Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Quốc Khánh (02/09/1945 – 02/09/2022) và chào đón năm học mới 2022, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm tranh chuyên đề “Truyền thống hiếu học”. Triển lãm được khai mạc vào hồi 9h30p ngày 31/8/2022 và trưng bày đến hết ngày 11/9/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Việt Nam là một đất nước nghìn năm văn hiến với rất nhiều truyền thống đáng quý, trong đó phải kể đến truyền thống hiếu học. Từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngay từ thuở sơ khai mới dựng nước, các triều đại nhà Lý, nhà Trần,…cũng đã rất chú trọng đến nền giáo dục, các kỳ thi Hương, Hội, Đình được tổ chức theo định kỳ để tuyển chọn người hiền tài cho đất nước.
Cho đến sau này, ngay sau ngày độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục. Ngày khai giảng năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (05/9/1945), Người đã gửi thư cho các em học sinh. Trong thư Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Các phong trào “Bình dân học vụ” với mục tiêu “Diệt giặc dốt”, “Chống nạn mù chữ”,… do Người phát động là những bước đi đầu tiên, quan trọng, định hướng của Chính phủ Lâm thời Việt Nam cho việc tiếp nối truyền thống học tập, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, vùng miền.
Cũng từ đó mà truyền thống hiếu học trở thành một trong những chủ đề mang tính phổ biển nhất trong thơ ca, âm nhạc, nhiếp ảnh, truyền hình, mỹ thuật,… Các thế hệ họa sĩ đã sáng tác rất nhiều tranh về đề tài này.
Riêng với mỹ thuật, sức mạnh của ngôn ngữ tạo hình bằng đường nét, màu sắc, hình khối luôn có một ưu thế lớn với thị giác của công chúng. Vì thế, thông điệp truyền tải nhanh, mạnh, xúc động….
Đỗ Hữu Huề (1935 – 2022). Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng. 1976. Sơn dầu. 98×120 cm
Triển lãm chuyên đề “Truyền thống hiếu học”giới thiệu đến quý công chúng yêu nghệ thuật 50 tác phẩm của 44 tác giả được sáng tác từ những năm sau 1945 cho đến nay với nhiều thể loại tạo hình như: hội họa, đồ họa, điêu khắc,… Các tác phẩm được thể hiện trên đa dạng chất liệu: sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, gỗ, thạch cao, gang,… Có thể thấy phần lớn trong triển lãm là các sáng tác trên giấy với kích thước nhỏ, trung bình, ít có tranh to, tranh sơn mài, bởi như thế sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyên truyền cổ động cho phong trào của thời cuộc, mặt khác bối cảnh xã hội thời kỳ lúc đó cũng rất khó để có đủ họa cụ cho việc xây dựng những tác phẩm lớn.
Với sự quy tụ của nhiều thế hệ các họa sĩ, thời kỳ Đông Dương: Tô Ngọc Vân (1906 – 1954), Trần Văn Cẩn (1910 – 1994), Lưu Văn Sìn (1911 – 1983), Phạm Văn Đôn (1918 – 2000), Lê Năng Hiển (1921 – 2014), Kim Đồng (1922 – 2009)… khóa Kháng chiến: Ngô Tôn Đệ (1926),… Khóa Tô Ngọc Vân: Nguyễn Thế Vinh (1926 – 1997), Hoàng Công Luận (1930 – 2021), Đỗ Hữu Huề (1935 – 2022),… và các thế hệ họa sĩ đương đại như: Lê Thị Hiền (1957), Vi Kiến Thành (1963),… mang đến cho triển lãm “Truyền thống hiếu học” nhiều tác phẩm đẹp, giàu giá trị nghệ thuật.
Có thể kể đến các sáng tác như: “Bủ Đường biết đọc” của họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906 – 1954). Đây là một trong những ký họa kháng chiến được ông vẽ khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tranh khắc họa hình ảnh người mẹ trung niên đang bế đứa con nhỏ trong vòng tay, trên tay cầm quyển sách với khuôn mặt hạnh phúc.
Tô Ngọc Vân (1906 – 1954). Bủ Đường biết đọc. 1954. Màu nước. 49,5×35 cm
Hay hai bức “Lớp học bình dân” và “Lớp học bình dân làng Bền” của họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 – 1994) cùng chung một không khí học tập say sưa, rộn ràng. Các nhân vật trong tranh từ trẻ con đến người lớn, người già ai nấy đều được nghệ sĩ khắc họa tinh tế bằng ngôn ngữ của hình, của nét, màu sắc, tinh thần chăm chỉ và ham học hỏi.
Trần Văn Cẩn (1910 – 1994). Lớp học bình dân làng Bền. 1948. Chì. 21,5×32,5 cm
Trần Văn Cẩn (1910 – 1994). Lớp học bình dân . 1950. Màu nước. 16×23 cm
Rồi đến bức “Cậu Coông học khai tâm” của họa sĩ Nguyễn Văn Giáo (1916 – 1996) với hòa sắc chủ đạo màu nâu làm nổi bật hình ảnh người thầy đồ tận tâm đang dạy chữ cho cậu học trò nhỏ xinh ngoan ngoãn của mình. Hay một khung cảnh rất đời thường bình dị được tái hiện trong tranh “Chăm học chăm làm” của họa sĩ Phạm Văn Đôn (1918 – 2000), đó là hình ảnh các cháu thiếu niên nhi đồng vừa tích cực tăng gia sản xuất giúp gia đình lại vừa chăm chỉ ôn bài. Ngoài ra các bức như “Thiếu nữ Mường đọc sách” họa sĩ của Duy Nhất – Năng Hiển (1921 – 2014), “Nhà trẻ” của họa sĩ Nguyễn Kim Đồng (1922 – 2009), “Lớp 5 dưới lòng đất” của họa sĩ Ngô Tôn Đệ (1926), “Công nhân học vẽ” của họa sĩ Hoàng Công Luận (1930 – 2021), “Trường học miền núi” của họa sĩ Đặng Thị Hồng Hải (1933), “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” của họa sĩ Đỗ Hữu Huề (1935 – 2022),… cũng đều toát lên được truyền thống hiếu học từ ngàn đời nay của nhân dân ta.
Nguyễn Văn Giáo (1916 – 1996). Cậu Coông học khai tâm. 1971. Bột màu. 50×65 cm
Phạm Văn Đôn (1918 – 2000). Chăm học chăm làm. Khắc gỗ. 25,5×40 cm
Tuy cùng chung một đề tài nhưng 50 tác phẩm trong triển lãm lại mang một góc nhìn hội họa rất riêng của từng tác giả để khắc họa lại một cách chân thực nhất, sống động nhất những thước phim tư liệu đáng quý của sự nghiệp giáo dục nước nhà qua từng thời kỳ bằng ngôn ngữ tạo hình đặc sắc. Các tác phẩm truyền tải nội dung vừa bình dị vừa lớn lao, làm nổi bật được tinh thần hiếu học, không khí học tập sôi nổi ở khắp mọi nơi, ở trong mọi hoàn cảnh của người dân Việt Nam.
Ngô Tôn Đệ (1926). Lớp 5 dưới lòng đất. 1967. Chì. 30×50 cm
Dù chiến tranh tàn khốc cũng không thể ngăn cản được sự nghiệp giáo dục phát triển. Trường học phải sơ tán, thậm chí học dưới hầm, nhưng việc học luôn được quan tâm và triển khai rộng khắp, các lớp bình dân học vụ, lớp bổ túc được thành lập để xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, việc học tập không chỉ là học chữ trên ghế nhà trường, mà còn có sự trao đổi kinh nghiệm chuyên môn giữa các đồng nghiệp, học kỹ năng thêu thùa, rèn luyện tay nghề trong xưởng, trao truyền tri thức của thế hệ trước đến các thế hệ sau. Truyền thống hiếu học không bị gò bó, khuôn hẹp hay hạn chế vì bất cứ hoàn cảnh nào.
Hoàng Trầm (1928). Dân quân gái Ngư Thùy. 1970. Sơn mài. 90×120 cm
Xu Man (1925 – 2007). Lớp học thiếu nhi. 1977. Màu nước. 36×50 cm
Đào Văn Can (1894 – 1976). Cõng bạn đi học. 1967. Đất nung. 40x15x18 cm
Bằng ngôn ngữ tạo hình trực diện và sinh động, triển lãm nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, động viên lớp lớp thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha ông học tập, rèn luyện, phấn đấu đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trương Quốc Lương. Công nhân già, công nhân trẻ. 1980. Sơn mài. 60×90 cm
Duy Nhất – Năng Hiển (1921 – 2014). Thiếu nữ Mường đọc sách. 1960. Lụa. 61×44,7 cm
Vi Kiến Thành (1963). Học thêu. 2004. Khắc gỗ. 51×68,7 cm
Hoàng Công Luận (1930 – 2021). Công nhân học vẽ. 1972. Sơn dầu. 60×80 cm
Hứa Tử Hoài (1942 – 2008). Nhóm học. 1978. Thạch cao. H = 30 cm
Song hành với triển lãm là chương trình tọa đàm với chủ đề “Truyền thống hiếu học qua góc nhìn nghệ thuật” sẽ được diễn ra vào sáng ngày 08/9/2022 tại Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bài viết bởi Viet Art View