Logo loading

VỀ BỨC TRANH SƠN MÀI “BẢN NẬM NÀ” CỦA HỌA SĨ VĂN BÌNH (1917-2004)

Ngày 3.12.2022, Nhà đấu giá Bonhams Hongkong tổ chức phiên đấu “SOUTHEAST ASIAN MODERN & CONTEMPORARY ART”. Trong phiên đấu có một số tranh của họa sĩ Việt Nam; tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Văn Bình; tốt nghiệp khóa Kháng chiến có […]
|Viet Art View

Ngày 3.12.2022, Nhà đấu giá Bonhams Hongkong tổ chức phiên đấu “SOUTHEAST ASIAN MODERN & CONTEMPORARY ART”.

Trong phiên đấu có một số tranh của họa sĩ Việt Nam; tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Văn Bình; tốt nghiệp khóa Kháng chiến có Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu; họa sĩ tài danh khu vực phía Nam có Nguyễn Trung; và đại diện cho thế hệ họa sĩ thời kỳ Đổi mới có Bùi Hữu Hùng. Ngoài ra cón có hai tranh sơn dầu của giáo sư người Pháp Joseph Inguimberty, người thầy đáng kính của nhiều họa sĩ thế hệ Đông Dương.

Tác phẩm Việt được đấu trong phiên không nhiều nhưng họa sĩ đều có tên tuổi… Tuy vậy, cũng khó tránh được một chút sạn.

Theo thông tin từ Bonhams thì bức sơn mài “Bản Nậm Nà”, 1991, 3 tấm, 120x181cm,  được đấu trong phiên đã được xác thực bởi tư liệu gốc qua tấm ảnh họa sĩ chụp với tác phẩm. Tranh được Yi gallery, Singapore mua trực tiếp từ họa sĩ. Sau đó, Yi gallery đã bán cho chủ nhân hiện tại- là một nhà sưu tập người Singapore, vào năm 2001.

Nguyễn Văn Bình (1917-2004). Bản Nậm Nà (Joy of Living). Lacquer, pigment, gold foil on wood. 120 × 181 cm. 47.25 × 71.25 in.

Trên thực tế, ở Việt Nam, bức tranh “Bản Nậm Nà” của họa sĩ Văn Bình là một trong những tác phẩm nổi tiếng và được mến mộ. Hiện tranh thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

“Bản Nậm Nà” hiện đang được trưng bày ở BTMTVN, chất liệu sơn mài, sáng tác 1961, kích thước 115,7×175,3, có phải bản đầu tiên của họa sĩ Văn Bình sáng tác hay không thì Viet Art View chưa rõ. Trong cuốn “Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hiện đại” của Hội Mỹ thuật Việt Nam, phần tiểu sử (do cá nhân từng họa sĩ tự gửi tới) của họa sĩ Văn Bình có viết: “Tác phẩm chính: Chăn dê Mông Cổ, phấn màu, 60×80, 1957; Bản Nậm Nà, sơn mài, 120×160,1958…”. Trong cuốn “Từ điển họa sĩ” của Nhà PBMT Quang Việt cũng đề cập đến “Bản Nậm Nà’, sơn mài, sáng tác 1958. Nhà PBMT Quang Việt cho biết, thông tin ấy do chính họa sĩ Văn Bình cung cấp. Thậm chí, trước đó nhiều năm, lúc họa sĩ Văn Bình còn sống, ông đưa Nhà PBMT Quang Việt đi xem bức tranh “Bản Nậm Nà”, lúc ấy đang trưng bày để bán tại cửa hàng của một công ty xuất nhập khẩu văn hóa.

VĂN BÌNH (1917-2004). Bản Nậm Nà. 1961. Sơn mài. 115.7 x 175.3 cm. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Theo giới thạo tin, cách đây khoảng 4,5 năm gia đình vẫn còn 1 bức sơn mài “Bản Nậm Nà”, 4 tấm, 120x180cm. Bức ấy hiện đang nằm trong bộ sưu tập tư nhân ở Việt Nam.

Họa sĩ Văn Bình chụp ảnh bên tác phẩm, năm 1991 tại nhà riêng trong khu nhà của giảng viên trường ĐH MTVN, ở phố Yết Kiêu (thời điểm đó). Ảnh tư liệu từ NĐG Bonhams

Không những thế, thậm chí, có 1 bản sketch “Bản Nậm Nà”, bột màu đen trắng, (nguồn gốc gia đình họa sĩ) đề 1968, 120x180cm đã được bán đấu giá tại Việt Nam năm 2018. Cũng có thể họa sĩ Văn Bình đề năm sáng tác sau khi vẽ phác thảo nhiều năm. Điều này thi thoảng cũng gặp ở Việt Nam. Nhất là các họa sĩ thời trước…

Bản sketch “Bản Nậm Nà”, bột màu đen trắng, (nguồn gốc gia đình họa sĩ) đề 1968, 120x180cm đã được bán đấu giá tại Việt Nam năm 2018

Còn về việc một bức tranh có nhiều bản vẽ thì trên thực tế, ở Việt Nam, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tranh lại được nhiều người thích, đặt hàng… nên các họa sĩ đôi khi làm lại thêm một vài phiên bản khác. Điều này là hiện tượng bình thường ở Việt Nam. Thậm chí, có họa sĩ đã kể, mình vẽ đi vẽ lại mười mấy bức tranh (lụa) từ một bản gốc để bán vì nhiều người thích “cứ bảo vẽ cho tôi, tôi thích, tôi mua. Không những thế phải giống hệt bức trước mới mua…vì bức ấy đẹp rồi, cứ vẽ theo nhé…”.

Quay trở lại bức sơn mài “Bản Nậm Nà” của họa sĩ Văn Bình sắp được đấu giá tại Bonhams để thấy rằng bức tranh này do chính họa sĩ sáng tác; chứa đựng những ý nghĩa lịch sử riêng của nó; điển hình cho một giai đoạn khó khăn kinh tế của xã hội Việt Nam thời điểm đó.

Với kích thước 120×181 cm, bức sơn mài ba tấm (ghép) có mức giá khởi điểm từ 800.000 – 1.200.000 HKD (đôla Hongkong). Tức là khoảng 2.5 đến 3.8 tỷ VNĐ, chưa kể các chi phí khác. Đây là một mức giá lạc quan cho Bonhams nhưng khó có thể đạt mức giá cao hơn nhiều giá khởi điểm, cho người mua đến từ Việt Nam.

Tại sao lại khó cao hơn mức giá 1,2 triệu hkd?

Thứ nhất: Bởi vì ở Việt Nam, một bức tranh có chất lượng và kích thước tương đương như vậy của họa sĩ Văn Bình không hiếm. Ông vẽ nhiều. Ngoài việc là người sáng tác chính, ông còn có sự trợ giúp các công đoạn khác về mặt nhân lực từ những người con (cùng nghề) chăm chỉ.

Thứ hai: Bức tranh này là một trong vài bản của một tác phẩm có tiếng trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Vì vậy, việc sở hữu với mức giá như trên, dù là khởi điểm, hoặc cao hơn cũng cho thấy một chút suy nghĩ gì đó. Mặc dù trên thực tế, nhiều tranh sơn mài, lụa của họa sĩ Việt thế hệ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có nhiều hơn một bức; thậm chí vài bức mà giá vẫn cao; như bình phong 4 tấm “Chín con cá chép trong hồ nước” đã đạt ngưỡng hơn 1 triệu usd của họa sĩ Phạm Hậu. Nhưng tranh Phạm Hậu luôn đắt, lúc nào cũng đắt, xếp ở một tầm giá trị khác về sự nghiệp.

Nhưng… luôn có thể – tất cả chỉ là dự đoán!

Từ điển tiếng Việt luôn có từ “nhưng”; Từ “nhưng” là từ nối cho rất nhiều mệnh đề. Bởi sẽ có một số ý kiến cho rằng bây giờ tranh sơn mài to, chuẩn xịn của các họa sĩ Đông Dương nổi tiếng chẳng có mà mua. Tiền thì có thể kiếm ra được, càng ngày càng nhiều người giàu có. Tranh thì chỉ có ngần ấy bức thật thôi. Không sáng suốt mua nhanh thì cơ hội ngày càng ít dần…Điều này xem ra ngày càng đúng.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đỏ sàn, phi thẳng xuống dưới mốc một nghìn điểm; bất động sản đóng băng vì các dự án ma; giá đất bị thổi quá cao so với giá trị thực tế thì nghệ thuật là kênh đầu tư văn hóa cao cấp và bền vững. Giá trị thụ hưởng cá nhân ở mức độ khác với việc sở hữu biệt thự, siêu xe, đồ hiệu.

Một vài chia sẻ nhỏ với bạn yêu nghệ thuật trước khi tranh được gõ búa…

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top