Logo loading

TUẦN LỄ CHÂU Á TRONG THÁNG 9 NĂM 2024 TẠI NHÀ ĐẤU GIÁ AGUTTES

Nhà đấu giá hàng đầu trên thị trường các nghệ sĩ đến từ Châu Á, Aguttes sẽ một lần nữa tổ chức “Tuần lễ Châu Á”, từ ngày mùng 2 đến ngày 19 tháng 9 tại Neuilly-sur-Seine. Charlotte Aguttes-Reynier và Clémentine Guyot hiện đang tiếp nhận các lô hàng cho các phiên đấu giá cuối năm […]
|Viet Art View

Nhà đấu giá hàng đầu trên thị trường các nghệ sĩ đến từ Châu Á, Aguttes sẽ một lần nữa tổ chức “Tuần lễ Châu Á”, từ ngày mùng 2 đến ngày 19 tháng 9 tại Neuilly-sur-Seine. Charlotte Aguttes-Reynier và Clémentine Guyot hiện đang tiếp nhận các lô hàng cho các phiên đấu giá cuối năm và sẵn sàng hỗ trợ các cá nhân mong muốn được thẩm định miễn phí để chuẩn bị cho việc bán đấu giá.

Chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, phiên đấu giá “Họa sĩ Châu Á” lần thứ 44 sẽ tôn vinh những họa sĩ từng là sinh viên của trường như Vũ Cao Đàm, thủ khoa Khóa II (1926-1931), hay Lê Phổ, Khóa I (1925-1930).

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000)

Vũ Cao Đàm sinh năm 1908 tại Hà Nội trong một gia đình có cha là người thông thạo tiếng Pháp và yêu văn hóa Pháp. Ông theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thành lập vào năm 1925 bởi họa sĩ người Pháp Victor Tardieu, và tốt nghiệp thủ khoa. Ông tham gia Triển lãm Quốc tế Paris năm 1931 và có dịp khám phá thế giới nghệ thuật nơi đây. Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi vẻ đẹp và văn hóa của Kinh đô Ánh sáng, ông đã du lịch khắp nước Pháp và quyết định định cư tại đây. Ban đầu Vũ Cao Đàm thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho nghệ thuật điêu khắc, một lĩnh vực mà ông đã dành tâm huyết trong nhiều năm, để rồi cuối cùng ông lại bộc lộ tài năng tuyệt vời của mình qua tranh lụa. Trong cả hai lĩnh vực này, người nghệ sĩ đều tập trung chủ yếu tôn vinh hình ảnh con người qua những bức chân dung hoặc tranh vẽ với cảnh vật. Sự kết hợp khéo léo giữa truyền thống hội họa Á – Âu, những gương mặt tinh tế và dáng vẻ uyển chuyển của người mẫu trong tranh Vũ Cao Đàm làm cho nét vẽ của ông trở nên rất dễ nhận biết. Sự lựa chọn chất liệu sáng tác đi kèm với những thay đổi trong cuộc đời ông, điêu khắc và tranh lụa gắn liền với những năm ông sống ở Đông Dương và Paris trước chiến tranh, trong khi sơn dầu được ưu tiên sử dụng hơn trong thời gian ông sống ở miền Nam nước Pháp.

Vũ Cao Đàm (1908-2000), Thiếu phụ mặc áo đỏ cho con bú. Sơn dầu và chất liệu hỗn hợp trên lụa, chữ ký ở góc dưới bên trái

Các tác phẩm về tình mẫu tử của Vũ Cao Đàm nổi bật với sự dịu dàng và tinh tế, tôn vinh tình yêu của người mẹ. Trong tác phẩm này, ngoài hình ảnh người mẹ và đứa con, còn có sự xuất hiện của một nhân vật thứ ba: người chị. Người mẹ đang cho con bú trong một căn phòng, được thể hiện ở phông nền, trong khi người chị gái đang ngắm nhìn và xoa đầu của đứa trẻ. Các tông màu ấm áp của căn phòng và trang phục của người mẹ cùng con gái dường như đang bao bọc và sưởi ấm cho đứa trẻ trong trang phục trắng xanh. Tương tự, đôi tay của hai mẹ con đang bảo vệ và ôm ấp đứa trẻ.

Họa sĩ đã làm mới chủ đề quen thuộc về tình mẫu tử mà ông yêu thích bằng cách thêm vào hình ảnh của người chị và khoảnh khắc người mẹ đang cho con bú. Đây là một khoảnh khắc hiếm khi được khắc họa trong các tác phẩm Châu Á. Vũ Cao Đàm có thể đã tham khảo bố cục tranh của một số họa sĩ phương Tây hiện đại như Pierre-Auguste Renoir (1841-1919) hay Mary Cassatt (1844-1926), những hoạ sĩ đã từng thể hiện chủ đề này.

Vũ Cao Đàm (1908-2000), Thiếu nữ bên nhành hoa

Vũ Cao Đàm vẽ một cô gái trẻ nhẹ nhàng cầm trên tay một nhành hoa đào đang nở rộ. Đường cong của nhành hoa đào chia bố cục bức tranh thành hai phần và làm nổi bật gương mặt của cô gái trên phông nền nhiều màu sắc. Hoa đào báo hiệu mùa xuân, tượng trưng cho sự đổi mới và hy vọng. Từ góc nhìn u sầu của người nghệ sĩ, những bông hoa này cũng gợi nhớ về dòng chảy thời gian và tuổi trẻ thoáng qua. Mang dáng vẻ suy tư, cô gái dường như đang cảm nhận dòng thời gian đang trôi đi.

Việc lựa chọn thể hiện một nhân vật nữ đơn độc và không xác định danh tính đã đánh dấu sự canh tân lớn trong nghệ thuật Việt Nam và đặc trưng cho những nghệ sĩ trẻ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trên thực tế, hình ảnh tương tự khó có thể xuất hiện trong xã hội truyền thống Việt Nam lúc bấy giờ. Bằng cách tiếp cận chủ đề này, các nghệ sĩ khẳng định tính hiện đại trong phong cách nghệ thuật và ca ngợi cái đẹp.

LÊ PHỔ (1907-2001)

Sinh ngày mùng 2 tháng 8 năm 1907 tại tỉnh Hà Tây trong một gia đình quan chức với thân phụ là Phó Vương Bắc Kỳ, Lê Phổ (1907-2001) theo học hai năm tại Trường Mỹ thuật Ứng dụng Công nghiệp do nhà điêu khắc Gustave Hierholtz làm Hiệu trưởng. Sau đó ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ngay khi trường được thành lập vào năm 1925 tại Hà Nội. Năm 1930, khi vừa tốt nghiệp, ông được giữ lại trường để dạy về nghệ thuật trang trí và thiết kế nội thất. Năm 1931, Victor Tardieu, rất chú ý tới tài năng của chàng trai trẻ Việt Nam, đã chọn ông làm phụ tá cho Triển lãm Thuộc địa tại Paris. Đối với Lê Phổ, chuyến đi này là cơ hội để ông khám phá nước Pháp và Châu Âu. Thăm thú nhiều quốc gia khác nhau như Ý, Hà Lan và Bỉ, cùng với những chuyến tham quan bảo tàng – nơi ông cảm thụ khái niệm về những gì sơ khai nhất của nghệ thuật. Những chuyến đi đã giúp ông học hỏi và đào sâu hiểu biết của mình về nghệ thuật phương Tây.

Lê Phổ (1907-2001), Bó hoa mẫu đơn. Màu nước, màu gouache và màu chì trên giấy, ký tên ở góc dưới bên trái

Mẫu đơn là một chủ đề thường xuất hiện trong các tác phẩm của Lê Phổ, họa sĩ người Việt Nam đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930, ngôi trường được thành lập tại Hà Nội vào năm 1925. Loài hoa này được coi là loài hoa quý tộc tại châu Á, biểu tượng của vẻ đẹp và sự thịnh vượng.

Đây là một trong những tác phẩm quý hiếm được vẽ trên giấy, được thực hiện vài năm sau khi hoạ sĩ định cư tại Paris vào cuối những năm 1930. Ông đã thể hiện sự tinh tế của những bông hoa qua đặc tính trong suốt mà màu nước và màu bột mang lại. Các nét chì hiện hữu qua những nét chấm phá màu trắng nhẹ nhàng trên nền của bức tranh. Bốn đoá mẫu đơn nổi bật trên màu nền gần như đồng nhất, thể hiện khả năng tái hiện ánh sáng tuyệt vời của họa sĩ. Bó hoa được cắm trong một chiếc bình màu xanh, gần như không thể nhìn rõ nhưng lại mang tới một màu sắc nổi bật cho bố cục, cũng như hiệu ứng mà đoá mẫu đơn màu đỏ mờ ảo ở góc phải đem lại cho bức tranh.

Lê Phổ (1907-2001), Tulip và cành mận. Sơn dầu, mực và màu trên lụa, chữ ký ở góc dưới bên trái

Năm 1937, khi được Victor Tardieu giao phụ trách khu vực “Đông Dương” của Triển lãm quốc tế được tổ chức trên đảo Thiên nga, Lê Phổ quyết định định cư tại Pháp. Cuộc gặp gỡ với Matisse, và đặc biệt là với Bonnard vào đầu những năm 1940 đã thôi thúc ông quay trở lại với sơn dầu, như minh chứng qua tác phẩm “Tulip và cành mận”. Lê Phổ thổi hồn vào những bố cục hoa cổ điển của mình. Nắm vững chủ đề một cách hoàn hảo, nghệ sĩ sử dụng cùng một nguyên tắc cho mỗi tác phẩm: mặc dù loài hoa thay đổi, nhưng luôn có một gam màu chủ đạo được kết hợp hài hoà với những tông màu xung quanh, tạo nên vầng hào quang cho các tác phẩm của ông.

NHỮNG PHIÊN ĐẤU GIÁ TIẾP THEO VỀ HỌA SĨ CHÂU Á: TRUNG QUỐC, VIỆT NAM
Ngày 10 tháng 9 và ngày 5 tháng 11 năm 2024, lúc 14h30

Để biết thêm thông tin hoặc thêm một lô hàng vào phiên đấu giá sắp tới của Aguttes, vui lòng liên hệ:
Charlotte Aguttes-Reynier – Chuyên gia
+33 1 41 92 06 49 – reynier@aguttes.com


PHIÊN ĐẤU GIÁ SẮP TỚI « NGHỆ THUẬT CHÂU Á »
Ngày 18 tháng 9 và ngày 3 tháng 12 năm 2024, lúc 14h30

Để biết thêm thông tin hoặc thêm một lô hàng vào phiên đấu giá sắp tới của chúng tôi, vui lòng liên hệ:
Clémentine Guyot – Trưởng ban Nghệ thuật Châu Á
+33 1 47 45 00 90 – guyot@aguttes.com

Nguồn: Aguttes

Chia sẻ:
Back to top