Logo loading

“THIẾU NỮ MƯỜNG Ở MAI CHÂU” CỦA NGUYỄN HUYẾN (1915- 1994)

Khoảng những năm thập niên 1960, họa sĩ Nguyễn Huyến có chuyến đi sáng tác điền dã tại Mai Châu, Hòa Bình. Với nguồn tư liệu ký họa phong phú nhiều chủ đề, ông đã sử dụng hình ảnh thực tế sinh động được lưu lại ấy vào trong những sáng tác sau này trên chất liệu sơn mài, lụa, sơn dầu…Nguyễn Huyến là họa sĩ yêu thích những khuôn hình đẹp. Ông khắc họa hình ảnh thiếu nữ dân tộc Mường ở Mai Châu trong nhiều hoạt cảnh sinh hoạt phong phú như trong nhà sàn, bên bếp lửa, quay sợi, dệt vải… rất duyên dáng, nữ tính. Những bức tranh này đều gợi những cảm xúc đẹp về khối hình uyển chuyển, nét công-tua mềm mại. Chất liệu sơn mài với gam màu trầm của bảng màu then, son, trắng vỏ trai cơ bản vẫn được Nguyễn Huyến sử dụng rất kỹ thuật, khéo léo, hợp lý khi tạo nét đậm, nhạt, to, nhỏ, chia các mảng theo đường nét của tạo hình khối diễn tả như hình thể, quần áo, sự vật.

Bức tranh “Thiếu nữ Mường ở Mai Châu” không nằm ngoài hệ thống tạo hình nhân vật cơ bản đặc trưng của Nguyễn Huyến. Chúng ta lại nhìn thấy sự căng tròn của khối, những nét công-tua được ông dùng đầu bút lông tạo viền đậm, nhạt bằng vàng quỳ. Những chỗ cần sáng, ông mài mạnh xuống hơn nhưng không theo một mức sáng cụ thể mà chỗ đậm, chỗ nhạt. Đối với các mảng màu cần mài, ông dùng chính xung lực của tay để tạo khối trên nền tranh. Ông không dùng nét bút lông để vờn sáng tối mà dùng một màu rồi mài mạnh mài nhẹ tạo đậm nhạt.

Trong “Thiếu nữ Mường ở Mai Châu”, ngoài vỏ trứng tạo màu trắng, họa sĩ Nguyễn Huyến còn dùng thêm vỏ trai. Lớp xà cừ lấp lánh ánh xanh thường được ông dùng ở một vài chi tiết như tạo điểm nhấn về chất. Điểm xà cừ là một trong những khác biệt của Nguyễn Huyến so với các họa sĩ sơn mài khác. Tạo hình khối căng, tròn, nét uyển chuyển nhịp nhàng trên nền tảng một bút pháp vững vàng, quyết liệtlà những điểm riêng, rất riêng trong ngôn ngữ hội họa Nguyễn Huyến.

 

Back to top