Logo loading

TRỪU TƯỢNG ĐEN VÀ TRẮNG: ORESTES CỦA WILLEM DE KOONING KẾT TINH MỘT THỜI KỲ HỘI HỌA

Tác phẩm hiếm từ thời kỳ đen trắng của họa sĩ cung cấp vô số góc nhìn về nguồn gốc quy trình và phong cách của ông. SI Newhouse có sở trường sưu tập tác phẩm thể hiện được đỉnh cao năng lực độc nhất của một họa sĩ, trong đó, Orestes của Willem de […]
|Viet Art View

Tác phẩm hiếm từ thời kỳ đen trắng của họa sĩ cung cấp vô số góc nhìn về nguồn gốc quy trình và phong cách của ông.

SI Newhouse có sở trường sưu tập tác phẩm thể hiện được đỉnh cao năng lực độc nhất của một họa sĩ, trong đó, Orestes của Willem de Kooning cũng không ngoại lệ.

Xuất hiện gần đây nhất trong cuộc đấu giá năm 2002, đây là một trong những bức tranh đầu tiên quan trọng nhất của de Kooning được giữ trong tay tư nhân, đại diện cho thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của ông khi ông giải phóng bản thân khỏi hình tượng thuần túy mà ông đã học ở Rotterdam và bắt đầu trau dồi khả năng của mình – sự pha trộn đặc trưng của chữ viết, cử chỉ và motif trừu tượng.

Thomas B. Hess mô tả nó là “Một loại tranh mới: Không có đường nét. Không có hậu cảnh, cũng không có tiền cảnh. Đen và trắng ủn đẩy nhau… Cứ như thể hai triết gia đang trò chuyện về Đen và Trắng, mọi thứ có thể được chỉ ra khi có thứ đối lập của nó.”

Willem de Kooning (1904-1997), Orestes, 1947. Sơn dầu, men, giấy trên ván. 24⅛ × 36⅛ in (61.3 × 91.8 cm). Ước tính theo yêu cầu. Sẽ có trong Đấu giá Kiệt tác từ Bộ sưu tập S.I. New House, tháng 5, 2023, Christie’s New York.

Cảm giác mất định hướng, thường xuyên xuất hiện trong các bức tranh hành động của de Kooning, là kết quả của sự kết hợp táo bạo giữa trừu tượng và tượng hình.

Tháng 5 này, Orestes sẽ có trong cuộc đấu giá Kiệt tác từ Bộ sưu tập của S.I. Newhouse, Tuần lễ Thế kỷ 20 và 21 của Christie’s New York.

Được thực hiện vào năm 1947, trưng bày trong triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng người Mỹ gốc Hà Lan tại Phòng trưng bày Charles Egan ở New York vào năm 1948, bức tranh là một phần trong loạt tranh đen trắng của de Kooning mà ông tiếp tục thử nghiệm trong hai năm tiếp theo.

Di cư từ Rotterdam vào năm 1926, de Kooning đến Virginia, Boston, và cuối cùng là Hoboken, New Jersey. Sau khi làm thợ sơn nhà ở đó trong một năm, ông định cư tại Thành phố New York vào năm 1927.

Năm sau, de Kooning đến những vùng xa đô thị để xem nghệ thuật của kiều dân ở Woodstock, nơi ông gặp các nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện đại khác đang hoạt động trong khu vực. Ngay sau đó, trở lại Manhattan, ông gặp Arshile Gorky người Armenia và John Graham người Nga. Cả hai đều quan trọng đối với sự phát triển ban đầu của de Kooning, trong đó Gorky đặc biệt như một người anh trong nghệ thuật của ông.

De Kooning và Gorky đã dành nhiều thời gian cho nhau trong những năm 1930, và de Kooning đã được truyền cảm hứng sâu sắc bởi cách Gorky pha trộn các kỹ thuật tượng hình và trừu tượng. Gorky, như de Kooning đã nói, là một nghệ sĩ có “bản năng tuyệt vời”, cả hai đã duy trì một tình bạn thân thiết và mối gắn kết trong nghệ thuật kéo dài cho đến khi Gorky qua đời vào năm 1948.

Tác phẩm Vô đề (Những chiếc sừng của phong cảnh) của Gorky, từ năm 1944, cũng nằm trong bộ sưu tập Newhouse, là một nghiên cứu cho Những chiếc sừng của phong cảnh mang tính biểu tượng của ông, hiện được lưu giữ tại Trung tâm Nghệ thuật Frances Lehman Loeb, Đại học Vassar. Giống như de Kooning, Gorky pha trộn các kỹ thuật, nâng cao nó thông qua bàn tay tự động và không bị ràng buộc, điển hình cho những ảnh hưởng của trường phái Siêu thực.

Arshile Gorky, Vô đề (Những chiếc sừng của phong cảnh), 1944. Chì và bút sáp trên giấy và toan. 19 × 24 in (48.3 × 61 cm). Ước tính: $500,000-700,000. Sẽ có trong đấu giá Kiệt tác từ Bộ sưu tập S.I. New House, tháng 5, 2023, Christie’s New York.

Các hình phồng lên trong Orestes giống các chữ cái, tương tự như cách các hình của Gorky trong Vô đề (Những chiếc sừng của phong cảnh) giống các cơ thể, nhưng de Kooning luôn cẩn thận tách chúng ra khỏi ý nghĩa của chúng. Như John Elderfield, curator triển lãm hồi tưởng năm 2011 của họa sĩ tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, cho biết: “De Kooning hài lòng sáng tác một bức tranh gần như hoàn toàn với các hình dạng giống với các chữ cái, với điều kiện là các chữ cái không tạo thành các từ chỉ sự vật, và thực sự rất khó để đọc thành từ.”

Tác phẩm là ngay lập tức và không có phối cảnh, và khi mắt chúng ta lướt qua bố cục, chúng ta thấy cách ông tạo ra các hình dạng bằng men trước khi sơn có thể khô. Ngay cả chữ ký của họa sĩ, thường là dấu ấn cuối cùng trên một tác phẩm, cũng được viết khi sơn còn ướt.

Những chi tiết nhỏ này là những gì làm cho Orestes trở thành một đại diện thích hợp cho quá trình làm việc của de Kooning. Nó phản ánh công việc đầu tiên của ông ở Mỹ, một người thợ sơn nhà, thông qua cách xếp lớp và chất liệu ông sử dụng. Màu đen là Ripolin, một loại men giá rẻ được thợ sơn nhà sử dụng. Bức tranh cũng là một thử nghiệm bậc thầy về cách ông xây dựng một loại hình trừu tượng mới tránh xa những nhãn mác nghiêm ngặt.

Barnett Newman nói: “Khi một họa sĩ muốn thay đổi, khi anh ta muốn phát minh, anh ta chuyển sang màu đen; đó là một cách để dọn bàn — tiếp cận những ý tưởng mới.” Bản thân De Kooning cũng thừa nhận tầm quan trọng của giai đoạn này trong quá trình phát triển nghệ thuật của mình, giữ lại hai hộp men và đảm bảo không để mất chúng ngay cả khi ông chuyển studio.

Nguồn: Christie’s

Lược dịch bởi Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top