Triển lãm tranh sơn mài “Câu chuyện phương Đông” của họa Triệu Khắc Tiến diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ ngày 25/03/2022 đến ngày 24/04/2022.
Họa sĩ Triệu Khắc Tiến sinh năm 1977 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống hội họa. Anh là Phó Trưởng khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh từng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Mỹ thuật tại Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo (Nhật Bản). Trên thực tế, cái tên Triệu Khắc Tiến không quá xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật, bởi anh đã từng giành được rất nhiều giải thưởng về Mỹ thuật cả trong nước lẫn quốc tế. Triệu Khắc Tiến còn được biết đến với danh xưng “Thần đồng Mỹ thuật nhí” và anh là họa sĩ nhí duy nhất có tác phẩm được in trên bìa Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm “Câu chuyện Phương Đông” vừa là quá trình tổng kết học hỏi nghiên cứu thực nghiệm dày công của họa sĩ Triệu Khắc Tiến, để Việt hoá những kỹ thuật đặc thù của kỹ thuật sơn mài truyền thống Nhật Bản, bằng chất liệu sơn ta của Việt Nam. Đồng thời cũng là một sự khởi đầu của một hành trình, đánh dấu những bước tìm tòi mới trong sáng tác gần đây khi kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật tinh xảo tỉ mỉ cần có của một người nghệ nhân, với khả năng biểu cảm mới trong ngôn ngữ tạo hình của một người nghệ sỹ.
TRIỆU KHẮC TIẾN. Mây núi. sơn mài. 2022. 52×141 cm
Các tác phẩm trong triển lãm được anh sáng tác từ năm 2016 đến nay. Mỗi một tác phẩm được trưng bày là một công trình nghiên cứu về sự giao thoa giữa tranh sơn mài Nhật Bản và sơn mài Việt Nam. Điều này đem lại nhiều điều thú vị với góc nhìn mới cho công chúng yêu nghệ thuật, đặc biệt là tranh sơn mài.
TRIỆU KHẮC TIẾN. Câu chuyện phương Đông 2. sơn mài. 2016. 91,5×91,5 cm
Đến với “Câu chuyện Phương Đông” người xem cảm giác được hòa mình vào cõi an nhiên, ở đó có những bước chân thiền nhẹ nhõm, nơi những miền xa mơ tưởng của chính họa sĩ là sự hòa điệu tinh tế giữa vườn thiền Nhật Bản và mảnh vườn xanh trong tâm hồn Việt.
Họa sĩ Triệu Khắc Tiến chia sẻ: “Thông qua việc tạo tập những kỹ thuật sơn mài Nhật Bản và tôi muốn ứng dụng kỹ thuật sơn mài Nhật Bản vào trong tranh sơn mài Việt Nam để có thể có những hướng đi mới và có những tìm tòi tốt hơn cả về kết cấu bề mặt cũng như kỹ thuật xử lý chất liệu theo hướng tinh chế phương pháp sơn mài Nhật Bản”.
TRIỆU KHẮC TIẾN. Ba vầng trăng. sơn mài. 2019. 72×90 cm
Rất nhiều kỹ thuật sơn mài Nhật được anh ứng dụng trực tiếp vào trong tác phẩm. Có thể kể đến như bức tranh “ Ba vầng trăng” sơn mài, 2019, 72×90 cm họa sĩ Triệu Khắc Tiến đã dùng kỹ thuật toát “suri urushi” trên chất liệu sơn ta để tạo hiệu ứng tốt hơn cho lớp bóng trên bề mặt khi thể hiện được các độ chuyển đậm nhạt phong phú giữa các lớp phủ bạc màu lạnh và then trong phần hậu cảnh, tôn sắc cho các chi tiết trung tâm. Hay trong tác phẩm “Phái nữ”, sơn mài ba tấm, 2016, 35x52cm, lấy ý tưởng tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ, tác giả đã sử dụng các kỹ thuật truyền thống sơn mài Nhật “rakaru, atsugai, makie và togidashi- makie” để thể hiện các chi tiết tinh xảo từ vòng cổ, hoa văn tranh phục, nền hoa,….
TRIỆU KHẮC TIẾN. Phái nữ. sơn mài. 2022. 35x52x3
Ngoài 29 tác phẩm sơn mài được trưng bày, phòng triển lãm còn có thêm 55 tấm vóc thể hiện kỹ thuật sơn mài cùng các dụng cụ vẽ tranh sơn mài Việt Nam và Nhật Bản giúp người xem có góc nhìn cụ thể hơn về quá trình sáng tác tranh sơn mài.
Thông qua triển lãm, họa sĩ Triệu Khắc Tiến mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đang học sơn mài, truyền niềm say mê, ngọn lửa yêu nghề. Nhất là hiện nay trong thế giới sơn mài là miền đất rộng lớn để đưa thương hiệu sơn mài Việt Nam nâng tầm thế giới, có sự giao lưu cùng với những giao thoa, nhịp chuyển của nghệ thuật sơn mài đương đại hiện nay trên thế giới.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View