Logo loading

TỪ BỨC TRANH “LÊN CHÙA NGÀY HỘI” CỦA TRẦN VĂN THỌ SUY NGHĨ VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT

Trần Văn Thọ (1917-2004). Ngày hội. Khoảng 1950. Lụa. Sưu tập tư nhân, Hà Nội Với nhiều người Bắc Ninh, danh xưng họa sĩ Trần Văn Thọ có thể vẫn còn rất lạ. Nhưng với những người nghiên cứu, người yêu mỹ thuật, người sưu tầm nghệ thuật Việt và nhất là các Nhà đấu […]
|Viet Art View

Trần Văn Thọ (1917-2004). Ngày hội. Khoảng 1950. Lụa. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Với nhiều người Bắc Ninh, danh xưng họa sĩ Trần Văn Thọ có thể vẫn còn rất lạ. Nhưng với những người nghiên cứu, người yêu mỹ thuật, người sưu tầm nghệ thuật Việt và nhất là các Nhà đấu giá nước ngoài chuyên về tranh Việt thì “Văn Thọ” là cái tên quen thuộc trong các phiên đấu nhiều năm qua.

Họa sĩ Trần Văn Thọ là một người con của quê hương Kinh Bắc. Ông sinh năm 1917 tại Bắc Ninh. Là họa sĩ chuyên về tranh lụa (thủy thái họa). Nhiều lần bày tranh lụa triển lãm tại Hà Nội, Sài Gòn. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (chưa rõ năm). Trước 1954, ông và họa sĩ Nguyễn Văn Quế sang Campuchia dạy học. Từ năm 1954 ông dạy chuyên khoa tranh lụa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Ông sang Pháp định cư năm 1981 và mất năm 2004 tại Salon -de-Provence, Pháp.

Chân dung họa sĩ Trần Văn Thọ (1917-2004)

Hiện nay, Viet Art View mới chỉ tìm hiểu được tiểu sử nghệ thuật của họa sĩ Trần Văn Thọ một cách cơ bản như vậy. Những giải thưởng ông đã đạt được, những triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm ở châu Âu; và đặc biệt những nghiên cứu về tranh sơn mài của ông vẫn còn là điều Viet Art View đang tìm kiếm về mặt sử liệu. Bởi thông tin về cuộc đời và sự nghiệp so với gia tài sáng tác đồ sộ của ông để lại là vô cùng khiêm tốn.

Nếu lấy bức “Cảnh Đồng Văn”, sáng tác 1939 (tác phẩm sâu đời nhất mà Viet Art View biết) làm dấu mốc cho đến đầu những năm 2000, thì trong hơn 60 năm, ông đã sáng tác nhiều trăm bức tranh; nhất là tranh lụa. Và quan trọng nhất, chủ đề xuyên suốt trong hầu hết các sáng tác của ông lấy cảm hứng từ quê hương Bắc Ninh văn vật với “biết bao mỹ tục đẹp đẽ, êm đềm của những ký ức xưa cũ”. Hội họa của Văn Thọ trước năm 1954 “chịu ảnh hưởng sâu đậm vẻ đôn hậu, vui tươi, trẻ thơ được rút tỉa từ thế giới mộc bản Đông Hồ của quê hương ông”. Sau năm 1954 khi chuyển vào khu vực phía Nam, sáng tác của ông lại thêm “nét tiêu dao, khoáng dật, phong thái an nhiên trên tranh thủy mặc”. Tranh của ông cổ điển Á Đông về phong cách nhưng lại đậm bản sắc cá nhân riêng bởi chính truyền thống dân gian Kinh Bắc đã ngấm sâu trong tâm hồn. Nhất là thời kỳ trước 1954.

Theo thông tin từ web:nguoikesu.com – Kinh Bắc (chữ Hán: 京北) là tên một địa danh cũ ở phía bắc Việt Nam, bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc

Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng).

Thành cổ Bắc Ninh. Nguồn ảnh: bacninhland.com.vn

Trấn Kinh Bắc xưa gồm bốn phủ (20 huyện). Phủ Bắc Hà, Phủ Lạng Giang, Phủ Thuận An, Phủ Từ Sơn. Trong đó Phủ Từ Sơn gồm năm huyện của Bắc Ninh: Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn hiện nay), Yên Phong, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng. (Quế Dương và Võ Giàng nay gộp thành Quế Võ). Trên thực tế, cái tên Kinh Bắc thường được nói kèm với Bắc Ninh như Bắc Ninh – Kinh Bắc nên thường có sự hiểu lầm về địa danh này mặc định chỉ riêng về Bắc Ninh trong khi vùng văn hoá Kinh Bắc khá rộng và bao gồm cả tỉnh Bắc Giang (không phải một phần như một số tài liệu) và một phần Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn.

Theo sử liệu về địa danh trên thì họa sĩ Văn Thọ sẽ sinh tại một trong 5 huyện của Bắc Ninh. Và rất có thể là huyện Tiên Du; bởi chủ đề xuyên suốt trong các sáng tác của ông đều lấy hình tượng lễ hội, dân ca quan họ Bắc Ninh, phong cảnh, sinh hoạt thường ngày với hình thể, đường nét, trang phục, cảnh quan…đều mang âm hưởng dìu dặt của làn điệu dân ca.

Văn Thọ cũng như đa số họa sĩ người Việt sống ở nước ngoài đều dành cho quê hương những tình cảm thương mến nhất. Tình yêu quê hương ấy được thể hiện hầu hết trong các bức tranh của mình. Với Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu là hình ảnh người phụ nữ Việt mang vẻ đẹp tao nhã, thánh thiện, dịu dàng. Vũ Cao Đàm thì trên tinh thần ấy nhưng mạnh mẽ, phóng khoáng hơn.

Bức tranh “Lên chùa ngày hội” trên chất liệu lụa của Văn Thọ lụa ở đây đã khắc họa được chủ đề đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Từ hình tượng, trang phục, cảnh quan, kiến trúc đều đậm chất dân gian xưa cũ. Hình ảnh này thân quen đến mức chỉ ngay với ánh mắt nhìn đầu tiên người xem cũng có thể  định danh.

Xét phong cách tạo hình, xét bảng màu xanh cốm pha xanh non đặc trưng, xét hệ thống “nét gợi khối” theo tranh Đông Hồ, thì “Lên chùa ngày hội” được Văn Thọ  có thể được ông sáng tác khoảng trước những năm 1954.

“Lên chùa ngày hội” được đấu giá năm 2018 tại Pháp. Lúc ấy, những tác phẩm của ông đang dần được chú ý nhiều hơn trong các phiên đấu giá. Người yêu mến, tìm kiếm sưu tập tranh của ông ngày càng nhiều hơn. Đến nay, phong cách, bút pháp, tạo hình, chủ đề trong sáng tác của ông đã được định hình rõ nét trong lòng người yêu nghệ thuật.

Trần Văn Thọ (1917-2004). Ngày hội. Khoảng 1950. Lụa. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Trong “lên chùa ngày hội”, ba người phụ nữ được tạo hình trong trang phục áo tứ thân xưa. Dù đầu đội nón quai thao hay cái thúng nhỏ, trông cô nào cũng rất duyên dáng. Vạt áo dài nhẹ bay đầy biểu cảm. Đường nét trong tranh như có tính nhạc, chất chứa làn điệu quan họ Bắc Ninh mỗi dịp xuân về.

Điểm nhấn đặc biệt ở trang phục chính là những chiếc dây lưng nhiều màu rực rỡ khiến Viet Art View bất chợt nhớ đến câu thơ “Khỏi lũ tre làng tôi nhận thấy – Bắt đầu là cái thắt lưng xanh” (Trích trong bài thơ ‘Mùa xuân’ của Nguyễn Bính). Chiếc dây lưng bằng đũi ngày hội thường lộng lẫy có màu hoa thiên lý, hoa hiên rất mềm mại, đẹp mắt; dây lưng ngày thường màu trầm theo trang phục. Chỉ cần nhìn màu sắc chiếc dây lưng của giới nữ cũng thấy ngay đây là trang phục ngày hội.

Ngắm “Lên chùa ngày hội” của Văn Thọ với thấp thoáng xa xa cảnh chùa với mái đầu đao cong vút; thấy hình dáng cây đại quen thuộc trước cổng chùa; thấy bầu trời với những tạo hình đám mây quen thuộc theo lối trang trí điêu khắc trên các tượng, chạm trổ dân gian trong đình, chùa; ngắm hình ảnh phụ nữ, trẻ em tung tẩy lên chùa trẩy hội…thấy cả quê hương, cả văn hóa dân gian Kinh Bắc xưa trong ký ức.

Chính vì lòng yêu quê hương, gắn bó với quê hương nên gần nửa đời người còn lại sống ở nước ngoài thì Trần Văn Thọ vẫn sáng tác và chỉ sáng tác những hình ảnh đầy trìu mến, thương nhớ Bắc Ninh – Kinh Bắc quê hương mình.

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top