Logo loading

“TĨNH VẬT MÙA XUÂN” CỦA HỌA SĨ HUY OÁNH

Trần Huy Oánh (sinh 1937). Tĩnh vật mùa xuân. 2020. sơn dầu. 80×60 cm 1. Từ “Những quả táo” của danh họa người Pháp-Paul Cézanne (1839-1906)… Cách đây đúng 10 năm (năm 2013), tại Sotheby’s New York, bức tranh tĩnh vật “Những quả táo”, (1889-1890, sơn dầu, 38,5x46cm) của Paul Cézanne được bán với giá […]
|Viet Art View

Trần Huy Oánh (sinh 1937). Tĩnh vật mùa xuân. 2020. sơn dầu. 80×60 cm

1. Từ “Những quả táo” của danh họa người Pháp-Paul Cézanne (1839-1906)…

Cách đây đúng 10 năm (năm 2013), tại Sotheby’s New York, bức tranh tĩnh vật “Những quả táo”, (1889-1890, sơn dầu, 38,5x46cm) của Paul Cézanne được bán với giá gần 42 triệu đô la Mỹ.

Tính ra mỗi quả táo trong tranh có giá nhiều triệu đô la.

Paul Cézanne. Những quả táo. 1889-1890. Sơn dầu. 38.5×46 cm. Nguồn Sotheby’s

Chỉ là những quả táo thôi tại sao lại đắt được như thế?

Bởi, ông đã làm thay đổi thế giới quan về việc nghiên cứu các cấu trúc nét trong không gian thông qua việc vẽ các trái táo chứ không để diễn giải ánh sáng như các họa sĩ Ấn tượng thời đó.

Người ta ước tính rằng, Cézanne đã vẽ số lượng táo nhiều hơn tổng số táo ông có thể ăn được trong đời.

Phiên đấu giá tranh “Những quả táo” của Paul Cézanne tại Sotheby’s New York, 2013. Nguồn nytimes.com

Ngắm nhìn các trái táo của Cézanne, “ta có cảm tưởng như thể ông muốn người xem ngửi thấy những cánh đồng mà ông vẽ ở Provence, cảm nhận được không gian và bầu không khí sâu thẳm của khung cảnh núi non mà ông thể hiện, cũng như muốn người xem vớ lấy những quả táo rồi ăn chúng”.

Họa sĩ Huy Oánh rất yêu thích tác phẩm của Cézanne. Ông thích thú nhắc lại câu chuyện về một nhà Phê bình Nghệ thuật, sau khi xem phòng tranh Cézanne đã nói: “Vào đây tôi thấy hiện diện của Cézanne trong từng bức tranh một”.

Phát hiện đó là vô cùng chính xác, quả táo không còn chỉ là cái vật chất bình thường trong cuộc sống; khi vào tác phẩm đã trở thành tâm hồn, thành con người…

2. Tuổi thơ gian khó

Họa sĩ Trần Huy Oánh sinh năm 1937, tại Nam Định. Cha của ông qua đời khi ông chỉ mới 3 tuổi. Vì vậy, tuổi thơ gian khó của ông gắn liền với vất vả của mẹ và những biến động về lịch sử cách mạng của dân tộc.

Tuổi trẻ lao động miệt mài, tự học vẽ trước khi học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào năm 1963.

Hoạ sĩ Huy Oánh (ngồi giữa, hàng trên) cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội

Trong quá trình lập nghiệp, bươn chải học hành, ông thấm, hiểu giá trị của cuộc sống. Vì vậy, ông sáng tác nhiều về đời sống xã hội, về kháng chiến chống Pháp và Mỹ bởi cảm xúc, tình cảm của ông cho những chủ đề này là rất lớn.

Ông nói: “Từng trải của tôi không chỉ có hoa, không phải chỉ có nỗi buồn; có nhiều lúc rất vui, rất lạc quan trong quá trình phát triển, đi lên của dân tộc mình”.

 3. Vẽ gì cũng là vẽ bản chất của cuộc sống

Trong giới mỹ thuật và người yêu hội họa, họa sĩ Huy Oánh được coi là một nghệ sĩ mẫu mực về hội họa hàn lâm.

Ông quan niệm đề tài nào cũng cao quý. Chủ đề  tĩnh vật không có nghĩa là “hoa quả đời thường”. Nó chính là cuộc sống. Bởi khi sáng tác, họa sĩ đang khắc họa lại bản chất của cuộc sống. Sau quá trình lao động, nó trở thành nhân vật, là tâm trạng và là cái hồn, là chính tác giả trong đó.

Vậy, chúng ta nhìn thấy gì trong “Tĩnh vật mùa xuân” của ông?

Đơn giản chỉ là một bức tĩnh vật thôi nhưng nó biểu hiện đầy đủ bút pháp căn bản, cổ điển, tinh tế được “giải quyết” ở mức độ cao bởi một kỹ thuật điêu luyện.

Sự vững chãi, cân bằng, không thừa, không thiếu từ tổ hợp nét, mảng, màu sắc, ánh sáng… bút pháp hàn lâm như “sách giáo khoa” đã tạo sự “cân đối, ổn định”, định hướng được chuyển động thị giác người xem trong một tâm thế an yên.

Trần Huy Oánh (sinh 1937). Tĩnh vật mùa xuân. 2020. sơn dầu. 80×60 cm

Cảm giác này được hình thành từ các hình tam giác cân; các đường ngang bằng, sổ thẳng…đan xen khắp mặt tranh từ ước lệ của thị giác. Nối điểm đầu, điểm cuối đều rất cân bằng, vững chãi.

Có lẽ khi đặt bút vẽ, ông cũng không suy nghĩ về những khối hình này. Mắt người xem sẽ thấy các màu chạy từ điểm này đến điểm kia; hình khối tròn, trụ, tam giác, vuông, chữ nhật… tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng trên thực tế, chưa chắc hình ảnh trong tác phẩm phản ánh đúng hình ảnh mẫu…Mà đã được ông vẽ bằng “cảm giác” của một “bậc thầy hàn lâm”. Hình khối, nét, hay màu sắc ánh sáng sẽ được “tâm thức” ông tự cân đo, đong đếm, đặt,  để sao cho chuẩn mực, hài hòa…

4. Ngắm “Tĩnh vật mùa xuân”, để thấy gì?

Tĩnh vật mùa xuân chỉ đơn giản với hoa, trái và đồ vật ở đây tạo cho người xem những gì?

Khi ngắm lâu, ngắm kỹ sẽ thấy cảm giác về sự cân bằng, bình yên, thư thái. Đường nét, tạo hình vững chãi, sắc màu hài hòa, bố cục mở, có xu hướng vươn lên. Cảm nhận năng lượng của tâm trạng tốt, tích cực, vui vẻ, hạnh phúc lan tỏa…

Ảnh chụp tại tư gia họa sĩ Trần Huy Oánh (Tháng 3/2023)

Tại sao “Tĩnh vật mùa xuân” đạt đến sự cân bằng như vậy? Bởi chính sự mẫu mực trong tư chất của một người thầy; một người họa sĩ; một tài năng trải qua học tập, rèn luyện khắt khe; qua nhiều năm tháng đã trở thành bản năng sáng tạo. Ông sáng tác bằng “cảm”, bằng “tâm thức”. Con người, sự vật, cảnh sắc trong tác phẩm chỉ là “cái cớ” để diễn đạt cái “nội tâm” của Huy Oánh thời điểm ấy…

Ông tâm sự: “Thành công hay không cũng thế. Cái đam mê, cái quyết tâm, cái yêu đời, yêu nghề, yêu cuộc sống góp phần rất tích cực trong việc là chính mình và tái tạo ra những giá trị của cuộc đời”.

Bài viết vởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top