Logo loading

“THIẾU NỮ ĐỌC SÁCH” BỨC TRANH SƠN MÀI ĐẸP, QUÝ, HIẾM CỦA HỌA SĨ HUỲNH VĂN GẤM (1922-1987)

Dòng thông tin từ một nhà đấu giá ở Đức viết: HUYNH VAN GAM, PORTRAIT OF A GIRL Vietnam, 1960 Lacquer on wood, framed. 48.5×32.5 cm (65×49.3 cm with frame). Như vậy, đây là một bức tranh sơn mài của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm. Một tác phẩm hiếm của Huỳnh Văn Gấm; lần đầu […]
|Viet Art View

Dòng thông tin từ một nhà đấu giá ở Đức viết: HUYNH VAN GAM, PORTRAIT OF A GIRL Vietnam, 1960 Lacquer on wood, framed. 48.5×32.5 cm (65×49.3 cm with frame). Như vậy, đây là một bức tranh sơn mài của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm. Một tác phẩm hiếm của Huỳnh Văn Gấm; lần đầu tiên Viet Art View (theo chủ quan) thấy xuất hiện một bức tranh của ông trên sàn đấu giá quốc tế.

HUỲNH VĂN GẤM (1922 – 1987). Thiếu nữ đọc sách. 1960. Sơn mài. 48,5×32,5 cm

Bức tranh được đấu giá ngày 2.6.2023, với giá 28k eur. Sau khi cộng thuế, phí, về đến Việt Nam sẽ khoảng 35k eur. Một mức giá không thể hợp lý hơn cho một bức tranh vừa đẹp, vừa quý hiếm của Huỳnh Văn Gấm.

Xét về góc độ tạo hình. Đây là một bức tranh chân dung đẹp, khắc họa hình ảnh một cô gái trẻ ngồi trên chiếc ghế gỗ thấp, đầu cài băng-đô (cũng có thể là chiếc khăn mùi-xoa – một phụ kiện rất được các thiếu nữ ưa chuộng tại Việt Nam thời trước). Chỉ cần nhìn “Thiếu nữ đọc sách” có thể thấy ngay sự tương đồng với “Cô Liên”, sơn mài, 1962, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Theo lời bà Nguyễn Phương Liên, bức “Cô Liên”, 1962 được Huỳnh Văn Gấm sáng tác trên chất liệu sơn dầu trước, sau đó mới chuyển sang sơn mài.

Trong cuốn “Từ điển họa sĩ” của Nhà nghiên cứu và Phê bình Mỹ thuật Quang Việt, phần viết về họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, tr.87 viết: “Thiếu nữ đọc sách, 1962, sơn dầu…”. Cũng theo Quang Việt, tư liệu này anh lấy tư liệu ở Thư viện Quốc gia.

Như vậy, “Thiếu nữ đọc sách” có bản sơn dâù sáng tác năm 1962 và bản sơn mài (mới đấu giá) năm 1960. Điều này có vẻ hơi ngược một chút (hoặc cũng có thể tư liệu chưa chính xác) vì các họa sĩ Việt thường sáng tác trên chất liệu khác rồi mới chuyển sang sơn mài.

Trên mặt bức sơn mài “Thiếu nữ đọc sách” có hai chữ ký. Một chữ ký thường góc trên cùng bên tay phải “huynhvangam60”. Một chữ ký khác in hoa “HUYNH VAN GAM 60” màu đỏ dưới cùng bên tay trái. Chúng tôi cũng chưa tìm hiểu được tại sao ông lại ký tên hai chữ ký. Sau khi xem chữ ký thứ hai (qua ảnh) có thể chữ ký (bên dưới màu đỏ) được (ai đó) thêm vào chăng? Nhưng một điều chúng ta thấy rằng đây là một sáng tác của Huỳnh Văn Gấm.

Như vậy, nếu xét năm sáng tác thì “Thiếu nữ đọc sách”, 1960 được sáng tác trước “Cô Liên, 1962. Nếu đúng như thế thì chúng ta được ngắm phong cách tạo hình vừa riêng biệt vừa đồng nhất của bút pháp “biệt tài vẽ tranh chân dung” của Huỳnh Văn Gấm. Ngoài “Cô Liên” ra còn có “Thiếu nữ đọc sách” cực kỳ duyên dáng, con người, vẻ đẹp điển hình cho những thiếu nữ Hà Nội những năm 60,70.

Dáng thế nhân vật vững chắc, tạo hình mềm mại uyển chuyển, đường nét khúc chiết của người nữ Việt trong “Thiếu nữ đọc sách”, “Cô Liên”, “Ngày chủ nhật” của Huỳnh Văn Gấm đã khiến người yêu nghệ thuật mường tượng về một họa sĩ nhiều tính nhân văn với trái tim nhân hậu, yêu cái đẹp hồn hậu, trong sáng…

Ngoài tác phẩm đỉnh cao như “Trái tim nòng súng”, 1953, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số tác phẩm tiêu biểu khác như “Nam Kỳ khởi nghĩa”; “Họp Công hội đỏ”; “Ngô Gia Tự”; “Võ Thị Sáu”…Đã tạo nên một Huỳnh Văn Gấm -có khí phách, có tâm hồn với những bức tranh sơn mài đẹp, có giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử…

Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm sinh năm 1922 tại Bình Lập, Châu Thành, Tân An (nay thuộc thị xã Long An). Học Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định năm 1940. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1941-1945.

Ông được trao giải: “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật” năm 2001. Một giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực Nghệ thuật…

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top