NGUYỄN TƯ NGHIÊM (1918-2016)
“Thiếu nữ”
Sơn mài
67 × 50 cm
Xuất xứ: Tác phẩm thuộc một gia đình nghệ sĩ tại Hà Nội, được truyền lại cho con cháu; Đã in sách “Các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” của tác giả Quang Phòng, NXBMT năm 1997; In sách “Hội họa sơn mài Việt Nam”, NXBMT năm 2005.
Nguyễn Tư Nghiêm học khóa XV (1941-3/9/1945) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình, Trần Dzụ Hồng… Nguyễn Tư Nghiêm, trong bộ tứ “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái” là một họa sĩ đạt nhiều thành tựu. Sự nghiệp của ông đạt tới đỉnh cao với tác phẩm “Gióng”, sơn mài, là một trong 9 bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, những tác phẩm “Con nghé quả thực”, “Giao thừa bên Hồ Gươm”, “Kiều và Kim Trọng” (Sưu tập BTMTVN) đều là những tác phẩm quan trọng của Nguyễn Tư Nghiêm đóng góp vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Bức tranh “Thiếu nữ”, sáng tác năm 1989 sử dụng gam màu sơn mài truyền thống với gam nóng, sắc vàng trầm. Hệ màu lạnh không được ông sử dụng trong tác phẩm này. Hoa văn trên áo người thiếu nữ được lấy từ motif hoa cúc dây thời Trần. Đặc biệt, tạo hình lập thể khuôn mặt người thiếu nữ được phân chia nhiều góc cạnh khác nhau khiến cho tác phẩm mang một sắc thái hiện đại, không dễ cảm thụ theo lối thẩm mỹ thông thường. Tuy nhiên, nó lại mang tính mới của sự tìm tòi ngôn ngữ tạo hình hiện đại trên chất liệu truyền thống Việt.