Là người đi nhiều, thấy nhiều, được trải nghiệm nhiều, Trần Hữu Chất đặc biệt có sở thích thể hiện đề tài văn hóa các dân tộc thiểu số hoặc lễ hội ở các vùng miền khác nhau. Chỉ qua những tên tranh của ông người ta cũng đã có thể hình dung ra một thế giới muôn hình muôn vẻ, phiêu linh của đời sống tinh thần trải suốt từ Bắc chí Nam đất nước, từ “Lễ hội người Chăm”, “Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên” đến “Múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ”, vân vân, mà cụ thể ở đây là cảnh tượng “Lễ hội chùa Hương” như chúng ta đang thấy.
Cũng như một số họa sĩ bậc thầy khác, Trần Hữu Chất đến với sơn khắc từ sơn mài. Ông đã sớm định hình được một lối thể hiện riêng, nhìn bề ngoài có vẻ “đại đồng”, nhất là về màu sắc rực rỡ, nhưng bên trong thực ra có rất nhiều “tiểu dị”, qua những nét đồ họa tinh tế, đôi khi đạt tới độ vân vi ở những vị trí rất đắc địa, tạo nên một sức rung, một sự ngân nga phải nói là huyền diệu.