Logo loading

TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979), “CHÂN DUNG CỤ GIÀ”

TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979) “Chân dung cụ già”, 1946 Mực và màu trên lụa Kí và đóng dấu ở góc trên bên phải, ghi năm ở góc dưới bên trái 45 × 36,5 cm Họa sĩ Tôn Thất Đào nguyên quán Phú Cát, Huế, là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, thuộc dòng dõi chúa […]
|Viet Art View

TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979), “CHÂN DUNG CỤ GIÀ”

TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979)
“Chân dung cụ già”, 1946
Mực và màu trên lụa
Kí và đóng dấu ở góc trên bên phải, ghi năm ở góc dưới bên trái
45 × 36,5 cm

Họa sĩ Tôn Thất Đào nguyên quán Phú Cát, Huế, là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, thuộc dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu, là cháu nội của đại thần Tôn Thất Loan – Binh bộ Thượng thư, kiêm Hữu Tôn khanh Tôn Nhơn phủ triều Nguyễn. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa VIII (1932-1937) cùng với Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Văn Thâu, Nguyễn Văn Thiện, Lê Yên và Nguyễn Thị Nhung.

Năm 1937 khi Tôn Thất Đào ra trường cũng là năm người thầy tôn kính của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam – Hiệu trưởng Victor Tardieu (1870-1937) mất. Năm 1939, họa sĩ Tôn Thất Đào được bổ nhiệm về dạy ở hai trường Khải Định và Đồng Khánh. Năm 1941, dưới triều vua Bảo Đại ông còn được đề cử vào cung dạy vẽ cho Thái tử Bảo Long. Tôn Thất Đào từng dạy vẽ tại các trường Trung học Khải Định, Trung học Đồng Khánh, Quốc học, Trung học Kỹ thuật, Trung học Tín Đức, Trung học kiểu mẫu Huế, được Vua Bảo Đại phong tặng Long Bội tinh (1942). Năm 1957, ông sáng lập và làm Giám đốc đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật thuộc Viện Đại học Huế, ngoài ra còn làm Quản đốc Trung tâm Khuyếch trương Tiểu công nghiệp Huế và giáo sư hội họa Trường Sư phạm Bổ túc Huế.

TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979), “CHÂN DUNG CỤ GIÀ”

Là người con của đất Huế, nên các sáng tác của ông đều xoay quanh cảnh sắc, con người, thiên nhiên, kiến trúc, tập tục truyền thống văn hóa của Huế. Đặc biệt, ông là người được trực tiếp vẽ chân dung Nam Phương Hoàng hậu (khoảng đầu thập niên 1940) và Thái tử Bảo Long (năm 1942). Có lẽ, nghệ danh “họa sĩ cung đình” của ông xuất phát từ gia thế và những vinh hạnh khi được vẽ chân dung cho hoàng tộc Huế.

Năm 2014, trong một bài viết của tác giả Thái Lộc về Tôn Thất Đào đăng trên báo Tuổi trẻ có đoạn: “Đáng chú ý nhất bốn bức tranh lụa của Tôn Thất Đào gồm: Sông Hương-Núi Ngự (tạm đặt tên), Chân dung cụ già (1946), Vườn xuân (4-1955), Phong cảnh thôn quê (1965) được treo trên tường nhà”. Bức “Chân dung cụ già” được Tôn Thất Đào sáng tác sau khi tốt nghiệp được 9 năm, khi đã trở về Huế và vẽ tranh cho hoàng tộc Huế. Lúc ấy, hội họa của ông đã đạt được những thành tựu nhất định.

TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979), “CHÂN DUNG CỤ GIÀ”

Bức tranh có gam màu xanh mát dịu nhẹ, tạo hình cụ ông với mái tóc và chòm râu dài bạc trắng trong trang phục truyền thống áo the, quần dài (có thể là trên chất liệu lụa). Trên ngực áo dường như được đeo một chiếc túi vải gấm nhỏ, có nắp, thêu chữ Thọ cách điệu. Điểm đặc biệt nhất là bộ móng tay dài. Dưới thời phong kiến xưa, những người quyền quý, cao sang, có chức vụ không phải làm việc nặng nhọc như quan, nhà nho, ông lang… nên họ thường để móng tay dài. Điều đó cho thấy, cụ già trong bức tranh này là một người đàn ông thuộc tầng lớp đẳng cấp và giàu có. Điểm nhấn đặc sắc của tác phẩm tỏa ra từ thần thái của cụ. Với tư thế thoải mái – cho thấy một sức khỏe tốt, môi nở nụ cười nhẹ… dường như đang trong một câu chuyện đàm đạo thong thả. Điều này càng làm nổi bật lên khí chất anh minh, phúc thọ an khang của một bậc trưởng lão tôn quý.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

  • Hotline Millon Việt Nam +84 706430688
  • Email: info@millon-vietnam.com
Chia sẻ:
Back to top