Vào lúc 16h00 chiều 30/8, đã diễn ra khai mạc triển lãm “Tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2022” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Đây là hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối kết hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024).
Trong số 128 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022, giới mỹ thuật, nhiếp ảnh vinh dự và tự hào có 26 tác giả được trao tặng, truy tặng Giải thưởng.
Trong đó có 03 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Họa sĩ Bùi Trang Chước, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Nguyên Nhân, Chu Chí Thành. 23 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước: họa sĩ Nguyễn Văn Chung, Trần Đông Lương, Nguyễn Tài Lương, Nguyễn Minh Mỹ, Nguyễn Văn Giáo, Hoàng Sùng, Đinh Gia Thắng, Trịnh Hoàng Tân; Nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần và nghệ sĩ nhiếp ảnh: Nguyễn Á, Nguyễn Xuân Át, Nguyễn Đặng, Nguyễn Hữu Lộc, Lâm Hoàng Thanh Liêm, Ngô Minh Nhật, Nguyễn Hoàng Nẫm, Trần Văn Giác, Lương Huệ Quân, Hồ Sỹ Sô, Đinh Quang Thành, Phạm Văn Thính, Trần Văn Tuấn, Lê Vấn.
Ảnh: BTMTVN
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật là những phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước trao tặng cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, có nội dung tư tưởng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ảnh: BTMTVN
Triển lãm trưng bày 47 tác phẩm, trong số đó có 26 tác phẩm mỹ thuật, 21 tác phẩm, cụm tác phẩm nhiếp ảnh mang đến cho người xem nhiều tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, mở ra góc nhìn sinh động về những thời kỳ lịch sử đã qua của dân tộc. Ngắm những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm, người xem không khỏi xúc động bởi những khoảnh khắc đời thường chân thật, giản dị của người lính đến những giây phút cam go trên chiến trường khốc liệt với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đặc biệt là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam được tái hiện dưới hình ảnh vô cùng gần gũi đời thường.
Mỗi một tác phẩm trong triển lãm đều được người nghệ sĩ ghi lại bằng chính cảm xúc của mình qua lăng kính máy ảnh, qua ngôn ngữ hội hoạ bằng đường nét tạo hình, màu sắc tinh tế. Riêng với mỹ thuật, sức mạnh của ngôn ngữ tạo hình bằng đường nét, màu sắc, hình khối luôn luôn có một ưu thế lớn, truyền tải nhanh, mạnh, cảm xúc.
26 tác phẩm mỹ thuật với đa dạng chất liệu như: sơn mài, lụa, sơn khắc,… được thể hiện trên nhiều khuôn khổ kích thước khác nhau. Các tác phẩm như:
“Trong lán dân quân” của Nguyễn Văn Chung, “Tổ thêu” của Trần Đông Lương”, “Khu gang thép Thái Nguyên” của Bùi Trang Chước, “Mẹ và Người lính” của Trịnh Hoàng Tân, “Cô gái dệt vải” của Minh Mỹ,…
Các tác phẩm tập trung quanh đề tài về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân ta. Đối lập với mặt trận tiền tuyến căm go là hình ảnh hậu phương không quản ngày đêm tăng gia sản xuất hướng về tiền tuyết, tất cả phục vụ cho công cuộc kháng chiến trường kỳ, xây dựng đất nước phát triển.
Trần Đông Lương. Tổ thêu. 1958. Lụa
Trong bức tranh “Tổ thêu” của Trần Đông Lương, hiện lên trước mắt chúng ta hình ảnh về những cô thiếu nữ với đôi bàn tay khéo léo se từng đường kim mũi chỉ để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tinh xảo. Trần Đông Lương là hoạ sĩ rất giỏi về hình hoạ, các tác phẩm tranh lụa của ông luôn có khối hình mạnh mẽ, ánh sáng trong trẻo mà vẫn giữ được dáng mịn màng của chất liệu lụa. Tạo hình thiếu nữ trong tác phẩm này mang đậm dấu ấn của ông, đó là những cô gái thành thị với vẻ dịu dàng, thanh lịch dù đang miệt mài lao động. Nét đẹp lao động được tỏa ra ấm áp dưới hình ảnh phụ nữ Hà Nội những năm thập niên 50.
Hay tác phẩm “Khu gang thép Thái Nguyên” của hoạ sĩ Bùi Trang Chước mở ra một tầm nhìn khoáng đạt về cảnh quan đồ sộ, sự khẩn trương, không khí làm việc tích cực của những người công nhân tại khu công nghiệp luyện gang thép. Vô vàn tổ hợp nét được tác giả khắc hoạ tỷ mỉ để tạo nên tổng thế hài hoà. Xem tranh có thể thấy được sự dụng công trong việc nghiên cứu hình, phác thảo để có thể xây dựng được một tác phẩm lớn như thế.
Bùi Trang Chước. Khu gang thép Thái Nguyên. Sơn khắc.
Bùi Trang Chước được biết là hoạ sĩ đã sáng tác ra mẫu Quốc Huy, ông chuyên vẽ tem thư và vẽ tiền,… tại triển lãm cũng trưng bày thiết kế các mẫu “Huân chương” của ông sáng tác.
Các mẫu “Huân chương” do hoạ sĩ Bùi Trang Chước sáng tác
Triển lãm “Tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2022” không chỉ mang đến cho người xem những trải nghiệm nghệ thuật đơn thuần mà đó còn là dịp để chúng ta được sống lại với những trang sử vàng son của dân tộc, thêm yêu đất nước với bao truyền thống tốt đẹp từ muôn đời.
Triển lãm diễn ra từ ngày 30/8/2024 đến hết ngày 8/9/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Một số tác phẩm:
Nguyễn Văn Chung. Trong lán dân quân. Lụa
Trịnh Hoàng Tân. Mẹ và người lính. Sơn mài
Minh Mỹ. Cô gái dệt vải. Lụa
Bài viết bởi Viet Art View