Từng theo học về sơn mài tại Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một – ngôi trường dạy chuyên về nghệ thuật đầu tiên ở xứ sở Đông Dương trong thời kỳ Pháp thuộc, thành lập từ năm 1901 – về cơ bản, quan niệm và kỹ năng của Trương Văn Thanh thuộc về phong cách sơn mài cổ điển đồng nhất (laque unie), tức là chỉ sử dụng các chất liệu cổ truyền, hoặc có thể, các chất liệu cổ truyền dưới dạng mới, biến hóa chúng thành những màu, những gam màu, những chất biểu phong phú và kỳ lạ chỉ với sơn cánh gián, sơn then, son, vàng, bạc, vỏ trứng – khác với phong cách sơn mài sáng (laque claire) chỉ mới xuất hiện từ đầu những năm 1940.
Cho dù ít biết về các tác phẩm của ông Trương Văn Thanh, nhưng chỉ qua bức tranh ta đang thấy ở đây, có thể nói rằng tay nghề của ông khá thục luyện. Ông vẽ hình rất đơn giản, không câu nệ vào chi tiết, đặc biệt khi vẽ các kiến trúc. Cảnh vật trong tranh cứ ẩn ẩn hiện hiện dưới ánh sáng ban chiều, trong các lớp sơn chắc nịch mà nhu nhuyễn, đầy chất “thổ mộc” và “nâu sồng”, trong sáng có tối trong tối có sáng, tạo nên một bầu không khí hư hư thực thực như được ngưng đọng trong một khối hổ phách trong veo, quý giá.
Cái mà bức tranh mang đến cho người xem, có lẽ là một sự trầm tư mặc tưởng. Nếu nói theo tinh thần của Thiền, như thế có thể được xem là đủ, khi con người không còn bận tâm nghĩ về quá khứ, cũng không còn bận tâm nghĩ tới tương lai; họ chỉ đang hướng vào bên trong bản thân mình, trong một khoảnh khắc “trống vắng” tịnh không – trước cửa Phật.