Logo loading

TỀ BẠCH THẠCH — NHỮNG CON TÔM MỞ LỐI VÀO THẾ GIỚI CỦA NƯỚC

Nhìn nghiêng một con tôm, chúng ta có thể chìm đắm vào thế giới nước của chúng. Ngay cả bộ râu mảnh mai cũng che giấu một vũ trụ thu nhỏ. Ấn tượng mà một người nghệ sĩ có thể tạo ra đôi khi vượt xa thực tế. Những con tôm này đến từ Tương […]
|Viet Art View

Nhìn nghiêng một con tôm, chúng ta có thể chìm đắm vào thế giới nước của chúng. Ngay cả bộ râu mảnh mai cũng che giấu một vũ trụ thu nhỏ. Ấn tượng mà một người nghệ sĩ có thể tạo ra đôi khi vượt xa thực tế.

Những con tôm này đến từ Tương Đàm, Hồ Nam, thiên đường của suối, ao và bãi cỏ. Chúng được vẽ ra bởi Tề Bạch Thạch, người họa sĩ về sau đã có được danh tiếng và uy tín ở Bắc Kinh.

Chiếc sân nhà trong một con hẻm ở Bắc Kinh này từng thu hút rất nhiều người sành nghệ thuật. Ngay cả những người không quan tâm tới nghệ thuật cũng biết về Tề Bạch Thạch, họa sĩ nổi tiếng đã sống ở đây.

Ông có thể làm cho những con tôm sống động đến mức chúng dường như đang bơi trên tấm toan.

Không giống những tiền bối cổ xưa, Tề Bạch Thạch đã sử dụng các sắc thái mực khác nhau để tạo hình thân và đầu tôm. Phần thân trông sẽ mờ hơn, còn phần đầu thì có độ rắn chắc. Những nét vẽ tưởng như hờ hững thực ra lại rất có chủ tâm, thận trọng và khó nhọc. Từng phần của thân tôm, từng chiếc râu rung động truyền tải sức cản của nước và nỗ lực thể chất của chúng.

Những sinh vật này không phải là đối tượng thụ động. Đúng hơn là chúng đang khẳng định sự hiện diện của mình.

“Kỹ thuật vẽ tôm của Tề Bạch Thạch đã được nhiều người ngưỡng mộ. Như chúng ta có thể thấy, con tôm đang bơi cảm nhận được sức cản và lực đẩy của nước. Sức cản có xu hướng tác động lên những sợi râu và dẫn đến những đường gợn sóng. Theo quan sát của ông Lý Khả Nhiễm, điều khiến Tề Bạch Thạch trở nên khác biệt — nằm trong sự khoan thai của ông. Ngay cả khi vẽ một sợi râu, Tề Bạch Thạch cũng rất tỉ mỉ và chậm rãi. Thật ấn tượng. Tôi muốn lưu ý rằng chỉ màn trình diễn của những sợi râu là đủ làm kinh hãi tất cả những nghệ sĩ hậu bối. Bạn không thể không ngưỡng mộ thiên tài của ông.” — Wu Hongliang, Chủ tịch Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh.

Con tôm sống động chỉ là một cư dân trong kho hình tượng của Tề Bạch Thạch.

Tài năng của ông còn được thể hiện với những cây bắp cải duyên dáng, quả hồng, quả lựu và những trái cây khác, rồi những loài côn trùng khác nhau. Ông vẽ cả những dụng cụ lao động trong gia đình như cái cào, giỏ, bàn tính.

Mọi người đã tự hỏi tại sao ông hay vẽ những thứ tầm thường, làm thế nào những nét vẽ của ông thấm nhuần sức sống như vậy.

Đầm Tinh Đẩu ở quê của Tề Bạch Thạch, Tương Đàm.

Để hiểu được hình tượng của Tề Bạch Thạch, ta cần một cái nhìn thoáng qua cuộc sống của ông ở Hồ Nam.

Tác phẩm khắc gỗ của Tề Bạch Thạch, Bảo tàng Tề Bạch Thạch, Tương Đàm.

Tề Bạch Thạch sinh ra ở làng Tinh Đẩu, trong một gia đình nông dân. Vùng nông thôn đó là thiên đường của gà, vịt, các loài chim và côn trùng. Những con tôm bơi lội vô tư lự trong ao. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên và trưởng thành như mùa màng trên cánh đồng. Năm 19 tuổi, Tề Bạch Thạch học điêu khắc gỗ, sau đó ông học vẽ, hội họa, rồi trở thành một văn nhân.

Hộp khắc gỗ của Tề Bạch Thạch, Bảo tàng Tề Bạch Thạch, Tương Đàm.

Tiếng kêu của côn trùng đã đi cùng những năm tháng tuổi trẻ của ông. Ở đó, ông đã sống nhiều thập kỷ, số phận dường như đã an bài, ông có thể đã sống phần đời còn lại rồi biến mất vào cảnh đồng quê. Nhưng cuộc đời đột ngột rẽ hướng. Khi ông 54 tuổi, chiến tranh, loạn lạc và cướp bóc tràn đến vùng quê ông. Ông cảm thấy cần thiết phải đi về phía Bắc, đến Bắc Kinh, và cố gắng kiếm sống bằng nghề vẽ.

Ở Bắc Kinh, thành phố của văn hóa và lịch sử, có một truyền thống kết hợp hội họa và văn học hàng thiên niên kỷ. Các chủ đề bao gồm từ tĩnh vật hoa đến phong cảnh rộng lớn thể hiện khát vọng con người. Tề Bạch Thạch — một người mới đến từ vùng nông thôn, đã được xác định là kẻ ngoại lai.

Những năm tháng sống ở nông thôn đã nuôi dưỡng trong ông tình yêu và sự tôn thờ thiên nhiên. Vì vậy, ông vẽ những sinh vật sống trong cỏ, một sự khác biệt hoàn toàn so với những chủ đề từ trước đến nay của mỹ thuật truyền thống.

Hình tượng của Tề Bạch Thạch giống như tiếng mẹ đẻ, trái ngược với những từ vựng nghệ thuật rất khó nắm bắt vào thời điểm đó. Ông chấp nhận những thứ tầm thường, từ chối tính ủy mị sáo rỗng, từ chối những phong cách cổ xưa.

“Điều gì thú vị ở đây? Đó là khát vọng của con người, dựa trên gu thẩm mỹ và sự tu dưỡng của bản thân. Trong mỹ thuật Trung Quốc, nhiều điều phụ thuộc vào tính chất gu thẩm mỹ của bạn.” — Wu Hongliang, Chủ tịch Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh.

Sau khi trở thành một họa sĩ nổi tiếng, tại căn nhà của mình, Tề Bạch Thạch vẫn theo thói quen ăn mì vào buổi sáng rồi vẽ, nghiên cứu và làm thơ cho tới khi trời tối.

Những bức tranh ông vẽ ngoài sân đều lấy cảm hứng từ những ký ức nông thôn sống động và tình yêu quê hương sâu sắc nhất.

“Tề Bạch Thạch có một niềm đam mê với cuộc sống và tình yêu với quê hương mình. Ông cố gắng để tác phẩm của mình đến được với đông đảo người xem. Ông thực sự là một họa sĩ bậc thầy, tài năng và uyên bác.” — Feng Yuan, Chủ tịch danh dự Hội họa sĩ Trung Quốc.

Tình yêu đối với cuộc sống nông thôn trong một giai đoạn khủng hoảng quốc gia đã truyền cảm hứng cho những nguyên tắc của ông.

Khi Trung Quốc bị xâm lăng và bức hại, ông viết với sự phẫn nộ: “Tôi nhìn ra, đau đớn thấy Trung Quốc không còn nguyên vẹn.”

Ông vẽ cua, ám chỉ sự ngạo mạn của những kẻ xâm lược. Bên cạnh đó, những chú chim mùa đông được ông thể hiện một cách đáng yêu, có thể truyền cảm hứng cho mọi người, thúc giục họ, không để bản thân cúi đầu trước nghịch cảnh.

Một số người khuyên ông không nên làm như vậy. Ông đã nói: “Tôi là một ông già trong một thời loạn, cái chết với tôi là một chuyện nhỏ.”

Đây là một nghệ sĩ có nguyên tắc và chân chính của nhân dân. Đối với gia đình và đất nước, ông có tình yêu không giới hạn.

Trong thập niên 1970 và 1980, hình tượng con tôm của Tề Bạch Thạch xuất hiện trên các đồ dùng hằng ngày. Mọi người đều quen thuộc với hình tượng của ông. Người ta gọi ông là họa sĩ của nhân dân.

“Sự nổi tiếng của ông là minh chứng cho một cuộc đời luôn hướng về nhân dân. Bất cứ ai xem tranh ông đều có thể thấy được tâm hồn thân thương nhất, chân thật nhất của một họa sĩ vĩ đại.” — Feng Yuan, Chủ tịch danh dự Hội họa sĩ Trung Quốc.

Những sáng tạo cho nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân, biểu lộ cho nhân dân. Tề Bạch Thạch đã mang mỹ thuật đến với đại chúng, những người dân bình thường nhất, nghệ thuật của ông đã hòa mình vào vĩnh cửu.

Nguồn: Youtube CGTN

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top