Logo loading

TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC – GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG TRANH “KHỞI NGHĨA’ CỦA HỌA SĨ HOÀNG HOANH (sinh 1937)

Đôi chút về họa sĩ Hoàng Hoanh Họa sĩ Hoàng Hoanh sinh năm 1937 tại Chợ Lớn cũ; tốt nghiệp Mỹ nghệ Thực hành Gia Định và Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Ông có hai người thầy lớn là họa sĩ Lê Văn Đệ – dạy tranh lụa. Họa sĩ Đới Ngoạn […]
|Viet Art View

Đôi chút về họa sĩ Hoàng Hoanh

Họa sĩ Hoàng Hoanh sinh năm 1937 tại Chợ Lớn cũ; tốt nghiệp Mỹ nghệ Thực hành Gia Định và Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.

Ông có hai người thầy lớn là họa sĩ Lê Văn Đệ – dạy tranh lụa. Họa sĩ Đới Ngoạn Quân – dạy tranh thủy mặc.

Chân dung họa sĩ Hoàng Hoanh (Sinh 1937)

Họa sĩ Hoàng Hoanh, là người có tấm lòng nhân hậu; sống thâm trầm, kín đáo. Ông tâm sự “Thiên nhiên, vạn vật, con người và đời sống. Tạo hóa đã dựng lên nó đẹp đẽ, quyến rũ và hoàn hảo không có gì thay thế được”. Vì vậy, những bức tranh của ông đều “hướng tới cái đẹp, khẽ khàng, nhẹ nhàng, hướng thiện”.

Nhưng, trong tác phẩm “Khởi nghĩa”, sáng tác năm 1970, chúng ta thấy một Hoàng Hoanh khác hẳn; mạnh mẽ trong đề tài, rắn rỏi trong tư duy tạo hình; tuy nhiên vẫn mềm mại ở đường nét, màu sắc.

Hình ảnh ba người nam giới với khuôn mặt quắc thước; trang phục cổ; tay cầm kiếm, cầm cung, cầm sách (binh thư) được tạo hình đẹp, mẫu mực. Vẻ đẹp khỏe mạnh, chắc chắn nhưng phong thái lại nho nhã, trí thức. Màu sắc hài hòa; đường nét mềm mại. Điểm nổi bật khiến bức tranh trở nên “mạnh mẽ, vững chãi” ở bố cục khi tác giả khéo léo tạo hình ba người dựa lưng vào nhau ở trung tâm, tạo thế kiềng ba chân chắc chắn.

HOÀNG HOANH (Sinh 1937). Khởi Nghĩa. 2003. Lụa. 61,5×78,5 cm

Sau lưng ba nhân vật là bốn chữ Hán “Thất phu hữu trách”. Tạm dịch nghĩa “đàn ông con trai trong đám bình dân, (chỉ) đất nước hưng vong, mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm”.

Đây là bức tranh rất hiếm hoi của ông về đề tài lịch sử. Nhưng đã thành công bởi mang trong mình tầm tư tưởng lớn liên quan đến quốc gia.

Vậy, “tầm tư tưởng lớn” ấy là gì, nếu chỉ nhìn vào các nhân vật?

 Từ “Khởi nghĩa”, lược bàn đến “sức mạnh của toàn dân”

Vào thế kỷ 15, trong  bài thơ “Quan hải”, Nguyễn Trãi (1380-1442) đã viết: “Lật thuyền mới biết dân như nước…”. Ám chỉ nghĩa “sức dân trào thác lũ, nhấn chìm, cuốn phăng mọi vật cản”.

Về căn bản, sức mạnh của nhân dân cũng là sức mạnh của đất nước; là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi lập quốc. Ví dụ Truyền thuyết về Thánh Gióng đã thể hiện rõ ràng, sinh động kết quả của “sức mạnh toàn dân”, khi cả nước đồng lòng kết thành một khối thống nhất.

Chuyện kể “Một cậu bé đã ba tuổi, không nói, không cười, không lẫy; khi giặc Ân từ phương Bắc đến xâm lăng bỗng nhiên bật nói “đòi đi đánh giặc, đòi rèn ngựa sắt, gươm sắt”.

Sau đó, là màn hóa thân ngoạn mục, diệu kỳ khi cậu ăn liên tục và lớn nhanh như thổi. Hiểu sâu xa đến tận cùng ý nghĩa câu chuyện cậu bé (Thánh Gióng) chính là khi được nhân dân hợp sức nuôi dưỡng; để lớn nhanh, có sức khỏe vô địch trong khoảng thời gian rất ngắn, đủ sức mạnh đánh thắng kẻ xâm lăng. Hình ảnh bụi tre – biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam – được Thánh Gióng nhổ làm binh khí là một chi tiết lồng ghép khéo léo, thể hiện sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc

Thánh Gióng trở thành một trong tứ bất tử trong tín ngưỡng của người Việt, là biểu tượng của “sức mạnh tuổi trẻ – sức mạnh toàn dân”

Truyền thống yêu nước – Giá trị cốt lõi của một dân tộc

Khi nghiên cứu bức “Khởi nghĩa”, Nhà Nghiên cứu Phạm Công Luận viết; “ba chàng trai thời “xếp bút nghiên theo việc đao cung”.

Họa sĩ Uyên Huy thì viết: “Ông (Hoàng Hoanh) sáng tác về ba anh em nhà Tây Sơn”.

Hai ý kiến trên đều hợp lý với nội dung “Khởi nghĩa”. Tuy nhiên, với bức tranh có nội dung “mở” như “Khởi nghĩa” thì Viet Art View đặt cái nhìn trọng tâm về “lòng yêu nước”, xuyên suốt hệ tư tưởng “sức mạnh toàn dân”. Khi đất nước có chiến tranh, mỗi cá nhân nói riêng và toàn dân tộc nói chung, đều sẵn sàng kết thành một khối, đồng lòng nhìn về  một hướng.

HOÀNG HOANH (Sinh 1937). Khởi Nghĩa. 2003. Lụa. 61,5×78,5 cm

Họa sĩ đã tạo hình ba nhân vật rất xúc động với các chi tiết tinh tế. Tay siết chặt binh khí, binh thư; khuôn mặt quắc thước kiên nghị; đôi mày lưỡi mác dựng lên nhưng đôi mắt lại nhìn xuống. Có thể để diễn tả cảm xúc bâng khuâng nhưng quyết tâm của mỗi người khi xa gia đình, ra chiến trường, đối mặt với cái chết…Cũng có thể là sự bình thản, bình tĩnh trước khi bước vào trận chiến bảo vệ đất nước như một nghĩa vụ, quyền lợi được giao trọng trách.

Có thể nói,  đây là ba nhân vật điển hình (tượng trưng cho nhân dân) kết thành một khối thống nhất không thể tách rời.

Đó chính là lòng yêu nước – sức mạnh của toàn dân, là giá trị cốt lõi và cao quý nhất của người Việt Nam.

Vì vậy, Huy chương Vàng – Giải thưởng Văn học Nghệ thuật miền Nam, năm 1970 cho tác phẩm “Khởi nghĩa” là hoàn toàn xứng đáng xét về tầm tư tưởng của chủ đề; song hành với đó là giá trị tạo hình nghệ thuật.

***

1. Bản thứ nhất sáng tác 1970 (đã thất lạc)

Bản thứ 1 in trong sách “Nguyễn Hoàng Hoanh – Mỹ thuật và tôi, một duyên phận”, NXB Thanh Niên 

2, Bản thứ 2 sáng tác năm 2003

 

Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top