Hình ảnh người nông dân trên cánh đồng, lúc cày bừa, lúc nhổ mạ, khi cấy lúa, đặc biệt là gặt lúa, gánh lúa về nhà… đã đi vào nghệ thuật với rất nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa; trở thành một chủ đề nhiều cảm hứng.
Tác phẩm “Tổ đổi công” của họa sĩ Hoàng Tích Chù. Nguồn: Trang web Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hai bức tranh “Tổ đổi công” 1958, sơn mài của họa sĩ Hoàng Tích Chù (1912-2003) và “Chùa tháp Phổ Minh”, sơn mài, 1966 của Nguyễn Sáng (1923-1988) miêu tả cảnh đi cấy lúa đã trở thành những tác phẩm tiêu biểu của Bảo tàng về chủ đề xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa.
Tác phẩm “Chùa tháp Phổ Minh” của họa sĩ Nguyễn Sáng. Nguồn: Trang web Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Văn Bình (1917-2004) học khóa XII trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Dương Hướng Minh(1919-2008), Nguyễn Trọng Hợp (1918-1999), Nguyễn Thị Kim (1918-2011), Trần Đình Thọ (1919-2010)… Lúc đương thời, ông và họa sĩ Trần Đình Thọ được giới chuyên nghề đặt cho biệt danh “Thọ tre, Bình chuối” hàm ý thành tựu đặc biệt về tạo hình mang đậm dấu ấn cá nhân.
Từ trái sang: Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, họa sĩ Trần Văn Cẩn, họa sĩ Văn Bình (thứ tư)
Bức tranh sơn mài “Cấy lúa trước bình minh” được họa sĩ Văn Bình sáng tác năm 1990; kích thước 80×120cm, mô tả hình ảnh lao động vừa mang tính hiện thực lại đậm chất lãng mạn nên thơ.
Tính hiện thực ở chính đề tài lao động – đi cấy; tính lãng mạn – phong cảnh quê hương trước bình minh với thảm thực vật tiêu biểu của Việt Nam.
Về cơ bản, bức tranh miêu tả một cảnh đi cấy lúa buổi sớm. Nhưng nếu ngắm nhìn bức tranh kỹ lưỡng, đặt con mắt dưới cái nhìn của chính nghệ sĩ, chúng ta sẽ thấy còn hơn thế rất nhiều. Dựa vào hòa sắc, dựa vào các chi tiết màu sắc, đậm nhạt, sáng tối trên nền trời, có thể thấy sự tinh tế trong việc quan sát và mô tả hiện tượng. Đây là nền trời đang ấm dần lên bởi mặt trời sắp hé rạng. Trên thực tế, người nông dân cũng thường đi cấy rất sớm, phần để tránh nắng, phần theo kinh nghiệm dân gian, mạ được cấy lúc trời còn sâm sẩm tối sẽ tốt hơn dưới ánh sáng chan hòa.
Bố cục của bức tranh cho thấy rõ sắp xếp hài hòa, mạch lạc, chặt chẽ vừa đủ giữa con người, cảnh vật. Các dạng thực vật lớn như cụm tre, hàng cây được quy về các mảng lớn sẫm màu; trong khi các khóm chuối lại được phủ màu xanh non mát. Một thân cây to tỏa những tán lá xòe rộng làm điểm nhấn chính giữa, cân bằng. Tạo hình không chú trọng miêu tả chi tiết mà được tác giả quy về các khối phẳng, đôi chỗ được viền nét to, nhỏ tạo điểm nhấn.
Chúng ta sẽ không thấy ở đây việc sử dụng viền vàng xay cho các khối hình như nhiều bức tranh trước đó của ông. Nhưng tương quan giữa các sắc độ trong tranh được đơn giản hơn, sáng hơn, tinh hơn và dường như lại hợp với các mảng màu lớn. Bởi có thể, sau lần thay “thủy tinh thể” cho mắt vào năm 1986, đôi mắt ông trở nên tinh tường, trong veo. Và đó dường như là điều chúng ta nhìn thấy trong “Cấy lúa trước bình minh” với một cảm giác thanh nhẹ và tươi mới…
Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View