Tham gia triển lãm của nhóm FARTA (Foyer de L’Art Annamite) tại Hà Nội những năm 1943 – 1944, tranh thiếu nữ của Tô Ngọc Vân đầy sinh lực, toát lên vẻ trẻ trung nõn nà, gợi cảm, màu sắc vui tươi chói lọi như vàng cam, xanh ngọc, hồng tươi, trắng phớt qua các tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé, Buổi trưa, Dưới bóng nắng, Thiếu nữ bên tranh Tam đa. Những tranh sơn dầu này một lần nữa khẳng định Tô Ngọc Vân là một hoạ sĩ duy sắc của mỹ thuật Việt Nam thời Cận đại.
Tô Ngọc Vân (1906 – 1954). Thiếu nữ bên hoa huệ. 1943. Sơn dầu. 60×45 cm
Tranh Thiếu nữ bên hoa huệ (sơn dầu, 1943) đã đạt tới một phong cách rất riêng biệt, bộc lộ một cảm thức nhạy bén về cái đẹp và niềm đam mê với ánh sáng, màu sắc rực rỡ cùng những khối tràn đầy và đường cong mềm mại trong nghệ thuật của Tô Ngọc Vân.
Một vẻ đẹp hình dáng người thiếu nữ thuần Việt chốn kinh kỳ được Tô Ngọc Vân trân trọng từ thẩm mỹ phương Đông hiện lên hài hoà trong bố cục, đường nét. Ông đã đem vào hội hoạ thời Cận đại cái nhìn mới sáng sủa và hợp lý về hình vẽ, màu sắc theo tinh thần viễn cận duy lý khoa học châu Âu đã hoàn chỉnh từ thời Phục hưng Italy thế kỷ XVI. Cái nhìn đó giúp chúng ta nhận ra hình hài nhân vật, một thiếu nữ e lệ trước hoa như đã gặp đâu đó trong cuộc đời.
Tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ có cái gì đó rất gần với những tranh dân gian, dòng tranh Hàng Trống như bộ Tứ bình với hình ảnh Tố Nữ gảy đàn, gõ sênh, phách. Người thiếu nữ trong tranh của Tô Ngọc Vân được diễn tả với đường lượn từ tay trái phía trên qua vai chuyển sang tay phải, vòng xuống ngang thân, nhịp theo vòng tay có các nếp nhăn của tà áo dài phụ hoạ. Đối lập với cả một mảng màu trắng đơn giản của thân áo là những màu sắc phong phú dịu dàng tươi tắn của lọ hoa, với hoạ tiết hoa lam thời Lê trên gốm cổ truyền. Cành hoa huệ xanh ngọc hoa trắng tinh khôi như trò chuyện với người thiếu nữ. Bàn tay trái với những ngón dài búp măng đặt hờ hững diệu vợi trên mái tóc đen mềm mại, ấp ủ một khuôn mặt trái xoan với đôi má phớt hồng thanh tú. Nâng niu cánh hoa là tình cảm của bàn tay phải thiếu nữ, khép lại một vòng chuyển động trong cử chỉ đôi chút điệu đà thơ mộng, lãng mạn của người con gái Hà Nội kiêu sa.
Tấm áo dài trắng tinh khiết cùng cánh hoa trắng hoà hợp trong một bảng màu đơn sắc mà vẫn quyến rũ người xem trong không gian yên bình của một thời Hà Nội xưa cũ đã cùng Tô Ngọc Vân buông thả xa vời trong tưởng tượng về miền ký ức miên man.
Thiếu nữ bên hoa huệ chứng minh phong cách sáng tác của Tô Ngọc Vân về hình và màu sắc được tìm kiếm đặc biệt trong tư duy mỹ cảm. Màu trắng trên áo dài thiếu nữ là một hoà sắc đặc biệt ít thấy, đầy đặn mà duyên dáng. Sắc trắng tham gia tạo hình tác phẩm mà khối vẫn căng đầy gợi cảm, phối hợp với hình qua ký hoạ phác thảo, tìm bố cục trong dáng ngồi tuy lả lướt bên hoa mà vẫn đầy đặn nở nang hấp dẫn.
Cốt cách sáng tạo của Tô Ngọc Vân trong đường cong hay đường lượn qua tác phẩm này đều khúc chiết bay bướm, đường cong của cánh tay chuyển động nhịp nhàng trên thân hình thiếu nữ trong dáng ngồi kiêu sa thanh thản. Sơn dầu là một chất liệu của phương Tây, từng vệt màu nhảy nhót trên palette chờ đợi một bàn tay nhịp nhàng biến hoá trên tấm toan trắng. Đã bao lần không gian trong nghệ thuật sơn dầu Tô Ngọc Vân biến tấu, có chỗ cho thấy nhịp điệu của khối rồi lại biến đi nhường chỗ cho những mảng phẳng. Đó là tìm kiếm của tác giả khi thực hiện Thiếu nữ bên hoa huệ, một tác phẩm đỉnh cao của Tô Ngọc Vân về đề tài thiếu nữ.
Chân dung họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906 – 1954)
Cuộc đời sáng tác của Tô Ngọc Vân chú trọng nhiều đến hình và màu. Hình hoạ được ông nghiên cứu kỹ càng bằng than, không thể kết luận ông hoàn toàn duy sắc. Tuy vậy ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng khi hoà sắc thiên nhiên liên tục thay đổi dưới ánh mặt trời đã mang tới cho ông một bảng màu giàu có, biến hoá khôn lường trong đề tài thiếu nữ. Trên thực tế, ngoài tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ, ở các tranh Buổi trưa, Hai thiếu nữ và em bé, Thiếu nữ bên hoa sen, Dưới bóng nắng, Tô Ngọc Vân còn chịu ảnh hưởng của khuynh hướng Hậu ấn tượng với các danh hoạ Cézanne, Vangogh, Gauguin và Matisse của Dã thú. Sức lan toả của các bậc thầy hội hoạ này có ảnh hưởng mạnh đến phong cách sáng tác của Tô Ngọc Vân. Khởi điểm từ hình tượng Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), nhân vật trong các tác phẩm của ông luôn trong hình dáng chuyển động thân thể: khi lả lướt bên hoa, khi rối bời tâm sự chị em bên hiên nhà, khi giận dữ trong buổi trưa hè nóng nực. Ảnh hưởng đậm nhất vào nghệ thuật của Tô Ngọc Vân là phương Tây cùng chất liệu tạo hình sơn dầu mạnh mẽ trong cảm xúc, với tình cảm chất chứa trật tự hài hoà, trong sự đồng điệu rõ rệt tâm hồn ông với thiên nhiên. Màu sắc giàu sang như đùa cợt với ánh sáng biến ảo tạo ra những ấn tượng đẹp về cuộc sống. Tiếp thu ảnh hưởng phương Tây rất có phương pháp khoa học khiến tác phẩm của Tô Ngọc Vân đạt đến mức độ ổn định, vững vàng, trau chuốt.
Ảnh hưởng khuynh hướng Hậu ấn tượng, tranh thiếu nữ của Tô Ngọc Vân thể hiện một phong cách chắc tay, mạnh mẽ, dứt khoát trong bố cục. Ông ưa dùng màu nguyên chất nhưng vẫn giữ được sự hài hoà thanh thoát, êm dịu trên hình hoạ. Tuy vậy, chất tươi vui chói lọi thường rực lên những đỏ thắm, vàng cam, xanh lục, màu sắc đó có sức truyền cảm mạnh mẽ như trong các tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé với các hoà sắc đặc biệt ít thấy ở các hoạ sĩ đương thời với ông.
Tô Ngọc Vân là một trong tứ trụ của một thời hoàng kim hội hoạ Hà Nội (Trí, Lân, Vân, Cẩn, gồm Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn). Ông học khoá II (1926 – 1931) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925 tại Hà Nội. Ông có những quan niệm về nghệ thuật như:
“Cái đẹp trong tranh không phải là cái đẹp ngoài đời”.
“Nghệ thuật là một phương tiện diễn đạt cảm giác mạnh mẽ chứ không phải là một sự nghiên cứu để hoàn mỹ những hình thức lý tưởng của cái đẹp. Tôi tin rằng chỉ những người giàu tình cảm mới có thể trở thành hoạ sĩ tài hoa”.
Ảnh chụp bởi Nhiếp ảnh gia Lê Vượng
Bài viết bởi Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến
Bản quyền thuộc về Viet Art View