Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên phủ trên không (12/1972 – 12/2022), 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Tình quân dân”. Triển lãm được khai mạc vào hồi 15h00 ngày 20/12/2022 và được trưng bày đến hết ngày 30/12/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Đất nước ta đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ để có được nền độc lập ngày hôm nay, đó là kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ, sự đoàn kết giữa toàn quân và dân ta. Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập là Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Tình đoàn kết giữa quân và dân luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, đó đã trở thành một đề tài mang tính phổ biến được khắc họa trong âm nhạc, thơ ca, truyền hình, mỹ thuật… Rất nhiều các thế hệ họa sĩ đã tái hiện lại tình cảm cao đẹp đó bởi nhiều bức tranh đẹp về đề tài này.
Triển lãm “Tình quân dân” giới thiệu đến công chúng hơn 50 tác phẩm được lựa chọn trong Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đa phần được sáng tác về chủ đề tình đoàn kết gắn bó giữa quân và dân trong những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước với nhiều thể loại tạo hình như: hội họa, đồ họa, điêu khắc,… Các tác phẩm được sáng tác trên đa dạng chất liệu khác nhau như: sơn dầu, sơn mài, bột màu, sơn khắc, lụa, màu nước, khắc gỗ, đồng, nhôm, thạch cao,… trong đó bột màu và màu nước là hai chất liệu chiếm phần lớn trong triển lãm. Bởi đây là hai chất liệu thuận tiện mang đi vẽ trực họa đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyên truyền cổ động cho phong trào của thời cuộc.
Triển lãm với sự đóng góp của nhiều thế hệ các họa sĩ, thời kỳ Đông Dương: Trần Văn Cẩn (1910 – 1994), Nguyễn Đỗ Cung (1912- 1977), Hoàng Tích Chù (1912 – 2003), Văn Giáo (1916 – 2018), Lê Quốc Lộc (1918- 1987), Huỳnh Văn Thuận (1921- 2017), Mai Văn Hiến (1923- 2006), phan Kế An (1923- 2018)… Khóa Kháng chiến: Trịnh Phòng (1922), Mai Long (1930),… Khóa Tô Ngọc Vân: Vũ Giáng Hương (1929-2011), Nguyễn Thụ (1930), Hoàng Anh (1932 – 1968), Lương Quý (1933 – 2010),… và các thế hệ họa sĩ đương đại như: Trần Huy Oánh (1937), Lê Trọng Lân (1942), Đỗ Như Cẩn (1946), Lê Trí Dũng (1949),… mang đến nhiều tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật.
Hoàng Tích Chù (1912-2003). Đêm hậu cứ. 1966. Sơn mài. 95×162 cm
Triển lãm “Tình quân dân” đã thể hiện sự đa dạng về bút pháp, thể loại và chất liệu qua từng tác phẩm. Có thể kể đến các tác phẩm như: “Đêm hậu cứ”- một bức tranh sơn mài kích thước lớn của họa sĩ Hoàng Tích Chù (1912 – 2003). Tranh khắc họa cảnh người dân đồng bào miền Nam với tạo hình áo bà ba và khăn rằn ri điển hình đang cùng các chiến sĩ đồng lòng vận chuyển quân lương về căn cứ địa. Ngắm nhìn hình thể khỏe khoắn của từng nhân vật trong “Đêm hậu cứ” gợi liên tưởng đến những khối hình rắn rỏi, chắc nịch của Joseph Fernand Henri Léger. Bằng ngôn ngữ tạo hình sắc nét và màu sắc sống động tác giả đã phản ánh đúng tinh thần khẩn trương hăng say lao động của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ những em bé, phụ nữ, người già đến hình ảnh các anh chiến sĩ, tất cả đều phối hợp nhịp nhàng với nhau mau chóng hoàn thành công việc.
Mai Văn Hiến (1923- 2006). Tiếng hát mùa chiến dịch. 1994. Sơn dầu. 120×180 cm
Hay bức “Tiếng hát mùa chiến dịch” của họa sĩ Mai Văn Hiến (1923- 2006) với hòa sắc nhẹ nhàng tình cảm nhưng làm nổi bật được tinh thần lạc quan, yêu đời “tiếng hát át tiếng bom” của quân và dân. Mai Văn Hiến dường như yêu thích hiện thực lãng mạn cách mạng. Các tác phẩm của ông ngoài phản ánh thực tế xã hội đương thời còn có giá trị cao về mặt nghệ thuật. Bởi vậy ở trong bức tranh này, dưới góc nhìn trực quan của tác giả chúng ta thấy được một bản anh hùng ca cách mạng nhưng vẫn lãng mạn nên thơ. Dù chiến tranh có loạn lạc, chia ly mất mát nhưng sau những trận chiến nảy lửa đó những người lính cùng đồng bào vẫn có những phút giây nghỉ ngơi, sinh hoạt văn nghệ để tái tạo thêm năng lượng, động lực để chiến đấu và bảo vệ tổ quốc.
Văn Giáo (1916 – 1996). Hơ áo chiến sỹ. 1962. Bột màu. 53×64 cm
Hay một khung cảnh rất đời thường bình dị được tái hiện trong bức “Hơ áo chiến sỹ” của họa sĩ Văn Giáo (1916 – 1996). Toàn bộ bức tranh với hòa hòa sắc chủ đạo nâu vàng đầm ấm, tạo hình nhân vật trung tâm là hình ảnh cô thiếu nữ vùng cao đang ngồi bên bếp lửa cẩn thận hong khô áo cho anh chiến sỹ. Văn Giáo là họa sĩ dòng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thứ hiện thực chân thực của nhân sinh quan phản ánh đúng tinh thần thời cuộc. Vì vậy các sáng tác của ông luôn tái hiện cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng, đề cao vai trò lịch sử của nhân dân. Trong “Hơ áo chiến sỹ” tác giả đã tái hiện tinh tế cảm xúc cao đẹp, sự chăm lo về mặt đời sống của người dân với chiến sĩ. Từ bao đời nay nhân dân luôn là mặt trận hậu phương vững chắc cho những người lính nơi tiền tuyến.
Nguyễn Đỗ Cung (1912- 1977). Mặt trận An Khê. Bột màu. 31,5×50,5 cm
Bên cạnh những tác phẩm được ra đời trong thời chiến giai đoạn từ những năm 1945-1975 thì các tác phẩm được sáng tác sau năm 1975 đến 2002 như: “Đón bộ đội về bản” của họa sĩ Cao Trọng Thiềm (1942), “Đánh cứ điểm” của họa sĩ Nguyễn xuân Chuyên, “Bếp lửa Trường Sơn” của họa sĩ Vũ Giáng Hương (1929-2011), “Vượt sông” của họa sĩ Lê Trí Dũng (1949),… là sự hồi tưởng của chính những người nghệ sĩ đã trực tiếp trải qua, ghi chép hình ảnh thực tế để thể hiện lại truyền thống quân dân gắn bó đáng trân quý của đất nước.
Lê Quốc Lộc (1918- 1987). Qua dốc Miếu. 1974. Sơn mài. 39×159,5 cm
Tuy cùng sáng tác chung một đề tài nhưng mỗi một tác phẩm trong triển lãm lại mang đến một góc nhìn hội họa rất riêng của từng tác giả để khắc họa một cách chân thực, sống động tình cảm khăng khít, bền chặt của quân và dân qua từng thời kỳ bằng ngôn ngữ tạo hình đặc sắc, làm nổi bật tình thần đoàn kết của dân tộc ta từ xưa đến nay. Tình cảm thiêng liêng đó không chỉ có ở trong thời chiến tranh khói lửa, mà ngay ở trong thời bình lực lượng Quân đội Nhân dân vẫn tích cực hỗ trợ người dân tăng gia sản xuất, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc.
Triển lãm “Tình quân dân” không chỉ khắc họa sự gắn kết giữa quân và dân, tôn vinh truyền thống tốt đẹp đoàn kết toàn dân, mà đó còn là những hình ảnh trực quan sinh động bằng màu sắc, bằng hình, bằng nét của ngôn ngữ tạo hình tinh tế giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Một số tác phẩm khác tại triển lãm:
Lê Thược. Đi đấu tranh vũ trang. 1983. Thạch cao. 99x97x38 cm
Trần Văn Cẩn (1910 – 1994). Giao thông hào trong kháng chiến. 1969. Màu nước. 39,5×27,4 cm
Huỳnh Văn Thuận (1921- 2017). Sinh hoạt tổ sau trận thắng. 1950. Màu nước. 23,7×36,6 cm
Phan Kế An (1923- 2018). Giữa hai trận đánh. 1968. Màu nước. 30×40 cm
Trần Viết Lý. Chúc các anh đi tập kết. 1960. Sơn dầu. 75×100 cm
Đỗ Như Cẩn (1946). Trên đường chiến dịch. 1983. Nhôm. 49×79 cm
Lê Thanh Trừ. Tải đạn. 1975. Sơn khắc. 59×84 cm
Phạm Thị Đoàn Thanh. Tập bắn. Khắc gỗ. 19,5×28 cm
Trần Huy Oánh (1937). Mở đường trên đỉnh Trường Sơn. 1973. Màu nước. 34,5×49,4 cm
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View