Logo loading

TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ “KÝ HỌA KHÁNG CHIẾN MIỀN NAM”

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”. Triển lãm được khai mạc vào hồi 9h00 […]
|Viet Art View

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”. Triển lãm được khai mạc vào hồi 9h00 ngày 26/04/2022 và được trưng bày đến hết ngày 08/05/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Ký họa kháng chiến là một trong những thể loại ký họa đặc biệt, ra đời từ hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, xuất phát từ việc ghi nhận những hình ảnh sự kiện, nhân vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX.

Huỳnh Quốc Trọng, Du kích Cai Lậy dùng cối tự tạo. Màu nước 35×25 cm

Trong thư gửi Đại hội Nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình (16/08/1958) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng “Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình.” Nếu như những người lính dũng cảm cầm súng ra trận để bảo vệ Tổ quốc nơi tuyến đầu bom đạn; thì ở mặt trận nghệ thuật, các họa sĩ lại hăng hái sáng tác ra các tác phẩm ký họa bằng màu sắc và đường nét để lãm vũ khí sắc bén, hữu hiệu khắc họa cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta trong những năm chiến tranh khốc liệt, góp phần cổ vũ tinh thần cho toàn quân dân. Hàng ngàn ký họa ra đời đã trở thành minh chứng chân thực cho lịch sử, thể hiện khát vọng hòa bình, sự chính nghĩa và chủ nghĩa anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Phạm Quyết Chiến. Làm việc hết mình vui chơi thoải mái. Màu nước. 15,5×23 cm 

Lê Hồng Hải. Đêm dưới hầm. Màu nước. 19,5×16,5 cm

Triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”giới thiệu đến quý công chúng yêu nghệ thuật 70 bức ký họa thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Các ký họa này được sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam giai đoạn 1954-1975 với những chất liệu chủ yếu là màu nước, bút sắt, bột màu, bút chì, khắc gỗ…Có thể kể đến các ký họa: “Du kích xã Lộc Điền” của Trịnh Dũng, “Nữ pháo binh Sài Gòn” của Lê Lam, “Chân dung anh giải phóng quân” của Hoàng Anh (Lê Hạt), “Y tá Nguyễn Bá Khiêm” của Huỳnh Phương Đông, “Đêm dưới hầm” của Lê Hồng Hải, “Cán bộ Đức Huệ lên chiến khu II hội nghị” của Nguyễn Tấn Lực, “Bộ đội hành quân” của Nguyên Đào,…

Các bức ký họa chứa đựng những nội dung vừa bình dị, vừa lớn lao, không mang nặng tính tàn khốc và đối kháng trong chiến tranh. Tái hiện về đề tài chiến tranh không nhất thiết phải là những hình ảnh đao to búa lớn, hiện thực bi thương mất mát, mà đó đơn giản chỉ là những hình ảnh các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ hành quân ra chiến trường, các chân dung nữ du kích quả cảm giàu lòng yêu nước, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những cuộc họp triển khai đường lối cách mạng của Đảng, hay những giây phút nghỉ ngơi giải lao vui vẻ của quân và dân,… tất cả đều được các họa sĩ ghi chép lại một cách tỉ mỉ và sinh động bằng ngôn ngữ tạo hình để khắc họa rõ nét bối cảnh lịch sử thời kỳ đó. Đây chính là điểm khác biệt nổi bật của ký họa trực tiếp tại chiến trường Việt Nam.

Hà Quang Bửu. Tại bệnh xá. Khắc gỗ. 22×36 cm

Huỳnh Phương Đông. Đồng chí Tiểu Lôi xã đội trưởng xã 5- Huyện Bù Đăng. Chì, màu nước. 32×25 cm

Trưng bày chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam” không chỉ là nguồn tư liệu quý về hiện thực lịch sử, nghệ thuật mà còn là một bằng chứng khẳng định những thành quả của nền mỹ thuật cách mạng. Đây là một điểm son rất riêng của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Đồng thời triển lãm còn là dịp để tri ân những người chiến sĩ đã đóng góp xương máu cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc để mang lại cảnh thái bình cho đất nước và tôn vinh những người nghệ sĩ đã đóng góp trí lực làm dày thêm trang sử Việt Nam bằng nghệ thuật.

Nghệ thuật luôn luôn song hành với đời sống và bám sát các sự kiện lịch sử của đất nước như một tham chiếu cho chúng ta nhìn lại để thêm tự hào và thêm yêu đất nước mình. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới các tác phẩm về đề tài chiến tranh và cách mạng cũng để lại những giá trị lịch sử trường tồn với thời gian như: công trình tượng đài phi tôn giáo lớn nhất thế giới- Tượng đài Mẹ Tổ quốc (1976) tại thành phố Volgograd Nga- một trong những trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất trong Thế chiến II, hay rất nhiều các bức tranh cổ động cách mạng Cuba như bức “Xét xử tôi. Không vấn đề. Lịch sử sẽ giải oan cho tôi” của Felix René Mederos Pazos đánh dấu thời điểm khai sinh ra phong trào Cách mạng Cuba,…

Cổ Tấn Long Châu. Má Hai Ghé. Màu nước. 27,8×19,5 cm

Nguyễn Tấn Lực. Cán bộ Đức Huệ lên chiến khu II hội nghị. Màu nước. 28,5×33,5 cm
Xem triển lãm ký họa kháng chiến miền Nam không chỉ mang đến cho người xem những trải nghiệm nghệ thuật đơn thuần mà đó còn là dịp để chúng ta được sống lại với những trang sử hào hùng của dân tộc. Không một đất nước nào trên thế giới không từng trải qua chiến tranh để có được cuộc sống hòa bình và ấm no như ngày nay. Dân tộc Việt Nam cũng đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh đau thương và mất mát, biết bao chiến sĩ đã hi sinh, ngã xuống để bảo vệ nền độc lập thống nhất cho đất nước. Chúng ta, lớp thế hệ con cháu mai sau phải sống tốt để bảo vệ hòa bình cho dân tộc gìn giữ thành quả của các thế hệ cha ông ta ngày trước. Hi vọng trên thế giới sẽ không còn cảnh chiến tranh mất mát, mỗi một quốc gia đều được hưởng nền độc lập hòa bình.

Bài viết bởi Viet Art View

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top