NHỮNG DẤU MỐC
Nhà đấu giá Sotheby’s:
– Triển lãm “Timeless Souls: beyond the Voyage – Hồn xưa bến lạ” từ 11 đến 14 tháng 7 năm 2022 tại Park Hyatt Saigon
– Triển lãm “Mộng Viễn đông” từ ngày 14 đến 17 tháng 8 năm 2023 tại Park Hyatt Saigon nhân kỷ niệm 50 năm Sotheby’s có mặt tại Châu Á.
Nhà đấu giá Aguttes:
– Nhân hướng tới Kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay), Nhà nghiên cứu Charllotte Aguttes-Reynier – Giám đốc Nghệ thuật của Aguttes đã có lễ giới thiệu ra mắt sách “Nghệ thuật Hiện đại Đông Dương” của mình, vào ngày 11 tháng 1 năm 2024 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và ngày 16 tháng 1 năm 2024 tại Vy Gallery, T.p Hồ Chí Minh.
Nhà đấu giá Christie’s:
– Tổ chức sự kiện “A collector’s Journey – Hành trình của một Nhà sưu tập” như sự hiện diện đầu tiên của Christie’s tại Việt Nam vào ngày 14 tháng 3 năm 2024 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San và ngày 15 tháng 3 năm 2024 tại không gian của A&V Art Collection tại Hà Nội.
Nhà đấu giá Millon:
– Giữa năm 2023 đã bắt đầu chuẩn bị giấy phép cần thiết tại các cơ quan chủ quản chuyên ngành để được phép đấu giá hợp pháp tại Việt Nam.
– Chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội, Việt Nam – Millon Vietnam, tháng 2 năm 2024.
– Ngày 20 tháng 4 năm 2024 (dự kiến) sẽ tổ chức phiên đấu dưới sự điều hành chính thức từ Millon.
Dựa theo những thông tin trên, hiện nay nhà đấu giá Millon là đơn vị duy nhất sẽ tổ chức phiên đấu giá quốc tế tại Việt Nam.
Những nhà đấu giá khác như Bonhams cũng đã cử chuyên gia cao cấp sang làm việc với một số tổ chức để kiếm tìm sự kết nối tại Việt Nam.
Mỗi một nhà đấu giá sẽ tính toán cho mình một chiến lược phù hợp cho việc xuất hiện những hoạt động đầu tiên của họ tại thị trường Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang thực sự được quan tâm và đã có những hoạt động thực tế tại đây.
VỀ SỰ KIỆN “HÀNH TRÌNH CỦA MỘT NHÀ SƯU TẬP” CỦA CHRISTIE’S TẠI VIỆT NAM
– Đây là sự hiện diện chính thức đầu tiên của Christie’s tại Việt Nam. Được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (T.p Hồ Chí Minh) và không gian của A&V Art Collection (Hà Nội). Sự kiện mang chủ đề “Hành trình của một nhà sưu tập”. Về phía Christie’s có đại diện:
– Ông Dexter How – Phó Chủ tịch, Chuyên gia Cao cấp của Nghệ thuật Đông Nam Á | 20/21 Century Art – Christie’s Asia.
– Bà Prapavadee Sophonpanich – Tổng Giám đốc CLMVT – phụ trách khu vực Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia.
– Bà Crystal Thao Lam – cố vấn tại Việt Nam.
Ý nghĩa của sự kiện “Hành trình của một nhà sưu tập” có thể coi đây là sự ra mắt của Christie’s với cộng đồng các nhà sưu tập ở Việt Nam. Sắp tới, sẽ có những hoạt động đóng góp tại thị trường nghệ thuật ở Việt Nam.
Ông Dexter How – Phó Chủ tịch, Chuyên gia Cao cấp của Nghệ thuật Đông Nam Á | 20/21 Century Art – Christie’s Asia.
Nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ
Trong sự kiện là những gặp gỡ, chuyện trò, chia sẻ và kết nối về quá trình sưu tập tác phẩm nghệ thuật của một số nhà sưu tập. Đầu tiên, ông Dexter How giới thiệu về các thành tựu, biểu đồ, các con số về giá trị của các phiên đấu về nghệ thuật Việt Nam. Nổi bật nhất trong số đó là sự kiện bán đấu giá các tác phẩm trong bộ sưu tập của ông Tuấn Phạm với 12 triệu đô la Mỹ. Phần giới thiệu này được ông Dexter How trình bày trong cả hai buổi gặp gỡ tại T.p Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ngày 14 tháng 3, tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, T.p Hồ Chí Minh, ngoài phần giới thiệu của ông Dexter How, trình bày của bà Prapavadee Sophonpanich; sau đó là chuyện trò với nhà sưu tập người Thái Lan – ông Tira Vanichtheeranont, người đã sưu tập hơn 2000 tác phẩm Việt Nam. Ông chia sẻ về quá trình tìm hiểu, sưu tập và tình yêu với nghệ thuật Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ ngày 15 tháng 3, tại A&V Art Collection, Hà Nội, sau phần giới thiệu từ các chuyên gia Christie’s là cuộc gặp gỡ chia sẻ rất thú vị từ nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ, nhà sưu tập Lê Quang Khải, Phùng Tất Thắng và Adrian Jones – người Anh. Bốn nhà sưu tập đã chia sẻ quá trình hình thành sưu tập cũng như các kế hoạch, lộ trình liên quan đến thời gian và tài chính, tâm huyết. Qua đó, truyền cảm hứng tới người yêu nghệ thuật và những nhà sưu tập trẻ. Điểm đồng nhất đáng quý là họ đều có chung một quan điểm về sưu tập. Trước tiên, phải có tình yêu nghệ thuật, sau đó là quá trình học hỏi, bổ sung kiến thức, tìm kiếm tác phẩm, tích lũy tài chính cho niềm đam mê này. Cuối cùng là lan tỏa sự tích cực giá trị về cái đẹp, về tính nhân văn của nghệ thuật với người thân và xã hội.
CHIA SẺ TRỰC TIẾP TỪ NHÀ SƯU TẬP HÀN NGỌC VŨ – TỪ A&V ART COLLECTION
Với A&V Art Collection- Bộ sưu tập nghệ thuật A&V thì đó là mong muốn đóng góp vào việc kết nối các nhà sưu tập với các thành tố khác trong hệ sinh thái sưu tầm nghệ thuật, là sự mong muốn khuyến khích xã hội bỏ thêm nguồn lực cho tìm hiểu, gìn giữ các giá trị văn hoá, lịch sử, mỹ thuật nước nhà thông qua thực hành sưu tập nghệ thuật. Sự kiện cũng giới thiệu tên và logo mới của A&V Art Collection.
Có nhiều cách để mô tả về đặc trưng của bộ sưu tập, nhưng theo góc nhìn của ông Hàn Ngọc Vũ thì các điểm khác biệt của bộ sưu tập A&V đã xây dựng bao gồm:
– Tính tự thân: Đây là bộ sưu tập mang tính cá nhân ở mức độ cao về quá trình xây dựng chiến lược sưu tập, lẫn thực hành việc sưu tập và xây dựng không gian cho bộ sưu tập, bao gồm cả không gian vật lý để trưng bày hiện vật và tư liệu, lẫn không gian trong máy tính để lưu trữ dữ liệu. Có nhiều nhà sưu tập sẽ thuê người đi tìm kiếm và mua tác phẩm, hoặc tìm đến “tư vấn” từ công ty tư vấn, người giàu kinh nghiệm xây dựng chiến lược cho bộ sưu tập, nhưng A&V tự quản lý.
– Tính “sống – living”: Nghĩa là bộ sưu tập luôn song hành với nhà sưu tập trong không gian sống của nhà sưu tập cũng đồng thời là không gian sống của bộ sưu tập. Khi thiết kế nơi ở thì đã bao gồm thiết kế các không gian, các mảng tường, các góc…cho các tác phẩm theo kế hoạch từ trước. Các tác phẩm hay vật sưu tầm đều phản ánh suy nghĩ, tình cảm lối sống, trải nghiệm sống…của nhà sưu tập. Và bộ sưu tập vẫn đang tiếp tục phát triển một khi nhà sưu tập vẫn còn đang hiện diện cùng đó.
– Tính duy mỹ, truyền thống và hoài niệm: Trong bộ sưu tập của mình, A&V có tem, có đồng hồ để bàn, có các tác phẩm điêu khắc của cả Châu Âu lẫn Việt Nam, và tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là các tác phẩm hội hoạ Việt Nam. Bộ sưu tập mang tính ghi nhận của bản thân về nhưng giai đoạn phát triển xã hội mà nhà sưu tập có ấn tượng thông qua trải nghiệm cá nhân từ 1960 tới nay.
Bốn nhà sưu tập đang chia sẻ về quá trình hình thành bộ sưu tập nghệ thuật của mình.
Từ trái sang phải phải: Nhà sưu tập Adrian Jones – người Anh, nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ, nhà sưu tập Lê Quang Khải, nhà sưu tập Phùng Tất Thắng.
Ngoài ra nhà sưu tập còn thông qua sách văn học Việt Nam, từ đầu Thế kỷ XX, thêm cả văn học Nga, Pháp để tìm hiểu thêm lịch sử và tính đặc trưng từng thời kỳ. Bộ sưu tập mang tính duy mỹ truyền thống cao, ít tập trung vào tác phẩm với hình thức hay vật liệu mới lạ (performance art, installation art…), hay những tác phẩm hội hoạ quá kỳ lạ (thậm chí là trendy) về hình thức.
Hành trình sưu tập của A&V luôn bị ám ảnh bởi sự tò mò, muốn hiểu biết về những gì thực sự đã diễn ra trong lịch sử, trong xã hội; việc làm sao có thể lưu giữ lại chứng cứ của những điều đã xảy ra đó thông qua các tác phẩm sưu tập; và việc làm sao kết nối được những người cùng sở thích hay sẽ có sở thích như mình với nhau, để chia sẻ cho nhau, và quan trọng hơn, cho các lớp trẻ hơn, các hiểu biết, kinh nghiệm theo cách thức khiêm tốn nhất.
Các khách mời trong buổi gặp gỡ
Ví dụ, một số tác phẩm điển hình mà A&V đã sưu tập được và yêu thích do cả tính thẩm mỹ, ý nghĩa nhân văn, cũng như tên tuổi nghệ sĩ sáng tác:
– “Đã đọc được công văn” của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm sáng tác 1960. Tác phẩm cho ta một góc nhìn đầy nhân văn của người họa sĩ với giai đoạn xoá nạn mù chữ cuối những năm 1950’s thông qua cái nhìn đôn hậu khung cảnh gia đình một nông dân kiêm cán bộ địa phương.
– “Thiếu nữ thủ đô đi kháng chiến” của họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác khoảng năm 1960, phản ánh khung cảnh nông thôn trong thời kỳ chiến tranh với cái nhìn lạc quan và đầy mỹ cảm.
– “Lau trắng” hay “Anh vệ quốc tím” của họa sĩ Lưu Công Nhân sáng tác khoảng những năm 1950’s với góc nhìn tươi sáng về cuộc kháng chiến còn nhiều khó khăn với hình ảnh anh bộ đội trẻ yêu đời.
– “Khăn quàng xanh” của họa sĩ Mai Trung Thứ sáng tác 1942, từng nằm trong bộ sưu tập của vua Hàm Nghi trong thời gian phải sống ở Algeria.
– “Les Pommes” – Những quả táo của họa sĩ Victor Tardieu sáng tác 1912. Ông là người sáng lập ra trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, góp phần quan trọng vào sự hình thành phát triển mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tác phẩm được sáng tác 1912, giúp chúng ta hiểu được ông đã ở trình độ như thể nào vào giai đoạn trước khi ông đoạt giải Prix de l’Indochine và sang Việt Nam.
Ông Jonathan Baker, Giám đốc Unesco tại Việt Nam, bà Thạch Lê Anh, ông Hàn Ngọc Vũ.
“Đã đọc được công văn” của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm sáng tác 1960. Tác phẩm cho ta một góc nhìn đầy nhân văn của người họa sĩ với giai đoạn xoá nạn mù chữ
cuối những năm 1950’s thông qua cái nhìn đôn hậu khung cảnh gia đình một nông dân kiêm cán bộ địa phương.
“Lau trắng” hay “Anh vệ quốc tím” của họa sĩ Lưu Công Nhân sáng tác khoảng những năm 1950’s với góc nhìn tươi sáng về cuộc kháng chiến
còn nhiều khó khăn với hình ảnh anh bộ đội trẻ yêu đời.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View