Logo loading

TRIỂN LÃM VAN GOGH TẠI VIỆN NGHỆ THUẬT DETROIT

Triển lãm ‘Van Gogh ở Mỹ’, những bức tranh được mua bởi các bảo tàng Mỹ và cả những bức họ đã để vuột qua tầm tay. Vincent van Gogh, Chân dung tự họa (1887). Bộ sưu tập Viện nghệ thuật Detroit, mua bởi thành phố Detroit, 1922. Ngày nay, Vincent Van Gogh là một […]
|Viet Art View

Triển lãm ‘Van Gogh ở Mỹ’, những bức tranh được mua bởi các bảo tàng Mỹ và cả những bức họ đã để vuột qua tầm tay.

Vincent van Gogh, Chân dung tự họa (1887). Bộ sưu tập Viện nghệ thuật Detroit, mua bởi thành phố Detroit, 1922.

Ngày nay, Vincent Van Gogh là một trong số ít những tên tuổi họa sĩ mà dường như ai cũng biết. Nhưng một thế kỷ trước, không có một bảo tàng nào của Mỹ sở hữu tác phẩm Van Gogh cho đến khi Viện Nghệ thuật Detroit (DIA) thực hiện việc mua lại bức chân dung tự họa nhỏ bé năm 1887 của ông.

Giờ đây, bảo tàng đang nhìn lại sự xuất hiện của Van Gogh ở Mỹ với cuộc triển lãm 74 tác phẩm gốc. Triển lãm giới thiệu những tác phẩm hiện thuộc bộ sưu tập của các bảo tàng trên khắp đất nước, cũng như những tác phẩm đã lọt qua tầm tay của Mỹ, cuối cùng thuộc về các viện nước ngoài.

Ngày nay, có 125 bức Van Gogh trong các bảo tàng Mỹ, một trong những kiệt tác rất được yêu thích là ‘Đêm đầy sao’ (1889), trụ cột trong bộ sưu tập của MoMA New York, nó rất hiếm khi xê dịch, vì vậy DIA đã dàn xếp để có ‘Đêm đầy sao trên sông Rhone’ (1888) của Musée d’Orsay ở Paris.

“Van Gogh ở Mỹ’ là triển lãm đầu tiên thuộc thể loại này. Nó giải thích tại sao một quốc gia gần đây đã tổ chức gần 50 trải nghiệm Van Gogh cùng một lúc, lại- đã từng- thấy khó khăn như vậy khi tiếp nhận lựa chọn táo bạo về màu sắc và những nét vẽ biểu cảm của họa sĩ, khi lần đầu tiên được giới thiệu về ông, những cơ hội mua các bức tranh gốc, thuở ban đầu.

Vincent Van Gogh, Đêm đầy sao trên sông Rhone (1888). Bộ sưu tập của Musée d’Orsay, Paris. © Musée d’Orsay, Dist. RMN-Grand Palais/Patrice Schmidt.

“Sự thông hiểu về Van Gogh thực sự vô cùng rộng lớn, thật khó cho tôi để hiểu rằng chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về việc tiếp nhận nghệ thuật Van Gogh ở Mỹ,” curator mảng nghệ thuật châu Âu của bảo tàng, Jill Shaw, chia sẻ với Artnet News.

Ý tưởng triển lãm bắt đầu từ tháng 1 năm 2016, khi Shaw mới làm việc được ba ngày. Giám đốc DIA, Salvador Salort-Pons, đề nghị tổ chức một số loại triển lãm Van Gogh và Shaw ngay lập tức bắt đầu suy nghĩ về các góc độ có thể — đặc biệt là những góc có thể làm nổi bật các tác phẩm của họa sĩ được lưu giữ trong bảo tàng của mình.

Bước đầu tiên là xác nhận tuyên bố của DIA rằng nó là bảo tàng đầu tiên của quốc gia sở hữu một tác phẩm Van Gogh.

Shaw nói: “Tôi biết rằng chúng tôi đã mua nó vào năm 1922, điều này đối với tôi có vẻ khá muộn. (Một số nhà sưu tập đã nhanh chóng đón nhận hơn, như Albert C. Barnes, John Quinn và Katherine S. Dreier thực hiện những giao dịch cá nhân đầu tiên vào năm 1912.)

Vincent Van Gogh, Chân dung người đưa thư Roulin (1888). Bộ sưu tập Viện Nghệ thuật Detroit.

Nghiên cứu của Shaw đã sớm tiết lộ rằng, so với một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Đức, Mỹ chắc chắn là quốc gia đi sau khi đề cập đến Van Gogh. Thực tế là sự quan tâm của châu Âu đã thúc đẩy thị trường của Van Gogh, khiến việc mua tranh ông là một lựa chọn ít hợp lý đối với các viện ở Mỹ, những người có thể muốn một cơ hội với họa sĩ chưa được chấp nhận bởi thị hiếu bảo thủ đang thịnh hành.

“Giá cao, và người Mỹ không sẵn lòng trả giá cao như vậy cho một họa sĩ mà họ chưa thể hiểu được,” Shaw nói.

Triển lãm bao gồm các thỏa thuận mượn từ hơn 60 cá nhân và tổ chức, các thỏa thuận đã phải thương lượng lại khi triển lãm bị hoãn năm 2020 do đại dịch và một số tác phẩm không còn mượn được nữa. Tuy nhiên sự chậm trễ cũng cho Shaw thời gian để xem lại danh sách với những hiểu biết dựa trên công việc nghiên cứu mới nhất.

Vincent Van Gogh, Ghế của Van Gogh (1888). Bộ sưu tập Phòng trưng bày Quốc gia London.

“Đó chính là khoảnh khắc đáng kinh ngạc này, tôi không nghĩ mình sẽ có lại một lần nữa,” Shaw nói.

Triển lãm mở đầu với một trong những bức tranh đã vuột khỏi tầm tay người Mỹ, ‘Ghế của Van Gogh’ (1888), từng được bán tại một số triển lãm của Mỹ đầu những năm 1920, cuối cùng lại thuộc về Phòng trưng bày Quốc gia London. Có thể nhận ra người họa sĩ đang vắng mặt, ở cái tẩu thuốc và bao thuốc được đặt trên ghế.

Mặc dù Van Gogh chưa bao giờ đến Mỹ, nhưng tác phẩm của ông đã ra mắt ở đây từ năm 1913, tại triển lãm Armory nổi tiếng. Khai mạc tại New York, rồi được chuyển đến Chicago và Boston, triển lãm đánh dấu sự xuất hiện của nghệ thuật Hiện đại trên các bờ của Mỹ. Tuy nhiên, Van Gogh đã bị lu mờ, trước những tác phẩm khét tiếng như ‘Nude xuống cầu thang’ của Marcel Duchamp.

Triển lãm DIA gồm một phần là những bức ảnh toàn cảnh chụp tại triển lãm Armory, đưa người xem trở lại thời điểm mà những tác phẩm của Van Gogh vẫn còn lạ lẫm.

Nếu người Mỹ hồi đó biết Van Gogh, đó là từ các phiên bản in đen trắng trên báo, không có chút màu sắc nào đặc trưng cho tranh của ông. Triển lãm Armory cũng chưa phải là phần hay nhất trong số những tác phẩm của ông.

Shaw giải thích: “Nó có các tác phẩm từ mọi thời kỳ trong sự nghiệp của ông, nhưng không phải một lựa chọn chặt chẽ, có thể đóng một vai trò nào đó khiến mọi người không hiểu về Van Gogh. Và có một số người bảo thủ nói rằng ông chỉ lãng phí chất liệu, họ đơn giản là không sẵn lòng chấp nhận màu sắc của ông, nét vẽ của ông, một phong cách hội họa không theo chủ nghĩa tự nhiên.” Một nhà phê bình cho rằng ông “đã làm hỏng rất nhiều bức tranh với những hình ảnh thô, không hề quan trọng.”

Người em dâu của Van Gogh, Johanna van Gogh-Bonger, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi câu chuyện đó. Cô đã dành cả đời để quảng bá những tác phẩm của Van Gogh, đưa 85 tác phẩm của Van Gogh tham dự các cuộc triển lãm ở Mỹ từ 1913 đến 1920.

Chỉ ba trong số những tác phẩm đó được mua, bởi một nhà sưu tập duy nhất, Theodore Pitcairn, tất cả đều ở Phòng trưng bày Montross, New York, nơi tổ chức triển lãm hồi tưởng đầu tiên của Van Gogh tại Mỹ, năm 1920.

Ít nhất, có một nhà phê bình nhận ra rằng Mỹ đã bỏ lỡ một phần quan trọng của lịch sử nghệ thuật.

Henry McBride viết trong triển lãm Montross: “Trong suốt ba mươi năm chợp mắt mà các giám đốc bảo tàng và các nhà sưu tập của chúng ta đã thỏa mãn, những người nghiệp dư ở phía bên kia mặt nước vẫn không ngủ. Đã đóng chặt những cánh cửa quá lâu đối với Van Gogh, đã xa cách ông trong suốt những tháng năm đó, có thể nói, khi xem xét lại, dường như không có cách giải thích nào cho các bảo tàng của chúng ta.”

Năm 1921, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của New York tổ chức triển lãm đầu tiên về nghệ thuật trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng, với bốn bức tranh của Van Gogh. Nhưng khi nói đến việc mua lại, DIA đã thành công trước, thực hiện vào ngày 31 tháng 1 năm 1922, trong một cuộc đấu giá tại Khách sạn Plaza ở New York.

Vincent Van Gogh, Phòng ngủ (1889). Bộ sưu tập Viện Nghệ thuật Chicago.

Với giá cuối cùng là 4.200 USD, khoảng 75.000 USD ngày nay, chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Thành phố Detroit, Ralph. H. Booth đã bảo đảm bức chân dung tự họa của Van Gogh cho viện. Đó vẫn là một khoản đắt đỏ, nhưng giá thể hiện một khoản chiết khấu đáng kể do Van Gogh-Bonger đặt ra, giúp tác phẩm nằm trong khoảng ngân sách của DIA. (May mắn thay, Pitcairn, người được cho là cũng quan tâm đến bức tranh, đã không xuất hiện trong cuộc đấu giá, vì vậy bảo tàng đã có thể tránh được một cuộc chiến đấu giá.)

Nhìn lại, có vẻ như đáng ngạc nhiên là các bảo tàng của Mỹ đã mất quá nhiều thời gian để bắt kịp thiên tài của Van Gogh. Nhưng vào năm 1922, việc mua lại của DIA là một quyết định “can đảm” — giám đốc tương lai của DIA, Wilhelm Valentiner đã viết thư cho Booth sau khi mua lại, nói rằng “Tôi hy vọng nó sẽ được đánh giá cao bởi những người ở Detroit, nếu không phải bây giờ, tôi không nghi ngờ, sẽ là một lúc nào đó trong tương lai.”

Mặc dù các bảo tàng khác của Mỹ dần dần bắt đầu chọn được những bức Van Gogh của riêng họ, nhưng phải mất một thời gian. Viện Nghệ thuật Chicago đã nhận đóng góp là ba bức tranh Van Gogh (cộng thêm một bức sau đó được chứng minh là giả mạo) từ Frederic Clay Bartlett vào năm 1926, trong đó có bức ‘Phòng ngủ’ (1889) nổi tiếng.

Lần mua tiếp theo sẽ phải đợi đến năm 1929, khi Bảo tàng Nghệ thuật Nelson-Atkins ở Thành phố Kansas mua ‘Những cây ô liu’ (1889), ban đầu được trưng bày tại Armory.

Vincent Van Gogh. Những cây ô liu (1889). Được phép của Bảo tàng Nelson-Atkins.

“Đó là một bức tranh ngoạn mục. Và nó thực sự được mua lại một phần do đơn thỉnh cầu từ một giáo viên địa phương,” Shaw nói. “Đã có một làn sóng phản đối kịch liệt ở thành phố Kansas khi mua tác phẩm cho bảo tàng.”

Đến lúc đó, rõ ràng là Trung Tây đang dẫn đầu về Van Gogh. Bảo tàng Nghệ thuật Saint Louis đã mua ‘Bậc thang ở Auvers’ (1890) vào năm 1932, tiếp theo là Bảo tàng Nghệ thuật Toledo, nơi đã mua ‘Những ngôi nhà ở Auvers’ (1890); và ‘Cánh đồng lúa mì với người thu hoạch, Auvers’ (1890) năm 1934.

“Có một chút yếu tố can đảm ở đây. Những bảo tàng Trung Tây không nhất thiết phải chìm đắm trong thói quen và truyền thống sưu tập nghệ thuật của Bờ Đông,” Shaw nói.

Những lần mua lại tiên phong này có một phòng dành riêng trong triển lãm DIA, với tất cả năm lần mua ban đầu đó, cùng với ‘Phòng ngủ’.

Vincent Van Gogh, Đồng lúa mì và người thu hoạch, Auvers (1890). Bộ sưu tập Bảo tàng nghệ thuật Toledo.

“Với tôi đó thực sự là một căn phòng quyền lực,” Shaw nói. “Người ta bảo tôi rằng đó là những gì họ sẽ mang đi từ triển lãm.”

Và đó là một khoảnh khắc trong triển lãm đại diện cho sự thay đổi của tình thế, khi Van Gogh cuối cùng đã được người Mỹ tiếp nhận. Bước ngoặt thực sự xảy ra vào năm 1934 với việc xuất bản ‘Lust for Life’ [Ham muốn của cuộc sống], cuốn tiểu thuyết giật gân của Irving Stone lấy cảm hứng từ cuộc đời của họa sĩ. Một bộ phim chuyển thể với sự tham gia của Kirk Douglas sẽ tiếp nối vào năm 1956, với việc nam diễn viên cosplay bức chân dung tự họa Van Gogh của DIA để định hình vai diễn của anh.

“Theo một cách lòng vòng kì lạ, bức tranh trở nên nổi tiếng nhờ Kirk. Hollywood đã củng cố vị thế biểu tượng của nó,” Shaw nói.

Nhưng trước đó, một triển lãm cô coi là bom tấn thực sự đã diễn ra, triển lãm solo đầu tiên của Van Gogh tại một bảo tàng Mỹ, MoMA, năm 1935, trước khi đến chín viện khác trên khắp đất nước, bao gồm cả DIA.

Danh tiếng Van Gogh dần tăng lên kể từ triển lãm Armory, xuất hiện trong khoảng 50 triển lãm nhóm, bao gồm cả triển lãm tại MoMA năm 1929. Đến khi ‘Lust for life’ được xuất bản, các bảo tàng đã xin một cơ hội để được trở thành một phần của tour Van Gogh, kéo dài đến năm 1937, thu hút hơn một triệu lượt xem.

Triển lãm quay trở lại MoMA, điểm dừng cuối cùng, với một sự bổ sung mang tính quyết định: ‘Đêm đầy sao’.

Nhưng bức tranh nổi tiếng không thực sự tham gia bộ sưu tập cho đến năm 1941, khi nó trở thành Van Gogh đầu tiên tại bảo tàng. Met thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn, cuối cùng đã mua ‘Những cây bách’ (1889) và ‘Hoa hướng dương’ (1887) vào năm 1949.

Vincent Van Gogh, Cây bụi với hai nhân vật (1890). Bộ sưu tập Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati.

Tránh cách trình bày điển hình theo thứ tự thời gian về sự nghiệp của họa sĩ, DIA thay vào đó làm việc dựa trên dòng thời gian sau khi ông qua đời. Shaw đã tái hợp 11 tác phẩm từ lần xuất hiện của Van Gogh tại triển lãm Armory, bảy trong số đó cuối cùng đã thuộc về các bảo tàng Mỹ, cũng như sáu trong số 67 tác phẩm từ triển lãm Montross.

‘Cây bụi với hai nhân vật’ (1890) đã không bán được ở cả hai triển lãm, trước khi nhà sưu tập Gilbert E. Fuller ở Boston mua nó vào năm 1929. Bức tranh xuất hiện tại DIA với sự cho phép của Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati, nơi nhận bức tranh như một món quà từ người chủ sau này. Các thỏa thuận mượn của triển lãm Armory, ‘Adeline Ravoux’ (1890) từ Dreier và ‘Chân dung tự họa’ (1887) từ Quinn, cuối cùng được đưa vào các bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland và Bảo tàng Nghệ thuật Wadsworth Atheneum ở Hartford, Connecticut.

 Những tác phẩm đó chỉ đại diện cho một số ít các tác phẩm trong danh sách ấn tượng các bức tranh của Van Gogh do các viện của Mỹ nắm giữ. Nhưng có thể có nhiều hơn.

“Mỹ có nhiều bức Van Gogh đẹp, nhưng có một số mà chúng tôi đã không nắm bắt khi chúng tôi có thể,” Shaw nói.

Một số tác phẩm khác trong triển lãm:

Vincent Van Gogh, Bài hát ru: Madame Augustine Roulin đung đưa cái nôi (1889). Bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Boston.

Vincent Van Gogh, Cầu rút (1888). Bộ sưu tập Bảo tàng Wallraf-Richartz và Quỹ Corboud, Cologne.

Vincent Van Gogh, Đồng hoa anh túc (1890). Bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Den Haag, The Hague.

Vincent van Gogh, L’Arlésienne: Madame Joseph-Michel Ginoux (1888). Bộ sưu tập Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York từ Sam A. Lewisohn [để lại], 1951.

Vincent Van Gogh, Hai người nông dân đang đào (1889). Bộ sưu tập Bảo tàng Stedelijk, Amsterdam.

Vincent Van Gogh, Những bông hồng (1890). Bộ sưu tập Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, DC.

Vincent Van Gogh, Vũ trường ở Arles (1888). Bộ sưu tập Musée d’Orsay, Paris.

Vincent Van Gogh, Những ngọn núi ở Saint-Rémy (1889). Bộ sưu tập Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York.

Vincent Van Gogh, Bậc thang ở Auvers (1890). Bộ sưu tập Bảo tàng Nghệ thuật Saint Louis.

‘Van Gogh ở Mỹ’ trưng bày tại Viện Nghệ thuật Detroit, 5200 đại lộ Woodward, Detroit, Michigan, từ 02/10/2022 đến 22/01/2023.

Nguồn: Artnet News

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top