1, Lot 124. Trần Phúc Duyên (1923-1993)
Bờ sông, 1950
Sơn mài. 8 tấm, 80×200 cm
Xuất xứ: Được cho là được mua bởi ông Robert Dubois, được kế thừa trong gia đình.
Đạt 377.000 EUR
Sinh năm 1923 tại Hà Nội, Trần Phúc Duyên là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam thế kỷ XX. Xuất thân từ một gia đình giàu có, ông theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương và chuyên ngành sơn mài. Ông tốt nghiệp năm 1946, sang Pháp năm 1954 để theo học tại Trường Mỹ thuật. Trần Phúc Duyên đã phát triển danh tiếng và sự nghiệp giữa phương Đông và phương Tây.
Triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trần Phúc Duyên tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2023 đã nêu bật những tác phẩm có dạng bình phong của ông. Tài năng của ông đã được công nhận ngay từ khi ông bắt đầu sự nghiệp, khi một bức tranh của Trần Phúc Duyên được chính phủ Việt Nam tặng Đức Giáo hoàng Pie XII nhân dịp Năm Thánh năm 1950, nhờ đó đã nâng cao tầm ảnh hưởng và danh tiếng của ông trong lòng công chúng.
Ban đầu mang tính biểu hình và trang trí, nghệ thuật của ông đã phát triển theo hướng trừu tượng tối giản, nâng sơn mài Việt Nam lên một tầm nghệ thuật lớn. Bình phong ở đây thuộc về phần đầu tiên của quá trình phát triển trong sáng tác của ông. Nó kết hợp thẩm mỹ phương Đông và các kỹ thuật phương Tây điển hình của sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với các màu sắc đặc biệt là đen, đỏ son và vàng. Tác phẩm có phong cảnh hồ nước, rất có thể nằm ở vùng trồng lúa ở miền Bắc Việt Nam. Màu xanh đầy mê hoặc được họa sĩ sử dụng để khắc họa dòng sông mang đến cho tác phẩm tất cả vẻ huy hoàng, tương phản với màu đen của những đỉnh núi đá hiện ra phía xa. Hình ảnh những người phụ nữ và động vật cũng là những điểm nhấn của cuộc sống con người xuất hiện giữa khung cảnh hùng vĩ và thể hiện thiên tài của một họa sĩ xuất sắc ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất.
Tác phẩm này cho đến nay là một trong những tác phẩm lớn nhất có trên thị trường về mặt kích thước.
2, Lot 140. Lương Xuân Nhị (1914-2006)
Tĩnh vật hoa loa kèn
Sơn dầu trên toan
Ký tên phía trên bên trái
64×49 cm
Xuất xứ: Tranh thuộc sưu tập gia đình họa sĩ, hiện thuộc sưu tập ông N.M, Hà Nội
Đạt 100.100 EUR
Hoa loa kèn là đề tài rất quen thuộc với các họa sĩ Việt Nam. Họa sĩ Lương Xuân Nhị cũng không là ngoại lệ khi ông đã sáng tác vài bức về loài hoa này. Ở bức tranh này, gam màu đặc trưng vàng đất, xanh lá cây được đắm mình trong không gian trong veo đặc trưng phong cách Lương Xuân Nhị. Một bình hoa loa kèn đang dịu dàng tỏa hương thơm thanh mát…
3, Lot 137. Vũ Cao Đàm (1908-2000)
Nhà thơ, 1978
Sơn dầu trên toan
Ký và ghi thời gian góc dưới bên trái
71.7 × 90.5 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân Việt Nam
Đạt 83.200 EUR
Vũ Cao Đàm nguyên quán Nam Định, sinh tại Hà Nội, là người con thứ năm trong tổng số 14 người con của gia đình. Ông tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc khóa II (1926-1941) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từ 1931, sau khi cha mẹ mất, ông sang Pháp học tập và định cư. Ông hầu như chỉ sáng tác hội họa kể từ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Khoảng thập niên 1950, ông cùng gia đình chuyển tới vùng Vence. Ở đây, ông may mắn được tiếp xúc và làm bạn với hai danh họa là Matisse và Marc Chagall. Từ đây, phong cách hội họa của Vũ Cao Đàm chuyển sang một giai đoạn mới, mang màu sắc của Chủ nghĩa Ấn tượng.
Ông đặc biệt thích các tích cổ như Kiều, Chinh phụ Ngâm. Hình ảnh chị em Thúy Kiều; chàng Kim Trọng; thiếu nữ trẻ; phụ nữ và những đứa con; những con ngựa và các chiến binh; những chú gà xuất hiện trong hầu hết các sáng tác của Vũ Cao Đàm.
Bức tranh sáng tác năm 1987 và được đặt tên là “Nhà thơ”. Trên thực tế, các nhân vật trong tác phẩm nằm trong chuỗi nhân vật căn bản mà Vũ Cao Đàm đã xây dựng hình ảnh để có thể “lắp ghép” cho phù hợp với nội dung tùy tranh. “Nhà thơ” ở đây cũng có thể hóa thân thành chàng Kim Trọng. Hình ảnh hai thiếu nữ có thể là “Thúy Kiều – Thúy Vân”, cũng có thể là hai thiếu nữ đang tâm tình, hoặc đôi khi là hai chị em gái đang chuyện trò…
Hòa sắc rực rỡ ảnh hưởng của chủ nghĩa Ấn tượng với gam màu đỏ và vàng được làm mềm đi bởi màu xanh dịu mát của trang phục nhân vật. Không gian và thời gian trong tranh Vũ Cao Đàm luôn đặt giữa những tiềm thức mơ màng không rõ ràng. Nhưng người xem đôi khi lại thích những thứ mơ hồ như vậy để đoán định, để suy nghĩ và dường như cũng thả mộng mơ màng theo.
4, Lot 107. Victor Tardieu (1870-1937)
Thưởng trà
Sơn dầu trên toan
Ký tên phía dưới bên phải
81 × 65 cm
Triển lãm / Tham khảo: Có chứng nhận xuất xứ được xác thực bởi ông de Coninck, giám đốc Galerie Jonas, người đã giới thiệu các tác phẩm trong cuộc triển lãm chuyên khảo có tựa đề “Victor Tardieu, 1870-1937” vào tháng 12 năm 1977. Tác phẩm được trưng bày dưới số thứ tự 25.
Đạt 81.900 EUR
Chủ đề những người phụ nữ trong vườn được Victor Tardieu yêu thích trong khoảng thời gian sáng tác kéo dài từ năm 1911 đến năm 1914, khi ông cùng gia đình trải qua mùa hè tại Orlines, gần Lyon. Ký ức về “ngôi nhà nơi có khu vườn rộng lớn ngự trị” gợi cho tâm hồn non nót của đứa trẻ Jean Tardieu ấn tượng về vùng đất “thiên đường”. Không gian xanh đã truyền cảm hứng cho người nghệ sĩ tạo ra một số tác phẩm ngoài trời cùng với vợ ông, Caroline Luigi và những người bạn. Sử dụng bảng màu sống động và áp dụng phong cách gần với chủ nghĩa Ấn tượng, những tác phẩm này là minh chứng cho vị trí của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật vào đầu thế kỷ này.
5, Lot 132. Lê Phổ (1907-2001)
Tĩnh vật hoa
Sơn dầu trên toan
Ký phía dưới bên phải
44 × 25 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập cá nhân Việt Nam
Đạt 72.800 EUR
Lê Phổ sinh năm 1907 tại Hà Đông. Cha của ông là Lê Hoan, quan đại thần An Nam (tỉnh Hà Tây) dưới triều Vua Hàm Nghi (1884-1885). Lê Phổ trở thành trẻ mồ côi ở tuổi lên tám sau khi cha mẹ lần lượt qua đời. Chính vì sự thiếu thốn tình thương cha mẹ nên với Lê Phổ, “những năm tháng vô cùng tươi đẹp” của ông là khi theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lê Phổ rất yêu quý thầy giáo của mình – ngài Victor Tardieu cũng như kính mến người thầy thứ hai – Joseph Inguimberty.
Năm 1931, Lê Phổ được thầy Victor Tardieu chọn làm trợ lý tại Triển lãm các nước thuộc địa diễn ra tại Paris năm 1931. Đây là lần đầu tiên chàng trai Lê Phổ ra nước ngoài. Năm 1933, ông quay về Việt Nam giảng dạy. Trong thời gian đó ông có cơ hội vào Huế, vẽ chân dung Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu. Sau bốn năm về Việt Nam, với tư cách là Giám đốc Nghệ thuật khu trưng bày Đông Dương tại Triển lãm Quốc tế Paris năm 1937, Lê Phổ từ Việt Nam quay trở lại Pháp và quyết định ở lại Paris, coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.
6, Lot 136. Vũ Cao Đàm (1908-2000)
Trò chuyện
Sơn dầu trên toan
Ký, ngày tháng và ghi địa điểm tại Vence phía dưới bên phải
60 × 49 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập cá nhân Việt Nam
Đạt 61.100 EUR
Vũ Cao Đàm rất yêu thích chủ đề cặp đôi nam nữ. Ông có mấy series cho chủ đề này, ví dụ như “Chiếc (nhẫn) vòng ngọc”, “Chuyện trò”, “Người đàn ông trở về”, “Bàn tay”… “Chuyện trò” là một trong những bức tranh rất đẹp, tiêu biểu của Vũ Cao Đàm với chủ đề này. Hình ảnh đôi nam nữ trong trang phục Việt quen thuộc cùng chú ngựa phía xa… đã ý nhị mô tả quãng đường mà chàng trai đã trải qua.
Từ khi chuyển về Vence, Vũ Cao Đàm bắt đầu sáng tác theo phong cách chủ nghĩa Ấn tượng, đôi khi các nhân vật của ông xuất hiện trong bối cảnh kiến trúc rất đặc biệt. Chúng được pha trộn kiểu thức giữa quê nhà Việt Nam và nơi ông sinh sống khi đó – Vence. Tác phẩm dường như được ông sáng tác trong một tiềm thức mơ màng giữa quá khứ và hiện tại. Kết cấu mái nhà kiểu “mái đình làng Việt” nhưng khung cửa sổ người thiếu nữ đang đứng gần với kiến trúc những căn nhà nhìn ra bờ biển nước Pháp. Màu sơn trắng của tường nhà cũng là đặc trưng kiến trúc châu Âu. Có thể thấy, trong tâm trí người họa sĩ không khi nào vơi nỗi nhớ quê hương. Ông chỉ có một ít tranh về phong cảnh vùng Vence, tất cả những sáng tác còn lại của ông đều vẽ về Việt Nam.
7, Lot 133. Lê Phổ (1907-2001)
Tĩnh vật hoa
Sơn dầu trên toan
Ký phía dưới bên phải
44 × 25 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập cá nhân Việt Nam
Đạt 55.900 EUR
Tĩnh vật hoa có lẽ là đề tài mà Lê Phổ sáng tác nhiều nhất. Các loài hoa ông thường sử dụng dường như đều rực rỡ sắc màu. Từ hoa tulip đến hoa hồng, hoa cúc, hoa huệ tây, thủy tiên… đều được ông sắp xếp, bài trí hợp lý, hài hòa. Các bức tranh về hoa của ông đều toát lên vẻ lộng lẫy và vương giả. Chất liệu sơn dầu dường như rất hợp với sự rực rỡ này. Chỉ cần một bức tranh hoa của Lê Phổ đã khiến cho không gian của căn nhà trở nên sáng bừng đầy sức sống…
8, Lot 129. Phạm Hậu (1903-1995)
Cá vàng
Sơn mài
Được ký tên và có dấu ở góc dưới bên phải
71 × 121 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập cá nhân từ Bretagne, được ông nội của chủ sở hữu hiện tại mua khi ông ấy đang công tác tại Sài Gòn với tư cách là một kỹ sư tại nhà máy đá lạnh từ năm 1947 đến 1954, và sau đó được chuyển giao theo dòng dõi.
Đạt 54.600 EUR
Cá vàng cùng họ với cá chép, là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn theo quan niệm của người phương Đông. Vì vậy, các bức tranh vẽ cá vàng và cá chép rất được ưa chuộng tại Việt Nam, Trung Quốc.
Năm 2019, bức bình phong sơn mài bốn tấm Chín con cá chép trong hồ nước (Cửu ngư quần hội) của Phạm Hậu đã được bán với giá 1,68 triệu USD tại Sotheby’s Hong Kong. Đấy là lần lần đầu tiên, một tác phẩm sơn mài của Phạm Hậu đạt mức giá triệu đô.
Bức tranh này của Phạm Hậu cũng có 9 con cá vàng đang quần hội. Theo quan niệm phong thủy, con số 9 là con số của vua, trường tồn, vĩnh hằng, là biểu tượng của may mắn, phú quý.
Trong sự nghiệp của mình, Phạm Hậu sáng tác nhiều tranh cá vàng, cá chép (theo thị hiếu và nhu cầu của thời ấy). Hầu hết các họa sĩ chuyên chất liệu sơn mài, cùng thời kỳ Phạm Hậu cũng sáng tác nhiều tranh chủ đề này.
Với kích thước khá lớn, 71×21 cm, được ký tên Phạm Hậu cùng với dấu triện ở góc dưới bên phải. Đây là một tác phẩm sơn mài được hoàn thiện với kỹ thuật của một bậc thầy tỉ mỉ, kỹ lưỡng trên một bảng màu có hòa sắc phong phú.
9, Lot 106. Victor Tardieu (1870-1937)
Chiếc võng
Sơn dầu trên toan
Ký tên phía dưới bên phải, có nhãn và xác nhận của Galerie Atlantis ở mặt sau.
47 × 47 cm
Xuất xứ: Galerie Atlantis, 33 rue de Seine, Paris, trước đây đã được trưng bày trong triển lãm “Victor Tardieu 1870-1937” tại Galerie Jonas vào năm 1977. Tác phẩm được trưng bày dưới số thứ tự 44 trong danh mục.
Đạt 53.300 EUR.
Một tác phẩm khác có cùng chủ đề về thưởng trà trong vườn và thể hiện hai nhân vật nữ, trong đó có thêm nhân vật nữ thứ ba trên võng ở bên phải tác phẩm, cũng do Victor Tardieu sáng tác mang tên “Áo trắng trong nắng”, được trưng bày trong cùng triển lãm tại Galerie Jonas, dưới số 45.
Bức tranh “Áo trắng dưới nắng” khiến chúng ta cho rằng tác phẩm “Chiếc võng” được Victor Tardieu thực hiện như một nghiên cứu về nhân vật nữ uể oải trên võng, chuẩn bị cho việc thực hiện tác phẩm đã đề cập ở trên. Thật vậy, người phụ nữ mặc cùng bộ trang phục màu trắng và chiếc mũ lớn, ở tư thế tương tự, tựa đầu vào tay, chắc chắn gợi nhớ đến nhân vật bên phải trong “Áo trắng trong nắng”.
10, Lot 141. Lương Xuân Nhị (1914-2006)
Cúc vàng
Sơn dầu trên toan
Được ký phía trên bên trái, dấu triện phía dưới bên phải
49 × 35 cm
Xuất xứ: Cùng với bức tranh “Hoa lan”, bức “Hoa cúc vàng” cũng vốn là một trong ba món quà cưới mà họa sĩ Lương Xuân Nhị tặng đám cưới con một người bạn mà ông thân thiết, chủ một quán café ở Hà Nội. Cách đây nhiều năm, tác phẩm được trao cho người con trai của gia đình lưu giữ. Hiện nay, tranh thuộc bộ sưu tập tư nhân Hà Nội.
Đạt 52.000 EUR
Tranh được sáng tác khoảng thập niên 1980. Đây là khoảng thời gian họa sĩ Lương Xuân Nhị vẽ những bức tranh dưới một tâm thế thư thái, yên bình. Những trăn trở về đề tài, bút pháp dù đơn giản hay phức tạp dường như đều được ông thể hiện khoan thai, ôn hòa. Niềm vui, hân hoan dù rộn ràng hay ưu tư suy nghĩ đến mấy cũng đều được ông cân bằng trong cảm xúc chừng mực. Thoạt nhìn bình hoa cúc với gam vàng xanh này, người xem có cảm giác trong veo, yên bình, thanh tịnh. Những bông hoa cúc được gợi hình hơn tả khối. Phần nền được thể hiện ánh sáng vô cùng tinh tế nhưng lại khúc chiết về chuyển các sắc xanh dịu nhẹ qua việc diễn tả tấm vải phía sau bình hoa. Chỉ là một bình hoa cúc thôi, nhưng nếu người xem đặt tâm thế của mình như tác giả đang ngồi trước không gian như thế này, thoảng đâu đó trong ký ức sẽ nhận thấy sự lắng đọng của cảm xúc về tình yêu của một cuộc sống tươi đẹp.