TÊN TÁC GIẢ: LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006)
Tên tranh do họa sĩ đặt: “…đoàn quân giải phóng”
Tên tranh do Nhà Sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc đặt: “Huế – khúc khải hoàn”
Năm sáng tác: 1984. Chất liệu: Sơn dầu. Kích thước: 100×130cm
Hiện thực lãng mạn và Hiện thực cách mạng
Nhắc đến họa sĩ Lương Xuân Nhị, người yêu nghệ thuật hẳn sẽ nhớ tới hình ảnh những thiếu nữ Hà Nội xưa xinh xắn, nền nã, duyên dáng trong tà áo dài tha thướt bên đào, bên sen, bên cúc, bên cành liễu rủ mềm mại… hoặc phong cảnh nên thơ, đầy ắp màu xanh, màu vàng trong veo…
Về căn bản, đó là những thông tin được xuất hiện nhiều trên tư liệu. Nhưng trên thực tế, Lương Xuân Nhị là người sáng tác đa chủ đề. Ông sáng tác nhiều tranh đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, lao động sản xuất.
Những năm trước 1945, ông đã sáng tác “Gia đình thuyền chài”, “Quán nước”, các hoạt cảnh sinh hoạt ở thôn quê, miền núi… Không những thế, ông còn là họa sĩ của nhiều bức truyền đơn địch vận thời kháng chiến chống thực dân Pháp…
Với chủ đề nào ông cũng để lại dấu ấn cá nhân đậm nét.
Từ phong cảnh cố đô Huế…
Kinh đô Huế xưa trong tâm trí người Việt là những đền đài, lăng tẩm xa hoa, tráng lệ. Với các nghệ sĩ, Huế như một chủ đề bất tận về cảnh vật, kiến trúc, con người… được khắc họa phong phú, nhiều sắc thái trong văn, thơ, nhạc, họa.
Lương Xuân Nhị là người yêu mến Huế. Các sáng tác về Huế của ông ở thời kỳ nào, chất liệu nào, đề tài nào cũng đều đẹp, nên thơ, nhiều tâm trạng.
Từ năm 1938, ông đã sáng tác tác phẩm “Nhà Thủy Tạ – Lăng Tự Đức” (sơn dầu) với gam màu xám nhạt, mang nỗi buồn man mác trước tâm thế một người Việt khi đối diện với những di tích lịch sử của một triều đại đã qua.
Năm 1978, ông sáng tác “Thuyền trên sông Hương” trong một tâm trạng khác. Vẫn là Huế thơ mộng với hình ảnh dòng sông Hương cùng những con thuyền; nhưng cảnh sắc rực rỡ, chan hòa nắng vàng cùng những rặng cây xanh mướt hai bên sông.
… Đến Huế – khúc khải hoàn
Cách đây khoảng 5, 7 năm, Viet Art View được xem một bức tranh sơn dầu của họa sĩ Lương Xuân Nhị tại tư gia của Nhà Sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc. Bức tranh mô tả rất nhiều người dân, thuộc nhiều tầng lớp đang hân hoan cờ hoa đón chào các chiến sĩ giải phóng ngồi trên các chiếc xe đang tiến qua một cái cổng thành rất lớn.
TÊN TÁC GIẢ: LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006)
Tên tranh do họa sĩ đặt: “…đoàn quân giải phóng”
Tên tranh do Nhà Sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc đặt: “Huế – khúc khải hoàn”
Năm sáng tác: 1984. Chất liệu: Sơn dầu. Kích thước: 100×130cm
“Tôi biết bức này sau khi Triển lãm năm 1985 Toàn quốc, bức này về tay ông Lưu Nguyên ở Trần Quốc Toản. Ông Lưu Nguyên là bạn rất thân của Lương Xuân Nhị và tôi với ông Lưu Nguyên cũng là bạn vong niên cùng chơi cổ vật với nhau.
Sau khi Triển lãm Toàn quốc năm 1985, ông ấy (họa sĩ Lương Xuân Nhị) có nhượng lại cho ông Lưu Nguyên và vô tình có một lần tôi đến chơi thì gặp cả tác giả, cả chủ nhân và có chuyện trò về bức tranh này.”
Đúng như lời kể của Nhà Sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc, mặt sau lưng bức tranh vẫn còn dán phiếu giao nhận của “Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc” năm 1985. Nhưng sau gần 40 năm, mực đã bay màu nên phần đề tên tác phẩm chỉ còn lờ mờ nhận diện được bốn chữ “…đoàn quân giải phóng”, kích thước 130×100cm, năm sáng tác 1984.
Hình ảnh mặt sau tranh
Dựa vào hình ảnh con người, cảnh quan kiến trúc, bức tranh này được họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác trên cơ sở hai tác phẩm về một cổng thành Huế (sách Lương Xuân Nhị trang 116). Đây là một trong 18 cổng thành đi vào nội đô Huế. Tuy không có bất cứ chú thích nào, chỉ nhờ nhận diện kiến trúc cho thấy, tranh mô tả (mặt trong thành) cổng Đông Ba, một trong những cửa ra vào chính của kinh thành Huế.
Một số tư liệu ghi, các cổng “Thượng Tứ”, “Đông Ba” là một trong những lối chính để quân Giải phóng tiến vào giải phóng Huế năm 1975.
“Ở Huế trước đây ông ấy đã có một bức “Thành cổ Huế”, sau này khi tham gia Triển lãm Toàn quốc năm 1985 thì ông ấy dựa vào tư liệu “Thành cổ Huế” và ông bắt đầu sáng tác thêm người dân Huế chào đón bộ đội Giải phóng miền Nam vào để giải phóng Huế. Đây là đề tài chiến tranh.
Và thường đề tài chiến tranh những người chơi người ta ít thích, vì nó mang đề tài chiến tranh, thế nhưng mà riêng tôi, tôi lại rất thích đề tài này bởi vì nó thuộc về một đề tài lịch sử. Việt Nam là một đất nước kiên cường đã chống được hai đế quốc lớn nhất của thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nó đã đi sâu vào lịch sử giữ nước và dựng nước của Việt Nam. Cho nên nhiều người không hiểu bởi vì một bức tranh có số phận của nó, có cuộc sống của nó, nó cũng giống như con người, thế thì ở đây đề tài chiến tranh này rất hấp dẫn vì nó là hậu chiến tranh. Thành cổ Huế đón quân Giải phóng miền Nam vào giải phóng nó tạo một không khí tưng bừng của người dân Việt Nam khi chiến thắng đế quốc Mỹ.”
Nhà Sưu tập Mạnh Phúc cho biết mình rất yêu thích bức tranh, thường gọi tên tranh là “Huế – Khúc khải hoàn”.
“Tôi nhận định nó đây là “Khúc khải hoàn” vì tôi liên tưởng đến Khải Hoàn Môn của Paris. Đấy, cái tên lí do là như thế, một bức tranh có cuộc đời riêng của nó, có số phận riêng, thế còn tùy theo người chơi người ta khám phá ra các bức tranh đó như thế nào.”
Tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của tác giả. Vì vậy, tên tác phẩm thường bao hàm nội dung. Nhưng có những nhà sưu tập, sau khi sở hữu tác quyền của tác phẩm, họ khám phá cho riêng mình một cách gọi khác từ chính cảm nhận cá nhân. Đó cũng là tình yêu mến họ dành cho tác phẩm, tạo cho nó một tên gọi khác song song với sự trân trọng từ sáng tác của nghệ sĩ.
“Tôi rất trân trọng và chơi cái bức tranh này mặc dù nhiều người người ta không thích đề tài chiến tranh, nhưng ở góc độ sưu tập thì mình phải hiểu là nó còn có giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử có mà, thế thì tại sao mình lại không giữ. Cho nên là tôi rất tâm đắc và tôi treo nó ở một diện tích chính diện của cái phòng tranh này, tức là chứng tỏ tôi trân trọng nó như thế nào.
Trách nhiệm của nghệ sĩ là phải ghi lại một hình ảnh để đời cho đất nước mà ông ấy lại đi theo một cái riêng của ông ấy rất trữ tình và rất nhẹ nhàng là hậu chiến tranh, chứ không phải là trong lúc đang đánh nhau ầm ĩ, súng đạn ầm ĩ. Đấy là đề tài mà tôi cho rằng nó phù hợp với không những Lương Xuân Nhị và với nhiều tác giả có trách nhiệm với đất nước. Đây là một cái kết rất đẹp mà nó cũng rất đúng với tâm trạng, tâm lý của Lương Xuân Nhị…”
Với một bức tranh đề tài cách mạng, việc đọc nội dung của tác phẩm cũng là thấu hiểu tâm tư, cảm xúc của nghệ sĩ; giúp người xem đặt mình ở vị trí tác giả. Tại sao một Lương Xuân Nhị mực thước, khoan thai, cân bằng cảm xúc tốt lại trở nên hân hoan, phấn khởi, rộn ràng với “Huế – khúc khải hoàn”, một đề tài chính trị lịch sử đòi hỏi xử lý nhiều dữ kiện lịch sử, từ kiến trúc đến cảnh vật, con người, bao quát một khung cảnh rộng lớn với nhiều chi tiết thể hiện… Chỉ có thể lý giải từ một tình yêu rộng lớn với quê hương; những biết ơn thầm lặng với những con người đã làm nên chiến thắng vẻ vang, từ chính tâm hồn của mình.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View