Tố Phượng (1936). Thiếu nữ thêu thùa. 1984. Lụa. 48×34 cm
Khi ngắm nhìn một bức tranh chất liệu lụa, sáng tác hình tượng nhân vật nữ; điển hình là thiếu nữ đẹp xinh…chúng ta luôn có một cảm giác thư thái, nhẹ nhàng.
Người thiếu nữ đang ngồi tựa lưng thêu thùa với dáng vẻ thanh nhã, thảnh thơi… trước mắt chúng ta đây được họa sĩ khắc họa vô cùng tinh tế về mặt tạo hình của đường nét, hình thể. Chỉ một điều đấy thôi, cũng đủ để chúng ta nhận thấy, người họa sĩ sáng tác bức tranh này có kiến thức, kỹ năng căn bản vững vàng về tạo hình hàn lâm, một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Họa sĩ Tố Phượng, tên đầy đủ là Đỗ Thị Tố Phượng, sinh năm 1936 tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Bà được tuyển vào Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1952 cùng với một số nữ họa sĩ (về sau đều có tiếng) như Vũ Thị Ngà, Nguyễn Thị Chín, Nguyễn Thị Tâm và em gái Đỗ Thị Tố Oanh (sinh 1937). Cùng học khóa 30 (1952) còn có họa sĩ Quách Phong, Lê Bá Đáng, Lưu Tấn Phước,…
Chân dung họa sĩ Tố Phương (Sinh 1936)
Năm 1960 bà học thêm bằng Sư phạm về hội họa. Bà dạy hội họa tại trường Trung học Lê Văn Duyệt.
Trong cuốn “Sài Gòn- Chuyện đời của phố V”, NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2018 của tác giả Phạm Công Luận, phần ghi chú về tiểu sử (sơ lược) họa sĩ Tố Phượng có viết: Bà đạt Giải Huy chương đồng Triển lãm Hội họa Mùa xuân Sài Gòn năm 1964.
Mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975 được làm phong phú thêm bởi tên tuổi chị em Tố Phượng-Tố Oanh. Họa sĩ Tố Oanh (Đỗ Thị Tố Oanh) sinh năm 1937, em gái ruột của bà cùng chuyên sáng tác tranh lụa.
Năm 1971, chị em Tố Phượng – Tố Oanh có cuộc triển lãm chung tại Hội Việt Mỹ.
Hiện, bà Tố Phượng sống ở Sài Gòn, còn bà Tố Oanh định cư tại Mỹ.
Chồng của họa sĩ Tố Phượng là họa sĩ Nguyễn Văn Thương, cũng tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, chuyên vẽ tranh lụa và là học trò của họa sĩ Lê Văn Đệ (theo sách Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn Gia Định, 1900-1945, NXB Mỹ thuật 2014 của tác giả Uyên Huy).
Như vậy, chất liệu lụa là sáng tác căn bản, xuyên suốt trong gia đình cũng như sự nghiệp của họa sĩ Tố Phượng. Phải chăng vì sống và làm việc trong một môi trường chuyên nghề như thế nên bà đã sáng tác được những bức tranh lụa đẹp tao nhã, dịu dàng đến như vậy.
Bức tranh lụa “Thiếu nữ nằm nghiêng” của bà, được bán đấu giá tại Pháp năm 2019 có cùng chung một mẫu nữ, một bối cảnh với “Thiếu nữ thêu thùa”, chỉ khác một chút về đề tài. Người xem cảm nhận rõ ràng, sâu sắc nét vẽ mềm mại, tinh tế, tạo hình chuẩn mực từ cơ thể nữ nhân vật đến các chi tiết đồ vật. Và quan trọng hơn hết là sắc diện, thần thái đúng với hình tượng nữ miền Nam cách đây nhiều thập niên…
Ở Sài Gòn, trước năm 1975, một số họa sĩ nữ, tốt nghiệp các trường chuyên ngành mỹ thuật như Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, được đào tạo cơ bản về tạo hình như Vũ Thị Ngà, Nguyễn Thị Chín, hai chị em Tố Oanh, Tố Phượng, Hiếu Hạnh… cũng có những sáng tác tranh lụa rất đẹp.
Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1954-1975)
Tạo hình thiếu nữ thêu thùa, may vá, uống trà, trò chuyện, nghỉ ngơi…là những chủ đề căn bản nhất trong thế giới tạo hình hội họa, từ Đông sang Tây. Cách đây nhiều thế kỷ, khi cuộc sống đời thường được khắc họa trong các tác phẩm hội họa cổ điển châu Âu thì nền mỹ thuật thế giới đã sang một trang mới khi đối tượng sáng tác không chỉ để phục vụ riêng cho các công trình tôn giáo và cho giới quý tộc giàu sang…
Từ những năm 1925, nền hội họa cận hiện đại non trẻ của Việt Nam được đào tạo bởi các giáo sư người Pháp theo hệ thống hàn lâm cổ điển châu Âu… đã học tập những chủ đề đó như một sự kế thừa tự nhiên. Hình thức, phong cách tạo hình nhân vật, chất liệu sẽ dựa trên yếu tố phương Đông và truyền thống Việt.
Chúng ta thường hay nói về các bức tranh lụa chủ đề nhân vật nữ của các danh họa Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Lê Văn Đệ…với tạo hình chuẩn mực, nét thanh tú, mềm mại, đặc trưng tính nữ Việt. Các đề tài căn bản đều sáng tạo hình tượng nhân vật nữ như mẫu tử, nghỉ ngơi, chuyện trò, lao động…
Tố Phượng (1936). Thiếu nữ thêu thùa. 1984. Lụa. 48×34 cm
Không nằm ngoài những chủ đề căn bản, đi sâu vào đời sống xã hội đó, bức tranh “Thiếu nữ thêu thùa” của Tố Phượng là bản hòa sắc êm dịu, ngọt ngào hình tượng người phụ nữ đang thêu thùa, may vá bên khung cửa sổ nhỏ xinh. Ngoài khung cửa sổ là thiên nhiên xanh mát qua nhóm trang trí của vài khóm lá tre (trúc). Hình ảnh chú mèo trắng, xinh, ngoan ngoãn lim dim nằm ngủ ngon dưới chân thiếu nữ cũng góp phần tạo nên một không gian ấm áp, tình cảm…
Và đôi khi, lúc nào đó trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, bộn bề lo toan này… chúng ta bất chợt nhìn thấy khung cảnh êm đềm ấy, tự thấy lòng mềm lại, lắng lại, muốn thong dong, tự tại, khoan thai tận hưởng những yên bình như người thiếu nữ đang ngồi thêu thùa kia…
Và, đó chính là hạnh phúc đời người…
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View