Sau 73 năm kể từ ngày qua đời năm 1944, và sau gần 100 năm trưng bày tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của Vua Hàm Nghi vào năm 1926, triển lãm nghệ thuật mang tên “Nghệ thuật lưu vong” trưng bày hơn 150 tác phẩm gồm các bức tranh, bản vẽ, tranh phấn màu, tác phẩm điêu khắc, ngoài ra còn có hộ chiếu, giấy chứng nhận kết hôn và các vật dụng của vua Hàm Nghi từ các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng Paris sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á tại thành phố Nice, miền nam nước Pháp, từ ngày 19/03/2022 đến 26/06/2022.
Áp phích triển lãm “Nghệ thuật lưu vong” tại Nice.
Hàm Nghi (1871-1944) tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ tám của triều Nguyễn, trị vì trên ngôi chỉ được một năm (1884-1885). Năm 18 tuổi, do chống lại việc thành lập chính quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương, ông bị đày đến Alger (thủ đô của nước Cộng hòa Algérie).
Trong thời gian chịu cảnh lưu đày ở Pháp, ông bị thực dân Pháp kiểm soát gắt gao, ngăn cấm triệt để không cho ông có bất cứ liên lạc nào với quê hương, chính vì thế ông dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho việc học và sáng tác. Vốn là người yêu nghệ thuật ông tìm đến nghệ thuật như một sự cởi trói cho chính tâm hồn mình theo cách riêng. Ông đã tích cực nghiên cứu văn chương, học nhiếp ảnh, sáng tác hội họa và điêu khắc. Hàm Nghi là học trò của họa sĩ nổi tiếng Marius Reynaud và điêu khắc gia Auguste Rodin và ông cũng chịu ảnh hưởng từ Paul Gauguin- họa sĩ hàng đầu của chủ nghĩ Hậu Ấn tượng Pháp.
HÀM NGHI – [Said]. Khoảng 1930. Sơn dầu Sưu tập tư nhân
“Nghệ thuật lưu vong” không phải là triển lãm đầu tiên của vua Hàm Nghi. Trước đó ông đã từng có 3 cuộc triển lãm cá nhân với nghệ danh “Tử Xuân” gây được nhiều tiếng vang tại Pháp.Triển lãm đầu tiên tại Bảo tàng Guimet (1904); triển lãm thứ hai tại một phòng tranh năm 1909 và thứ ba là cuộc triển lãm Mantelet-Colette (1926). Triển lãm “Nghệ thuật lưu vong” lần này có ý nghĩa hết sức đặc biệt vì lần cuối cùng các tác phẩm của vua Hàm Nghi được giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật là vào năm 1926 – cách đây gần 100 năm.
Triển lãm “Nghệ thuật lưu vong” do nhà nghiên cứu lịch sử Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi dày công lưu giữ và sưu tầm trong suốt một thập kỷ qua.
Với tên gọi “Nghệ thuật lưu vong” những người tổ chức triển lãm mong muốn đem đến cái nhìn bao quát trọn vẹn cho người yêu nghệ thuật về toàn bộ cuộc đời của vua Hàm Nghi với tư cách là một người nghệ sĩ thực thụ dưới cốt cách của một vị vua yêu nước.
Hầu hết trong các sáng tác của vua Hàm Nghi thường không có hình ảnh con người. Đó chính là nỗi buồn, sự cô đơn, lẻ loi của một người phải tha hương nơi đất khách quê người. Không những thế lại với tâm trạng của một vị vua tha hương. Vì vậy, nỗi nhớ quê hương da diết luôn thường trực trong các bức tranh của ông.
HÀM NGHI – Vô đề. Khoảng 1900-1903. Sơn dầu. Sưu tập tư nhân
Chủ đề về các sáng tác nghệ thuật của Vua Hàm Nghi vốn đã thu hút được sự quan tâm nhất định của công chúng. Nhưng khi được trưng bày một cách công phu và đầy đủ như thế này, triển lãm sẽ còn khiến công chúng thích thú hơn nữa. Bởi các tác phẩm trưng bày rất đa dạng về một vài khía cạnh còn bí ẩn (nào đó) trong đời sống nội tâm của một vị vua yêu nước đến với nghệ thuật bằng tinh thần tự tôn dân tộc.
Bài viết bởi Viet Art View