Bức tranh sơn mài hiếm quý này được sáng tác năm 1936, lúc này Lê Phổ đang dạy học tại trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội. Một năm sau đó, ông nhận được một cơ hội có khả năng thay đổi cuộc đời mãi mãi khi chọn Pháp là quê hương thứ hai của mình.
Cậu bé và con chim vàng. Giá ước đấu từ 120-150k euro. Đấu vào thứ Năm ngày 16.3.2023
Trên thực tế, việc đầu tiên chúng ta phải công nhận rằng đây là bức tranh sơn mài vừa hiếm, vừa quý của Lê Phổ. Thứ hai, đây là một bức tranh có tạo hình đẹp, chủ đề lãng mạn, rất bắt mắt về thị giác; dễ dàng trưng bày ở các không gian sang trọng khác nhau. Chỉ có điều hơi tiếc, tranh được sáng tác vào thời kỳ chất liệu sơn mài truyền thống Việt đang trong quá trình tìm tòi, khai phá sang ngôn ngữ của hội họa hiện đại nên sau gần 90 năm bề mặt đã bị xuống cấp.
Tuy nhiên, do hội đủ những yếu tố trên nên bức tranh vẫn sẽ có tính thanh khoản dễ dàng. Vì vậy, ngay từ khi mới được truyền thông công khai, bức tranh đã gây xôn xao giới yêu nghệ thuật.
Bất chấp thị trường nghệ thuật đang trầm lắng; bất chấp việc suy thoái kinh tế. Việc mở bán bức “Cậu bé và con chim vàng”, 1936, sơn mài của Lê Phổ tại Nhà đấu giá Art Research Paris, thứ Năm, ngày 16.3.2023 là một sự kiện thú vị, được chú ý một cách sâu rộng nhưng trong âm thầm. Các nhà sưu tập, nhà đầu tư thì tính toán điểm rơi của giá; nhà nghiên cứu thì phân tích mổ xẻ xem tính chân bản, giá trị nghệ thuật; người yêu nghệ thuật thì háo hức đón chờ xem liệu bức tranh có đạt kỷ lục về giá mới cho Lê Phổ hay không?
Thoạt nhìn “Cậu bé và con chim vàng”, 1936, sơn mài, 69x55cm chúng ta nhận thấy nét tương đồng về ngôn ngữ, bút pháp tạo hình…với một số tác phẩm tiêu điểm của Lê Phổ được sáng tác trên nhiều chất liệu những năm thập niên 30. Điểm qua một số tác phẩm sáng tác những năm 1930 của ông như “Phong cảnh Bắc Kỳ”, sơn mài – bình phong 5 tấm, đầu thập niên 1930; “Nhìn từ phía đỉnh đồi”, 1937, sơn dầu; “Cô gái và con vẹt”, 1938, lụa… để thấy giá trị nghệ thuật của “Cậu bé và con chim vàng” là rất đáng chú ý.
Sơn mài bình phong 5 tấm. Toàn bộ nguyên bản lúc chưa tách. Mặt trước là tranh của Lê Phổ. Mặt sau là tranh Trịnh Hữu Ngọc
Bức “Nhìn từ đỉnh đồi” do nhà đấu giá Christie Hồng Kông rao bán ngày 22/11/2014 đạt mức 6.520.000 đô la Hồng Kông (gần 19,4 tỷ đồng).
Bức “Người phụ nữ bên con vẹt” do nhà đấu giá Christie Hồng Kông rao bán ngày 10/7/2020 đạt mức 4.925.000 đô la Hồng Kông (gần 14,7 tỷ đồng).
Đây là thời kỳ vàng của những bức tranh mang đậm dấu ấn thời kỳ thứ nhất của Lê Phổ. Với sơn mài, lụa, sơn dầu ông đều để lại dấu ấn đặc biệt tạo nên một danh xưng “Lê Phổ” lẫy lừng mà trong lịch sử hội họa Việt Nam phải đặc biệt ghi nhận.
Theo thăm hỏi từ một vài nhà sưu tập thật sự (khu vực Hà Nội) cho thấy, họ quan tâm đến bức sơn mài này. Với giá ước đấu từ 120-150k euro từ NĐG, thì điểm giá mua của họ sẽ rơi vào khoảng 200-250k euro (chưa tính phí). Còn nếu cao hơn nữa thì họ chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng ý kiến này chỉ mang tính tham khảo mà thôi. Mọi thứ còn thay đổi. Tất cả phải chờ đến phiên đấu ngày 16.3.2023…
Có một điều hơi tiếc cho “Cậu bé và con chim vàng” bởi thời điểm đấu giá không thật sự thuận cho một tác phẩm hiếm quý của Lê Phổ. Nếu tính các nhà sưu tập ở Việt Nam thôi thì thanh khoản bây giờ không dễ dàng. Khoảng 1 -2 năm trước đây, chắc chắn bức tranh này sẽ gây “sóng gió” trong phiên đấu bởi các lệnh mua liên tiếp… sẽ đẩy giá trị lên cao. Và đôi khi, cao quá mức giá trị thương mại thực tế của tác phẩm.
Cuối cùng vẫn là câu cảm thán cũ “đây là thời điểm tốt để mua các bức tranh tốt với giá tốt…”.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View