Lưu Công Nhân (1931 – 2007). Thiếu nữ tết tóc. 1955. Sơn dầu. 60×42 cm. Tranh thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang Phúc
Lưu Công Nhân là một trong những họa sĩ có nhiều trải nghiệm hội họa nhất, với số lượng tác phẩm lớn nhất. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Chân dung họa sĩ Lưu Công Nhân (1931 – 2007)
Lưu Công Nhân triển lãm cá nhân tới 16 lần và có ảnh hưởng quan trọng đến nhiều nghệ sĩ trẻ những năm 1970, 1980. Đồng thời cũng là tác giả một số tiểu luận, tạp văn bàn về nghệ thuật.
Họa sĩ Lưu Công Nhân sinh tại Lâu Thượng, Hạc Trì (nay là thành phố Việt Trì). Ông tham gia cách mạng từ 1944.
Năm 1950-1953, học tại trường Mỹ thuật Việt Nam, “Khóa Kháng chiến”, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Tô Ngọc Vân.
Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Kháng chiến tại triển lãm tại Lào Cai giải phóng, 1951. Hàng đứng, từ trái sang Tô Ngọc Vân, Trịnh Phòng, Bùi Trang Chước, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Thế Vỵ, Trần Đông Lương, Nguyễn Khang.
Cuối năm 1954, từ Cục địch vận, ông được cử về tiếp quản Trường Mỹ nghệ (Hà Nội) – nơi ông sẽ giảng dạy qua mấy thời kỳ. Từ Sơ – Trung cấp Mỹ nghệ đến Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội hiện nay). Từ 1964, ông hoạt động như một họa sĩ chuyên nghiệp tại tổ sáng tác trực thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Vợ chồng họa sĩ Lưu Công Nhân và người con trai đầu Lưu Đức Minh. Ảnh chụp năm 1954 ở Hà Nội
Cuộc đời ông trải qua nhiều chuyển dịch tương ứng với nhiều giai đoạn vẽ: 1956 về Kiến An, 1959-1964 đi từ Bắc đến Vĩnh Linh, 1970 lập xưởng họa ở Thác Bà (Yên Bình, Yên Bái), 1976-1983 ở Sài Gòn, 1984-1985 ở Hội An và đi Ba Lan, từ 1986 ở Đà Lạt, 1990 về Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Ông sử dụng mọi chất liệu (sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, in đá, giấy dó, thuốc nước, bột màu, phấn màu, bút sắt, chì) và thể hiện mọi thể loại đề tài: chính trị xã hội, sinh hoạt nông thôn, phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, khỏa thân, các “đột hứng” (improvisations) trừu tượng.
Khởi đầu oanh liệt bằng một phong cách hiện thực thơ với tác phẩm “Chăm sóc trâu bò”, 1951, thuốc nước thể tam bình; “Một buổi cày”, 1960, sơn dầu, sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng trong một thời gian khá dài, ông lại theo đuổi hầu hết các trường phái hội họa hiện đại, kể cả hội họa thuần túy trừu tượng của Kandinsky – để cuối cùng, như ông nói – “tìm thấy mình” trên đường trở về.
Nhằm gợi trên nền “hiện thực” những ẩn dụ về một thế giới nội tâm, ông thử nghiệm nhiều phương tiện hòa giải giữa Đông và Tây, trong một cảm thức khá riêng biệt về nghệ thuật Trung Hoa cổ. Ông nói: “Tôi vẽ tranh sơn dầu tựa như tôi vẽ tranh thủy mặc”.
Toàn bộ tác phẩm của ông (trên thực tế lên đến hàng ngàn bức) có thể chia thành hai mảng chính: hội họa dầu và hội họa nước. Trong lĩnh vực vẽ thuốc nước, đặc biệt về phong cảnh nông thôn và sông Tam Bạc, Hải Phòng. Ông quả đúng là một họa sĩ bậc thầy của nghệ thuật “dệt ánh sáng trên mặt giấy”.
Sinh thời, Lưu Công Nhân luôn luôn mong ước và phấn đấu vẽ được những con người sinh động, có sức sống như những nhân vật của Renoir, khiến cho người xem có thể thấy họ như “đang có mặt, đứng ngồi, đi lại giữa cuộc đời”.
Trong nền hội họa Việt Nam, Lưu Công Nhân là một họa sĩ có tâm hồn nhạy cảm bậc nhất, đồng thời ông cũng là một họa sĩ bậc nhất của đời sống nhạy cảm. Tính cách của ông rất gần với tính cách của các họa sĩ Trường phái Paris. Có những thời kỳ ngắn, ông đã từng vẽ tựa như một Modigliani hay một Van Dongen, nhưng thực ra lại rất Việt Nam về mặt cảm thức và tâm tính.
Bức tranh giới thiệu ở đây đã được Lưu Công Nhân vẽ vào năm 1955, trong khoảng thời gian ông về ở hẳn Kiến An, nơi ông mở ra một thời kỳ nghệ thuật thực sung mãn của một chàng họa sĩ chưa tới 30 tuổi vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, với hàng loạt tranh sơn dầu và thuốc nước đặc sắc.
Nhân vật trong tranh là một cô gái trẻ, có thể xuất thân từ nông dân, nhưng đã là một sinh viên, một giáo viên, một y tá, một nhân viên cán bộ hành chính hay một người lao động gián tiếp nào đó. Cái vẻ đẹp này là chân chất, tự nhiên, không kiểu cách, không trang sức, mang đậm nét “thời nghi” của một thời nay đã lùi xa, và người họa sĩ đã ghi lại được đúng tinh thần của nó, và cũng chỉ bằng mấy nhát bút đơn giản, mạnh mẽ, đầy xung lực.
Nền tranh, thực lạ thay, hình như là “vách đất”, đất trộn rơm trát trên cốt tre, vật liệu xây dựng điển hình ở nông thôn nghèo xưa, bao giờ cũng có những sợi rơm và những vết rạn, mà người vẽ đã nhìn thành những bông hoa màu nâu đỏ nhạt. Từ hình đến màu vậy là đều đến từ cái tình ấm áp của người họa sĩ, không chỉ trân trọng, cảm thương con người mà còn trân trọng, cảm thương môi trường sống và quê hương của con người.
Bức tranh tuyệt vời này lần đầu tiên được công bố trên các phương tiện truyền thông vào năm 2020. Anh Lưu Bình, con trai họa sĩ Lưu Công Nhân, rất xúc động khi được nhìn thấy bức tranh này. Thậm chí anh không giấu nổi niềm vui bằng cách đăng ngay trên facebook cá nhân (hình ảnh 2/3 bức tranh) ngay khi được gửi ảnh để chia sẻ niềm vui được ngắm nhìn một bức tranh sáng tác cách đây hơn 60 năm của cha mình.
Bút tích của Lưu Công Nhân
Bức tranh thoạt tiên được Lưu Công Nhân mến tặng cho một nữ bác sĩ tại Hà Nội như một món quà tri ân. Bà đã trân trọng lưu giữ trong tư gia rất nhiều năm trước khi bức tranh được chuyển về một bộ sưu tập quý.
Bài viết bởi Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt
Bản quyền thuộc về Viet Art View