Đây hẳn nhiên là một bức tranh vẽ phong cảnh chùa chiền tọa lạc trong một không gian rộng lớn, có cả bình địa lẫn núi non, hồ ao, ruộng đồng, làng mạc, song chưa chắc chắn lắm về địa danh cũng như tên gọi của chùa. Ngôi chùa cổ được vẽ ở đây có nhiều đặc điểm căn bản giống với chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thuộc tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội), nơi có cảnh quan và kiến trúc đẹp nổi tiếng bậc nhất ở Bắc Bộ, được rất nhiều họa sĩ ưa thích thể hiện, nhất là đối với các họa sĩ vẽ tranh sơn mài. Phong cảnh trong tranh có cấu trúc đặc trưng của núi đá vôi, và một số đơn nguyên kiến trúc như thủy đình hoặc hai chiếc cầu ngói, mà ta chỉ có thể gặp đồng thời ở chùa Thầy. Cảnh quan thiên nhiên và sơ đồ bố trí mặt bằng tổng thể của ngôi chùa được vẽ trong tranh so với chùa Thầy cũng gần như tương tự.
Có lẽ lý do khiến chúng ta phân vân hơn cả khi quyết đoán vị trí địa lý và tên gọi của ngôi chùa mà ta đang thấy ở trong bức tranh này là người họa sĩ vẽ nên bức tranh là một họa sĩ người Nam Bộ và có thể chỉ hoạt động hoàn toàn ở Nam Bộ, cho dù chúng ta vẫn biết, lý do này có vẻ thiếu sức nặng, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Hay nói cách khác, nếu gọi đây là bức tranh phong cảnh chùa Thầy thì có lẽ ít nhất cũng là gần đúng.
Theo một tài liệu in vào năm 1970 do nhà nghiên cứu Phạm Công Luận – một người am hiểu bậc nhất về mỹ thuật miền Nam – cung cấp: Ông Trương Văn Thanh, tác giả của bức tranh này – sinh ngày 18 tháng 3 năm 1918 tại Tân-Thuận-Đông, Sa Đéc (khi ấy thuộc tỉnh Vĩnh Long), “là họa sĩ ngành sơn mài; hiện là giám đốc Xưởng mỹ nghệ sơn mài (tiểu công nghệ) Trương Văn Thanh; cư ngụ tại 52 Phạm Hồng Thái, Sài Gòn”.
Cũng theo tài liệu trên, ông Trương Văn Thanh “theo học Trường Mỹ nghệ đồ gốm, sơn mài, điêu khắc Bình Dương, Thủ Dầu Một (4 năm); chuyên sản xuất tủ, bàn, ghế, tranh, các món tặng phẩm trang trí sơn mài; 1940, thành lập xưởng sơn mài Thanh & Lễ, Bình Dương”.
Về “thành tích hoạt động” của ông Trương Văn Thanh, tài liệu kể trên ghi: “Là thủ quỹ Nghiệp đoàn Hội họa Trang trí Nam Việt. Ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam. Ủy viên Hội họa, Điêu khắc, Đoàn văn nghệ sĩ Phật tử Giáo hội Việt Nam thống nhất. Đoàn viên Hội Hồng thập tự Việt Nam. Đoàn viên Đoàn Phật tử Xã hội thiện hành Huệ Quang”.
Ảnh chân dung họa sĩ Trương Văn Thanh (1918 – ?)
Như vậy, có thể nói, ông Trương Văn Thanh là một họa sĩ thuộc chuyên ngành trang trí và hội họa trang trí. Và bức tranh của ông mà chúng ta đang thấy ở đây là một tác phẩm hội họa trang trí.
Vả lại, có vẻ như, cái nhìn bằng con mắt của một Phật tử theo xu hướng xã hội thiện hành như ông – đã tạo nên một lối thể hiện khá riêng biệt về phong cảnh mang tinh thần Phật giáo – nếu so với nhiều họa sĩ khác cùng vẽ chung đề tài này.
* * *
Dường như khác với tranh lụa Việt Nam khởi đầu từ việc thể hiện đời sống xã hội hay cảnh sinh hoạt – tranh sơn mài Việt Nam, trên thực tế, lại khởi đầu từ thể loại tranh phong cảnh (chẳng hạn như bức bình phong thử nghiệm bằng sơn ta đầu tiên của Lê Phổ, vẽ năm 1930, nhan đề “Phong cảnh Bắc Kỳ”; hoặc bức bình phong vẽ phong cảnh “bụi tre bóng nước” – tác phẩm đầu tiên có thể được gọi là tranh sơn mài Việt Nam do Trần Quang Trân vẽ năm 1932). Một số tác phẩm sơn mài thuộc thời kỳ đầu của Phạm Hậu hay Nguyễn Gia Trí cũng là những tranh phong cảnh vẽ chùa chiền, đặc biệt là vẽ cảnh chùa Thầy.
Nhìn chung, nếu xét về mặt thể loại hay đề tài thì hội họa sơn mài Việt Nam đi từ phong cảnh đến các điển tích, giai thoại; và từ đây đi đến hình tượng (đặc biệt hình tượng thiếu nữ), để rồi phát triển sang hiện thực và trừu tượng. Nguồn cảm hứng trước phong cảnh ở người họa sĩ Việt Nam nói chung, đặc biệt các họa sĩ vẽ tranh sơn mài nói riêng, có lẽ bởi vậy, hầu như chưa bao giờ vơi cạn và giảm sút.
Trương Văn Thanh sinh năm 1918. Điều đó cũng có nghĩa ông thuộc thế hệ các họa sĩ, các nhà trang trí được trưởng thành trong thời kỳ hội họa sơn mài Việt Nam đã hoàn tất những bước đi đầu tiên và đã đạt tới những đỉnh cao rực rỡ kể từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước. Ở Nam Bộ, ngay từ những năm tháng ấy, cũng đã có một số họa sĩ sơn mài tài năng lão luyện tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương từ Hà Nội trở về, như Trần Hà, Ủ Văn An, Lê Yên, vân vân – mang đến cho phong trào nghệ thuật sơn ở miền Nam luồng sinh khí mới của hội họa, khả dĩ không chỉ hình thành nên một hình thái hội họa hoặc hội họa trang trí mang đặc tính Nam Bộ bằng chất liệu sơn mài, mà còn góp phần thúc đẩy, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho ngành sơn mài mỹ nghệ vốn có truyền thống lâu đời ở Nam Bộ.
Trương Văn Thanh (1918 – ?). Cảnh đồng quê và ngôi chùa cổ. 1950. Sơn mài. 50×80 cm.
Từng theo học về sơn mài tại Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một – ngôi trường dạy chuyên về nghệ thuật đầu tiên ở xứ sở Đông Dương trong thời kỳ Pháp thuộc, thành lập từ năm 1901 – về cơ bản, quan niệm và kỹ năng của Trương Văn Thanh thuộc về phong cách sơn mài cổ điển đồng nhất (laque unie), tức là chỉ sử dụng các chất liệu cổ truyền, hoặc có thể, các chất liệu cổ truyền dưới dạng mới, biến hóa chúng thành những màu, những gam màu, những chất biểu phong phú và kỳ lạ chỉ với sơn cánh gián, sơn then, son, vàng, bạc, vỏ trứng – khác với phong cách sơn mài sáng (laque claire) chỉ mới xuất hiện từ đầu những năm 1940. Cho dù ít biết về các tác phẩm của ông Trương Văn Thanh, nhưng chỉ qua bức tranh ta đang thấy ở đây, có thể nói rằng tay nghề của ông khá thục luyện. Ông vẽ hình rất đơn giản, không câu nệ vào chi tiết, đặc biệt khi vẽ các kiến trúc. Cảnh vật trong tranh cứ ẩn ẩn hiện hiện dưới ánh sáng ban chiều, trong các lớp sơn chắc nịch mà nhu nhuyễn, đầy chất “thổ mộc” và “nâu sồng”, trong sáng có tối trong tối có sáng, tạo nên một bầu không khí hư hư thực thực như được ngưng đọng trong một khối hổ phách trong veo, quý giá.
Cái mà bức tranh mang đến cho người xem, có lẽ là một sự trầm tư mặc tưởng. Nếu nói theo tinh thần của Thiền, như thế có thể được xem là đủ, khi con người không còn bận tâm nghĩ về quá khứ, cũng không còn bận tâm nghĩ tới tương lai; họ chỉ đang hướng vào bên trong bản thân mình, trong một khoảnh khắc “trống vắng” tịnh không – trước cửa Phật.
* * *
Hiện năm mất và nơi mất của họa sĩ Trương Văn Thanh vẫn chưa xác định được. Tác phẩm hội họa của ông để lại hình như cũng rất ít. Trong các nghiên cứu về hội họa miền Nam, tên tuổi của ông dường như cũng chưa được nhắc tới, có thể vì ông đã quá nổi tiếng ở tư cách một nhà sáng tác và sản xuất đồ sơn mài thủ công mỹ nghệ, với thương hiệu “Thanh & Lễ” rực rỡ vàng son của một thời vang bóng khó có thể bị lãng quên.
Qua tác phẩm này, một tác phẩm mà chúng ta có thể tạm thời đặt tên là “Cảnh đồng quê và ngôi chùa cổ”, chúng ta như được biết thêm về một họa sĩ, một cá tính trong nghệ thuật sơn mài mang đậm khí chất và đặc tính chung của hội họa và hội họa trang trí Nam Bộ.
Bài viết của Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt
Bản quyền thuộc về Viet Art View