Logo loading

TRỌNG KIỆM “CẢNH MIỀN NÚI”

Theo một tư liệu hiện còn giữ được, tại cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của Trọng Kiệm với tiêu đề “Triển lãm tác phẩm Hội họa của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm” do Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức […]
|Viet Art View

Theo một tư liệu hiện còn giữ được, tại cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của Trọng Kiệm với tiêu đề “Triển lãm tác phẩm Hội họa của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm” do Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 7 đến ngày 25 tháng 2 năm 1987, tổng số lượng tranh trưng bày là 96, toàn bộ là tranh sơn dầu, trong đó có khoảng 30 tranh phong cảnh. Trong số tranh phong cảnh có 9 tranh được tác giả đặt tên “Cảnh miền núi” và được tác giả đánh số từ 1 tới 9, nhưng không đánh theo trình tự thời gian. Chín tranh này đã được vẽ từ năm 1982 đến 1984. Và nếu dựa theo năm sáng tác- 1983 và kích thước- 60x80cm, thì bức tranh đang được giới thiệu ở đây có thể là một trong các bức “Cảnh miền núi” đã được đánh số từ 3 đến 6, và đương nhiên, nó rất đặc trưng cho phong cách hội họa của Trọng Kiệm ở thời kỳ cuối, bởi ông đã mất vào năm 1991.

Số lượng tranh phong cảnh trong triển lãm cũng nói lên sở thích vẽ phong cảnh của họa sĩ.

Trong nền hội họa Việt Nam hiện đại, Trọng Kiệm là một họa sĩ “có chương trình” rất điển hình. Nghệ thuật ông tiến triển tuần tự từ hiện thực lãng mạn sang một phong cách hiện thực mới mang tính biểu tượng và trang trí, đậm dấu ấn cá nhân, và bao giờ cũng vẫn lãng mạn. Tranh của ông chỉ thoáng nhìn đã nhận ra ngay “của Trọng Kiệm”, gần như cách biệt hẳn với mọi nguồn ảnh hưởng mà ông đã dày công nghiên cứu, tham khảo, học tập và chuyển hóa thành một giá trị độc lập mang một sắc thái rất Việt Nam, điều chỉ có thể tìm thấy ở số hiếm các họa sĩ tài năng thực thụ.

Trên tranh Trọng Kiệm, đặc biệt các tranh ở thời kỳ sau 1970, rất dễ nhận ra nguyên lý kết hợp biểu tượng và trang trí vốn có truyền thống lâu đời trong nghệ thuật Á Đông. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết các họa sĩ Việt Nam hiện đại lại quay về với truyền thống Á Đông này thông qua sự đúc kết và chuyển hóa truyền thống ấy của các họa sĩ phương Tây hiện đại, đặc biệt qua các tác phẩm của một số bậc thầy hậu ấn tượng như Van Gogh, Gauguin, hoặc nhóm Nabis, nơi các họa sĩ phương Tây biểu lộ sự ngưỡng mộ nhiệt thành, niềm cảm hứng tươi mát, mới mẻ trước tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ 17 và nghệ thuật thư pháp Á Đông. Đặc biệt kể từ sau cuộc triển lãm phiên bản chạm khắc đình-chùa làng do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào năm 1972, nhận thức về giá trị nghệ thuật dân tộc, Việt Nam-Á Đông, qua nguyên lý “trang trí và biểu tượng” lại càng được các họa sĩ, các nhà điêu khắc Việt Nam thấm nhuần và thấu tỏ. Họ tiếp tục đào sâu, tìm kiếm những phương tiện biểu đạt tạo hình đơn giản, sơ đồ hóa, đồ họa hóa, giành lại ưu thế tối thượng cho mảng và nét trong mối quan hệ thẩm mỹ thông qua chuyển động và nhịp điệu, hình thành nên những quy thức tạo hình mới làm nền tảng cho tính thống nhất và tính khái quát. Sự phát huy các năng lực trí tuệ khởi sơ dường như chỉ nhằm “thuận tiện” cho việc khắc, càng về sau càng được khẳng định như là mục tiêu tối cao của nghệ thuật.

Trọng Kiệm. Cảnh miền núi. Sơn dầu. 1983. 60×80 cm

Là một nhà hội họa hoạt động trong môi trường “mỹ thuật công nghiệp”, Trọng Kiệm đặc biệt có lợi thế về tư duy cấu trúc hình học và khả năng ký hiệu hóa. Ông đã sớm tạo ra cho riêng mình một đồng bộ “hình-màu-không gian” riêng biệt, có chủ đích, mà từ đó ông có thể thể hiện mọi đối tượng, đề tài, mọi mặt của đời sống xã hội. Về căn bản, nghệ thuật ông là quá trình tìm kiếm và đổi mới trong chất liệu sơn dầu, tựa như một phương tiện để ông liên hệ, tham chiếu và theo sát với các trào lưu nghệ thuật hiện đại phương Tây. Có vẻ như, cứ qua mỗi một thập kỷ (50, 60, 70, 80 của thế kỷ trước), hội họa ông lại có thêm những biến thức và sắc thái mới, để cuối cùng, thanh thản hút con mắt người xem vào những mảng màu, vệt màu, đốm màu vừa quen vừa lạ, nửa thực nửa hư, đánh thức và làm rung động người xem trên hết bằng cái đẹp của nhận thức và trí tưởng tượng. Hình thức đặc biệt ở đây là từ bên trong mà ra, là kết quả của cái nhìn từ bên trong qua thấu kính tâm hồn của người nghệ sĩ, mang đầy tính biểu hiện, sinh động và tự nhiên, khác xa với những “tấm phông sân khấu” mà ta có thể gặp ở một số họa sĩ sáng tác theo phong cách hiện đại khác.

Theo thông lệ chung trên thế giới, đặc biệt trong điều kiện, hoàn cảnh ở nước ta, niềm hy vọng về một cuộc triển lãm hồi cố mang tính chất tổng quát về hội họa Trọng Kiệm là hết sức mong manh. Nhưng vẫn còn may vì khá nhiều tác phẩm của ông vẫn còn được lưu giữ trong nước. Riêng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông là một trong số ít các họa sĩ có nhiều tác phẩm nhất. Việc đánh giá đầy đủ và toàn diện về nghệ thuật Trọng Kiệm và những đóng góp của ông cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam hẳn nhiên còn cần phải được tiếp tục thông qua nhiều công phu sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu. Bất cứ một tác phẩm nào, một hiện vật nào do ông để lại cũng đều đáng trân trọng, là những tư liệu quý, và sự hiện diện của bức tranh “Cảnh miền núi” ở đây chắc chắn sẽ gây nhiều hứng thú cho các nhà nghiên cứu và người xem.

TRỌNG KIỆM (NGUYỄN TRỌNG KIỆM)

Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1934 (còn có thể là năm 1930)

Mất ngày 29 tháng 8 năm 1991

Quê quán: xã Quang Trung, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Việt Nam, Khóa Kháng chiến (1950-1954)

Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (từ 1955 đến 1991)

Chất liệu sáng tác: màu nước, mực nho, lụa, sơn mài, sơn dầu

Đề tài: cách mạng, chiến tranh cách mạng, sinh hoạt, đời sống xã hội, phong cảnh, chân dung, Gióng…

Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2001.

Bài viết của Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top