứ năm:

NGƯỜI SINH VIÊN TRUNG KỲ TRONG KHÓA I TRƯỜNG CAO ĐẰNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG

Sau những trận mưa suốt ngày đêm kéo dài hàng tuần lễ, Huế hôm nay hửng nắng. Chánh cài nốt cái khuy cuối cùng của chiếc áo lương thâm, cẩn thận bỏ hộp màu nước của ông giáo học Hoàng vừa cho mượn vào cặp da, cầm lấy chiếc cặp vẽ và vẫn không quên chiếc ô của mình, anh bước ra khỏi nhà. Cái gì chờ mãi rồi cũng phải đến.

Chánh thong thả bước lên cầu Tràng Tiền. Gió sớm làm anh thanh thản. Những chiếc thuyền sáng đèn suốt đêm, đang ngủ yên lành bên hai bờ sông. Xa xa, dòng Hương như đang tự mình rẽ nước cho Cồn Hến nhô lên trong nắng sớm. Mấy cô gái Huế tinh nghịch vừa đi vượt qua vừa che nón hát ghẹo anh “Cầu Tràng Tiền sáu vài mươi hai nhịp; Anh qua không kịp tội lắm em ơi”. Vào đây đã gần năm, cái kiến trúc không thoáng đạt của triều đình nhà Nguyễn không chinh phục được tâm hồn nghệ sĩ của Chánh, thế mà cái câu hát vui dân dã của những người con gái đã bao đời quen đùa với các sĩ tử khắp nơi về Kinh thi Hội đó đã làm anh bối rối. Vô tình, người con gái đã nhắc anh nhớ đến Huế của “hòe hoa hoàng, cử tử mang”, của những mùa thi khi dặm hòe trổ vàng cũng là lúc lòng người đi thi bận rộn. Học chữ nho rồi theo tiếng Pháp, Chánh đã bao lần thi cử. Nhưng anh không ngờ rằng, hôm nay ở đất kinh kỳ này, anh lại một lần nữa đi thi. Có điều, không phải với bút lông, cũng không phải bút sắt, mà là chì than và thuốc nước.

Từ ngày các báo đăng tin Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập và tuyển sinh viên cho khóa học đầu tiên, chỉ riêng Trung kỳ đã có gần trăm đơn xin dự tuyển. Các bạn Chánh biết rõ khiếu vẽ của anh, một mực nói vào hết sức kích lệ anh sửa soạn dự thi. Anh đã ngập ngừng. Ngay một hộp màu nước cho tử tế anh cũng chẳng đủ tiền để mua. Lại còn những môn vẽ hàn lâm anh chưa bao giờ được học. Và day dứt hơn cả vẫn là khi nhìn lại cuộc đời mình, 30 tuổi đầu, vợ dại, mẹ già, đã chẳng “tam thập nhị lập” được thì thôi, lại còn cắp sách đến trường nữa sao.

Nhưng rồi mọi việc đã đâu vào đó. Chánh xin được đến một người thanh tra học vụ học thêm về hội họa. Người thanh tra học vụ được đào tạo theo kiểu “cái gì cũng biết một tý” thịnh hành ở Âu châu, vào thư viện mượn thêm vài cuốn sách và giảng cho Chánh lý thuyết về hình họa và về phép viễn cận, luật sáng tối… Tóm lại, nghĩa là những kiến thức phổ thông nhất về những gì mà hội họa cổ điển phương Tây đã đúc kết được. Học được hơn một tháng thì người thanh tra học vụ gập sách lại:

– Tôi không còn gì để dạy anh nữa.

Một tháng miệt mài đã làm cho năng khiếu bẩm sinh về hội họa của Chánh được củng cố thêm bằng lý thuyết hiện đại. Điều quan trọng hơn nữa là việc học tập có hệ thống đã xua tan mặc cảm tự ti của con người tự học trong anh. Trước kỳ thi, một người bạn đã tế nhị đưa anh mượn hộp màu nước đắt tiền gửi mua từ Pháp của mình:

– Tôi cũng thích vẽ lắm, nhưng biết sức mình nên không dự thi. Anh thi đỗ cũng như là tôi được học vẽ ấy.

Chánh hiểu kỳ vọng của bè bạn miền Trung đặt ở anh. Đã tưởng cuộc đời gắn mãi với nghề giáo học, nay liệu có dám bẻ ngoặt nó một lần nữa không, vào đúng cái tuổi mà người ta đã con cái đầy nhà? Mà vẽ thì đâu có phải là nghề vinh thân phì gia được?

Kỳ thi tuyển diễn ra trong mấy ngày liền. Đề thi từ Hà Nội gửi vào, và sau đó bài thi lại gửi ra Hà Nội chấm.

Một người lao công lực lưỡng ngồi làm mẫu cho môn hình họa, một môn quan trọng của kỳ thi nhận: hệ số 3. Chánh móc cán ô vào cạnh bàn rồi mở cặp da sửa soạn chì vẽ. Một chàng công tử đi giày hai màu đang dựng bộ giá vẽ bóng lộn đầy kiêu hãnh. Những thí sinh khác ít ra cũng mang theo những bộ giá gỗ. Chánh chỉ có cặp bìa cứng. Nhưng khi tờ giấy crô-ki đã được trải rộng trên chiếc cặp bìa cứng ấy rồi, thì Nguyễn Phan Chánh như quên hết những gì đang xẩy ra quanh mình. Hơi ngã người ra sau để ước lượng, tay trái giữ cặp bìa làm giá vẽ, anh đưa tay phác những nét lớn của khuôn người đàn ông. Trong phòng thi chỉ còn nghe tiếng chì than chạy trên giấy cứng.

Người giám thị đến nhắc chàng thí sinh mặc áo dài thâm treo ô vào giá áo quy định. Nhưng khi đến gần anh thì thân hình người mẫu đang cuồn cuồn hiện dần lên trên giấy làm bài của chàng thí sinh đã cuốn hút người giám thị. Những ngày Chánh làm bài tập vẽ tượng rồi vẽ người không, nam có nữ có, trong tháng chuẩn bị quả đã không uổng công. Cộng với nét bút tài hoa thiên bẩm, Chánh tính tỷ lệ vững vàng và như nhìn thấu rõ từng đốt xương ẩn sau thớ thịt người mẫu.

Chuông báo hết giờ và người giám thị bỗng nhớ ra là đã quên nhắc chàng thí sinh mặc áo dài thâm treo ô vào giá áo.

Chánh qua môn viễn cận một cách gọn gàng. Rồi các môn khác. Và đến môn bố cục trang trí, thì không hiểu vì sao, cả cánh đồng quê Hà Tĩnh bỗng tràn ngập lòng anh ngay từ phút nhận đề bài. Những đàn cò trắng hiện về trong anh, tưởng chừng như nghe rõ cả tiếng cánh vỗ nhịp nhàng… Anh phác nhẹ bố cục lên giấy. Và với hộp thuốc màu của bạn cho mượn, Chánh có cảm giác đang sống với cánh đồng quê hương nhiều hơn là làm bài thi.

…Trên cánh đồng nước, đây đó từng đám cỏ lác, cỏ năn, một đàn cò đang tìm nơi đáp xuống. Gần hơn cả là một con cò trắng đã tìm được mô đất nhỏ, hai chân đã bỏ thẳng xuống, nhưng đôi cánh còn vươn đập tại chỗ như phân vân. Những con cò khác đang bay, chân duỗi dài theo đường chân trời, đầu quay nhìn mặt nước. Mặt nước lững lờ đầy một mầu mây, không kêu gọi cũng không báo trước điềm gì.

Liệu rồi cả đàn cò có đỗ xuống, dừng chân chốc lát trong chuyến bay tránh rét xa xôi? Hay đất nghèo không đủ giữ chân chim trước sức kêu gọi của bầu trời?

Chính Chánh chũng không hiểu nữa. Mấy ngày thi qua như một cái gì mờ ảo. Cái căng thẳng qua đi, nhường chỗ cho một cái gì rất rỗng; và anh chưa kịp nghĩ đến nó thì công việc hàng ngày ở trường Đông Ba đã lôi cuốn anh. Trước đây, gặp cách nói “trôi qua như một giấc mộng”, Chánh vẫn thường cho là sáo. Nhưng giờ đây, quả là anh không tìm thấy một cách diễn đạt nào chính xác hơn về những ngày qua của mình.

Ở giải đất miền Trung mà tất cả mọi cái đều nhỏ nhẹ này, tin người thí sinh Trung kỳ duy nhất thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thật đã làm xôn xao dư luận. Toàn ba kỳ và Ai Lao, Cao Miên được 10 người. Trung kỳ chiếm một. Người đó là Nguyễn Phan Chánh.

Thế là Chánh sửa soạn ra đi.

Một năm trước, để người vợ mới cưới ở lại với mẹ gia, anh vào đây cốt đeo đuổi cho xong ngành sư phạm mong kiếm chân giáo học, đảm bảo cuộc sống gia đình. Vào trường Quốc Học rồi sang làm trợ giáo trường Đông Ba, tuy hễ rỗi rãi là Chánh lại đi vẽ cảnh đề thơ, nhưng sống với Huế đã bao lâu, phải đến lúc biết mình sắp xa nơi này, Chánh mới hiểu hơn nơi mình đã ở. Một lối phố, góc chùa, một khúc sông… đều như gọi anh về với một điều gì đó.

Chánh nhớ làm sao cái ngã ba sông đổ về chùa Thiên Mụ ấy. Rồi cái phá nữa, con nước và những cánh buồm nâu in mãi trong anh. Anh nhớ gian chợ Đông Ba, nơi cô hàng xén đã ngồi cho anh vẽ mẫu. Sông Hương lặng nhưng rộng, trong thế chảy vẫn như chưa bằng lòng với cái cách con người đối xử với sông. Nhớ bữa cơm tối ở nhà trọ xong, đi ra hóng mát đầu cầu Gia Hội. Trông về Đập Đá, một vầng trăng xoay mình giữa không gian như tự cho là cao sang xa cách cõi trần. Chánh nhớ nhịp cầu Tràng Tiền nơi mấy cô gái Huế hát ghẹo anh hôm đi thi…

Buổi chia tay thật là cảm động. Người thanh tra học vụ nhìn danh sách thí sinh trúng tuyển, hiều hơn ai hết rằng Chánh đỗ được là nhờ tài: Lê Phổ con tổng đốc Lê Hoan, Giooc- giơ Khánh vào làng Tây, Lê Văn Đệ công tử Gò Công… Biết Chánh có Hán học, các bạn nói:

– Đúng là anh phải tự giới thiệu lấy thôi, như anh đã làm. Nhưng, đường xa chớ ngại không tri kỷ, thiên hạ ai người chẳng biết anh: “Mạc hiềm tiền lộ vô tri kỷ; thiên hạ hà nhân bất thức quân”.

Ông giáo học Hoàng cầm đến một gói nhỏ, làm ra tự nhiên để giấu xúc động:

–  Anh đã vẽ dở hộp màu này rồi thì anh phải vẽ nốt.

Cô bạn gái thân nhất của anh đã khóc. Từ Đà Nẵng ra Huế học, cô đã tìm thấy trong người thanh niên Hà Tĩnh cái chân tình và khoáng đạt của Đà Nẵng quê mình:

– Câu hát cũ, nhưng là của chung những ai học Huế: “Rồi mùa toóc rã rơm khô; Bạn về quê bạn biết mô mà tìm”…

Phải, chính Huế đã chứng kiến những giây phút đầu tiên của bước ngoặt trong cuộc đời Chánh. Nhưng cũng chính Huế đã không giữ chân anh- cánh cò trong bài thi bố cục trang trí thế là đã bay lên: ở một nơi nào đấy xa xăm trong anh, người nghệ sĩ đã vẫy gọi.

Trong ngôi nhà dựng tạm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở một xưởng hỏa xa cũ cạnh khu Đấu xảo, 9 sinh viên Bắc kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên đã đến đủ. Người ta chờ người sinh viên Trung kỳ chưa kịp đến trường.

Một buổi chiều mùa đông năm 1925, khi mọi người trong văn phòng nhà trường đã sửa soạn ra về thì có tiếng gõ cửa. Người thư ký Việt Nam nói bằng tiếng Pháp: “Mời vào”.

Một thanh niên tầm thước xuất hiện trên khung cửa:

–  Xin lỗi, tôi là Chánh từ Trung kỳ tới.

Các giáo viên người Pháp có mặt trong văn phòng đều quay lại. Những ánh mắt lướt từ trên xuống qua người thí sinh, tác giả bài bố cục tranh trí vẽ cò. Đôi mắt sáng nhìn thẳng vào người hỏi chuyện, miệng cười, dáng điệu tự nhiên trong chiếc áo lương dài màu đen, giày da sạch sẽ, và đặc biệt là tay không rời chiếc ô đã cũ, tay ô cong lên làm thành cán can.

Đến lớp nghe giảng, Chánh đã mặc Âu phục nhưng vẫn không bao giờ quên mang theo chiếc ô của mình. Chính vì chiếc ô này mà đã bao lần xảy ra chuyện giữa anh và ông đốc trường Victor Tardieu. Thấy Chánh mắc ô ở ngay giá vẽ, Tardieu đem treo vào giá áo ở cạnh cầu thang. Nhưng chỉ đến giờ sau, khi quay lại kiểm tra sinh viên tập vẽ, Tardieu thấy chiếc ô đã trở về chỗ cũ. Ông đốc trường lại đem treo vào giá áo. Và người sinh viên lại mang chiếc ô mà tay cầm đã lên nước ấy về giá vẽ của mình. Tardieu chỉ còn thiếu đưa hai tay lên trời. Chính Chánh cũng không hiểu lắm nữa những gì đang xảy ra trong mình. Anh có cảm giác như có một sức mạnh nào đấy trong anh đang cố níu kéo lại một điều gì. Trong những bữa cơm ở ký túc xá, sinh viên không ngớt nhắc đến những cuộc thi sắc đẹp, những cuộc tình duyên lãng mạn. Mọi người bàn về cái điều kiện “phi cao đẳng bất thành phu phụ” của các thiếu nữ Hàng Ngang, Hàng Đào. Một sinh viên khác đọc thuộc lòng luôn một đoạn trong cuốn tiểu thuyết đang nổi tiếng: “ Tố Tâm em, sinh ra gái mưa sa là phận, rủi may âu cũng sự giời, ai biết hay đâu mà tìm, dở đâu mà tránh, trước sau cũng một lượt, chả sớm thì chầy, một mình em ở đời như chiếc bách giữa dòng, chống sao cho khỏi những khi mưa sa gió táp…”. Ngoài đường phố, trai gái đủ các hạng đua nhau ăn diện. Gái ăn diện kẻ lông mày, vành mắt tô đen, môi bôi son đỏ gọi là môi quả tim. Một số thầy thông, thầy ký cũng đánh phấn bôi môi dạo phố. Một buổi, Chánh theo anh em đi bách bộ trên phố. Trời đã chiều mà có một cô gái quê đang ngơ ngẩn tìm đường. Gương mặt thơ ngây của cô gái tương phản một cách cay nghiệt với cuộc sống phố phường nhiều lật lọng. Buổi tối hôm đó, hình ảnh tấm khăn, khuôn mặt cô gái quê ngơ ngác tìm đường cứ trở lại mãi trong tâm trí Chánh.

Lý trí đưa Chánh đến với những gì tân tiến nhất của khoa hội họa, và qua đó là nền văn mình của loài người. Nhưng tâm hồn anh sao mà vẫn dửng dưng trước cuộc sống “khai hóa” này. Hình như anh đã trao trọn tâm hồn mình cho cuộc sống nào khác rồi… Như bị chi phối bởi một sức chống chọi ẩn ngầm mà chính anh cũng không tự giác, Chánh đã ngập ngừng trước cuộc sống mới đó. Và sự ngập ngừng trong cuộc sống ấy đã lại đưa đến cái ngập ngừng cho nghệ thuật của anh.

Chánh dần dần có được những cơ sở về hình họa, về bố cục, lịch sử mỹ thuật, làm quen với điêu khắc và đến với các chất liệu trong hội họa. Bắt gặp những điều mới mẻ, Chánh lại nhớ đến người thầy vẽ thuở nhỏ của mình. Càng hiểu được những phẩm chất hội họa quý giá cũng như những khó khăn của mọi thiên tài dân gian, Chánh càng mong mỏi sao cho có thể kết được vào một mối những gì Chánh học được xưa và nay, tranh dân gian và hội họa hiện đại.

Sang năm thứ hai thì anh đã quen với vẽ dầu. Cái chất liệu phương Tây đưa lại nhiều hấp dẫn cho toàn khóa học của Chánh. Bút lông to, dao sắt, vải bố cho phép làm những mảng màu lớn, nét khỏe. Gam màu phong phú, cách vờn khối được thể hiện rõ rệt. Nhìn chiếc bút nho lăn lóc trên bàn, Chánh bỗng nảy ra ý nghĩ: có thể dùng bút nho để làm dịu sơn dầu được không nhỉ?

Sơn mài làm Chánh thú vị về sự xuất hiện của màu sắc dưới những đường mài. Nhưng ấn tượng của nghệ thuật cung đình “sơn son thếp vàng” mà anh bắt gặp nhan nhản ở quê anh rồi ở Huế đã nằm chắn giữa chất liệu này và tâm hồn anh.

Riêng khắc gỗ thì Chánh cũng thích vì nó gợi lại các tờ tranh dân gian lợn gà, Tiến Tài, Tiến Lộc.

Đến năm thứ ba thì Nguyễn Phan Chánh được làm quen với lụa. Cùng năm đó, nhân dịp Sở Dây thép Đông Dương mở cuộc thi mẫu tem, đồng thời Trường Cao đẳng Mỹ thuật tổ chức triển lãm, Chánh đã cố gắng tìm tòi…

Nguyễn Phan Chánh. Những cô thợ khâu. Lụa

Không hiểu do điều gì thôi thúc, mà Chánh đã lấy hình ảnh một người đi cấy là nội dung cho con tem của mình. Chọn một hình chữ nhật mà chiều dài không lớn hơn chiều đứng bao nhiêu, anh đã dùng các yếu tố trang trí dân tộc để xây dựng khung của toàn cảnh: hai cạnh đứng có mô-típ hoa và đường kỷ hà gợi nghĩ đến dáng cột Việt Nam, một đường vòng cung cho cạnh trên như tạo sẵn bầu trời. Giữa lòng con tem là một người dân quê quần xắn quá gối, nắm mạ ở tay trái, còn tay phải đang cắm sâu xuống ruộng nước. Đồng lúa mới cấy với các cụm mạ xén đều. Xa xa phía chân trời, những tia nắng đang hắt lên. Con tem lấy tên đề “Ruộng lúa” mà mọi người quen gọi là tem “Người đi cấy” ấy đã trúng giải cuộc thi. Nó được in ở Pa-ri. Và thế là con tem của Nguyễn Phan Chánh xuất hiện trên những bì thư năm 1928 đã trở thành chiếc tem thư đầu tiên của Việt Nam.

Ở bức sơn dầu dự triển lãm của trường vẽ một người nhà nông đang trục lúa, lần đầu tiên Chánh đã dùng bút nho để vẽ dầu. Đề tài thích hợp với dầu- người đàn ông dồn sức kéo con lăn bằng đá, tấm lưng trần, bắp thịt…, và nét bút nho mềm, nhỏ tạo một dáng dấp riêng cho chất liệu dầu.

Chánh cũng làm cả lụa. Nền lụa Vân Nam trắng ngà thể hiện cánh tay trần của một thiếu phụ đang đan áo. Một em gái khoảng lên chín, lên mười quàng khăn lụa trắng đứng cạnh mẹ.

Tranh được chọn trưng bày. Và kết quả thật bất ngờ: người ta mua ngay cả hai bức. Báo chí Hà Nội, Hải Phòng đưa tin ầm ĩ: một sinh viên năm thứ ba Trường Cao đẳng Mỹ thuật đã giật giải cuộc thi tem 300 đồng, bán một bức tranh sơn dầu vẽ theo lối ta 200 đồng và đặc biệt, Phủ Toàn quyền đã chọn mua bức tranh lụa cũng của sinh viên này 300 đồng… vân vân và vân vân. Tất nhiên cũng có tờ báo đã đánh một cái dấu hỏi: “Ông chánh nghĩ thế nào mà đi vẽ người An Nam làm ăn cơ cực như vậy?”

Bạc trăm là chuyện ghê gớm. Mấy ai đã được cầm tờ giấy “đỉnh”, soi trên mặt trời để nhìn cái hình in chìm trong ấy. Mọi người nhẩm tính giùm Chánh cách chi tiêu… Nhưng riêng Chánh, lần đầu tiên trong đời có món tiền lớn, anh bỗng phát hiện ra rằng hình như bản thân mình không cần tiêu gì cả. Kể cũng khó hiểu: anh không nghiện, cũng không đi hát. Chỉ riêng cái “không thời thượng” đó đã đủ đáng tội rồi. Chánh ra Hàng Đào tìm mua biếu mẹ một chiếc áo dài, gửi quà và tiền về cho vợ, còn chỉ giữ lại cho mình một ít thôi.

Nguyễn Phan Chánh. Chị hàng hoa. 1958. Lụa. 40×58

Chánh mua lụa.

Anh không quên cái buổi đầu làm quen với lụa ấy… Hôm đó, giáo sư mang đến mấy bức tranh lụa, giới thiệu với cả lớp. Một bức của Nhật Bản, vẽ cảnh làng quê. Mái nhà ẩn hiện sau cây, chiếc cầu nhỏ bắc qua con suối cạnh nhà. Một mặt trời đỏ ối ở nền tranh. Chánh có cảm tình với bức tranh. Có một cái gì đấy không mạnh quá như sơn dầu, cũng không chói quá như sơn mài mà Chánh không định nghĩa nổi. Chỉ có điều là giá cái vừng mặt trời đừng đỏ quá như thế. Rồi khi người giáo sư đưa thêm ra bức thứ hai, “Người con gái nằm ngủ trên chiếc lá”, thì Chánh bị cuốn đi hoàn toàn. Vừa nhìn thấy hai chữ Đường Dần ký ở bên trái bức tranh, cả câu chuyện tình của nhà thơ kiêm họa sĩ này mà Chánh đọc từ ngày để chỏm trong “Kim cổ kỳ quan”, đã hiện về chiếm hết tâm hồn anh…

Đường Dần tính tình bất khuất, thi đáng đỗ tiến sĩ, nhưng quan trường chỉ cho giải nguyên, phẫn chí đi tiêu dao giang hồ. Một buổi trên sông, khi nhận ra Đường Giải Nguyên, nhà thơ, họa sĩ, và là tay viết chữ tài ba này, mọi người cập thuyền lại xin chữ. Đường Dần dừng chèo, tiểu đồng mang bầu rượu tới. Một chiếc thuyền lớn từ xa lại, thấy lạ, ghé sát mạn thuyền. Mọi người trên thuyền đổ ra xem. Thật là một cảnh tượng kỳ vĩ! Trong ánh chiều của một vùng sông nước mênh mông, bao nhiêu thuyền lớn thuyền bé vây quanh chiếc thuyền nhỏ. Trên thuyền, một thư sinh thanh tú đang ung dung uống rượu, thỉnh thoảng lại nhẹ tay đưa bút lướt trên những tờ giấy lệnh trắng. Nét bút chưa kịp rời tờ giấy này thì mọi người đã đưa lên tờ giấy khác. Bên mạn chiếc thuyền mới tới, một người con gái mặc áo xanh nhìn sang chăm chú, đôi môi như hé mở vì quá thú vị trước cảnh cho chữ lạ lùng của chàng thư sinh mặt trắng. Người thư sinh bỗng ngước nhìn lên. Bộ quần áo người hầu không giấu được vóc dáng kiều diễm của người con gái. Gương mặt đẹp quá đỗi khiến Đường Dần dừng tay bút lúc nào không biết, dấu mực thấm đẫm tờ giấy, để lại những ngấn loang dần ra.

Một chiều sau đó, có người học trò đến xin chân thư ký ở nhà viên hưu quan đi thuyền ngày nọ. Nét chữ tài hoa của người học trò làm đẹp lòng cả gia đình. Nhưng khi mãn việc, người học trò không nhận công xá gì, chỉ xin bà phu nhân… tác thành cho. Đang tính chuyện mối manh thì chàng đã nói: “Không dám phiền nhiều quá. Chỉ xin trong số người hầu của quý phu nhân”. Phu nhân lần lượt gọi cho những người hầu gái trong nhà.

Đã tất cả, môi son má phấn điểm trang, mà nét mặt người học trò vẫn không thay đổi. Bà cho gọi nốt cô hầu yêu còn đang dở việc dưới nhà. Nghe tiếng gọi, không kịp thay áo, người hầu gái vội lên. Và Đường Giải Nguyên- phải, người thư ký chính là Đường Dần- nhận ra người con gái bên mạn thuyền ngày nọ. Chàng không giấu được xúc động. Ở được mấy tháng thì bỗng vợ chồng người thư ký biến mất: sổ sách, giấy tờ nguyên vẹn, một lá thư cám ơn và từ biệt để lại trên bàn. Cách ít lâu, người hưu quan đưa gia đình đi chơi xa, nhân nghe tiếng Đường giải nguyên là bậc phong lưu tài tử, bèn tìm đến. Đường Giải Nguyên ra tiếp, viên hưu quan thấy quen lắm nhưng không nhớ là đã gặp ở đâu rồi. Chủ nhân chỉ cười và gọi vợ ra chào khách. Khi người hầu gái vẫn xinh đẹp như xưa bước ra thì viên hưu quan bỗng hiểu tất cả…

Trong khung của nền lụa nhẹ, một người con gái tưởng chừng còn nhẹ hơn cả lụa ngủ thiếp trên chiếc lá dài. Quạt rơi bên tay áo. Bàn tay phải đỡ nhẹ bên má thay gối. Mảng đen của chiếc lá làm nổi bật nét dịu nhẹ của khuôn mặt người con gái. Dáng điệu cực kỳ nên thơ, tạo hình rất chính xác và nhất là ý tưởng lạ đã làm cho hư và thực quyện vào nhau: là người hầu gái nhà Đường Dần đã say mê và chung thủy, hay là mỹ nhân vẫn giấu mình giữa các trang sách sinh viên, hay cả hai, hay không phải cả hai?

Nhìn chất lụa ngời đẹp trên mặt người con gái đang ngủ trên chiếc lá cây, Chánh chỉ mang máng thấy rằng hình như anh đã tìm thấy khoảng trời để gửi gắm các cô gái quê của mình. Anh có ngờ đâu rằng, chính lụa sẽ mãi mãi trở thành niềm say mê, số phận và nội dung cuộc sống của anh.

(Trích trong cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh” của tác giả Nguyệt Tú – Nguyễn Phan Cảnh, NXB Văn Hóa, xuất bản năm 1979)

 

Chia sẻ:
Back to top