Ivan Morozov (1871-1921) sinh ra trong một gia tộc thương nghiệp nổi tiếng lâu đời ở vùng Tver của Nga. Học theo người anh là Mikhail Morozov, Ivan bắt đầu mua tranh của các họa sĩ Nga đương thời khi ông mới 29 tuổi (1900). Sau 17 năm sưu tập (đến 1917), Ivan đã sở hữu hơn 300 tác phẩm của các họa sĩ hàng đầu Nga thời bấy giờ như Chagal, Levitan, Serov, Korovin…
Năm 1903, Morozov bắt đầu đến thăm các salon nghệ thuật hàng đầu Paris, đồng thời giao lưu với giới sưu tập và họa sĩ Pháp. Ngay lập tức ông vung tiền mua rất nhiều tranh của các danh họa ấn tượng, hậu ấn tượng. Từ đó, Morozov thường xuyên tới Paris để mua tranh mang về nhà mình ở Moskva. Có lần, trong một chuyến đi, ông đã mua tới 15 kiệt tác của Van Gogh, Gauguin, Matisse, Cézanne, với tổng giá trị lên tới 17.000 rúp, tương đương với số tiền ngân sách mà các bảo tàng ở Nga lúc đó bỏ ra để mua tranh trong 1 năm. Giới nghệ thuật ở Paris gọi ông là “người Nga không mặc cả”.
Năm 1917, khi bị chính quyền Bolsevik quốc hữu hóa toàn bộ tài sản, bộ sưu tập hội họa phương Tây của Morozov đã có hơn 250 bức tranh. Năm 1919, gia đình ông di cư sang Paris. Hai năm sau (11 giờ ngày 22 tháng 7 năm 1921), Morozov đột ngột chết trên đường phố Carisbab (nay thuộc Séc) trong một cơn đau tim. Năm 2012, nhà Sotheby’s định giá các tác phẩm trong bộ sưu tập hội họa phương Tây của Morozov (hiện thuộc quản lý của các bảo tàng nhà nước Nga) có tổng giá trị là hơn 5 tỉ đô la.
Chân dung Ivan Morozov được vẽ bởi Valentin Serov, 1910. Đằng sau là bức tranh tĩnh vật “Trái cây và đồ đồng” của Henri Matisse
Trong bộ sưu tập của Morozov, đáng chú ý nhất có lẽ là các bức tranh của Van Gogh. Chúng ta hãy điểm qua một số tác phẩm quan trọng.
Vườn nho đỏ (sơn dầu, 75 x 93cm, 1888) (La Vigne rouge)
Đây là một trong rất ít những bức tranh (nhiều người cho rằng là duy nhất) mà Van Gogh bán được khi còn sống. Tác phẩm được vẽ trong thời gian họa sĩ sống ở Arles, miền nam nước Pháp (tháng Hai 1888 đến tháng Năm 1889), là giai đoạn vui nhộn nhất trong cuộc đời họa sĩ, nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và những người bạn tương giao thỉnh thoảng đến thăm như Gauguin. Tháng Mười 1888, Van Gogh viết thư cho Theo:
“Ai dà, tại sao em lại không đến đây với bọn anh vào chủ nhật vừa rồi. Chúng ta cùng ngắm những vườn nho đỏ – đỏ như rượu vang. Nhìn từ xa, chúng bị chìm trong màu vàng, phía trên là bầu trời xanh lục, xung quanh là màu tím của đất sau trận mưa, và đâu đó là màu vàng của hoàng hôn”.
Chính trong tháng đó, họa sĩ đã vẽ bức tranh này. Có lẽ những vườn nho chỉ là một nhân vật của câu chuyện ngụ ngôn. Ở đó, những người nông dân hái nho trở thành biểu tượng của cuộc sống, nặng nhọc và lầm lũi.
Bức tranh này lần đầu được trưng bày trong triển lãm “Nhóm 20” lần thứ 8 ở Bruxelles, và được mua ngay trong triển lãm bởi nữ họa sĩ người Bỉ Anna Rosalie Boch. Sau đó, nó được Morozov mua lại, và hiện tại được lưu giữ trong Bảo tàng Pushkin ở Moskva.
Những ngôi nhà tranh ở Auvers (sơn dầu, 60 x 73cm, 1890) (Chaumières à Auvers-sur-Oise)
Tháng Năm 1890, Van Gogh đến Auvers-sur-Oise theo lời mời của bác sĩ Gachet với hi vọng rằng khí hậu êm dịu miền bắc nước Pháp sẽ tác động tích cực tới tâm lý của mình. Trong ba tháng ở Auvers, họa sĩ đã vẽ hơn 30 bức tranh phong cảnh ở đó. Lang thang trong thị trấn, Van Gogh thấy những ngôi nhà tranh nhỏ, nhắc lại hình ảnh quê hương Hà Lan của mình. Ông đã nhiều lần đến địa điểm này và vẽ các bức tranh cùng chủ đề như “Đường phố Auvers”, “Những mái tranh ở Auvers”… Van Gogh viết thư cho Theo:
“Anh đang thực hiện các tác phẩm nhỏ – khu nhà tranh cũ, phía trước nó là cánh đồng hoa thoai thoải, còn phía sau là những ngọn đồi”.
“Những ngôi nhà tranh ở Auvers”, cũng như các tác phẩm khác của thời kỳ này, được thể hiện với cảm giác bình thản trong màu vàng ocre ấm áp và xanh lục lam mát lạnh. Tuy nhiên, những đường nét, cách phối màu và cách đi cọ cho thấy sự hỗn loạn vẫn phảng phất đâu đó; đặc biệt ở các dòng chảy nghiêng từ trên cao, tạo cảm giác hơi căng thẳng và báo động ẩn.
Hiện nay, bức tranh được lưu giữ trong bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg.
Phong cảnh Auvers sau cơn mưa (sơn dầu, 72 x 90cm, 1890) (Paysage d’Auvers apres la pluie)
Bức tranh được vẽ năm 1890, không lâu trước khi họa sĩ tự kết liễu cuộc đời mình. Sau đó, nó được giữ bởi người em trai, Theo van Gogh. Một năm sau, Theo chết, bức tranh được chuyển cho người thừa kế Johanna van Gogh-Bonger. Không rõ bức tranh được Morozov mua khi nào. Hiện nay, nó nằm trong Bảo tàng Pushkin ở Moskva.
Bức tranh được họa sĩ vẽ ở Auvers-sur-Oise, nơi họa sĩ sống những tháng ngày cuối đời. Ở trung tâm tác phẩm là chiếc xe ngựa với bánh màu đỏ, ẩn chứa biểu tượng về cuộc đời, sự chuyển động và luân hồi (sự ảnh hưởng từ Phật giáo tới Van Gogh đã được nhiều nhà phê bình nhắc đến), đồng điệu với hình ảnh phía xa là đoàn tàu đang chạy phả khói. Chính vì có hình ảnh 2 vật chuyển động này mà bức tranh còn có tên gọi khác là “Phong cảnh với xe ngựa và tàu hỏa”. Trong bức thư gửi em gái, Wil van Gogh, họa sĩ đã kể về bức tranh này rằng:
“Thời gian gần đây, anh làm việc rất nhiều và nhanh… Hôm qua, trong cơn mưa, anh đã vẽ một đại cảnh, được nhìn từ đỉnh đồi. Ở đó có những loại cây khác nhau: xanh lục đậm của cánh đồng khoai tây, xen kẽ nền đất tím, ẩn nấp giữa các luống gọn gàng thẳng lối, điểm thêm cỏ linh lăng với hoa hồng, thấp thoáng cái máy gặt nơi những đám cỏ thân cao màu vàng nâu, sau đó là cánh đồng lúa mì, cây dương,
và phía chân trời là những đường nét cuối cùng của ngọn đồi xanh lơ cùng với đoàn tàu đang phả khói trắng trên nền xanh lá cây. Một con đường sáng vắt ngang qua khung cảnh, ở đó có một xe ngựa nhỏ, và dọc hai bên đường là những ngôi nhà trắng với mái đỏ tươi.”
Quán café đêm (sơn dầu, 70 x 89cm, 1888) (Le Café de nuit)
Bức tranh vẽ cảnh quán café vào buổi tối ở Arles. Quán này nằm gần ga tàu và là nơi mà các nghệ sĩ hay lui tới. Chủ quán Joseph-Michel và vợ mình, Marie, hay mời họa sĩ đến. Bà Marie đã được Van Gogh lấy làm hình tượng trong tác phẩm “Cư dân Arles” (L’Arlésienne, 1888, Bảo tàng d’Orsay). Gauguin cũng vẽ bức tranh cùng chủ đề với Van Gogh, và lấy bà Marie là nhân vật chính trong tác phẩm (Café de nuit, Arles, 1988, Bảo tàng Pushkin).
“Cư dân Arles” của Van Gogh, 73 x 92 cm, 1888, bảo tàng d’Orsay (trái)
“Café tối ở Arles” của Gauguin, 92 x 73cm, 1888, bảo tàng Pushkin (phải)
Van Gogh khá rành về “cuộc sống ban đêm” hay những khái niệm tương tự. Họa sĩ đã viết thư cho Theo, kể về bức tranh này:
“Trong “Quán café đêm” anh đã cố gắng miêu tả nơi một người tự tử, phát điên hoặc trở thành một tên tội phạm. Anh muốn thể hiện niềm đam mê nguy hại dẫn lối con người bằng cách sử dụng màu đỏ và xanh.”
Để vẽ được bức tranh này, họa sĩ phải thức trắng 3 đêm ở quán café, còn ban ngày thì về nhà ngủ. Ông cũng vẽ thêm một bức tranh cùng đề tài bằng màu nước, hiện thuộc sở hữu một nhà sưu tập tư nhân.
Điểm đặc biệt về nghệ thuật của bức tranh “Quán café đêm” là họa sĩ đã thoát khỏi cách thể hiện của ấn tượng hay hậu ấn tượng với “màu thực”, “màu thiên nhiên”, thay vào đó, ông đã sử dụng “màu tinh thần”. Bức tranh chìm trong không khí màu vàng và đỏ chật hẹp, đầy khói, ngột ngạt. Màu xanh trên trần nhà và chiếc bàn bi-a nổi trội giữa bức tranh truyền tải một cảm giác nhức nhối, lo lắng. Cách thể hiện của Van Gogh ở bức tranh này về sau chúng ta gọi là biểu hiện.
Năm 1908, Morozov mua bức tranh “Quán café đêm” trong một triển lãm ở Paris với giá 7000 franc (tương đương 3000 rúp). Năm 1918, bức tranh cùng với các tác phẩm khác trong bộ sưu tập của Morozov đã bị quốc hữu hóa, và được trưng bày ở Moskva 1928-1933. Nhưng đau đớn hơn, sau đó, bức tranh đã bị nhà nước âm thầm bán cho nhà sưu tập người Mỹ Stephen Clark. Sau khi Clark chết, năm 1960, theo di chúc của ông, bức tranh đã được tặng cho trường đại học Yale, và lưu giữ ở đó cho đến ngày hôm nay. Năm 2014 chắt của Ivan Morozov là Piere Konovaloff đâm đơn kiện đòi quyền thừa kế bức tranh này nhưng bị từ chối. Hiện nay, các chuyên gia định giá bức tranh khoảng 150 triệu đô la.
Huệ Viên