Logo loading

TÁC PHẨM: MẪU TỬ – NGUYỄN HOÀNG HOANH (sinh 1937)

Theo sách “Mỹ thuật đô thị Sài Gòn-Gia Định 1900-1975” của tác giả Uyên Huy viết “Họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh sinh năm 1937 tại Chợ Lớn cũ (Đức Hòa, Long An ngày nay). Ông học và tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa I (1955-1960) cùng lớp với Nguyễn […]
|Viet Art View

Theo sách “Mỹ thuật đô thị Sài Gòn-Gia Định 1900-1975” của tác giả Uyên Huy viết “Họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh sinh năm 1937 tại Chợ Lớn cũ (Đức Hòa, Long An ngày nay). Ông học và tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa I (1955-1960) cùng lớp với Nguyễn Văn Thương, Trương Văn Ý, Lưu Tấn Phước, Đỗ Thị Tố Phượng…

Chân dung họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh (Sinh 1937)

Sau khi ra trường ông về dạy mỹ thuật tại CầnThơ. Giữa năm 1963, bị gọi nhập ngũ vào quân đội Sài Gòn. Xuất ngũ năm 1968, về giảng dạy tại trường Mỹ thuật Biên Hòa đến năm 1973. Từ năm 1973 đến đầu năm 1975 về giảng dạy và làm phụ tá cho Giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.

Sân trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn

Theo tư liệu của Nhà nghiên cứu Phạm Công Luận, họa sĩ Hoàng Hoanh đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa năm 1970 với tác phẩm lụa “Khởi nghĩa”. Giải nhì là bức tranh “Một ngày qua” của họa sĩ Đỗ Quang Em và giải ba là bức “Phân hóa” của họa sĩ Trương Đình Hải”.

Nghệ thuật tranh lụa hiện đại của Việt Nam còn rất trẻ. Chỉ khoảng 100 năm tính từ sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925).

Trước đó, do khí hậu Việt Nam nóng ẩm, nên di sản tranh lụa của các nghệ nhân xưa không còn mấy. Chỉ có thể kể tới chân dung Nguyễn Trãi, chân dung Phùng Khắc Khoan và một số tranh thờ.

Kể từ những bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh từ năm 1930 với hòa sắc nâu đen. Tạo hình của các nhân vật được chắt lọc kỹ càng không thừa không thiếu. Hình và mảng có âm hưởng của nhịp điệu.Tinh thần Á đông, chất Việt trong tranh Nguyễn Phan Chánh đậm nét.

Tranh lụa đặc biệt hợp với hình thức bố cục chặt chẽ, nhân vật lớn, nền ít hình trang trí. Vì vậy, xu hướng xây dựng, mô tả nhân vật điển hình thường được các họa sĩ thời trước thể hiện.

Sở trường của Nguyễn Hoàng Hoanh là tranh lụa. Thầy dạy tranh lụa của ông ở Trường Mỹ thuật Gia Định là họa sĩ Lê Văn Đệ (1906 – 1966)

Vào những năm 1970, Sài Gòn có bốn phái ở Chợ Lớn: Lĩnh Nam Lương Thiếu Hằng; Kinh phái Đới Ngoạn Quân, Tả Bạch Đào; Hỗ phái Hà Lãng Hùng; Tây họa Sài Đinh.

Nguyễn Hoàng Hoanh ghi dấu trong hội họa với những đề tài mẫu tử, thiếu nữ, trẻ em, sinh hoạt đời sống, phong cảnh quê hương. Những bức tranh lụa của ông luôn mềm mại, dịu dàng, tạo hình đẹp, khuôn khổ khá đa dạng nhưng hầu hết tranh có kích thước lớn. Đặc biệt mẫu tử là đề tài thành công nhất.

Họa sĩ cho biết, ông sáng tác bức tranh “Mẫu tử” vào thập niên 90 nhưng không nhớ chính xác năm. Sau 30 năm, khi được ngắm nhìn lại hình ảnh bức tranh (dù chỉ qua ảnh) ông vẫn rất xúc động.

Nguyễn Hoàng Hoanh (sinh 1937). Mẫu tử. 1990. Lụa. 60×80 cm

Ở bức “Mẫu tử”, ông sử dụng nhuần nhuyễn các quy tắc căn bản của tranh lụa về chắt lọc hình tượng đẹp, bút pháp tả thực tinh tế; nhân vật điển hình.

Các nhân vật trong tranh bao giờ cũng ở trạng thái tĩnh. Nếu là người họa sĩ giỏi, họ sẽ vận dụng ngôn ngữ của màu, nét, mảng khiến cho bức tranh có màu sắc hài hòa, đường nét đẹp, thần thái nhân vật nhiều biểu cảm thì nội dung câu chuyện họa sĩ muốn truyền tải sẽ trở nên sâu sắc.

Trong bức tranh này, họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh chủ đích xây dựng nhân vật trọng tâm bao gồm người mẹ và đứa con nhỏ trong một khung cảnh thanh bình, hạnh phúc.

Trước mắt chúng ta hiện lên một khung cảnh tao nhã, yên bình. Người mẹ trẻ rất xinh đẹp, đượm nét thanh khiết, hiền hòa, dịu dàng thậm chí ngây thơ vòng tay trìu mến ôm rất nhẹ nhàng đứa con bé nhỏ đang tựa đầu say ngủ trên vai…

Một cảm giác rưng rưng khó tả về tình mẹ quá đỗi bao la, ấm áp… đã khiến người xem không thể rời mắt. Thời gian như ngưng đọng vào một buổi chiều mát mẻ, gió hiu hiu, người mẹ ngồi bên hiên nhà, dưới tán lá xanh…ầu ơ ru con ngủ giấc chiều.

Chi tiết vùng miền điển hình toát lên từ trang phục theo lối áo “bà ba” của người mẹ. Một vài nhành lá quả roi – mận (đặc trưng hoa trái phía Nam) trong trang trí nền toát lên một không gian rất Nam Bộ.

Bức tranh rất nhiều ánh sáng, trong khi màu sắc không hề miêu tả ánh sáng. Chính sắc độ dịu nhẹ, nhịp điệu sinh động đã cho người xem cảm giác về không gian và ánh sáng.

Về căn bản, đa phần những sáng tác hội họa của Nguyễn Hoàng Hoanh dừng lại ở mức độ thưởng ngoạn tao nhã, giản dị. Một số bức tranh có chủ đề về lịch sử mà ông đã xây dựng từ những thập niên 70 thế kỷ trước cũng vừa đủ để làm nên tên tuổi, sự nghiệp Nguyễn Hoàng Hoanh, góp một tiếng nói nghệ thuật cho Mỹ thuật phía Nam…

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh và bức tranh lụa vẽ chân dung cha ruột của Nhà nghiên cứu Phạm Công Luận

Họa sĩ Hoàng Hoanh đã 85 tuổi. Ông hiện sống tại Sài Gòn và vẫn sáng tác khi sức khỏe cho phép. Tuổi tác không làm cho sắc màu các bức tranh trở nên trầm buồn mà trái lại càng rực rỡ tươi vui…

Đó là tuổi thơ thứ hai mà đời người được trở lại khi về già…

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top