Logo loading

TÁC PHẨM “CẢNH ĐỒNG VĂN” CỦA HỌA SĨ TRẦN VĂN THỌ (1917-2004)

Theo Bách khoa Toàn thư mở, phần giới thiệu về họa sĩ Trần Văn Thọ của Tạp chí Silpi, Ấn Độ, cuốn 3 – Trang 117- 1948 có đoạn: “Trần Văn Thọ là họa sĩ nổi tiếng của Hà Nội và dường như thoải mái với mọi phong cách. Tranh lụa của ông thanh thoát từ kĩ thuật đến bút pháp; với tranh bột màu là sự hài hòa; tranh màu nước thì đầy sinh khí…”.

Trong lời dẫn sách “Nghệ thuật Việt Nam hiện đại”, của tác giả Nguyễn Văn Phương do Nha Mỹ thuật Học vụ – Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa ấn hành năm 1962 viết: “Người Pháp đã tới đây phổ biến một nghệ thuật cổ điển tây phương, từ khi Trường Mỹ thuật Hà Nội thành lập năm 1923 (thực tế là 1925) bởi vài sứ giả văn hóa: Họa sĩ Tardieu, nhà điêu khắc Jonchère và Inguimberty, họa sĩ chuyên về trang trí…

Trong sách cũng nhắc tới Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm là những họa sĩ lớp đầu tiên của những khuynh hướng nghệ thuật phương Tây.

Tiếp theo có đoạn: “Cho tới khoảng giữa thế kỷ XX, cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc đã ghi một dấu quan trọng trong diễn tiến của nền hội họa Việt Nam.

Không khí Độc lập đã cải tạo hoàn toàn những tư tưởng sáng tác của người nghệ sĩ, nhất là những họa sĩ trưởng thành trong cuộc chiến thắng vinh quang ấy.

Từ đầu hậu bán thế kỷ XX, tư tưởng cách mạng trong nghệ thuật đã thành hình:

– Từ hoang sơ trở về Đô thị, Tạ Tỵ bày tranh lập thể tại Hà Nội và một số tác phẩm như “Vàng, Tím”; “Tồn tại”; “Chiều bạc” đã gây được nhiều phản ứng trong giới nghệ thuật mặc dầu họa phái lập thể đã phát hiện bên Âu châu từ năm 1907.

– Tại Sài Gòn, Tú Duyên trưng bày tranh mộc bản trên lụa với những đề tài trong ca dao, trong Kiều và phỏng theo những tranh Tết, đã được công chúng khích lệ nồng nhiệt.

– Trần Văn Thọ bày tranh lụa nhiều lần tại Hà Nội và Sài Gòn nhất định biểu dương tư tưởng “trở lại với thiên nhiên”, chống lại nếp sống nô lệ máy móc”.

Dựa theo những tư liệu trên, (gần như) chắc chắn, họa sĩ Trần Văn Thọ đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chỉ chưa biết chính xác là năm nào. Trong cuốn “Mỹ thuật đô thị Sài Gòn, Gia Định 1900-1975” của tác giả Uyên Huy viết: “Những giáo sư có tuổi của trường đa số tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và nước ngoài như: “Lê Văn Đệ, Nguyễn Văn Long, Lưu Đình Khải, Nguyễn Văn Anh, Đan Hoài Ngọc, Nguyễn Văn Quế, Đỗ Đình Hiệp, Lê Yên, Trần Văn Thọ, Trần Dụ Hồng…Những người học từ nước ngoài về như Bùi Văn Kỉnh, Dương Văn Đen, Đỗ Thị Tố Oanh…”.

Trần Văn Thọ sinh năm 1917 tại Bắc Ninh. Từ năm 1954, ông dạy chuyên khoa tranh lụa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Trước năm 1954, ông đã từng cùng họa sĩ Nguyễn Văn Quế (1914-?) sang Campuchia sinh sống và dạy học. Xét theo độ tuổi, xét sự tương đồng khi cùng sang Campuchia sinh sống trong nhiều năm, Trần Văn Thọ có thể học sau Nguyễn Văn Quế vài khóa.

Phải chăng, tên ông đã “bị sót” trong danh sách gốc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như trường hợp của họa sĩ Trần Hà (1911-1974), học viên khóa VI (1930-1935) và một số họa sĩ khác.

Không những thế, sự nghiệp mỹ thuật của ông đã được khẳng định từ rất lâu, cùng với Tạ Tỵ, Tú Duyên…

 

Back to top