Logo loading

TÁC PHẨM “TRẺ EM TẬP VIẾT” CỦA PHẠM THÚC CHƯƠNG (1918-1971)

Đối với một số người yêu hội họa, cái tên Phạm Thúc Chương chưa nằm sâu trong miền trí nhớ như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm – bộ tứ danh họa người Việt sống tại nước ngoài. Chân dung họa sĩ Phạm Thúc Chương (1918-1971) Thậm chí khi nghe […]
|Viet Art View

Đối với một số người yêu hội họa, cái tên Phạm Thúc Chương chưa nằm sâu trong miền trí nhớ như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm – bộ tứ danh họa người Việt sống tại nước ngoài.

Chân dung họa sĩ Phạm Thúc Chương (1918-1971)

Thậm chí khi nghe danh xưng “Phạm Thúc Chương” còn cảm thấy hơi ngỡ ngàng. Nhưng trên các sàn đấu giá quốc tế, tranh lụa Phạm Thúc Chương đã đạt những mức giá cao bất ngờ, Gần đây nhất, tháng 12 năm 2021 tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong bức tranh lụa “Hai cô gái trẻ”, kích thước 27x22cm, đặt mức giá hơn 600 triệu vnđ (chưa bao gồm thuế phí).

Họa sĩ Phạm Thúc Chương sinh năm 1918. Ông học khóa IX (1933-1938) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Dung, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Đức Nùng…

Theo tài liệu, trong số các học viên khóa IX, có lẽ duy nhất họa sĩ Phạm Thúc Chương sang định cư tại nước ngoài. Các họa sĩ cùng khóa IX đều là họa sĩ tên tuổi, đóng góp nhiều sáng tác chất lượng, quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Phạm Thúc Chương thành danh khá sớm. Năm 1935, ông giành Giải thưởng Lớn của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1939, Phạm Thúc Chương gửi tham dự một số tranh sơn khắc tại Triển lãm Quốc tế San Fransisco (Mỹ). Năm 1940 ông dạy vẽ và năm 1946 Phạm Thúc Chương chính thức sang Pháp. Tại Pháp, ông làm trang trí rạp hát và vẽ minh họa.

Sau một thời gian ở tại Pháp, ông chuyển tới sống ở Chavannes-le-Chêne, gần Yvonand, Thụy sĩ cùng người vợ trẻ, trong một ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng, nơi ông đã nâng cao và đổi mới chính bản thân mình về tư tưởng. Ở đây, ông tập hợp nhóm học, giảng dạy các bí mật của phương pháp ăn chay thực dưỡng huyền bí, bởi ông còn là một bậc hiền triết; luôn mong muốn trở thành “người truyền đạt đạo lý phương Đông”.

Phạm Thúc Chương (1918-1971). Trẻ em tập viết. 1950. Lụa.18 x 44.5 cm

Bức tranh lụa “Trẻ con tập viết” mà Viet Art View muốn giới thiệu với các bạn yêu nghệ thuật. Là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông về việc kết hợp ngôn ngữ tạo hình phương Tây và bút pháp phương Đông.

Tác phẩm này đã được in trong cuốn Catalogue triển lãm Phạm Thúc Chương tại Phòng tranh André Weil trên đại lộ Matignon, Paris năm 1965.

Với kích thước chiều ngang gấp hơn 2 lần chiều dọc, 18 x 44,5cm. Tranh tựa khuôn khổ cho một bài thơ tứ tuyệt hay một phong cảnh sơn thủy theo lối cổ họa Trung Hoa. Ông quay ngang chiều dài khổ tranh. Đặt lên đó hình ảnh hai em bé; một bé trai, một bé gái.

Trong đó, mô tả hai em bé đang nằm xoài xuống sàn. Bé trai đang tập viết. Còn bé gái chăm chú ngắm nhìn. Bên cạnh là chú mèo xinh ngoan ngoãn lim dim nằm ngủ. Một hoạt cảnh yên bình tuyệt đối.

Thể loại, bố cục như thế này chúng ta thấy khá nhiều trong những bức tranh chủ đề trẻ em của Mai Trung Thứ.

Phạm Thúc Chương không mềm mại đường viền, bo tròn nét theo hình thức duy mỹ đẹp mắt đến gần như tuyệt đối của Mai Trung Thứ.

Mà ông lại tạo ra những đường bo tưởng chừng như trừu tượng, nét viền khúc khuỷu, hình kỷ hà với những mảng màu loang nhấn nhá theo vệt nhấn có chủ ý của lực bút. Đây chính là lối phóng bút, tạo đậm nhạt theo kỹ thuật vẽ màu nước trong các bức tranh thủy mặc của Trung Hoa. Trên một ngôn ngữ tạo hình phương Tây hiện đại, gợi hình từ nét và mảng. Mỗi hình thể không là một mảng màu riêng biệt, khuôn lại bằng nét đen mà chúng được tự do, phóng khoáng tung tảy khỏi viền.

Mỗi một bố cục của Phạm Thúc Chương có vẻ như thoáng qua theo một khoảnh khắc của cuộc sống nơi chúng ta sẽ trải qua với sự nhẹ nhàng ấy, sự trong trẻo ấy, nó âm thầm đến từ một sức mạnh đôi khi không thể hiểu nổi.

Các sáng tác của ông viễn du qua hai thời kỳ: thời kỳ của sự trưởng thành được tạo ra ở mức độ trực giác và một thời kỳ mang đầy tính nhục cảm trong thể hiện, ngắn ngủi hơn nhưng có rất nhiều cái hay hơn so với thời kỳ đầu tiên.

Chính vì vừa là họa sĩ, vừa là nhà triết học phương Đông, ông được các học giả phương Tây đánh giá là một nhà tư tưởng lớn. Sự tương đồng những mảng màu trong tác phẩm của Phạm Thúc Chương gần với bút pháp bức tranh lụa “Hiếu học”, Tú Duyên (1917-2021). Tú Duyên đã tận dụng bản chất loang màu của lụa để tạo độ đậm nhạt cho nhân vật. Nét viền trở lên không quá quan trọng, chỉ dùng để nhấn nhá những chỗ cần thiết tạo độ chắc chắn cho hình.

 

Phạm Thúc Chương (1918-1971). Trẻ em tập viết. 1950. Lụa.18 x 44.5 cm

Về cơ bản, người xem hiện đại thường tìm đến sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như một mạch nối kế tiếp từ quá khứ tới tương lai. Phạm Thúc Chương là người Việt Nam nên trong miền sâu ký ức, hình ảnh về quê hương, con người luôn được ông trân trọng lưu giữ trong tim; sau đó khắc họa lại trong những tác phẩm. Một bức tranh có âm hưởng nhiều tiết tấu phá cách như ”Trẻ con tập viết” của Phạm Thúc Chương lại tạo nên những thích thú, cảm tình riêng biệt.

Đó chính là bản sắc, là ngôn ngữ tạo hình, là bút pháp của một họa sĩ mang trong mình hệ tư tưởng truyền thống Việt kết hợp với hội họa hiện đại phương Tây. Chúng ta cùng chờ đón những tác phẩm đẹp sẽ được xuất hiện trong kho tàng tác phẩm mà Phạm Thúc Chương để lại cho nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

 

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top