Logo loading

“THIẾU NỮ MƯỜNG Ở MAI CHÂU” CỦA NGUYỄN HUYẾN (1915- 1994)

Cũng như nhiều họa sĩ miền Bắc, họa sĩ Nguyễn Huyến có nhiều tranh sáng tác đề tài chân dung, sinh hoạt đời sống các dân tộc vùng núi.Trong đó Mai Châu, Hòa Bình là nơi được nhiều họa sĩ chọn làm điểm dừng chân sáng tác bởi có địa thế đẹp, phong cảnh hữu […]
|Viet Art View

Cũng như nhiều họa sĩ miền Bắc, họa sĩ Nguyễn Huyến có nhiều tranh sáng tác đề tài chân dung, sinh hoạt đời sống các dân tộc vùng núi.Trong đó Mai Châu, Hòa Bình là nơi được nhiều họa sĩ chọn làm điểm dừng chân sáng tác bởi có địa thế đẹp, phong cảnh hữu tình. Quan trọng không kém là Hòa Bình cách Hà Nội không quá xa, cung đường đi lại thuận tiện.

Nguyễn Huyến (1915 – 1994). Thiếu nữ Mường ở Mai Châu. 1970. Sơn mài. 60×45 cm

Bức tranh sơn mài “Thiếu nữ Mường ở Mai Châu” được trưng bày năm 2018, tại Hà Nội trong triển lãm mang tên “Hội họa Nguyễn Huyến”. Triển lãm bao gồm hơn 50 tác phẩm, chủ yếu là chất liệu sơn mài; sau đó là sơn dầu, phấn tiên, màu nước.

Trong triển lãm “Hội họa Nguyễn Huyến”, bức tranh có tên gọi đầu tiên là “Góc chờ”. Nhưng khi làm video này, Viet Art View mạn phép thay vào một cái tên cho rõ ràng và bình dị, hợp với nội dung. Tranh “Thiếu nữ Mường ở Mai Châu” được xây dựng trên cơ sở từ một bản ký họa màu nước. Bên tay trái phía dưới bản màu nước có ghi rõ “Huyến, Mai Châu, 61, 21, X” (Nguyễn Huyến, Mai Châu, 21 tháng 10 năm 1961).

Triển lãm tranh Hội họa Nguyễn Huyến

Như vậy, đến tận năm 1970, chín năm sau bức ký họa màu nước ở Mai Châu, Hòa Bình, “Thiếu nữ Mường ở Mai Châu” mới được Nguyễn Huyến hoàn thiện trên chất liệu sơn mài. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện lúc đó. Bởi trước đây, máy ảnh còn rất hiếm, giao thông chưa thuận tiện. Các họa sĩ khi đi chiến trường, đi thực tế tại địa phương hoặc các địa danh có phong cảnh đẹp thường ghi chép ký họa bằng chì, bút bi, bút mực, thuốc nước. Đôi khi sáng tác ngay tại thực tế trên chất liệu bột màu, sơn dầu. Các chất liệu đòi hỏi nhiều thời gian hơn như sơn mài, lụa thường được sáng tác sau.

Nguyễn Huyến là họa sĩ có ngôn ngữ tạo hình khá đặc biệt. Ông không chỉ dùng nét để tạo ra “chu vi ranh giới một hoặc nhiều hình thể, hoặc sự vật với hình thể khác” ở trong một không gian, mà ông còn dùng nét để tạo ra cảm giác. Ông thích dùng các nét vặn, nét xoắn, đan xen các nét, một tổ hợp nét thành mảng, tạo ra chuyển động của cơ. Đối với tạo hình nhân vật nam là cuồn cuộn của khối.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Huyến (1915 – 1994)

Bút pháp tạo hình này khiến người xem liên tưởng tới những khối hình trong các tác phẩm của họa sĩ người Pháp – Eugène Delacroix (1798-1863). Ông là danh họa lừng danh thế giới thế kỷ 19, tên tuổi gắn liền với bức tranh “Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân”, sáng tác năm 1830. Chúng tôi đặt bức tranh “Săn sư tử”, của Deacroix sáng tác năm 1861 để thấy những nét vặn, xoắn mà có thể chăng Nguyễn Huyến đã ảnh hưởng trong các khối tạo hình của mình.

Những nét vặn, xoắn tưởng chừng như chỉ có trong các bức tranh của Nguyễn Huyến nhưng ngay cả trong tờ tiền con trâu xanh 100đ, do ông sáng tác năm 1946 thì phần  tạo hình nhân vật cũng được sáng tác trên một thứ ngôn ngữ đầy biểu cảm. Những đường, nét, mảng đặc trưng ngôn ngữ hội họa Nguyễn Huyến tạo nên những khối hình đẹp, chuyển động rắn rỏi, vững chắc đúng như yêu cầu về sự “giản dị, bình dị, chân thực của hình ảnh người nông dân”. Bộ trưởng Bộ Tài chính thời đó là Lê Văn Hiến từng chia sẻ: “Các anh vẽ giấy bạc mà như vẽ tranh. Đó cũng là lý do làm cho đồng bạc Việt Nam đẹp”.

Tờ tiền con trâu xanh 100đ do họa sĩ Nguyễn Huyến sáng tác năm 1946

Đối với tạo hình nhân vật nữ, ông dùng nét bao lấy chu vi hình thể người nữ nhưng đã được hình tượng hóa “đẩy mạnh lên” so với hiện thực. Các nét cong đôi khi được “cường điệu” nhưng lại rất gây được thiện cảm về vẻ đẹp nữ tính, ngọt ngào. Nguyễn Huyến có biệt tài trong sự điều tiết nhịp chuyển của nét bằng sự vững chãi rõ ràng của kỹ năng hội họa hàn lâm điêu luyện. Các khối hình của ông nhịp nhàng, uyển chuyển, tạo cảm giác về sự chuyển động của cơ thể…

Khoảng những năm thập niên 1960, họa sĩ Nguyễn Huyến có chuyến đi sáng tác điền dã tại Mai Châu, Hòa Bình. Với nguồn tư liệu ký họa phong phú nhiều chủ đề, ông đã sử dụng hình ảnh thực tế sinh động được lưu lại ấy vào trong những sáng tác sau này trên chất liệu sơn mài, lụa, sơn dầu…Nguyễn Huyến là họa sĩ yêu thích những khuôn hình đẹp. Ông khắc họa hình ảnh thiếu nữ dân tộc Mường ở Mai Châu trong nhiều hoạt cảnh sinh hoạt phong phú như trong nhà sàn, bên bếp lửa, quay sợi, dệt vải… rất duyên dáng, nữ tính. Những bức tranh này đều gợi những cảm xúc đẹp về khối hình uyển chuyển, nét công-tua mềm mại. Chất liệu sơn mài với gam màu trầm của bảng màu then, son, trắng vỏ trai cơ bản vẫn được Nguyễn Huyến sử dụng rất kỹ thuật, khéo léo, hợp lý khi tạo nét đậm, nhạt, to, nhỏ, chia các mảng theo đường nét của tạo hình khối diễn tả như hình thể, quần áo, sự vật.

Bức tranh “Thiếu nữ Mường ở Mai Châu” không nằm ngoài hệ thống tạo hình nhân vật cơ bản đặc trưng của Nguyễn Huyến. Chúng ta lại nhìn thấy sự căng tròn của khối, những nét công-tua được ông dùng đầu bút lông tạo viền đậm, nhạt bằng vàng quỳ. Những chỗ cần sáng, ông mài mạnh xuống hơn nhưng không theo một mức sáng cụ thể mà chỗ đậm, chỗ nhạt. Đối với các mảng màu cần mài, ông dùng chính xung lực của tay để tạo khối trên nền tranh. Ông không dùng nét bút lông để vờn sáng tối mà dùng một màu rồi mài mạnh mài nhẹ tạo đậm nhạt.

Nguyễn Huyến (1915 – 1994). Thiếu nữ Mường ở Mai Châu. 1970. Sơn mài. 60×45 cm

Trong “Thiếu nữ Mường ở Mai Châu”, ngoài vỏ trứng tạo màu trắng, họa sĩ Nguyễn Huyến còn dùng thêm vỏ trai. Lớp xà cừ lấp lánh ánh xanh thường được ông dùng ở một vài chi tiết như tạo điểm nhấn về chất. Điểm xà cừ là một trong những khác biệt của Nguyễn Huyến so với các họa sĩ sơn mài khác. Tạo hình khối căng, tròn, nét uyển chuyển nhịp nhàng trên nền tảng một bút pháp vững vàng, quyết liệtlà những điểm riêng, rất riêng trong ngôn ngữ hội họa Nguyễn Huyến.

Có ý kiến cho rằng các sáng tác của Nguyễn Huyến mang nhiều tính trang trí (decor) hơn ngôn ngữ hội họa… hoặc ông sáng tác một đề tài cho nhiều bức tranh khác nhau. Trên thực tế, nhiều họa sĩ Việt (thời trước) vẽ đi vẽ lại nhiều lần một bức. Nhất là họa sĩ có xưởng sơn mài. Nhưng với Nguyễn Huyến, cùng một đề tài “ngư tảo” hay “sen” nhưng ông sáng tác không bức nào giống bức nào. Mỗi bức là một tạo hình (hình thể, sự vật) riêng trên cơ sở bút pháp, ngôn ngữ tạo hình chung mà chỉ cần nhìn qua tranh có thể biết ngay “đây là tranh họa sĩ Nguyễn Huyến”.

 Trong gia tài tác phẩm đồ sộ với nhiều trăm bức trên chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, phấn tiên thì muốn hiểu tranh Nguyễn Huyến không khó. Chỉ cần có hệ thống hình ảnh tác phẩm (tương đối) sẽ thấy nét riêng biệt của “hội họa Nguyễn Huyến”; thấy sức lao động sáng tạo liên tục, bền bỉ rất đáng trân trọng của ông…

***

Tiểu sử họa sĩ Nguyễn Huyến (Nguyễn Đức Huyến) (1915-1994)

  • Sinh ngày: 2 tháng 5 năm 1915 tại Hà Nội
  • Mất ngày: 12 tháng 7 năm 1994 tại Hà Nội
  • Nguyên quán: Làng Tư Thế, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
  • Dân tộc: Kinh
  • Tốt nghiệp trường: Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1932-1936
  • Giải thưởng SADEAI năm 1937
  • Năm 1939, 1941, 1942 có tranh tham dự tại Pháp
  • Năm 1941, 1943 triển lãm nhóm tại Hà Nội
  • Năm 1950 triển lãm cá nhân tại Nha đại diện Tổng giám đốc Thông tin phố Hàng Trống
  • 1951 triển lãm tại Nhà Hát lớn Hà Nội
  • Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam
  • Hội viên ngành: Hội họa
  • Năm vào Hội: 1957

Tác phẩm chính:

  • “Vịnh Hạ Long”. 1977. Sơn mài. 150×400cm;
  • “Thanh bình một làng quê”. 1982. Sơn mài. 122×234cm;
  • “Về đồng”. 1974. Sơn mài. 112×240cm;
  • “Chùa Một Cột”. 1960. Sơn mài đắp nổi. 108×122cm;
  • “Sen”. 1985. Sơn mài. 57×59cm;
  • “Gà gáy sáng”. 1979. Sơn mài. 75×110cm;
  • “Gia đình thuyền chài”. 1986. Lụa. 86×140cm.

Khen thưởng:

  •  Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top