Logo loading

SUY NGHĨ NHỎ SAU PHIÊN ĐẤU “20th CENTURY ART DAY SALE” CỦA NHÀ ĐẤU GIÁ CHRISTIE’S HONGKONG NGÀY 29.5.2023

Trước phiên đấu này, Viet Art View cũng đã có vài trao đổi với một số người bạn. Họ đều có nhận định chung về tình hình hiện nay. Trong bối cảnh, kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam đang có nhiều suy giảm thì việc các Nhà đấu giá vẫn đặt mức giá […]
|Viet Art View

Trước phiên đấu này, Viet Art View cũng đã có vài trao đổi với một số người bạn. Họ đều có nhận định chung về tình hình hiện nay. Trong bối cảnh, kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam đang có nhiều suy giảm thì việc các Nhà đấu giá vẫn đặt mức giá khởi điểm cao cũng là một việc khó với người đấu.

Sau phiên đấu thì việc này hoàn toàn chính xác. Có nhiều lot bị bỏ. Danh họa Mai Trung Thứ cũng bị pass lot 201 và 202. Giá khởi điểm 2 lot giống nhau từ 550.000 – 750.000 HKD. Điều này cho thấy các Nhà đấu giá nên có cái nhìn bình tĩnh hơn để thương thảo với những chủ sở hữu mang tranh tới đấu giá.

MAI TRUNG THỨ (1906-1980). Mère et enfant au kumquat (Mother and Child with Kumquat) – Mẹ và em bé với trái quất. 1969. Lụa. 26.8 x 26.8 cm. Giá bán: HKD 882,000, tương đương gần 2.7 tỷ đồng

LÊ PHỔ (1907-2001). Oiseau et pivoines (Bird and Peonies). Chim và hoa mẫu đơn. 1936. Lụa. 59x72cm. Giá bán: HKD 4,536,000 tương đương gần 14 tỷ đồng

Đại diện một Nhà đấu giá lớn ở châu Âu cho biết, họ khó để mức giá khởi điểm thấp. Bởi nếu vậy, người có tranh sẽ có thể đem tới một Nhà đấu giá khác hoặc họ sẽ cất tranh đi, chờ thị trường khởi sắc mới đem gửi đấu. Như vậy, Nhà đấu giá sẽ khó khăn trong việc tìm tranh để đấu giá chứ đừng nói đến việc sẽ mang lên sàn được những bức tranh quý hiếm.

Những suy nghĩ trên của họ chắc chắn là chuẩn xác. Hiện nay, vẫn có một vài Nhà đấu giá lớn, có uy tín, đặt được giá khởi điểm cao và vẫn bán được cho khách hàng của họ.

Tại sao lại như vậy?

– Thứ nhất họ có uy tín lâu năm

– Thứ hai, tranh của họ đem lên sàn đấu thường có chất lượng về giá trị nghệ thuật, giá trị tạo hình và giá trị lịch sử.

– Thứ ba, họ có hệ thống sử liệu tốt, nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ, minh bạch cho từng tác phẩm đưa lên sàn đấu.

– Thứ tư, nếu trong phiên đấu bị pass, do có uy tín nên họ vẫn thuyết phục được khách hàng có thể mua (khi đã hoàn tất phiên) sau đó một thời gian.

Quay lại với giá tranh của nghệ sĩ Việt hiện nay trên sàn đấu giá. Khi quá cao, không giảm giá khởi điểm, trong khi một số họa sĩ khác tương đương cùng thời ở một quốc gia châu Á khác đã được đặt mức giá khởi điểm thấp hơn nhiều lần.

Ví dụ, một nhà sưu tập – buôn bán nghệ thuật lâu năm, có tiếng ở Hà Nội cho biết, trong phiên chiều 29.5.2023 anh đã mua bức Barong- Rồng của Affandi (1907-1990) họa sĩ người Indonesia với giá 4,91 tỷ đồng. Khi Viet Art View hỏi với số tiền ấy anh có thể mua thoải mái một, hai tác phẩm của họa sĩ Việt trong phiên, tại sao anh không mua? Anh trả lời rất chân thành. Giá tiền ấy mua tranh Việt lúc nào cũng được vì lúc nào cũng ở mức giá như thế và có xu hướng đi lên. Nhưng với bức Rồng này của Affandi, một vài năm trước anh sẽ phải mua với mức giá 11 -12 tỷ đồng. Không những thế, theo anh, chắc chắn kinh tế Indonesia sẽ phục hồi nhanh hơn Việt Nam. Họ cũng có dòng tiền đổ vào nghệ thuật mạnh hơn. Và quan trọng hơn cả là anh cũng thích tạo hình dữ dội, đầy cá tính của Affandi.

AFFANDI (1907-1990). Barong – Rồng. 1972. Sơn dầu trên toan. 97,5x168cm. Giá bán: HKD 1,638,000 tương đương 4,91 tỷ đồng

Một nhà sưu tập khác, bạn thân mến của Viet Art View, người thường xuyên thăm thú các phiên đấu giá bằng cách bay sang tận nơi để ngắm thì cho biết “giá khởi điểm đắt như thế là không hợp lý trong thời điểm này”. Mọi thứ không thuận lợi thì giá tranh cũng nên vận hành theo quy luật của vòng xoay kinh tế.

Mỗi nhà sưu tập, mỗi nhận định riêng theo cách hiểu, cách tính toán của riêng mình. Mỗi cá nhân đều có bài toán cho riêng mình.

Đây là thời điểm cân não cho cả người bán tranh – nhà đấu giá – người mua tranh.

Dù thị trường thế nào đi chăng nữa thì Viet Art View vẫn review đều đều, thân gửi tới bạn yêu nghệ thuật một số hình ảnh các tác phẩm đạt giá cao và đẹp trong phiên.

LÊ PHỔ (1907-2001). Sur la terrasse (On the Terrace) – Trên sân thượng. 1970. Sơn dầu trên toan. 146×97,5cm. Giá bán: HKD 2,520,000 tương đương 7,6 tỷ đồng

ZAO WOU-KI (ZHAO WUJI, 1920-2013). Roses – Hoa hồng. 1953. Sơn dầu. 55x46cm. Giá bán: HKD 22,760,000 tương đương với 68,2 tỷ đồng

SANYU (CHANG YU, 1895–1966). Kitten Clambering up a Chair; & Nude (double-sided) – Chú mèo trên ghế/Nude (hai mặt). 1930. Sơn dầu trên masonite trong khung ban đầu của họa sĩ (mặt trước); sơn dầu trên giấy trên masonite (mặt sau). 50,7×33,4cm. Giá bán: HKD 20,945,000 tương đương 62,8 tỷ đồng

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top