Tuần lễ Châu Á
Phiên đấu số [43] HOẠ SĨ CHÂU Á: TRUNG QUỐC, VIỆT NAM
NGHỆ THUẬT CHÂU Á
Phiên đấu giá công khai
Ngày 22 tháng 5 và ngày 5 tháng 6 năm 2024 tại Neuilly-sur-Seine
Nhà đấu giá hàng đầu trên thị trường các nghệ sĩ đến từ Châu Á – Aguttes sẽ lại một lần nữa tổ chức Tuần lễ Châu Á, từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 5 tháng 6 năm 2024 tại Neuilly-sur-Seine. Cuộc triển lãm dài ngày sẽ gồm những chuyến tham quan có hướng dẫn và hai phiên đấu giá. Vào ngày 22 tháng 5 năm 2024, phiên đấu giá số 43 dành cho Nghệ thuật Hiện đại sẽ tập trung tôn vinh các nghệ sĩ đến từ Đông Dương. Sau đó, vào ngày 5 tháng 6 năm 2024, phiên đấu giá với chủ đề Nghệ thuật Châu Á sẽ mang tới một số các tác phẩm nổi bật khác, trong đó phải kể đến những bức tượng Phật giáo bằng đồng.
KHOÁ 1 VÀ KHOÁ 2 TRƯỜNG CAO ĐẲNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG ĐƯỢC VINH DANH
Gần tới kỷ niệm 100 năm thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, phiên đấu giá lần thứ 43 này với chủ đề Họa sĩ Châu Á sẽ tôn vinh các học trò nổi tiếng của trường như Thang Trần Phềnh (1895-1973), Vũ Cao Đàm – thủ khoa Khóa II (1926-1931), hay Lê Phổ – tốt nghiệp Khóa I (1925-1930).
“TÌNH MẪU TỬ”, MỘT TÁC PHẨM CỦA VŨ CAO ĐÀM
Tình mẫu tử – ngôn ngữ chung của thế giới, là một trong những chủ đề mà Vũ Cao Đàm yêu thích và thường thể hiện với đầy sự nhạy cảm và tinh tế. Vũ Cao Đàm sinh năm 1908 tại Hà Nội, cha của ông là một người thông thạo tiếng Pháp và đam mê nền văn hóa Pháp. Được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được họa sĩ Pháp Victor Tardieu thành lập vào năm 1925. Ông đã cùng Tardieu tham dự Triển lãm Quốc tế Paris năm 1931 và đã có dịp khám phá thế giới nghệ thuật nơi đây. Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi vẻ đẹp và văn hóa của Kinh đô Ánh sáng, ông đã du lịch khắp nước Pháp, trước khi quyết định định cư vào cuối những năm 1930.
Ban đầu Vũ Cao Đàm thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho nghệ thuật điêu khắc, một lĩnh vực mà ông đã dành tâm huyết trong nhiều năm, để rồi cuối cùng ông lại bộc lộ tài năng tuyệt vời của mình qua tranh lụa. Trong cả hai lĩnh vực này, người nghệ sĩ đều tập trung chủ yếu tôn vinh hình ảnh con người qua những bức chân dung hoặc tranh vẽ với cảnh vật. Kết hợp khéo léo giữa truyền thống hội họa Á – Âu, những gương mặt tinh tế và dáng vẻ uyển chuyển của người mẫu trong tranh Vũ Cao Đàm làm cho nét vẽ của ông trở nên rất dễ nhận biết. Sự lựa chọn chất liệu sáng tác đi kèm với những thay đổi trong cuộc đời ông, điêu khắc và tranh lụa gắn liền với những năm ông sống ở Đông Dương và Paris trước chiến tranh, trong khi sơn dầu được ưu tiên sử dụng hơn trong thời gian ông sống ở miền Nam nước Pháp.
Vũ Cao Đàm chọn “tình mẫu tử” để minh họa khoảnh khắc đặc biệt khi người mẹ cho con bú. Mặc dù chủ đề này đã có từ thời Ai Cập cổ đại – qua những bức tượng của thần Isis đang cho con của mình là Horus bú – và có mặt xuyên suốt quá trình phát triển của lịch sử nghệ thuật, nhưng vẫn còn hiếm thấy ở Châu Á. Bên cạnh những bức tượng và hình ảnh tôn giáo về Đức Mẹ Maria và Chúa Jesus, hình ảnh phụ nữ cho con bú cũng là một chủ đề nghệ thuật thường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày ở phương Tây. Do đó, Renoir, Picasso hoặc Mary Cassatt luôn tôn vinh tình mẫu tử, không phân biệt đẳng cấp xã hội trong hội hoạ hiện đại. Bức tranh mà chúng tôi giới thiệu ở đây, được Vũ Cao Đàm thực hiện vào năm 1944 là một trong những bằng chứng quý giá nhất. Trong tranh, các tông màu pastel mang lại sự nhẹ nhàng và yên bình, cùng với nét tự nhiên và sự an yên được nhấn mạnh bởi phong cảnh nơi người mẹ đang cho con bú. Tác phẩm được thực hiện hơn 10 năm sau khi họa sĩ đến Pháp, biểu đạt một tài năng đang ở giai đoạn chín muồi, áp dụng thành thạo các nguyên tắc mà nghệ sĩ trẻ đã học được tại Trường Mỹ thuật Hà Nội, tại Trường đại học Louvre và qua những chuyến tham quan bảo tàng. Với bố cục được cân đối một cách hoàn hảo và cách xử lý tinh tế, Vũ Cao Đàm đang tỏa sáng trên đỉnh cao nghệ thuật của mình.
VŨ CAO ĐÀM (1908-2000), “Tình mẫu tử”, 1944
Mực và màu trên lụa, chữ ký ở góc dưới bên phải, 60 × 46,4 cm
Khung nguyên bản
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Paris (mua vào những năm 1940)
Bộ sưu tập tư nhân, Paris (thừa kế từ chủ sở hữu trước)
VŨ CAO ĐÀM, “THIẾU NỮ AN NAM”
Tác phẩm mang tên “Thiếu nữ An Nam” trước hết là minh chứng cho sự quan tâm của ngài Bộ trưởng Paul Reynaud đối với tác phẩm của các nghệ sĩ được đào tạo tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ngôi trường được Victor Tardieu xây dựng tại Hà Nội. Hai người đã có cơ hội quen biết nhau qua cuộc Triển lãm Thuộc địa được tổ chức ngày 6 tháng 5 đến ngày 15 tháng 11 năm 1931 tại Vincennes. Hiệu trưởng lâm thời khi đó, Arthur Kruze đã tổ chức một triễn lãm để chào mừng chuyến viếng thăm của ngài Bộ Trưởng Bộ Thuộc địa vào tháng 11 năm 1931. Nhờ vậy, Paul Reynaud đã có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm của Vũ Cao Đàm cả ở Paris và Hà Nội vào năm 1931. Bức tượng xuất hiện trong phiên đấu giá lần này của Aguttes được phủ một lớp patina xanh lá tuyệt đẹp. Đó là phiên bản đã được thêm vào bộ sưu tập của Paul Reynaud vào năm 1932, một nhà sưu tập rất yêu thích các tác phẩm của nghệ sĩ điêu khắc. Vũ Cao Đàm đã thành công trong việc khắc họa hình thái nội tâm biểu hiện trên từng gương mặt và khả năng thể hiện biểu cảm qua vật liệu sáng tác đã trở thành phong cách nghệ thuật đặc trưng của ông. Qua nhiều dịp đặc biệt, qua nhiều triển lãm, trong những năm 1930, bức tượng đã được Vũ Cao Đàm sáng tác với số lượng hạn chế. Một vài trong số đó hiện đang nằm trong các bộ sưu tập quốc tế lớn, của nhà nước và tư nhân, góp phần làm nên tên tuổi của nghệ sĩ.
VŨ CAO ĐÀM (1908- 2000), “Thiếu nữ An Nam”, phiên bản thuộc quyền sở hữu của Paul Reynaud
Đồng mạ patina xanh lá, ký tên ở đế tượng phía bên trái
37 × 15.8 × 19 cm – 14 5/8 × 6 1/4 × 7 1/2 in.
Xuất xứ: Bộ sưu tập của Bộ trưởng Paul Reynaud, Pháp
(mua lại trực tiếp từ nghệ sĩ và được lưu giữ trong gia đình kể từ đó)
LÊ PHỔ, “TĨNH VẬT HOA MẪU ĐƠN VÀ CHẬU CÂY”
Lê Phổ sinh ngày mùng 2 tháng 8 năm 1907 tại tỉnh Hà Tây. Thân phụ ông là Phó Vương Bắc Kỳ. Ông theo học hai năm tại Trường Mỹ thuật Ứng dụng Công nghiệp do nhà điêu khắc Gustave Hierholtz làm Hiệu trưởng. Sau đó mới học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ngay khi trường được thành lập vào năm 1925 tại Hà Nội.
Năm 1930, khi vừa tốt nghiệp, ông được giữ lại trường để dạy về nghệ thuật trang trí và thiết kế nội thất. Năm 1931, Victor Tardieu, rất chú ý tới tài năng của chàng trai trẻ Việt Nam, đã chọn anh làm phụ tá cho Triển lãm Thuộc địa tại Paris. Đối với Lê Phổ, chuyến đi này là cơ hội để ông khám phá nước Pháp và Châu Âu, thăm thú nhiều quốc gia khác nhau như Ý, Hà Lan và Bỉ, cùng với những chuyến tham quan bảo tàng – nơi ông cảm thụ khái niệm về những gì sơ khai nhất của nghệ thuật. Những chuyến đi đã giúp ông học hỏi và đào sâu hiểu biết của mình về nghệ thuật phương Tây.
Được ông T, một nhà sưu tập đam mê tài năng của hoạ sĩ Lê Phổ mua lại trong những năm 1980 tại Sài Gòn, bức tranh là một trong những minh chứng hiếm hoi cho các sáng tác của nghệ sĩ trong thời kỳ đầu sự nghiệp và sự khám phá của ông đối với tranh sơn dầu. Đầu những năm 1930, gia đình ông T là chủ sở hữu của phòng tranh Thái-Vân tại Hải Phòng, nơi trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ tới từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Truyền thống sưu tập được gìn giữ trong gia đình, và các thế hệ tiếp theo vẫn tiếp lửa cho niềm đam mê nghệ thuật và giữ mối quan hệ thân thiết với giới nghệ sĩ.
Mặc dù Lê Phổ sử dụng chất liệu có nguồn gốc Châu Á, nhưng ông lại lựa chọn thể hiện những bông hoa có liên hệ tới văn hoá của cả phương Đông và phương Tây. Mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, những đoá mẫu đơn tượng trưng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc, danh dự và cả sắc đẹp. Được mệnh danh là “vua của trăm hoa” tại Trung Quốc, mẫu đơn từng là quốc hoa trước khi bị thay thế bởi hoa mai.
LÊ PHỔ (1907-2001), “Tĩnh vật hoa mẫu đơn và chậu cây”, 1935
Sơn dầu trên toan, chữ ký và thời gian sáng tác ở góc dưới bên phải, 65,7 × 45,3 cm
THƯ MỤC: Nghệ thuật hiện đại Đông Dương, Charlotte Aguttes-Reynier, In Fine éditions d’art, 2023, tr. 120
XUẤT XỨ: Bộ sưu tập tư nhân của Nguyễn Sáng (món quà từ cha của ông, người đã sở hữu bức tranh kể từ những năm 1940 theo gia đình kể lại)
Bộ sưu tập Thái Vân, Sài Gòn (mua từ chủ sở hữu trước vào những năm 1980)
Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (thừa kế từ chủ sở hữu trước vào những năm 1990)
LÊ PHỔ, “NHỮNG BÔNG HỒNG”
Năm 1937, khi đảm nhận chức Giám đốc Nghệ thuật phụ trách mảng Đông Dương của Triển lãm Quốc tế được tổ chức tại đảo Thiên nga, Lê Phổ quyết định sẽ chuyển đến sống tại Pháp. Cuộc gặp gỡ với các hoạ sĩ như Matisse, đặc biệt là Bonnard vào đầu những năm 1940, đã dẫn lối cho ông từng chút một tới nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu, như tác phẩm được giới thiệu ở đây. Lê Phổ thổi hồn vào bố cục tĩnh vật cổ điển. Ông duy trì một phong cách xuyên suốt cho mỗi tác phẩm của mình: Mặc dù các loài hoa có thể thay đổi đa dạng nhưng chỉ có một tông màu chủ đạo, điểm xuyết xung quanh là các sắc thái bổ trợ hài hòa. Trong tác phẩm mang tên “Les roses” (Những bông hồng), các tông màu chủ đạo, hồng và xanh lá, được làm nổi bật bởi những nét chấm phá màu vàng. Màu hồng, xanh lá và xanh dương kết hợp với nhau tạo nên một tác phẩm với vẻ đẹp thật nhẹ nhàng. Những cánh hoa nằm rải rác trên bàn nhấn mạnh thêm sự tinh tế của bức tranh. Hơn nữa, những chi tiết này tạo nên một chất thơ buồn khi diễn tả dòng thời gian trôi. Kết hợp sự duyên dáng và sức sống, Lê Phổ đã thành công trong việc nắm bắt được vẻ đẹp ngọt ngào nhưng cũng không kém phần dữ dội của những bông hồng.
Lê Phổ (1907-2001), “Những bông hồng”
Màu dầu trên lụa, chữ ký ở góc dưới bên phải, tiêu đề ở mặt sau 61 × 37,5 cm
Xuất xứ: Phòng tranh Romanet
Bộ sưu tập tư nhân, Đông Nam nước Pháp
KÝ ỨC ĐÔNG DƯƠNG HAY TÁC PHẨM CỦA THANG TRẦN PHỀNH
Một gia đình đã từng sống ở Đông Dương vào đầu những năm 1890 đến đầu những năm 1960 đã mang đến cho Aguttes hai tác phẩm chưa từng xuất hiện trên thị trường nghệ thuật của hoạ sĩ Thang Trần Phềnh (1895-1973). Có mặt tại thành phố Hà Nội vào khoảng thời gian hai bức tranh lụa được thực hiện, gia đình này có thể đã mua chúng tại một triển lãm được Trường Cao đẳng Mỹ thuật tổ chức từ những năm 1929, hoặc tại một trong những hội chợ có sự góp mặt của học sinh của trường. Hai bức tranh được lồng trong khung nguyên bản, rất có khả năng do xưởng của nghệ nhân Gadin chế tác.
Thang Trần Phềnh (1895-1973), còn được biết đến với tên gọi là Trần Văn Bình (tự là Đạt Siêu), là một nghệ sĩ người Việt Nam, với cha là người gốc Trung Quốc và mẹ là người Việt Nam, từ nhỏ ông đã được tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống, tuân theo các nguyên tắc của Nho giáo.
Được cha mẹ khuyến khích, ông đã tự học và giành giải nhất trong triển lãm Mỹ thuật của Hiệp hội Ánh sáng Tiến Đức vào năm 1923. Năm 1925, ông trượt kỳ thi tuyển sinh đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ở vị trí thứ hai trong danh sách chờ, ông được phép dự thính một số lớp học. Một năm sau đó, ở tuổi 31, ông theo học khoá thứ hai của Trường. Nhờ sự ủng hộ của Victor Tardieu, hiệu trưởng nhà trường, vào năm 1929, ông đã cùng một số bạn học của mình tham gia triển lãm tranh tại Triển lãm Nghệ thuật Thuộc địa (Salon de l’Art Colonial) được tổ chức bởi Hội Nghệ sĩ Pháp tại Đại Điện (Grand Palais), Paris. Năm 1931, ông tham gia Triển lãm Thuộc địa Paris với tác phẩm mang tựa đề “Chơi bài”. Năm tiếp theo, các tác phẩm của ông lần lượt được trưng bày tại ba triển lãm liên tiếp do Agindo (Đông Dương Kinh tế Cục) tổ chức tại Paris. Năm 1932, ông nhận được bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Hà Nội, cùng lúc với các nghệ sĩ Vũ Cao Đàm và Tô Ngọc Vân (người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương, sau Victor Tardieu và Evariste Jonchère).
Thang Trần Phềnh sau đó chuyển hướng sang lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, thành lập Ban hát mỹ thuật Đồng Ấu và dành mọi nỗ lực để thúc đẩy giá trị của công việc trang trí phông cảnh sân khấu, sáng tạo trang phục và đạo cụ diễn xuất. Trên sân khấu cũng như trong hội họa, Thang Trần Phềnh đều hết lòng truyền tải những ký ức về quê hương, lịch sử và văn hóa của đất nước. Những tác phẩm của ông, quý hiếm và chủ yếu xoay quanh cảnh sắc thôn quê truyền thống của Việt Nam, được coi như một minh chứng chân thực về lịch sử.
Bên trái: Thang Trần Phềnh (1895-1973), “Lý trưởng đọc sách cho dân làng”
Mực và màu trên lụa, ký tên Trần Bình với phần đề chữ ở góc trên bên phải là châm ngôn về nguyên tắc ứng xử, 75 × 51,5 cm – 29 1/2 × 20 1/4 in.
Xuất xứ: Bộ sưu tập của một gia đình đã sống ở Đông Dương từ đầu những năm 1890 cho đến đầu những năm 1960,
cụ thể là ở khu vực Hà Nội, vào thời điểm tác phẩm được sáng tác.
Bên phải: Thang Trần Phềnh (1895-1973), “Lý trưởng hỏi đường trên lưng ngựa”
Mực và màu trên lụa, ký tên Trần Bình và đề từ ở góc dưới bên phải, 75 × 51,5 cm – 29 1/2 × 20 1/4 in.
Xuất xứ: Bộ sưu tập của một gia đình đã sống ở Đông Dương từ đầu những năm 1890 cho đến đầu những năm 1960,
cụ thể là ở khu vực Hà Nội, vào thời điểm tác phẩm được sáng tác.
Nguồn: Lưu trữ Victor Tardieu, INHA, kho Jacques-Doucet, tài liệu số 125/5-9.
Triển lãm Thang Trần Phềnh: Bắt gặp quá khứ trong hiện tại, Bằng Lăng, Thể thao & Văn hóa, ngày 29 tháng 8 năm 2022
Cố họa sĩ Thang Trần Phềnh: Tài hoa và độc đáo, Nguyệt Hà, Công An Nhân Dân, ngày 1 tháng 9 năm 2022
PHIÊN ĐẤU GIÁ SỐ [43] HOẠ SĨ CHÂU Á: VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
Phiên đấu giá công khai: Thứ Tư ngày 22 tháng 5 năm 2024 vào lúc 14h30
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ
Charlotte Aguttes-Reynier – Chuyên gia
+33 1 41 92 06 49 – reynier@aguttes.com
NGHỆ THUẬT CHÂU Á, THỨ TƯ NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 2024 LÚC 14H30
TƯỢNG ĐẠT LAI LẠT MA BẰNG ĐỒNG MẠ VÀNG
Một bức tượng Đạt Lai Lạt Ma bằng đồng mạ vàng sẽ được đem ra đấu giá vào ngày 5 tháng 6 năm 2024 tại Aguttes, Neuilly-sur-Seine. Bức tượng được chế tác từ thế kỷ XVIII, mang lại cho chúng ta hình ảnh lý tưởng hoá về một vị đạo sư trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Đây là một tác phẩm quý hiếm và đặc biệt ấn tượng, không chỉ về kích thước mà còn về chất lượng, là bằng chứng cho trình độ tay nghề của các nghệ nhân Himalaya. Họ đã trở thành bậc thầy trong nghệ thuật đúc đồng cũng như trong kỹ thuật chạm khắc và dập nổi, thể hiện qua sự tinh xảo của hoa văn trang trí xung quanh tấm áo tu sĩ, vẻ đẹp của đôi bàn tay đang kết ấn hay sự mềm mại của nếp gấp trên trang phục. Lớp mạ vàng thuỷ ngân dày, đặc trưng cho nghệ thuật khu vực, càng làm tăng giá trị và vẻ đẹp của tác phẩm.
Vì thiếu các đặc điểm liên kết nhân vật với một dòng tu Phật giáo cụ thể, cũng không có tên gọi hay thông tin khắc trên thân tượng, nên không thể xác định một cách chắc chắn danh tính của vị đại sư này.
Tác phẩm này được sáng tác trong bối cảnh ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng quay trở lại đế chế Trung Hoa. Phật giáo Tây Tạng đã trải qua sự mở rộng chưa từng có vào thế kỷ XIII thông qua các cuộc chinh phục của người Mông Cổ, đặc biệt là đối với các dân tộc du mục ở khu vực Đông Á xa xôi, nhưng cũng trở thành tôn giáo chính thức ở Trung Quốc dưới triều đại Nhà Nguyên (1279-1368). Vào năm 1644, người Mãn Châu, một dân tộc du mục ở phía bắc Trung Quốc, đã giành quyền lực ở Trung Quốc và thành lập triều đại nhà Thanh (1644-1911). Những vị vua Mãn Châu, những Phật tử nhiệt thành và gắn bó sâu đậm với truyền thống du mục, đã nỗ lực phổ biến và bảo trợ Phật giáo Tây Tạng dưới triều đại của mình, trên một vùng lãnh thổ đạt tới quy mô chưa từng thấy vào thế kỷ XVIII. Điều này thúc đẩy những trao đổi quan trọng về mặt nghệ thuật, chính trị và ngoại giao giữa các tu viện Tây Tạng và triều đình Trung Quốc, mà một trong số đó chính là tác phẩm có chất lượng cao được giới thiệu ở đây, có thể đã được dành tặng riêng cho một ngôi chùa hay tu viện giàu có. Tác phẩm được bảo quản trong tình trạng rất tốt và hứa hẹn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà sưu tập.
Tây Tạng, Thế kỷ XVIII
Tượng Lạt Ma bằng hợp kim đồng mạ vàng
Chiều cao 49,5 cm
TƯỢNG PHẬT THÍCH CA MẦU NI VÀ TƯỢNG PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ
Trong số các tác phẩm bằng đồng, những người yêu nghệ thuật sẽ thấy nổi bật hơn cả là một bức tượng Phật Thích Ca Mầu Ni quý hiếm được định giá 25 000–35 000 €, cũng như bức tượng Vô Lượng Thọ bằng đồng mạ vàng có giá ước tính trong khoảng 10 000–15 000 €.
Tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp bằng đồng mạ vàng mô tả Thích Ca Mầu Ni trong tư thế thiền định, được thực hiện vào thế kỷ 16, thể hiện sự giao thoa trong truyền thống nghệ thuật của triều Nguyên và triều Minh. Bức tượng là sự kế thừa của nghệ thuật biểu tượng và kỹ thuật triều Nguyên (1279 – 1368) và sự sáng tạo trong phong cách nghệ thuật triều Minh (1368-1644). Hiệp hội La Chang lưu giữ một phiên bản rất giống với tác phẩm này, cùng chung kích thước và nhiều khả năng là tới từ cùng một xưởng sản xuất. Tác phẩm thể hiện Đức Thích Ca Mầu Ni với ấn xúc địa, khi Ngài giác ngộ tuyệt đối dưới cội bồ đề, ấn xúc địa còn được gọi là “ấn mắt chứng kiến”.
Trung Quốc, triều Thanh, Thế kỷ XVI, Bức tượng Thích Ca Mầu Ni quý hiếm bằng đồng mạ vàng.
Đức Phật toạ trên đài sen hai tầng, thủ ấn tam muội, mặc chiếc áo cà sa phủ trên hai vai, có diềm được chạm trổ hoa cỏ,
để ngực trần với ấn chữ Vạn. Mái tóc của ngài được kết thành mũ miện quanh đầu với những lọn tóc xoắn ốc tinh tế.
Gương mặt ngài có râu và ria bện thành từng lọn nhỏ.
Đế tượng không có ấn ký. Chiều cao 20 cm
Bức tượng thể hiện Phật Vô Lượng Thọ bằng đồng mạ vàng với sự an tĩnh và nhân hậu, đồng thời cũng bộc lộ sự tỉ mỉ trong những nét chạm khắc hoa văn phong phú.
Tây Tạng – Trung Quốc Thế kỷ XVII–XVIII, Bức tượng Vô Lượng Thọ bằng đồng mạ vàng.
Đức Phật toạ thiền trên đài sen hai tầng, tay thủ ấn tam muội đặt trên đùi, mặc trang phục dhoti truyền thống với nhiều đồ trang sức.
Hai bên gương mặt là đôi khuyên tai lớn và nặng, cùng mái tóc được búi cao và đính trang sức. Biểu cảm an tĩnh và nhân hậu.
Đế tượng không có ấn ký. Chiều cao 17 cm
Phiên đấu giá NGHỆ THUẬT CHÂU Á
Phiên đấu giá công khai: Thứ tư ngày 5 tháng 6 năm 2024 vào lúc 14h30
Triển lãm công cộng: Từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 4 tháng 6 năm 2024 (10h-13h và 14h-18h) trừ cuối tuần
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ
Clémentine Guyot
+33 1 84 20 09 18 – guyot@aguttes.com