Trước mắt chúng ta là bức tranh “Lễ hội chùa Hương”- một tác phẩm rất đặc trưng cho phong cách của Trần Hữu Chất – một trong số ít họa sĩ nổi tiếng trong thể loại tranh sơn khắc. Khi sáng tác bức tranh này – năm 2006, riêng với chất liệu sơn khắc, ông đã có một quá trình gần 50 năm chuyên sâu theo đuổi. Hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn còn lưu giữ bức tranh sơn khắc thuộc thời kỳ sáng tác đầu tiên của ông: “Mùa xuân trên Tây Nguyên”. Năm nay – 2022, bức tranh ấy đã vừa tròn 60 năm tuổi.
Hoặc nếu chỉ nói về mặt số lượng các tác phẩm sơn khắc, Trần Hữu Chất chắc chắn cũng sẽ là một trong những họa sĩ đứng đầu.
Trong nền hội họa Việt Nam, có thể nói, lãnh địa của “sơn khắc” tương đối hẹp hơn so với hầu hết các chất liệu khác, cho dù tiềm năng của sơn khắc thực ra là không hề nhỏ, nếu không muốn nói, đó là một trong những mảnh đất lành, nơi người họa sĩ có thể thể hiện những triết lý sâu xa nhất của đời sống tinh thần cũng như của nghệ thuật Á Đông. Có lẽ bởi thế mà một số họa sĩ tranh sơn khắc cũng thường hay vẽ tranh lụa, hoặc ngược lại, các họa sĩ vẽ lụa đôi khi cũng làm tranh khắc sơn, như để tìm giữa chúng một mối liên hệ tương cận huyền bí.
Đã có người ví rất hay rằng: Tranh sơn khắc giống như một tấm đăng-ten đặt chìm trên nền vóc sâu thẳm. Tấm đăng-ten càng tinh xảo thì bức tranh càng hư ảo, lung linh, quý giá. Và giống như ở tranh lụa, ở tranh sơn khắc, người họa sĩ cũng có thể đạt tới những hiệu quả gần như phi vật chất, đặc biệt khi họ sử dụng những hòa sắc vô cùng tinh nhã, thậm chí là đơn sắc.
Mặc dầu cùng họ “sơn”, nhưng khác với sơn mài mà từ lâu đã được coi như một chất liệu hội họa “bản địa” của Việt Nam, về mặt lịch sử, sơn khắc – cũng như lụa, là hai chất liệu “ngoại lai”, và đều đã được các họa sĩ Việt Nam nỗ lực chuyển hóa thành “của ta” dựa trên những cấu trúc tinh thần hầu như hoàn toàn mới.
Sơn khắc, từ một chất liệu dường như mang tính trang trí thuần túy, đặc biệt trên các tấm bình phong cổ xưa, qua bàn tay và khối óc của các họa sĩ Việt Nam – đã thực sự trở thành một chất liệu của hội họa, hay nói chính xác hơn – một chất liệu nửa hội họa nửa đồ họa, mà đáng ngạc nhiên thay – tính chất trung dung này lại tỏ ra rất phù hợp với tư tưởng và quan điểm mỹ học của nghệ thuật hiện đại.
Có thể vẫn còn tồn tại ở đâu đó cái định kiến đã cho rằng sơn khắc ở đẳng cấp thấp hơn so với sơn mài, và rất khó có thể làm thay đổi “cảnh giới” cho sơn khắc – mà số họa sĩ chuyên sâu vào sơn khắc, đặc biệt các họa sĩ thành công với nó – trên thực tế, ngày càng ít.
Phải chăng cũng vì thực tế ấy mà ngày nay người ta càng hay nhớ đến các họa sĩ tranh sơn khắc tài năng ngày xưa, như Công Văn Trung, Nguyễn Khang, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Trọng Hợp, Bùi Trang Chước, Nguyễn Văn Trường, Thái Hà, Doãn Tuân, hoặc người trẻ nhất của cái thời vang bóng ấy: Trần Hữu Chất.
* * *
Trần Hữu Chất còn có bút danh là Hồng Chinh Hiền. Ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, “Khóa Tô Ngọc Vân” (1955-1957), tốt nghiệp đại học hệ chính quy (1962-1967). Sau ông còn học tiếp tại Học viện gốm sứ Giang Tây Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc), và Học viện Clermont Ferrrand (Pháp).
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông đã từng đi B, hoạt động nhiều năm ở Trung Trung Bộ. Sau khi trở lại miền Bắc, ông công tác ở Viện Mỹ nghệ Dân gian và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
* * *
Là người đi nhiều, thấy nhiều, được trải nghiệm nhiều, Trần Hữu Chất đặc biệt có sở thích thể hiện đề tài văn hóa các dân tộc thiểu số hoặc lễ hội ở các vùng miền khác nhau. Chỉ qua những tên tranh của ông người ta cũng đã có thể hình dung ra một thế giới muôn hình muôn vẻ, phiêu linh của đời sống tinh thần trải suốt từ Bắc chí Nam đất nước, từ “Lễ hội người Chăm”, “Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên” đến “Múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ”, vân vân, mà cụ thể ở đây là cảnh tượng “Lễ hội chùa Hương” như chúng ta đang thấy.
Cũng như một số họa sĩ bậc thầy khác, Trần Hữu Chất đến với sơn khắc từ sơn mài. Ông đã sớm định hình được một lối thể hiện riêng, nhìn bề ngoài có vẻ “đại đồng”, nhất là về màu sắc rực rỡ, nhưng bên trong thực ra có rất nhiều “tiểu dị”, qua những nét đồ họa tinh tế, đôi khi đạt tới độ vân vi ở những vị trí rất đắc địa, tạo nên một sức rung, một sự ngân nga phải nói là huyền diệu.
Để giải quyết những bố cục rất đông người, với vô vàn họa tiết gắn trên kiến trúc, trang phục, đạo cụ, và cuốn tất cả những cái đó vào với cảnh sắc thiên nhiên núi rừng, sông suối, cây cỏ, mây khói, vui tươi, náo nhiệt mà không kém phần tôn nghiêm, trầm mặc trong một thần thái đồng nhất và hài hòa giữa đời và đạo, giữa chốn trần gian và nơi tiên giới như vậy – nếu người họa sĩ tâm không tĩnh, hồn không thanh, mắt không sáng, tài không cao, tay không vững, chí không bền – liệu có thể làm được hay không?
Trần Hữu Chất. Lễ Hội chùa Hương. 2006. Sơn khắc. 110×180 cm
Giấc mơ về một đồng bộ thỏa sướng của đen với một vài màu tương phản của họa sĩ đại bậc thầy hiện đại Matisse – người như được sinh ra để đơn giản hóa hội họa – phải chăng, một lần nữa đã trở thành hiện thực ở đây, trong tranh sơn khắc Việt Nam, chẳng hạn như trong bức tranh này!
TRẦN HỮU CHẤT
Sinh năm 1933. Mất năm 2018
Quê quán: huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
Tốt nghiệp “Khóa Tô Ngọc Vân” và đại học hệ chính quy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.
Chất liệu sáng tác: màu nước, sơn mài, sơn khắc
Đề tài: cách mạng, chiến tranh cách mạng, đời sống xã hội, văn hóa các dân tộc thiểu số, lễ hội
Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2012.
Bài viết của Nhà phê bình Mỹ Thuật Quang Việt
Bản quyền thuộc về Viet Art View