Logo loading

TOMOKAZU MATSUYAMA — HÒA CÙNG VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG VÀ LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT ĐỂ KHÁM PHÁ BẢN SẮC TOÀN CẦU CỦA MÌNH

Ayanna Dozier Thế giới Tomokazu Matsuyama tạo ra vô cùng chi tiết, được sáng tạo và kết hợp từ văn hóa đại chúng, truyền thống hội họa thời Edo và thời Minh Trị Nhật Bản, hội họa Phục hưng phương Tây. Những bức tranh mang tính tượng hình, mô tả con người đắm chìm trong […]
|Viet Art View

Ayanna Dozier

Thế giới Tomokazu Matsuyama tạo ra vô cùng chi tiết, được sáng tạo và kết hợp từ văn hóa đại chúng, truyền thống hội họa thời Edo và thời Minh Trị Nhật Bản, hội họa Phục hưng phương Tây. Những bức tranh mang tính tượng hình, mô tả con người đắm chìm trong phong cảnh và bầu trời đa sắc, thường được lấp đầy bởi những tán lá và các yếu tố khác của tự nhiên.

Tác phẩm của Matsuyama phản ánh trải nghiệm sống du mục của anh: Anh sinh ra ở Nhật Bản; trải qua thời thơ ấu bị chia cắt ở đó và ở Nam California; sau đó chuyển đến Brooklyn vào đầu những năm 2000, nơi anh đang sống. Các bức tranh, tranh tường và tác phẩm điêu khắc của Matsuyama vượt qua khuôn khổ nhị phân Đông – Tây thường được dùng để mô tả quá trình sáng tác của anh. Hấp dẫn hơn cả là cách Matsuyama diễn giải sự va chạm của các biểu tượng và phong cách văn hóa. “Trọng tâm của tôi là: Trở thành công dân toàn cầu là như thế nào? Phải làm gì để có một bản sắc toàn cầu? Bàn về bản sắc trong kỷ nguyên ngày nay có ý nghĩa gì? ” anh chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Artsy.

Bức tranh Another Believer [Một tín đồ khác] (2021) của Matsuyama là tâm điểm cuộc đấu giá từ ngày 12 đến ngày 26 tháng 5. Lợi nhuận từ việc bán độc quyền của Artsy sẽ được chuyển đến Asian American Arts Alliance (A4), một tổ chức thúc đẩy, hỗ trợ và chia sẻ các nguồn lực cho các nghệ sĩ châu Á đang làm việc tại Hoa Kỳ. Phiên đấu giá có sự cộng tác của Kotaro Nukaga, chủ gallery tại Tokyo hợp tác với Matsuyama, một cách để khuếch đại nỗ lực của họa sĩ trong việc xây dựng cộng đồng với các nhóm văn hóa châu Á di cư.

Tomokazu Matsuyama, một phần của ‘Another Believer’ 2021. © Tomokazu Matsuyama. Nhờ sự cho phép của họa sĩ.

Matsuyama đặc biệt cam kết thúc đẩy các nghệ sĩ châu Á đang làm việc trong thế giới nghệ thuật New York, nơi mà anh cho là vẫn bị thống trị bởi các nghệ sĩ nam da trắng. “Bây giờ, nó đang thay đổi; Các nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi cuối cùng cũng có tiếng nói gây ảnh hưởng trong thế giới nghệ thuật, nhưng tiếng nói của các nghệ sĩ châu Á vẫn chưa được lắng nghe nhiều,” Matsuyama sử dụng studio và hoạt động nghệ thuật của mình để giúp tạo cầu nối với các nghệ sĩ di cư khác. Theo một cách nào đó, cách tiếp cận này giúp chống lại trải nghiệm hơi cô lập mà anh gặp phải khi là một nghệ sĩ mới nổi.

Các tác phẩm đầy màu sắc và chi tiết của Matsuyama minh chứng cho nền tảng thiết kế đồ họa vững chắc của anh, anh đã có MFA về thiết kế truyền thông từ Pratt. Tuy nhiên, anh tự mình trau dồi kỹ năng hội họa và phát triển chúng bằng việc làm trợ lý studio cho các họa sĩ ở New York. “Tôi là một họa sĩ tự học,” Matsuyama nói. “Bước chân đầu tiên của tôi vào thế giới nghệ thuật đương đại là trở thành trợ lý cho một họa sĩ theo trường phái tối giản và tôi đã vẽ một chùm những hình tròn.”

Tomokazu Matsuyama, ‘Trên bờ sông’ 2021; Side X Side Gallery; US$12,000

Hoạt động của Matsuyama đã phát triển trong thập kỷ qua với các triển lãm ở gallery và chủ yếu là các tác phẩm nghệ thuật công cộng lớn. Anh đã lắp đặt các hệ thống LED kỹ thuật số, tác phẩm điêu khắc và tranh tường trên khắp Tokyo, Hồng Kông, Beverly Hills và New York. Công việc như vậy chắc chắn đã tác động đến phản ứng phê bình và thương mại, qua sự gia tăng của thị trường gần đây, bao gồm một số kỷ lục đấu giá mới trong năm qua, cũng như sự công nhận của các tổ chức, chẳng hạn như triển lãm cá nhân của anh vào năm 2020 và 2021 tại Long Bảo tàng ở Thượng Hải và Trùng Khánh. Ngoài việc được đại diện bởi Nukaga, Matsuyama đã ký vào danh sách của Kavi Gupta vào tháng 8 năm 2021.

Another Believer (2021) là một phần của seri “Phong cảnh hư cấu” (từ 2021 đến nay), một tập hợp những tác phẩm diễn tả mối liên kết bên trong, giữa những gì anh cảm nhận và những gì đã tạo cảm hứng cho anh, dựa trên nền tảng văn hóa. Những cảnh vật sặc sỡ kì ảo, hòa trộn thiên nhiên với vũ trụ, bố cục mẫu mực của hội họa cổ điển phương Tây, thời trang đại chúng, động thực vật đặc trưng của thời Edo. Với mỗi tác phẩm, Matsuyama hòa trộn đa dạng các phương tiện quảng cáo, logo, bìa tạp chí, nghệ thuật hiện đại — chuyển chúng vào hình dạng, vải vóc, trang trí, bằng rất nhiều lớp phức tạp và tạo nên một bức tranh.

Tomokazu Matsuyama, ‘Broken Train Pick Me’ 2021; The BlackWood Gallery

Tomokazu Matsuyama, ‘Another Believer’ 2021; Acrylic và chất liệu hỗn hợp trên toan; 100 × 60 in — 254 × 152.4 cm; Đấu giá tại Artsy; $180,000 (4 lượt)

Trong Another Believer, một nhân vật bước ra từ buồng điện thoại, hơi gợi nhớ đến seri truyền hình Doctor Who (từ 1963 đến nay). Chiếc buồng điện thoại hoặc là trồi lên, hoặc đang chìm xuống một khối nước, được bao quanh là những mảng rạng rỡ của hoa, bông tuyết, cây cối. Nhân vật của Matsuyama xuất hiện giữa các thế giới, các thiên hà, các khoảng thời gian, mặc những bộ đồ mới mẻ nhất, bước vào thế kỉ 21. Yếu tố của hiện tại được thêm vào là hình tạp chí áo tắm dán bên trong chiếc buồng.

Phần nền là sự pha trộn kỳ ảo của các mùa, mùa xuân với hoa lá bung nở và những bông tuyết rơi. Mâu thuẫn này phản ánh trải nghiệm của họa sĩ, ở trong một môi trường nào đó nhưng lại không thuộc về nó. Xa hơn, nó truyền đạt cách một cá nhân sống với nhiều văn hóa, sự thật, thời kỳ, tất cả và cùng một lúc.

Another Believer cao xấp xỉ 8 foot (hơn 2 mét rưỡi) được tạo tác rất cẩn thận và khó nhọc, tại studio của họa sĩ, Greenpoint, Brooklyn, ròng rã trong 3 tháng. Studio của Matsuyama với một nhóm 20 người, làm việc cùng anh, vẽ tranh, điêu khắc, và những việc điều hành. Anh so sánh công việc tại studio với một nhà bếp Michelin, nơi người bếp phó cuối cùng sẽ rời đi và tự mình làm chủ. Nếu không có các trợ lý thì một tác phẩm cỡ lớn như Another Believer sẽ mất tới một năm để hoàn thành, Matsuyama giải thích. Anh coi những trợ lý studio của mình như học trò chứ không đơn giản là người được thuê để làm việc.

Tomokazu Matsuyama, một phần của ‘Another Believer’, 2021. © Tomokazu Matsuyama. Nhờ sự cho phép của họa sĩ.

“Ngay cả với những hoạt động của riêng tôi, tôi muốn tìm cách tạo cơ hội [cho những người bạn đồng nghiệp] khi họ làm việc với tôi,” anh chia sẻ, anh tìm cách ủng hộ và chia sẻ kinh nghiệm cho đội nhóm của mình, tạo không gian trong studio cho riêng họ các buổi tối và các ngày trong tuần, tuyển chọn tác phẩm của họ đến với những triển lãm, bán tác phẩm cho họ.

“Có nhiều lý do để tôi hợp tác với Matsu,” Nukaga nói, “tuy nhiên, một trong những lý do tôi quý mến cậu ấy là cậu ấy ủng hộ những nghệ sĩ người Nhật ở New York. Cậu ấy nhận nhiều họa sĩ vào làm việc tại studio của mình, cung cấp visa để họ có thể làm việc ở New York. Studio của cậu ấy giống như một ngôi trường lớn, và đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ tuyệt vời.”

Studio của Matsuyama và nghệ thuật đã cung cấp không gian cho những ai tồn tại giữa các thế giới. Chính người họa sĩ cũng chưa cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi ở New York hay khi ở Nhật Bản. “Để tiếng nói của tôi có thể vang xa, tôi phải ở trong vùng xám này,” anh nói. “Tôi không phải kiểu Đông – Tây, theo chủ nghĩa quốc tế hay truyền thống. Công việc của tôi là trang trí nhưng nó dựa trên các ý tưởng.” Vùng xám — chính là không gian cơ hội của Matsuyama, tạo cảm hứng và cho phép anh khám phá, như anh nói: “Bằng cái cách nào mà chúng ta định nghĩa bản thân trong ngày hôm nay, trong kỷ nguyên này?”

Nguồn: Artsy

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top