Logo loading

TRANH SƠN MÀI “NGƯ TẢO” CỦA NGUYỄN HUYẾN (1915 – 1994)

Nguyễn Huyến (1915 – 2014). Ngư tảo. 1975. Sơn mài. 45×80 cm Theo quan niệm phương Đông, hình ảnh “cá vàng” tượng trưng ý nghĩa “cầu may mắn, thăng quan tiến chức, tấn tài tấn lộc, phúc thọ an khang”. Chính vì vậy, có thể nói đây chính là một trong những chủ đề phổ […]
|Viet Art View

Nguyễn Huyến (1915 – 2014). Ngư tảo. 1975. Sơn mài. 45×80 cm

Theo quan niệm phương Đông, hình ảnh “cá vàng” tượng trưng ý nghĩa “cầu may mắn, thăng quan tiến chức, tấn tài tấn lộc, phúc thọ an khang”. Chính vì vậy, có thể nói đây chính là một trong những chủ đề phổ biến trên các sản phẩm mang tính nghệ thuật trang trí. Đặc biệt trên chất liệu sơn mài với đa dạng sản phẩm từ hội họa đến mỹ thuật ứng dụng.

Ở Việt Nam, có hai trung tâm làng nghề sơn mài có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Khu vực phía Bắc có làng nghề sơn mài Hạ Thái từ thế kỷ 17. Khu vực phía Nam có sơn mài làng Tương Bình Hiệp – Bình Dương, Thủ Dầu Một từ thế kỷ 18 với hãng sơn mài nổi tiếng như Trần Hà, Thành Lễ…với những sản phẩm ứng dụng tranh mỹ nghệ, trang trí nội thất, kiến trúc, đồ gỗ…

Một số chủ đề trang trí các sản phẩm trên thường có liên quan đến phong thủy, tín ngưỡng người Việt, các quan niệm dân gian, nhân sinh quan cuộc sống, tượng trưng cho bốn mùa, cho người quân tử, tri thức, có khí phách, cốt cách trong xã hội như tùng-cúc-trúc-mai. Các con vật đã trở thành linh vật như rồng, hổ, cá, hươu nai, chim… hay các loài vật khác như trâu, khuyển…

Không nằm ngoài dòng chảy chung đó, các họa sĩ Việt (dù sống trong bất kỳ thời điểm nào của lịch sử) đều tìm trong dân gian các tích cổ như một sự kế thừa và đổi mới thêm tạo hình chủ đề.

Nhiều họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được đào tạo căn bản trên nền tạo hình cổ điển Hàn lâm châu Âu thường sử dụng hình ảnh từ các chủ đề dân gian như “cá vàng” hoặc “cá” trong các bức tranh của mình.

Những họa sĩ chuyên chất liệu sơn mài như Phạm Hậu, Hoàng Tích Chù, Trần Phúc Duyên, Nguyễn Huyến, Lê Thy…đều sáng tác nhiều tranh đề tài cá vàng. Đặc biệt như xưởng sơn mài của họa sĩ Phạm Hậu đã cho ra đời rất nhiều tranh và sản phẩm trang trí ứng dụng có tạo hình cá vàng.

Có thể nói, ngoài hình ảnh “cá vàng” được xây dựng thành biểu tượng của sự “thành công, may mắn” thì hình ảnh “hươu, nai” cũng được nhiều họa sĩ Việt Nam trước 1945 sáng tác nhiều… chứ không phải hình tượng rồng. Chủ đề rồng xuất hiện phần lớn trong các kiến trúc tôn giáo chứ không đi vào trong các bức họa đời sống.

Từ Đông sang Tây, hình ảnh hươu nai được xuất hiện như một biểu tượng về truyền thuyết các vị thần, như linh vật; xuất hiện nhiều trong thần thoại Hy Lạp. Ở phương Đông, hươu nai tượng trưng cho phúc lộc, tài lộc, trường thọ. Trong văn hóa Trung Quốc, có tranh cát tường theo chủ đề vẽ 100 cái đầu hươu, được gọi là “bách lộc”.

Không chỉ các họa sĩ phương Đông mà họa sĩ sơn mài Pháp và Thụy Sỹ lừng danh Jean Dunand (1877-1942). Ông là một họa sĩ, nhà điêu khắc, thợ kim loại và nhà thiết kế nội thất trong thời kỳ Art Deco. Ông đặc biệt nổi tiếng với những bức bình phong sơn mài và các đồ vật nghệ thuật khác. Trong đó, tạo hình cá vàng được Jean Dunand sử dụng nhiều trên các bức bình phong sơn mài…

Họa sĩ Nguyễn Huyến, tên đầy đủ là Nguyễn Đức Huyến, sinh ngày 2 tháng 5 năm 1915 tại Hà Nội (mất ngày 12-7-1994). Nguyên quán làng Tư Thế, xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông từng học hai năm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (trong khoảng 1932-1936). Năm 1937, đã được bằng danh dự về hội họa tại Triển lãm của Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI).

Họa sĩ Nguyễn Huyến (1915 – 1994). Ảnh chụp năm 1967

Ông cũng là một trong số ít họa sĩ được vinh dự “vẽ tiền” cùng với Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, Bùi Trang Chước, Nguyễn Văn Khanh, Lê Phả…Tờ giấy bạc 100 đồng “Con trâu xanh” do Nguyễn Huyến vẽ hình tượng chính (các hoa văn, nền và cụm số do hai người khác vẽ là kiến trúc sư Lương Văn Tuất và ông Đào Văn Trung “từ sở địa đồ cũ”) được phát hành vào năm 1946 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như một điểm son trong sự nghiệp của mình.

Tờ giấy bạc 100 đồng “Con trâu xanh” do Nguyễn Huyến vẽ hình tượng chính

Về mặt sáng tác, ông là một họa sĩ có sự nghiệp trải dài suốt gần nửa thế kỷ. Kể từ cuối thập niên 1930 đến cuối thập niên 1980. Ông sáng tác miệt mài, bền bỉ, liên tục trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, pastel…nhưng sơn mài vẫn là điểm sáng xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông.

Tháng 1 năm 1941, ông đã triển lãm cùng Phạm Khanh, Phạm Tú tại Hà Nội. Năm 1943, ông tham gia “Phòng triển lãm của Hội Việt Nam Mỹ nghệ” cùng với Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Khang, Lưu Văn Sìn, Văn Giáo, tổ chức tại Nhà hát lớn, Hà Nội.

Năm 1942, trên tờ La Volonté indochinoise ra ngày 3 tháng 3 năm 1942 có bài “L’Exposition Huyến” của Paul Munie có viết: “Huyến được người ta chú ý nhiều, vì vậy bao giờ cũng có nhiều thiện cảm, tài năng của ông thẳng thắn, vạm vỡ bởi sức mạnh, sự chính xác chứ không bởi sự giả tạo, tài năng này rất đa dạng. Ông đã thể hiện nhiều thể loại hội họa và đấy là dấu hiệu của tài năng bậc cao…”.

Năm 1950 Nguyễn Huyến bày tranh tại Nha đại diện Tổng giám đốc Thông tin phố Hàng Trống. 1951 bày tại phòng gương Nhà hát lớn ở Hà Nội và Hải Phòng.

Họa sĩ Nguyễn Huyến (ngoài cùng bên phải) tại một triển lãm cá nhân của mình năm 1950 (Ảnh Tư liệu)

Bức tranh sơn mài “Vịnh Hạ Long”, 1976, kích thước 150x400cm có thể là bức tranh lớn nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Huyến. Hiện vẫn đang lưu giữ tại gia đình họa sĩ.

Bức tranh sơn mài “Ngư tảo” của họa sĩ Nguyễn Huyến Viet mà Art View giới thiệu ở đây được sáng tác năm 1975 khi họa sĩ 60 tuổi, cái tuổi tạo hình vẫn đầy xung lực và kỹ thuật lại càng ở mức điêu luyện.

Xung lực mạnh là một đặc tính dễ thấy của hội họa Nguyễn Huyến, đặc biệt trong tranh sơn mài. Ông vẽ hình bằng những nét sắc sảo, tương phản sáng tối thường đạt tới mức tối đa, khiến tranh ông thường có vẻ lộng lẫy như của nghệ thuật ba-rốc (theo Quang Việt).

Trong “Ngư tảo”, thoạt nhìn tạo hình bốn con cá vàng cùng vài nhánh rong rêu làm trang trí như thường thấy trong tranh “cá vàng” khác, nhưng rõ ràng Nguyễn Huyến đã dùng “xung lực” của đường nhịp trong tạo hình để người xem nắm bắt một nhịp lượn nhanh, mạnh chứ không nhẹ nhàng, yểu điệu như những bức tranh khắc họa cá vàng khác. Ngay cả việc sử dụng mấy đốm xà cừ (chứ không phải vỏ trứng) dưới nền hồ (ao) cũng đã cho thấy một Nguyễn Huyến khác biệt về mặt tạo chất. Ông lót vàng xuống dưới tạo hình thân cá, phủ sơn lên rồi mài theo chủ ý tạo khối chứ không dùng nét bút đi màu để tạo đậm nhạt, sáng tối.

Xà cừ là chất liệu Nguyễn Huyến thường dùng trong tranh của mình, điển hình nhất ở bốn bức sáng tác về Thác Bờ. Trong số đó, một tác phẩm “Thác bờ” bốn tấm thuộc sưu tập của Bảo tàng Thụy Điển; một bức Thác Bờ khác được Chính phủ biếu Hoàng thân Campuchia Sihanouk.

Trên báo Sự thật, ngày 7 tháng 9 năm 1965 của Nga, nhà văn Nga Boris Polevoi có viết: “…Sông nước trong bức tranh sơn mài không lớn lắm của Nguyễn Huyến, Thác Bờ, lấp lánh một cách huyền ảo, đúng là lấp lánh và chan hòa của những màu sắc độc đáo của xà cừ”.

Có nhiều ý kiến cho rằng: tranh sơn mài của Nguyễn Huyến mang nhiều yếu tố mỹ nghệ và thiên về các thao tác thủ công. Thực ra, đây cũng chính là cái riêng thú vị của nghệ thuật Nguyễn Huyến. Ông là một trong những họa sĩ sơn mài hiếm hoi chỉ vẽ sơn mài theo lối “thuần chỉ” mà vẫn có được một phong cách độc đáo. Tranh của ông từ lâu luôn luôn thu hút một số lượng đông đảo công chúng mến mộ (theo Quang Việt).

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top