Hòa chung không khí hào hùng trên khắp mọi miền tổ quốc – nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), sáng 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khai mạc triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Đường lên Điện Biên”.
Triển lãm trưng bày 70 tác phẩm của 34 tác giả, sáng tác trong giai đoạn từ năm 1949 – 2009 (thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) với nhiều thể loại tạo hình như: Hội họa, đồ họa, áp phích, điêu khắc,… Các tác phẩm được sáng tác trên đa dạng chất liệu khác nhau: Sơn dầu, sơn mài, bột màu, lụa, màu nước, khắc đồng, thạch cao,… Bên cạnh phương pháp trưng bày truyền thống, triển lãm còn kết hợp ứng dụng công nghệ trình chiếu cinemagraph vào trưng bày tác phẩm để mang đến những trải nghiệm sinh động, thú vị cho người xem.
Các tác giả trong triển lãm bao gồm nhiều thế hệ họa sĩ tiêu biểu trong nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, từ thời kỳ Đông Dương như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng, Trần Đình Thọ, Phan Kế An, Tạ Thúc Bình, Dương Hướng Minh,… Khóa Kháng Chiến: Nguyễn Thế Vỵ, Đào Đức,… và cả những tác giả đương đại: Trần Khánh Chương, Lưu Danh Thanh, Cao Trọng Thiềm, Minh Đỉnh… mang đến nhiều tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, thấm đẫm tinh thần dân tộc.
Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Triển lãm “Đường lên Điện Biên” thể hiện sự đa dạng về bút pháp, thể loại và chất liệu qua từng tác phẩm. Đó là những sáng tác trực tiếp hoặc từ những ghi chép, phác thảo của từng cá nhân tác giả trong những ngày tháng ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số những nghệ sĩ sáng tác, nhiều người đã trực tiếp lên đường ra trận, trở thành nghệ sĩ – chiến sĩ, hòa cùng những đoàn quân hướng về Điện Biên. Thay vì cầm súng, các nghệ sĩ cầm bút vẽ khắc họa chân thực, sinh động diễn biến cuộc chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Triển lãm “Đường lên Điện Biên” như một thước phim quay chậm về quá khứ để người xem hòa mình vào không khí hào hùng bi tráng của dân tộc. Qua mỗi tác phẩm ta có thể cảm nhận sự khốc liệt, gian khổ, mất má nhưng cũng có những khoảnh khắc lãng mạn, thi vị.
Có thể kể đến các tác phẩm kinh điển như “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng. Đây là tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, là bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam. Tác phẩm đã được nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013.
Nguyễn Sáng (1923 – 1988). Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ. 1963. Sơn mài. 112.3×180 cm. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Hay các bức tranh ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Thời kỳ từ những năm 1950 Tô Ngọc Vân tham gia vào chiến dịch biên giới, trực tiếp lên đường cùng các chiến sĩ đồng bào kháng chiến cứu nước. Chính vì vậy, ông đã vẽ ký họa rất nhiều tại chiến trường. Dù vẽ chì, bút sắt, than, hay màu nước họa sĩ đều vẽ cẩn thận, tỉ mỉ, ghi chép trực quan sinh động những diễn biến trong lúc chiến đấu cũng như sinh hoạt sau những giờ phút quyết chiến sinh tử. Đó không chỉ là những ghi chép mang tính thuần túy đơn thuần mà còn chứa đựng những rung cảm, cảm xúc, sự thấu hiểu đồng cảm, nỗi trăn trở của người nghệ sĩ trước cuộc chiến khốc liệt, trước vận mệnh của dân tộc.
Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Hay bức “Tiếng hát mùa chiến dịch”– một tác phẩm mang đạm dấu ấn hiện thực lãng mạn cách mạng của họa sĩ Mai Văn Hiến. Bức tranh đã làm nổi bật tinh thần lạc quan, yêu đời “tiếng hát át tiếng bom” của quân và dân. Dù chiến tranh có loạn lạc, chia ly mất mát nhưng sau những trận chiến nảy lửa đó những người lính cùng đồng bào vẫn có những phút giây nghỉ ngơi, sinh hoạt văn nghệ để tái tạo thêm năng lượng, động lực để chiến đấu và bảo vệ tổ quốc.
Mai Văn Hiến. Tiếng hát mùa chiến dịch. 1994. Sơn dầu (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Tác phẩm sơn mài “Nhớ một chiều Tây Bắc” rất nổi tiếng của họa sĩ Phan Kế An, sáng tác năm 1955. Hòa sắc xanh mới trong “Một chiều Tây Bắc” đặc tả được đúng tinh thần “hùng vĩ hoàng tráng của đại ngàn thiên nhiên vùng Tây Bắc”. Kết hợp với ánh sáng từ chất vàng càng làm cho bức tranh trở nên sâu thẳm, xanh mát với một ấn tượng thị giác đặc biệt. Ngắm tranh ta có cảm giác một miền rừng núi như đang chuyển động cùng bước chân của đoàn quân du kích đi về phía trước.
Phan Kế An. Nhớ một chiều Tây Bắc. 1955. Sơn mài.
Ngoài ra, còn có các tác phẩm như “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” của tác giả Lê Vinh, “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ; “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm; “Việt Bắc” của Đào Đức, “Tiễn nhau đi dân công” của Lưu Văn Sìn, “Cả nước ra trận” của Lưu Danh Thanh, “Đường lên Điện Biên” của Trần Khánh Chương,… đều là những tác phẩm quý, thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc.
Đào Đức. Việt Bắc. 1954. Lụa. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Trần Văn Cẩn. Bộ đội xây dựng cầu.1954. Chì màu. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Nguyễn Sáng (1923 – 1988). Giặc đốt làng tôi. 1954. Sơn dầu trên vải. 87×127 cm
Triển lãm “Đường lên Điện Biên” là sự tri ân sâu sắc đến những anh hùng, liệt sĩ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, khiến chúng ta thêm trân trọng và tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam.
Triển lãm mở cửa từ ngày 26/4 đến hết ngày 15/5 tại tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Song hành với triển lãm sẽ diễn ra chương trình Art Talk với chủ đề “Đường lên Điện Biên” vào lúc 9 giờ 30, ngày 27/4/2024 và “Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân” vào lúc 9 giờ 30, ngày 11/5/2024.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View