Logo loading

VÀI TẢN MẠN VỀ HỘI HỌA LỤA CỦA NGUYỄN THỤ (12.12.1930-24.6.2023)

(Tưởng nhớ tới một họa sĩ tên tuổi vừa mới tạm biệt trần thế) Trên sàn đấu giá quốc tế, tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lương Xuân Nhị trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao luôn được đón chờ và yêu mến nồng nhiệt. Người […]
|Viet Art View

(Tưởng nhớ tới một họa sĩ tên tuổi vừa mới tạm biệt trần thế)

Trên sàn đấu giá quốc tế, tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lương Xuân Nhị trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao luôn được đón chờ và yêu mến nồng nhiệt.

Người làm nên tên tuổi cho hội họa tranh lụa Việt Nam thời kỳ cận Hiện đại (1925-1945), chắc chắn rồi, không ai khác, đó chính là Nguyễn Phan Chánh với những tác phẩm kinh điển, trở thành biểu tượng về mọi giá trị.

Vậy, sau Nguyễn Phan Chánh là ai, người nào đủ sức kế thừa di sản to lớn ấy để trở thành họa sĩ quốc nội có sự sáng tác đa diện, nhiều chủ đề, trải qua rất nhiều năm tháng vẫn giữ một trong những vị trí hàng đầu của Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam…đó chính là NGUYỄN THỤ. Người đã mang cho lụa một sức sống mới với những bức tranh đẹp như những bài thơ, lảng bảng êm đềm, rất thanh thoát, lướt qua ánh mắt nhìn như cơn gió nhẹ nhưng luôn làm lay động cảm xúc người xem ở cảm xúc cao nhất.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Thụ (1930 – 2023)

Họa sĩ Nguyễn Thụ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thụ. Quê quán xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Tây. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam niên khóa 1957-1962 – còn gọi là “Khóa Tô Ngọc Vân”. Danh hiệu Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân. Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) từ 1985 đến 1991.

Người viết bài này nhớ thời là sinh viên trường Yết Kiêu (thời khu tập thể giáo viên vẫn đi chung lối đi từ cổng 42 Yết Kiêu), ngày nào cũng đi qua đi lại cổng nhà họa sĩ Nguyễn Thụ, Huy Oánh và Lê Thiệp rất nhiều lần bởi nhà các thầy là lối đi vào lớp. Lúc ấy, nhà thầy Oánh rất thân quen với chúng tôi vì đây là nơi chúng tôi thi thoảng được vào để xin nước uống, bởi anh Chiến, con trai họa sĩ Huy Oánh chơi thân với một chị cùng lớp tôi. Còn nhà thầy Thụ hầu như lúc nào cũng đóng cổng, bên trong rất im, rất lặng. Thỉnh thoảng mới thấy thầy Thụ thấp thoáng trong sân nhà. Còn nhà thầy Đinh Trọng Khang, thầy Trọng Cát, thầy Thế Hùng ở sâu tít bên trong khu tập thể… Thời ấy thật là vui với quán nước trà và mỳ tôm của bà Linh điếc. Ngày ấy chớp mắt đã hơn 30 năm…

Khoảng những năm 2005 -2006, tôi được giao phụ trách chuyên mục phỏng vấn những họa sĩ đã từng được gặp Hồ Chủ Tịch. Trong đó có họa sĩ Ngô Tôn Đệ, Nguyễn Thụ… Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt ngắm rất nhiều tranh trong nhà ông, được chụp ảnh với ông cùng những bức tranh. Những bức tranh màu sắc nhã nhặn, nhẹ nhàng, nhiều chất thơ, như sương, như khói… về phong cảnh miền núi khiến tôi mê mẩn không rời mắt.

Lúc trò chuyện, họa sĩ Nguyễn Thụ rất nhiệt tình, ngồi kể tỉ mỉ, kỹ lưỡng câu chuyện ông đã được gặp Bác Hồ như thế nào, ánh mắt như sao sáng của Bác ra làm sao, giọng nói như thế nào… Có thể thấy, ông vô cùng kính yêu Hồ Chủ Tịch. Đề tài về Bác là một trong những đề tài yêu thích và đạt thành tựu của ông.

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Hồ Chủ Tịch trên đường đi công tác, lụa, 2000

…Hai bác cháu ngồi nói chuyện mãi đến tận chiều muộn tôi mới ra về. Và sau đó bài báo được in, tôi có qua nhà gửi biếu ông mấy cuốn.

Sau này, khi được tiếp xúc trực tiếp với tranh lụa của ông nhiều hơn, được xem rất nhiều tranh sáng tác qua các thời kỳ với nhiều chủ đề chiến tranh, lãnh tụ, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, nude… mới thấy Nguyễn Thụ là người có khả năng quan sát tinh tế mọi sự vật, hiện tượng từ thiên nhiên đến con người. Sau đó, ông quy nạp chúng về chung một lối tạo hình tinh tế, đơn giản, nhẹ nhõm. Ông không vẽ quá sâu các chi tiết hình, thường dùng lối vẽ nhòe mờ của chất liệu lụa, màu nước để tạo hình, tạo khối như tranh thủy mặc. Nền tranh luôn tối giản nhất có thể. Đôi khi chỉ là một mảng phảng kiệm sắc, từ đó các hình khối hiện lên mờ tỏ, đậm nhạt, gần xa.

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Mưa. 1972. Lụa

Thoạt nhìn, có cảm tưởng như ông vẽ nét kiệm quá, lười biếng trong tạo hình chăng nhưng không, ông nắm bắt thần thái, và chỉ vài nét phẩy của đầu bút lông, vài vệt mầu đậm được loang ra đã tạo nên cả một khung cảnh nên thơ, trữ tình của thiên nhiên tuyệt đẹp. Đó là thần thái, là cái giỏi của người họa sĩ khi nắm bắt được hình thể, sự vật ở trạng thái tiêu biểu nhất.

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Mùa xuân Tây Bắc. Lụa. 1993

Tại sao họa sĩ Nguyễn Thụ sáng tác đề tài miền núi nhiều và thành công đến như vậy. Ông rất yêu thích phong cảnh miền nùi, ông có người vợ phúc hậu, xinh đẹp người dân tộc Tày. Bà cũng là nguồn cảm hứng trong nhiều tác phẩm của ông.

Trong một lần phỏng vấn họa sĩ Đỗ Hữu Huề, khi ông kể chuyện về học viên khóa Tô Ngọc Vân có tếu táo rằng: “Này, nom Nguyễn Thụ thế thôi mà đáo để lắm đấy nhé. Khi lên miền núi thực tập, cứ im ỉm, thế nào mà lại mang được hẳn một cô về Hà Nội mới kinh”.

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Thiếu nữ. Lụa. 1995

Con gái họa sĩ Nguyễn Thụ thì kể rằng, thời kỳ đi thực tập những năm 57,58, cha của chị được bà Sâm ở bản Càng Dưới, Chi Lăng, Lạng Sơn nhận làm con nuôi. Mẹ của chị sống ở bản Càng Trên, bố chị hay đi vẽ qua chỗ cô gái Tày xinh đẹp chăn trâu… Thế rồi hai người cảm mến nhau nên vợ nên chồng. Hồi đó, ông ngoại của chị không đồng ý để bố mẹ chị cưới nhau. Sau đó, nhờ có chú ruột – em của ông ngoại tác động, thuyết phục mãi thì bố mẹ chị mới đến được với nhau.

Và chính vì những gắn bó như vậy nên phong cảnh miền núi cùng với sinh hoạt của người dân tộc với tất cả những gì thơ mộng, nhẹ nhàng nhất đã tạo nên một hội họa lụa Nguyễn Thụ vô cùng giàu chất thơ và trữ tình…trở thành biểu tượng trong tranh Nguyễn Thụ.

Và chắc chắn, HỘI HỌA LỤA NGUYỄN THỤ là một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thụ:

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Mùa xuân. Khắc gỗ

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Sương sớm. 2010. Lụa.

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Ghé qua bản. 1970. Lụa

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Chân dung cháu Yên. Lụa. 1957

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Đêm Nguyên Tiêu. Lụa. 1990

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Phong cảnh Thuận Châu, Sơn La. 1997. Màu nước trên giấy dó

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Mùa trứng kiến ở Lạng Sơn. Lụa. 1991

Nguyễn Thụ (1930 – 2023). Chào xuân Tân Tỵ. 2001. Màu nước trên giấy dó

Bài viết bởi Viet Art View 
Bản quyền thuộc về Viet Art View 

Chia sẻ:
Back to top