Logo loading

TRANH SIÊU THỰC CỦA LEONORA CARRINGTON TIẾP TỤC MÊ HOẶC CÁC NGHỆ SĨ, NHÀ SƯU TẬP VÀ CURATOR

Lee Miller ‘Leonora Carrington, St.Martin d’Ardeche, Pháp’ 1939. Họa sĩ, nhà văn theo trường phái Siêu thực với tầm nhìn xa, Leonora Carrington, qua đời năm 2011, đang được cộng đồng quốc tế chú ý. Tác phẩm của bà đã truyền cảm hứng cho chủ đề Venice Biennale năm nay — “Sữa của những giấc […]
|Viet Art View

Lee Miller ‘Leonora Carrington, St.Martin d’Ardeche, Pháp’ 1939.

Họa sĩ, nhà văn theo trường phái Siêu thực với tầm nhìn xa, Leonora Carrington, qua đời năm 2011, đang được cộng đồng quốc tế chú ý. Tác phẩm của bà đã truyền cảm hứng cho chủ đề Venice Biennale năm nay — “Sữa của những giấc mơ” giám tuyển bởi Cecilia Alemani. Trong thập kỷ qua, các học giả đã nghiên cứu tác phẩm của Carrington với lòng nhiệt thành mới và giá tác phẩm của bà đang tăng vọt. Chủ đề nổi trội trong những sáng tạo đầy ma thuật của bà — nữ quyền, sự linh hoạt về giới tính và ý thức sâu sắc về sinh thái — trở nên hợp thời hơn bao giờ hết.

Tháng 5 vừa qua, bức tranh The Garden of Paracelsus [Khu vườn của Paracelsus] (1957) của Carrington vẽ các nhân vật lưỡng tính thực hành các nghi lễ bí ẩn, đã được bán với giá 3,2 triệu USD tại Sotheby’s, thiết lập một kỷ lục đấu giá mới cho họa sĩ. Tác phẩm của Carrington nổi bật trong các cuộc triển lãm “Chủ nghĩa Siêu thực và ma thuật: Hiện đại mê hoặc” với Bộ sưu tập Peggy Guggenheim ở Venice và “Chủ nghĩa siêu thực: Ngoài biên giới” tại Tate Modern. Di sản của Carrington còn vang xa ngoài những bức tường của các tổ chức và viện bảo tàng: tinh thần kiên cường, không thỏa hiệp và phong cách sui generis [thuật ngữ sinh học chỉ sự độc đáo duy nhất] kỳ lạ của bà đang ngày càng có ảnh hưởng lớn đến các nghệ sĩ đương đại, đặc biệt là các nữ họa sĩ.

Bên trong triển lãm “Chủ nghĩa Siêu thực và Ma thuật: Hiện đại mê hoặc”, Bộ sưu tập Peggy Guggenheim, 2022. Ảnh chụp bởi Matteo De Fina. Được phép của Bộ sưu tập Peggy Guggenheim.

“Bà đã đi trước thời đại trong hội họa và văn chương của riêng mình, những ý tưởng và quan điểm về thế giới… bà là một nhà cải cách và tôi nghĩ bây giờ mọi người mới bắt đầu nhận ra điều đó,” học giả Catriona McAra nói, khi được yêu cầu giải thích về sự phổ biến ngày càng tăng của Carrington. McAra là tác giả của cuốn sách chuyên khảo sắp xuất bản “Chất liệu của Leonora Carrington: một ám ảnh nữ quyền trong nghệ thuật đương đại,” khám phá ảnh hưởng của Carrington đối với các nhân vật đương đại.

Sinh ra ở Lancashire, Anh vào năm 1917, Carrington từ chối cúi đầu trước các qui ước ngay từ khi còn nhỏ. Bà từ chối vai trò của một người vợ và người mẹ trong xã hội mà cha mẹ mong muốn. Thay vào đó, bà đã đến London để học nghệ thuật. Bà yêu một họa sĩ hơn mình nhiều tuổi, Max Ernst, và cùng ông chuyển tới Paris. Bà cũng từ chối vai trò nàng thơ, hay “femme enfant”, một thuật ngữ kiểu trẻ thơ mà các nghệ sĩ siêu thực gán cho những phụ nữ trẻ trong lĩnh vực của họ.

Leonora Carrington ‘Chân dung tự họa’ khoảng 1937–38.

Tác phẩm của Carrington phản ánh quyền tự quyết của bà. Trong bức tranh Chân dung tự họa (Bên trong con ngựa bình minh) (1937–38) — triển lãm “Chủ nghĩa siêu thực: Ngoài biên giới” của Tate Modern — họa sĩ ngồi trên chiếc ghế nhân hình, đưa tay về phía một con linh cẩu dường như đang bị kiểm soát bởi câu thần chú của bà. Với việc miêu tả một nhân vật phụ nữ mạnh mẽ và các loài động vật, niềm tin vào sự kỳ diệu và biến đổi của nghệ thuật — bức tranh đưa ra một tuyên ngôn độc lập không thỏa hiệp, một tuyên ngôn trực quan về những ý tưởng mà Carrington đã dành cả đời để khám phá.

Sau một khởi đầu đầy hứa hẹn, Carrington đã phải đối mặt với những nghịch cảnh. Bà suy sụp tinh thần sau khi Ernst, là một người Đức sống ở Pháp, bị bắt vào đầu Thế chiến thứ hai. Bà bị giam trong một trại tị nạn Tây Ban Nha (một trải nghiệm đã được kể lại trong cuốn hồi ký Down Below [Xuống dưới]) và trốn thoát đến đại sứ quán Mexico ở Lisbon, sau đó đến Mexico vào năm 1943. Lúc này, Ernst đã tái hôn, với Peggy Guggenheim .

Leonora Carrington ‘Vườn rau trên Cù lao’ 1946

Ở Mexico, Carrington tiếp tục khám phá những điều huyền bí và nêu rõ ý thức nữ quyền ngày càng mạnh. Tác phẩm của bà tràn ngập các nhân vật phù thủy, những nhân vật tượng trưng việc trao sức mạnh cho nữ giới, những sinh vật huyền bí, lưỡng tính, những nhân vật gợi ý về khả năng biến đổi, những hạn chế của giới tính nhị phân. McAra lưu ý, cách tiếp cận của Carrington về vấn đề linh hoạt giới tính là “một trong những đặc tính lâu dài nhất của bà” giữa những nghệ sĩ đương đại.

Nữ quyền đối với Carrington có mối liên kết chặt chẽ với sinh thái. Trong những tác phẩm của bà, hình tượng phụ nữ đóng vai trò như người bảo vệ thiên nhiên. Năm 1970, Carrington đưa ra bài luận của mình “Female Human Animal” [Giống cái — Con người — Động vật] (còn được biết đến với tiêu đề “Phụ nữ là gì”), trong đó bà nói rõ, phụ nữ cần thách thức quyền lực của nam giới để hành tinh này được sống sót. Cũng trong thập kỷ đó, bà khởi xướng nhóm giải phóng phụ nữ đầu tiên ở Mexico, thiết kế một poster mang tên Mujeres Conciencia (1972) [Ý thức phụ nữ] để quảng bá cho phong trào.

Leonora Carrington ‘El gato’ 1951

Những năm về sau, Carrington đã phát triển một lượng lớn các nghệ sĩ nữ, những người bị lôi cuốn bởi cả tính cách và tác phẩm của bà. Một số thậm chí đã khởi  hành đến Mexico để gặp bà. “Bà và trải nghiệm của bà dường như rất hấp dẫn đối với một số cá nhân sáng tạo,” McAra nói. “Mọi người nói về cuộc hành hương của họ để gặp bà và họ cảm thấy đúng đắn như thế nào về cuộc hành trình khi bước vào ngôi nhà của bà. Không nhất thiết là về tác phẩm, cứ như thể bà là tác phẩm.”

Nghệ sĩ Lucy Skaer đã có một hành trình như vậy để gặp Carrington vào năm 2006. Chuyến thăm đã truyền cảm hứng cho tác phẩm sắp đặt Leonora (2006) của cô, bao gồm hai tác phẩm điêu khắc nhỏ, một đoạn phim ngắn, một bức vẽ lớn và một chiếc bàn bằng gỗ gụ khảm xà cừ. Bộ phim, Leonora (The Joker), bao gồm cảnh quay bàn tay của Carrington, ám chỉ quá trình sáng tạo của họa sĩ. Chiếc bàn, Leonora (The Tyrant), nổi bật với hình dạng bàn tay nắm, giống như móng vuốt và gợi ý về cả bối cảnh đặc quyền mà Carrington đã bỏ trốn và đồ nội thất được nhân hình hóa trong tác phẩm của bà.

Nghệ sĩ sáng tạo video và biểu diễn Anne Walsh cũng có nguồn cảm hứng từ Carrington. Bắt đầu từ năm 2007, cô đã thực hiện một phản hồi đa phương tiện kéo dài hàng thập kỷ cho cuốn tiểu thuyết về nữ quyền của Carrington, Chiếc kèn thính, mà Walsh coi là “một ví dụ ly kỳ”. Để chuẩn bị cho thời kỳ mãn kinh và tuổi già — những biến đổi thường khiến phụ nữ trở nên vô hình nhưng Carrington lại chấp nhận trong cả văn học và nghệ thuật của mình — Walsh đã tự hình dung mình như một “Người đàn bà già tập sự”, luyện tập cho những thử thách và gian khổ của quá trình lão hóa. Trong cuốn sách Xin chào Leonora, Soy Anne Walsh (2019), nghệ sĩ đã trình bày chi tiết quá trình sáng tạo của mình cho dự án, quy trình này bao gồm các tác phẩm ảnh, cắt laser trên giấy và sắp đặt video bốn kênh.

Lynn Hershman Leeson ‘Đại diện Ruby (đồ họa chi tiết)’ 1996-2002

Carrington, người từng nói mình là sản phẩm của sự kết hợp giữa mẹ và một cỗ máy, cũng là nguồn cảm hứng lâu dài cho Lynn Hershman Leeson, người chiến thắng được đề cập đặc biệt tại Venice Biennale năm nay. Trong hơn 50 năm, Leeson đã xem xét sự bất ổn của danh tính và sự hội tụ dễ dàng của công nghệ và cơ thể. Agent Ruby [Đại diện Ruby] (1998–2002) của Leeson là “một đại diện web trí tuệ nhân tạo”, trở nên thông minh hơn từng ngày khi cô ấy tương tác với người dùng. Nhật ký điện tử (1984–2019) đầy tính đột phá đã báo trước văn hóa thú nhận trực tuyến ngày nay.

Biennale cũng có tác phẩm của nghệ sĩ đa phương tiện Marianna Simnett ở Berlin, người thuộc thế hệ nghệ sĩ mới gắn bó với tác phẩm của Carrington. Sắp đặt video ba kênh tàn khốc của Simnett, The Severed Tail [Cái đuôi bị cắt] (2022) kể về câu chuyện của một con lợn con bị cắt đuôi — một hành vi man rợ hiện nay phần lớn bị cấm trong chăn nuôi thương mại. Trong một cuộc nói chuyện gần đây tại Venice Biennale, Simnett cho biết Carrington đã cho cô “dũng khí để trở nên khác thường và đưa một câu chuyện ra khỏi không gian chuẩn mực thành một thứ gì đó mang tính khám phá và ứng biến hơn nhiều”.

Dominique Fung ‘Một nghệ sĩ mua vui’ 2019

Bên ngoài Biennale, các họa sĩ Dominique Fung và Jessie Makinson đều viện dẫn Carrington như một nguồn cảm hứng. Những bức tranh sơn dầu của Fung, trong đó thế giới được tạo ra kết hợp giữa cái thực và cái kỳ lạ, phân tích phê bình Đông phương luận và việc khách quan hóa hình tượng người phụ nữ châu Á lan tràn trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Giống như Carrington, Fung lấp đầy các bức tranh của mình với những hình tượng phụ nữ hiên ngang và cảm giác ma thuật đảo ngược trật tự quyền lực. Tương tự như vậy, Makinson đưa vào các bức tranh giàu chi tiết của mình các nhân vật nữ thần và các nhân vật lưỡng tính sống trong môi trường siêu nhiên. Dựa trên khoa học viễn tưởng nữ quyền và văn hóa dân gian, họa sĩ sáng tạo và vẽ những người phụ nữ từ chối tuân theo các quan niệm phụ hệ về nữ tính.

Thế giới có thể đã chậm nhận thức về ý thức sinh thái và chủ nghĩa nữ quyền hiên ngang của Carrington, nhưng khi chúng ta đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng và các mối đe dọa đối với quyền tự chủ cơ thể, tác phẩm của bà vẫn nổi trội hơn bao giờ hết. Theo sau bà, có lẽ nhiều phù thủy không thỏa hiệp đã thức tỉnh.

Nguồn: Artsy

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top