Trần Văn Thọ (1917-2004). Cảnh Đồng Văn. 1939. Màu nước trên giấy. 33,5×60,5 cm
Theo Bách khoa Toàn thư mở, phần giới thiệu về họa sĩ Trần Văn Thọ của Tạp chí Silpi, Ấn Độ, cuốn 3 – Trang 117- 1948 có đoạn: “Trần Văn Thọ là họa sĩ nổi tiếng của Hà Nội và dường như thoải mái với mọi phong cách. Tranh lụa của ông thanh thoát từ kĩ thuật đến bút pháp; với tranh bột màu là sự hài hòa; tranh màu nước thì đầy sinh khí…”.
Sách “Nghệ thuật Việt Nam hiện đại“, của tác giả Nguyễn Văn Phương
Trong lời dẫn sách “Nghệ thuật Việt Nam hiện đại”, của tác giả Nguyễn Văn Phương do Nha Mỹ thuật Học vụ – Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa ấn hành năm 1962 viết: “Người Pháp đã tới đây phổ biến một nghệ thuật cổ điển tây phương, từ khi Trường Mỹ thuật Hà Nội thành lập năm 1923 (thực tế là 1925) bởi vài sứ giả văn hóa: Họa sĩ Tardieu, nhà điêu khắc Jonchère và Inguimberty, họa sĩ chuyên về trang trí…
Họa sĩ Trần Văn Thọ (1917-2004)
Trong sách cũng nhắc tới Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm là những họa sĩ lớp đầu tiên của những khuynh hướng nghệ thuật phương Tây.
Tiếp theo có đoạn: “Cho tới khoảng giữa thế kỷ XX, cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc đã ghi một dấu quan trọng trong diễn tiến của nền hội họa Việt Nam.
Không khí Độc lập đã cải tạo hoàn toàn những tư tưởng sáng tác của người nghệ sĩ, nhất là những họa sĩ trưởng thành trong cuộc chiến thắng vinh quang ấy.
Từ đầu hậu bán thế kỷ XX, tư tưởng cách mạng trong nghệ thuật đã thành hình:
– Từ hoang sơ trở về Đô thị, Tạ Tỵ bày tranh lập thể tại Hà Nội và một số tác phẩm như “Vàng, Tím”; “Tồn tại”; “Chiều bạc” đã gây được nhiều phản ứng trong giới nghệ thuật mặc dầu họa phái lập thể đã phát hiện bên Âu châu từ năm 1907.
Ảnh họa sĩ Tạ Tỵ
– Tại Sài Gòn, Tú Duyên trưng bày tranh mộc bản trên lụa với những đề tài trong ca dao, trong Kiều và phỏng theo những tranh Tết, đã được công chúng khích lệ nồng nhiệt.
– Trần Văn Thọ bày tranh lụa nhiều lần tại Hà Nội và Sài Gòn nhất định biểu dương tư tưởng “trở lại với thiên nhiên”, chống lại nếp sống nô lệ máy móc”.
Dựa theo những tư liệu trên, (gần như) chắc chắn, họa sĩ Trần Văn Thọ đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chỉ chưa biết chính xác là năm nào. Trong cuốn “Mỹ thuật đô thị Sài Gòn, Gia Định 1900-1975” của tác giả Uyên Huy viết: “Những giáo sư có tuổi của trường đa số tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và nước ngoài như: “Lê Văn Đệ, Nguyễn Văn Long, Lưu Đình Khải, Nguyễn Văn Anh, Đan Hoài Ngọc, Nguyễn Văn Quế, Đỗ Đình Hiệp, Lê Yên, Trần Văn Thọ, Trần Dụ Hồng…Những người học từ nước ngoài về như Bùi Văn Kỉnh, Dương Văn Đen, Đỗ Thị Tố Oanh…”.
Trần Văn Thọ sinh năm 1917 tại Bắc Ninh. Từ năm 1954, ông dạy chuyên khoa tranh lụa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Trước năm 1954, ông đã từng cùng họa sĩ Nguyễn Văn Quế (1914-?) sang Campuchia sinh sống và dạy học. Xét theo độ tuổi, xét sự tương đồng khi cùng sang Campuchia sinh sống trong nhiều năm, Trần Văn Thọ có thể học sau Nguyễn Văn Quế vài khóa.
Phải chăng, tên ông đã “bị sót” trong danh sách gốc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như trường hợp của họa sĩ Trần Hà (1911-1974), học viên khóa VI (1930-1935) và một số họa sĩ khác.
Không những thế, sự nghiệp mỹ thuật của ông đã được khẳng định từ rất lâu, cùng với Tạ Tỵ, Tú Duyên…
Trần Hà (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng một số sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Một người nữa có thể xác định chắc chắn là Lưu Đình Khải (đứng ngoài cùng bên phải) học khóa I
Trong một cuốn Tạp chí xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 có bài viết “Thủy thái họa trên lụa” của Trần Văn Thọ. Trong đó ông đề cập đến lịch sử, kỹ thuật, tạo hình, vẻ đẹp của loại hình tranh thủy thái họa trên lụa. Đây cũng là trường phái nghệ thuật mà ông yêu thích và theo đuổi.
Trần Văn Thọ quê gốc Bắc Ninh, vì thế sáng tác của ông thấm đẫm tình cảm nơi chôn nhau, cắt rốn với các chủ đề đa dạng của khung cảnh, hoạt cảnh xã hội Việt xưa.
Ông thường khắc họa phong cảnh núi non vùng biên giới phía Bắc trùng điệp, hùng vĩ; hoặc những hoạt cảnh sinh hoạt đời thường như: chăn trâu, mục đồng; Tranh chân dung có khỏa thân, thiếu nữ, trẻ em, mẹ và em bé. Đặc biệt, hình ảnh “liền anh, liền chị” cùng nón thúng quai thao, áo tứ thân, áo dài, khăn đóng… trong lễ hội dân gian vùng Kinh Bắc như hội Lim, được ông tái hiện sinh động.
Ngôn ngữ tạo hình của Trần Văn Thọ gây ấn tượng từ đường nét, hình thể dường như đang “lả lướt” theo nhịp điệu từ âm hưởng của những giai điệu dân ca quan họ vùng Kinh Bắc quê ông.
Về cơ bản, hệ thống “sắc” trong tất cả các sáng tác của Trần Văn Thọ khá rõ ràng.
Trần Văn Thọ (1917-2004). Cảnh Đồng Văn. 1939. Màu nước trên giấy. 33,5×60,5cm
Những tác phẩm theo chủ đề miêu tả: lễ hội, hát múa, hội làng, chân dung được ông sử dụng sắc độ nóng với gam màu rực rỡ nguyên bản hoặc nâu trầm. Tranh đề tài phong cảnh, hoa lá (thường là bạch liên) sẽ có sắc xanh với các gam màu xanh lam hòa cùng xanh lá, dịu nhẹ, mộng mơ.
Theo bút tích, “Cảnh Đồng Văn” của Trần Văn Thọ là một trong những bức tranh có tuổi đời lâu nhất của ông đã từng được giới thiệu.
Trên mặt tranh ghi ” ĐỒNG VĂN – 29.2.39″,(cũng có thể là ông nhầm một chút vì khi tra lại lịch, tháng 2 năm 1939 chỉ có 28 ngày) đã ghi dấu chính xác, chi tiết thời gian Trần Văn Thọ sáng tác. Không những thế, còn có dấu triện lạc khoản chữ Nho và danh xưng “TRẦN VĂN THỌ” được dập chìm trực tiếp trên mặt tranh. Đây là một trong những dữ liệu hiếm quý trên một bản tranh sâu đời.
Bức tranh mô tả cảnh miền núi Đồng Văn những năm cuối thập kỷ 30 với bố cục rộng, núi non hùng vĩ, đường mòn quanh co, khúc khuỷu, những người tiều phu gánh củi, con ngựa thồ hàng mải miết, mái nhà sàn xa xa cùng khói lam chiều vương vít.
Toàn bộ bức tranh như một bài thơ bằng hình, nét khắc họa hình ảnh non nước hùng vĩ, trữ tình, thơ mộng của Đồng Văn, vùng cao biên giới Hà Giang.
Trần Văn Thọ đã xử lý tinh tế từng chi tiết, dù rất nhỏ của nét khiến cho tác phẩm có một sự công phu, kỹ càng nhất định. Nét thoáng hoạt, bay bổng của tạo hình cây cỏ phía tiền cảnh; nét họa tỉ mỉ trên thân cây; nét thưa, nét khoan, nét nhặt tung hứng trên các mảng màu xanh lá non ngả chút lam rất đặc trưng của gam màu Trần Văn Thọ.
Đặc biệt nhất ở đây là sự hòa quyện của “chất màu xưa” được vẽ trên giấy, sau gần 90 năm với sự cộng hưởng co, ngót, nồm, ẩm của khí hậu nóng ẩm Việt Nam đã tạo cho bề mặt bức tranh một nét hồn xưa, rất xưa của dấu ấn thời gian. Chỉ có thời gian mới tạo ra được “màu thời gian, màu hồn xưa” ấy. Điều này sẽ thật sự “sâu tỏ”, chạm tới “tâm thức thị giác cảm xúc” nếu được ngắm nhìn chậm rãi, trực tiếp với tranh.
Trần Văn Thọ vẽ nhiều tranh lụa, tranh giấy, một số ít tranh sơn mài. Hiện nay, các bức tranh của ông vẫn được giới thiệu đều đặn với công chúng trên các sàn đấu giá ở châu Âu, châu Á mỗi phiên. Điều này chứng tỏ sự sáng tạo bền bỉ, liên tục của ông.
Đến nay, tư liệu về cuộc đời riêng của Trần Văn Thọ vẫn là một ẩn giấu thú vị cần chúng ta kiếm tìm. Để một ngày nào đó sẽ có những dòng chữ chắc chắn: Họa sĩ Trần Văn Thọ (1917-2004), học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa mấy, cùng với họa sĩ nào để tên tuổi của ông được tôn vinh xứng đáng cùng với những bức tranh đẹp mà ông đã sáng tác suốt cuộc đời mình…
Khi ấy, ở một nơi nào xa lắm, ông sẽ mỉm cười nhẹ nhàng, thanh thản…
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View